Người đầu tiên bắn rơi B-52 là phi công Vũ Đình Rạng, đúng một năm trước cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không”
Năm 1971, hạ gục B-52 là mục tiêu hàng đầu của Quân chủng Phòng không – Không quân nhằm ngăn chặn các bước leo thang của Mỹ khi sử dụng sức tàn phá ghê gớm của mẫu máy bay ném bom chiến lược này đổ vào tuyến đường huyết mạch Trường Sơn tại Quảng Bình, Vĩnh Linh…
Ông Rạng vẫn nhớ như in ngày 20/11/1971, lần đầu tiên đối mặt với B-52. Rút kinh nghiệm từ lần tiếp cận B-52 vào tháng 10 trước đó, sở chỉ huy B8 đã đề ra chiến lược, đánh đêm và dùng một MIG 21 bay nghi binh ở độ cao 8.000-10.000m vòng quanh Tân Ấp, đèo Mụ Dạ rồi vòng về Nội Bài hạ cánh để đánh lừa radar của Hạm đội 7, tin rằng MIG của Bắc Việt không còn khả năng cất cánh. Quả nhiên, phi đội B-52 đã chủ quan, ung dung bay vào mà không sử dụng bất kỳ tín hiệu gây nhiễu nào.
Khi chiếc MIG 21 nghi binh hạ cánh lúc 7 rưỡi tối, một tiếng sau, trạm radar 41 thông báo phát hiện một đội 3 chiếc bay B-52 theo đội hình “bàn tay xòe” ở Tây Savanakhet (Lào) khoảng 100km.
9 giờ kém 15, Vũ Đình Rạng âm thầm cất cánh, bay từ Anh Sơn (Vinh) vào Tân Ấp (Hà Tĩnh) trong tầm thấp và tạm thời cắt đứt liên lạc với chỉ huy, không bật radar để tránh bị phát hiện. Bay thấp trong đêm, địa hình phức tạp lại không được bất kỳ trợ giúp nào từ sở chỉ huy đã là một hành động anh hùng của phi công trong đại đội đánh đêm ngày ấy và nhờ kỳ tích này mà Vũ Đình Rạng có thể tiếp cận được B-52.
Khi còn cách máy bay địch khoảng 70km, lúc này sở chỉ huy mới nối liên lạc, chỉ đạo: bỏ thùng dầu phụ, tăng lực... Chiếc máy bay phóng vút lên, rút ngắn khoảng cách. 60km, 45km, 15km… 11km.
“Bật radar” - sở chỉ huy lên tiếng. Sỹ quan dẫn chính lệnh cho phi công tăng tốc độ lên 1.400km/h. Do cao độ MIG 21 vẫn thấp hơn tốp bay của địch 500m, Vũ Đình Rạng quyết định kéo cao, lấy chiếc B-52 bay đầu tiên làm mục tiêu (cách 11km, chiếc cuối cách 6km). Ngay sau khi mục tiêu lọt cự ly 5km, Vũ Đình Rạng ấn nút bám sát, tiến vào vùng ngắm ổn định, cho phép phóng tên lửa.
“Tên lửa bên trái đầu tiên rời bệ phóng, nổ trùm một bên động cơ B-52, ngay sau đó, tôi kéo cần lái bay lên cao, thoát ly chiến thuật” - ông Rạng kể lại. Khi vừa lên cao nhìn xuống, ông lại phát hiện ra một chiếc B-52 khác trên lưng vẫn còn có đèn nhấp nháy, liền lập tức bổ nhào phóng nốt quả tên lửa còn lại ở cự ly 2km, rồi yên tâm về hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Anh Sơn.
Trong chiến tranh, khi ngồi vào buồng lái, ranh giới giữa sự sống cái chết là một vết cắt sắc ngọt nhưng trong đời thường, thì không phải cái gì cũng rõ ràng như vậy. Quả tên lửa bên trái của MIG 21 đã bắn trọng thương chiếc chiếc B-52H. Do mẫu máy bay được cải tiến đường dầu liệu riêng biệt cho 8 động cơ nên vẫn lết về đến được Đông Bắc Thái Lan rồi buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Nakhom-Phanom. Sau đó chết hẳn.
Khổ một nỗi, trận đánh trong đêm ngày 20/11 đó, tin tức hoàn toàn không được đưa tin trên đài BBC và các đài “địch” khác như mọi khi, kết quả là thành tích này đến tận năm 1973 mới được ghi nhận “nhỏ giọt” qua tài liệu lấy lời khai của chính phi công Mỹ đã lái chiếc B-52H xấu số kia. Lúc này, người ta mới nhớ lại rằng sau trận đánh ấy, B-52 đã ngừng toàn bộ hoạt động suốt một thời gian, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho đường 559 vận chuyển an toàn.
Về bản chất, chiếc B-52H kia cũng bị tính là “hạ gục”, nhưng nó thiếu mất hình ảnh một khối sắt bị bắn cháy bừng bừng trên bầu trời Việt gây hiệu ứng mạnh mẽ. Đấy là cái điều mà phi công Phạm Tuân đã có được một năm sau đó. Chưa hết, trong hoàn cảnh thông tin thiếu thốn và nhận thức có giới hạn, Vũ Đình Rạng còn suýt bị khai trừ khỏi Đảng trong đợt chỉnh đốn đầu năm 1972 với những lời truy kết “không hoàn thành nhiệm vụ”, “nhụt ý chiến đấu”, “tư cách đảng viên cần phải xét lại”!
“Nếu có kinh nghiệm và bắn thêm một quả tên lửa vào chiếc máy bay đó, thì câu chuyện đã khác. Đến khi được công nhận kết quả, thì tôi vẫn được trao Huân chương chiến công hạng 3” - ông Rạng cười bình thản. “Dù vậy, ngay lúc đó, tôi vẫn tin mình đã làm hết sức, thậm chí đã làm đúng giáo trình chiến thuật nên chưa bao giờ thấy hối tiếc”. Giáo trình nào cũng đòi hỏi hạ được địch và bảo toàn mạng sống. Hy sinh không phải là điều được khuyến khích.
Năm nay ông Vũ Đình Rạng đã 67 tuổi, sống đủ với đồng lương hưu thượng tá 8 năm nâng lương mà không được phong hàm đại tá và chút tiền cho thuê mặt trước căn nhà trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) làm cửa hàng sửa chữa xe máy. “Hạnh phúc là đã sống sót, chiến công là của chung đồng đội và toàn dân tộc. Còn danh không toại cũng là chuyện xưa cũ rồi” - ông Rạng chia sẻ.
Được biết, ông Rạng cũng trong diện được phong anh hùng đợt cuối của lứa phi công anh hùng ngày ấy, nhưng ông đã từ chối. Nghe đâu vì chi phí ăn đứt cả năm tiền cho thuê cửa hàng. Dù sao, thêm một danh hiệu cũng chỉ là việc thêu hoa trên gấm. Trong cuộc chiến ấy, có người nào không phải là anh hùng?
Khi người viết chia sẻ với ông nỗi sợ giữa thời bình ngày nay so với ngày đó vừa manh mún vừa… đa dạng biết bao. Từ vặt vãnh như sợ mất cắp, sợ dùng phải hàng Tàu mắc bệnh ung thư đến sợ cả những thứ xa xôi ở tận ngoài biên giới hải đảo… “Còn người anh hùng Vũ Đình Rạng sợ cái gì nhất?! “Sợ lịch sử ghi không đúng người đúng việc” – ông nói. Để những sự sai trái đừng làm méo mó suy nghĩ của các thế hệ sau. Còn thế hệ sau đánh giá thế nào, đó là việc mà lớp đi trước không thể nào can thiệp.
Minh Quốc
(http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/vu-dinh-rang-song-sot-da-la-hanh-phuc-con-bui-ngui-chi-mot-chut-danh)
khâm phục :))
Trả lờiXóa