Chia sẻ

Tre Làng

VĂN HÓA TỪ CHỨC ĐANG TRÊN CON ĐƯỜNG HÌNH THÀNH

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khẳng định như vậy về câu chuyện văn hóa từ chức khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của đại biểu Quốc hội tại hai quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, ngày 29-11.

“Đã đến lúc cần có sự khởi đầu về văn hóa từ chức. Một đất nước văn minh thì không thể đợi đến khi bỏ phiếu bãi nhiệm rồi mới nghỉ. Tôi rất băn khoăn tại sao đến giờ Quốc hội chưa đặt ra vấn đề từ chức, chưa xem xét quy định về cơ chế từ chức. Thực tế đã có nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc, tại sao khi có sự vụ khiến người dân bức xúc như thế nhưng không thấy ai lên tiếng từ chức. Tôi nghĩ cần phải nhìn nhận việc từ chức hoàn hoàn khác với miễn chức. Vì vậy, tôi đề nghị cần luật hóa vấn đề này”- cử tri Ngô Hớn (phường Kim Liên, quận Đống Đa) đề nghị.

Nêu vấn đề nhiều tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, cử tri Nguyễn Văn Thanh (phường Hàng Bột, Q.Đống Đa) cho rằng việc xem xét, nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu ở đây chưa đúng mức. “Tại sao lỗ lớn như thế, thất thoát lớn như thế mà không thấy ai từ chức. Chúng ta khuyến khích tự giác nhưng khi người đứng đầu thiếu tự giác thì rất cần phải rạch ròi trách nhiệm, phải rõ cơ chế để buộc từ chức” - cử tri Thanh nêu.

Giải đáp thắc mắc của cử tri, thay mặt các đại biểu, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: “Không có quy định nào cấm ai đó từ chức. Vấn đề hiện nay chỉ là chưa có người đi đầu, chưa có người gương mẫu về từ chức”.

Ông Nghị cho biết trong nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm vừa được Quốc hội thông qua, nghị quyết cũng đã xác định khuyến khích việc từ chức đối với những người có tín nhiệm thấp. Còn nếu sau hai năm lấy phiếu tín nhiệm mà số phiếu tín nhiệm vẫn thấp thì đương nhiên sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu không từ chức. “Tôi có suy nghĩ sang năm và những năm tới đây, nếu có vị nào mà sau khi lấy phiếu tín nhiệm cả hai lần đều thấp dưới 50%, tôi chắc là sẽ có vị từ chức” - ông Nghị nói.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng đều có chung kiến nghị Quốc hội cần sớm quy định cơ chế quản lý, phân bổ tiền lương để tránh tình trạng quỹ lương của người lao động vẫn mãi chỉ 3-4 triệu, còn lương của lãnh đạo các tập đoàn, dù thua lỗ vẫn cao ngất ngưởng.

XUÂN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog