Chia sẻ

Tre Làng

TỤC ĂN TRẦU CỦA NGƯỜI VIỆT

Người Hà Nội vốn nổi tiếng sành ăn, sành mặc, Hà Nội là nơi chắt lọc những tinh hoa, nét đẹp của mọi miền để tạo nên nét đẹp cho riêng mình. Nét đẹp của Hà Nội thể hiện ngay cả trong tục dùng trầu - một phong tục mà theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương dựng nước (qua sự tích Trầu Cau mà người Việt Nam hầu như ai cũng biết.

Trước kia, người Hà Nội từ 13 tuổi trở lên là biết ăn trầu. Theo sứ giả nhà Nguyên vào đời Trần, ở Thăng Long, 61 phố phường đều trồng rất nhiều cau và trầu không. Người Hà Nội trước đây có câu:

Mua vôi chợ Quán, chợ cầu
Mua cau Nam Phố, mua trầu chợ Dinh


Chợ Cầu, chợ Quán là các chợ lẻ, chợ phụ dọc đường, Nam Phố là tên cũ của phố Hàng Bè bây giờ, nơi xưa bán rất nhiều cau tươi, cau khô. Chợ Dinh gần dinh quan phủ Phụng Thiên (quãng phố Phủ Doãn và Ngõ Huyện bây giờ). Ngày nay, người Hà Nội ít ăn trầu hơn trước nên không còn những phố bán trầu mà tập trung phần lớn ở những chợ một số ít được đem bán rong. Người Hà Nội rất công phu trong cách chọn trầu. Cau ngon phải là cau bánh tẻ, không già, không non, vừa tới hạt (nửa màu, nửa hạt). Người sành ăn thường kén mua cau Đông ở tỉnh Hải Hưng (cũ). Từ tháng 8 có thêm cau miền Nam nhưng người ta ít ăn vì loại cau này nhiều hạt không ngon. Mua trầu phải chọn lá hơi ánh vàng, nhỏ, dày, tươi. Ngày trước có trầu không làng Chả ngon nổi tiếng vì lá nhỏ, vừa thơm vừa cay, để có được lá trầu như vậy người làng Chả ngày đó trồng trầu cũng rất công phu, dàn trầu không phải được trồng trên đất trồng gừng. Ngày nay người Hà Nội ăn trầu Hưng Yên, vào dịp lễ hỏi người ta mua trầu Tây Sơn vì lá to đẹp. Người sành ăn trầu chọn vôi xứ Đoài - Sơn Tây.

Têm trầu cánh phượng - Nghệ thuật của người Hà Nội

Bộ đồ ăn trầu của người Hà Nội gồm có: cơi đựng trầu bằng đồng hoặc quả trầu sơn khảm xà cừ, ống vôi chạm bạc, ống nhổ bằng đồng thau đựng quết trầu. Những cụ già ăn trầu còn có thêm cối giã trầu bằng đồng chạm trổ khá tinh vi chỉ bỏ vừa miếng trầu, miếng cau, vỏ để giã. Dao bổ cau phải sắc để bổ cau cho đẹp và hạt không bị vỡ. Cũng chỉ là "Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh. Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.

Nhưng cách ăn trầu của người Hà Nội rất duyên dáng, họ ăn trầu không những làm đỏ môi, răng đen mà còn tạo nét môi cắn chỉ rất đẹp, Người ta không cho cả cau, trầu và rễ vào cùng một lúc mà ăn từng thứ một. Cau được nhai dập mới cho trầu vào và sau cùng là rễ quệt thêm một ít vôi, khi ăn người ta thường lấy tay quệt ngang miệng, lâu dần tạo thành nét môi cắn chỉ. Người xưa ăn trầu còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại ôm sát lấy chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Còn trong y học cổ truyền người Việt Nam xưa đã dùng trầu cau như một thứ thuốc chống bệnh sốt rét rừng một khi vào rừng sâu săn bắn hoặc xuống biển mò ngọc trai, săn bắt đồi mồi... Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của con người. Chính vì lẽ đó, khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai đòi bằng được cô gái ra têm trầu, trước là để xem mặt cô dâu, sau là để xem cử chỉ têm trầu của cô gái mà phán đoán tính nết. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa...

Ngày nay, ở Hà Nội hầu như chỉ những người trên 60 tuổi mới ăn trầu cho nên Hà Nội không còn cảnh mời trầu như A.de Rovodes - một người Pháp nói về việc ăn trầu của người Thăng Long thế kỷ XII: "Họ có tục đem theo một vài túi con đầy trầu cau đeo ở thắt lưng, họ để mở trong khi qua lại phố phường để mời bạn bè. Khi gặp họ bắt đầu chào hỏi nhau, rồi mỗi người lấy ở trong túi của bạn một miếng trầu để ăn". Tuy nhiên, quan niệm "miếng trầu là đầu câu chuyện" của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung vẫn được áp dụng ở những dịp hiếu, hỉ. Ngày Rằm, mồng Một hoặc các ngày lễ Tết hoặc trong những dịp lễ ăn hỏi, cưới xin của các gia đình Việt Nam vẫn không thể thiếu miếng trầu quả cau trên bàn thờ tổ tiên.Trầu cau chỉ là một thứ nhai chơi, tuy đơn sơ nhưng lại có nhiều ý nghĩa trên lĩnh vực y học, tâm lý xã hội... dùng trầu cau còn là một truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngày nay, không mấy ai ăn trầu nhưng nét đẹp đó vẫn được gìn giữ và áp dụng trong cuộc sống của người dân.

Trầu têm cánh phượng

Miếng trầu gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc. Truyện Trầu cau, qua truyền miệng thêm bớt của nhiều thế hệ, những tình tiết “nguyên thủy” đã được khoác cái áo của lễ giáo cho phù hợp với đạo Khổng-Mạnh. Đến nay, chủ đề của Trầu cau lại trở thành câu chuyện luân lý, đạo đức, khuyên con người xích lại gần nhau hơn, vị tha hơn để sống chan hòa, nhân ái trong cuộc sống hội nhập. Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu-một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ “cũng là đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay... đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian


Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu. Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:

“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
... Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!...”.
(Sự tích Trầu cau-Hồng Quang)

Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu rất quen thuộc, dễ kiếm. Trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa. Giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có, từ Bắc chí Nam. Ăn trầu là một phong tục truyền thống, nhưng cách têm trầu thì lại mang rõ dấu ấn văn hóa của vùng miền.

“Mẹ tôi sáng nào cũng sang chợ ,chỗ ngã ba của làng để tìm mua dầu cau.Mẹ tôi bảo phải đi sớm để chọn được những lá trầu ngon.Về nhà mẹ ngồi cặm cụi têm trầu, rồi gói thành những gói nhỏ để đi biếu những người bạn giàu cau.Mỗi buổi chiều về ,các bà ,các cụ lại ngồi quây quần bên nhau bên hè phố nhỏ, ăn miếng trầu thơm, chuyện trò vui vẻ…


Mời trầu

- Miếng trầu đạo ngãi tương tư
Không ăn cầm lấy cũng như ăn rồi

- Miếng trầu ai rọc ai têm
Miếng cau ai bổ mà nên vợ chồng

-Mua cau , chọn những buồng sai
Mua trầu chọn những trăm hai lá vàng
Cau tiện ngang , trầu vàng ngắt ngọn
Thời buổi này kén chọn làm chi
Sao em không lấy chồng đi

-Miếng trầu là miếng trầu vàng
Ăn rồi ta kết nghĩa chàng nên đôi

- Trầu xanh , cau trắng , chay hồng
Vôi pha với nghĩa , thuốc nồng với duyên

- Yêu nhau trao một miếng trầu
Giấu thầy giấu mẹ , đưa nhau ăn cùng

- Vườn em tốt đất trồng cau
Cho anh trồng ghé bụi trầu một bên
Bao giờ cau nọ tốt lên
Trầu kia bén ngọn ta nên vợ chồng

-Tuổi em mười tám đang tròn
Rắp mua trầu lộc cau non để nhà
Để mà thết khách đàng xa
Bây giờ thấy khách lòng đà mừng thay
Gió hương đưa khách tới đây
Trầu têm cánh phượng hai tay bưng mời

-Trầu này ai dạm em đây
Hay là bông vải mẹ thầy em cho
Trầu này thực của em têm
Trầu phú trầu quý trầu nên vợ chồng
Trầu này bọc khăn tơ hồng
Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây

- Trầu đà có đây , cau đã có đây
Nhân duyên chửa định trầu này ai ăn
Trầu này trầu túi , trầu khăn
Cùng trầu giải yếm anh ăn trầu nào

- Trầu bọc khăn trắng cau tươi
Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh
Ăn cho nó thoả tâm tình
Ăn cho nó hả sự mình sự ta

-Trầu này trầu quế trầu hồi
Trầu loan , trầu phượng , trầu tôi , trầu mình
Trầu này trầu tính , trầu tình
Trầu nhân , trầu ngãi , trầu mình lấy ta

- Trầu này sáu miếng rõ ràng
Bỏ ra cơi thiếc mời chàng , chàng ơi
Trầu em trầu quế vừa vôi
Chàng ăn một miếng kết đôi vợ chồng

-Trầu này cúc , trúc ,mai đào
Trầu này thục nữ anh hào sánh đôi
Trầu này trầu quế , trầu hồi
Trầu này thục nữ ước người trượng phu

-Trầu không vôi ắt là trầu nhạt
Cau không hạt ắt là cau già
Mình không lấy ta ắt là mình thiệt
Ta không lấy mình ta biết lấy ai

-Trầu anh têm những hôm qua
Cau anh mới bổ nó ra con rồng
Trầu anh têm đã có công
Trầu mặn trầu nồng ăn chẳng có chê

-Vợ chồng ăn miếng trầu cay
Phải đâu khách lạ mà khay xà cừ

-Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tầu
Giữa đệm cát cánh , hai đầu quế cay
Trầu này ăn thật là say
Dù mặn , dù nhạt , dù cay , dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
Cầm lược thì nhớ đến gương
Cầm khăn nhớ túi , nằm giường nhớ nhau

-Tay cầm trái cau vừa đi vừa bổ
Tay nhấc ngọn trầu vừa trổ vừa têm
Đôi ta trong ấm ngoài êm
Xa nhau đằng đẵng bao đêm em khóc thầm

-Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu têm cánh phượng , trầu mình trầu ta
Trầu này trong tráp bỏ ra
Trầu têm cánh phượng , cau vừa chạm xong
Miếng trầu có bốn chữ tòng
Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà
Nào là chào mẹ chào cha
Cậu cô chú bác mời ra xơi trầu

-Miếng trầu là miếng trầu cay
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi
Miếng trầu têm để trên cơi
Nắp vàng đậy lại đợi người tri âm
Miếng trầu kèm bức thư cầm
Chờ cho thấy khách tri âm sẽ chào
Miếng trầu têm ở trên cao
Chờ cho thấy khách má đào mới cam
Miếng trầu têm để bên Nam
Mang sang bên Bắc mời chàng hôm nay
Miếng trầu xanh rõ như mây
Hạt cau đỏ ối như dây tơ hồng
Miếng trầu như trúc như thông
Như hoa mới nở như rồng mới thêu

LâmTrực@ sưu tầm

1 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog