Đào Tuấn
Thật khó có thể nói đến cái “cần câu con chữ” với tình trạng: Cô giáo người Tày dạy tiếng Việt cho trẻ em Cờ Lao bằng tiếng Mông
Chủ tịch Hội đồng dân tộc hôm qua đã dùng từ “báo động đỏ” để nói về sự nguy khốn của nhóm các dân tộc rất ít người. Cũng trong phiên điều trần, Bộ trưởng Giàng Seo Phử tiếp tục đổ dầu vào lửa khi dẫn trường hợp dân tộc Ơ Đu, sống ở Tương Dương, Nghệ An “Chỉ có 371 người. Mấy năm vừa rồi, chỉ thêm được 2 người. Nếu không có chính sách hợp lý, dân tộc này sẽ bị tuyệt chủng, sẽ không còn tên trên bản đồ”.
16 dân tộc rất ít người hiện chỉ có 13.410 hộ, hơn 62.000 nhân khẩu. Và những ngôn từ trong cả báo cáo của Chính phủ cũng như thẩm tra của Hội đồng dân tộc, nói về tình trạng của họ, đều là những lời lẽ “báo động đỏ”. Đó là tình trạng thiếu đói, thiếu đất, thiếu trường, thiếu trạm y tế. Đó là việc tiếng nói gần như bị mất. Dân trí thấp. Giá trị văn hóa mai một. CSHT yếu kém. Trình độ sx lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo cao vọt. Cũng là một người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phử còn đề cập đến vấn đề tảo hôn, cận huyết thống, khiến giống nòi bị thoái hóa, thui chột. Ông thậm chí còn nói “đau lòng” khi kể lại câu chuyện tận mắt chứng kiến câu chuyện ở Bắc Ái, Bình Thuận “7-8 người, nom như trẻ con, đến gần mới biết họ là người già, người trưởng thành, chỉ cao đến bụng tôi thôi. Họ bị thoái hóa”.
Nhưng vì sao bao nhiêu tiền của đã được Nhà nước đầu tư, từ nhiều chục năm nay, vẫn chỉ nhận lại sự bất biến, để đến nỗi, 66 năm nay đồng bào vẫn ăn tết độc lập, nhưng 66 năm độc lập vẫn phải nói câu chuyện “báo động đỏ”, thậm chí “nguy cơ tuyệt chủng”? Mà đó là những câu chuyện sờ sờ trước mắt, có những dân tộc, như người Ngái, khi trong 10 năm qua, số dân đã giảm từ hơn 4.000 người năm 1999 xuống chỉ còn hơn 1.000 người.
Vấn đề ở đây là những đồng tiền đó, giống với “xâu cá”, hơn là chiếc cần câu. Rất phổ biến là tình trạng đồng bào Rục đem đổi ngay con bò nhà nước vừa cho lấy rượu thịt, hay đồng bào La Hủ, nhận 15 kg gạo cứu đói và ăn cho kỳ hết rồi vác dao vào rừng.
Hôm qua, một câu chuyện và một biểu hiện đã được nhắc đến trước nghị trường. Đó là câu chuyện mấy chục tỷ được đầu tư cho một chiếc đập thủy lợi, thứ mà chúng ta vẫn nghĩ sẽ đóng vai trò “chiếc cần câu”, khi thực hiện di đồng bào Rục từ hang đá ra bản. Nhưng 3 năm rồi, đồng bào không biết làm lúa nước, dù được bộ đội biên phòng cầm tay chỉ việc. Họ chỉ muốn quay trở về hang đá. Và biểu hiện là tình trạng đồng bào “Đói không kêu, cho cũng chẳng mừng”.
Vậy đâu mới là cái cần câu?
ĐBQH Chu Lé Chừ sau cuộc khảo sát ở Lai Châu đã chỉ ra tình trạng 4 dân tộc Si La, La Hủ, Cống, Mảng đang sống ở 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ, nghèo khó nhất tỉnh, trong một tỉnh nghèo nhất của cả nước. Nhưng cái nghèo nhất của các dân tộc rất ít người, là cái sự nghèo con chữ, cái nghèo khiến cho họ không biết là mình nghèo.
Cả 4 dân tộc Si La, La Hủ, Cống, Mảng, chỉ có 3 sinh viên ĐH và 13 CĐ. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho biết năm 2011, chỉ có 16 em được cử tuyển. Thậm chí, hai dân tộc Rơ Măm và Brâu chưa từng có học sinh cử tuyển. Trình độ cán bộ địa phương cũng thảm họa không kém. 100% cán bộ xã người Mảng chỉ có trình độ tiểu học. Và tỷ lệ này là 95- 96% ở người Cống, người La Hủ. Trình độ như thế, họ lấy đâu ra kiến thức để chỉ đạo bà con? “Trình độ như thế thấy được ngay vấn đề dân trí, đời sống. Dân trí kéo theo mọi vấn đề khác”- ông Chu Lé Chừ nói.
Cái cần câu, trước hết phải là “cần câu con chữ”, là cái “cần câu Văn hóa”, “Cần câu Dân trí”.
Nhưng thật khó có thể nói đến cái “cần câu con chữ” với tình trạng mà một vị ĐBQH đã nói tới hôm qua: Cô giáo người Tày dạy tiếng Việt cho trẻ em Cờ Lao bằng tiếng Mông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét