Chia sẻ

Tre Làng

CÂU HỎI LỚN VỀ BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ

Đào Tuấn

Trong buổi TBT tiếp xúc cử tri, đã có một câu hỏi lớn về “bộ phận không nhỏ” được cử tri Nguyễn Khắc Thịnh nêu ra

“trong lần nghe truyền đạt Nghị quyết Trung ương 4 chúng tôi có hỏi báo cáo viên “bộ phận không nhỏ” chiếm bao nhiêu phần trăm, nhưng báo cáo viên không chỉ ra được”. Ông Thịnh vô cùng thẳng thắn hỏi người đứng đầu Đảng cầm quyền: “Đề nghị Tổng bí thư làm rõ bộ phận không nhỏ ấy đang nằm ở đâu? Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu cả?”.
TBT sau đó, cũng rất thẳng thắn: “Trả lời câu hỏi này không đơn giản”. Dù điều này đã được nói đến từ lâu nhưng chỉ rõ ra bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì “khó” và “trừu tượng”.
Nhớ lại vài hôm trước, khi cử tri TP HCM hỏi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về “địa chỉ cụ thể của nhóm lợi ích”, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn: “Cả nước bây giờ đi đâu cũng nghe người dân nói về chuyện này, nhất là các đồng chí cựu chiến binh, hưu trí, lão thành”. Chủ tịch nước cũng nói “Đây là câu hỏi khó nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật thì không khó. Cấp 1 thôi, không cần đại học cũng trả lời được, dễ ẹt. Tất nhiên đòi hỏi sự hiểu biết, trí và dũng. Nhưng câu chuyện này nói ngay kết quả bây giờ thì không thể làm các đồng chí hài lòng được. Nhưng từ những việc nhỏ, cụ thể, chúng ta làm dần dần lên và phải đi đến đích để chỉ cho ra được cái này. Không phải là chỉ ra rồi thôi mà còn phải giải quyết, dọn dẹp tiêu cực. Làm thời gian qua chưa được bao nhiêu, kết quả công tác này chưa nhiều lắm nên tôi xin phép chưa trả lời cụ thể… ”.
Điều đáng mừng là các cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH đang giữ cương vị lãnh đạo đất nước đang có một thứ không khí không thể gọi khác là dân chủ, khi các câu hỏi được cử tri thẳng thắn chất vấn và báo chí được quyền đưa tin thoải mái mà không sợ đó là nhạy cảm.
Có điều, câu hỏi lớn đó, đồng thời cũng là “câu hỏi khó”. Lớn vì đây không chỉ là câu hỏi của riêng cử tri Nguyễn Khắc Thịnh, của cử tri TP HCM, mà đó cũng là nỗi băn khoăn của cử tri, nỗi bức xúc của nhân dân. Khó, là bởi, như TBT thừa nhận, nó không giống việc có thể phân biệt như nhìn “ông Thiện, ông Ác” ở cửa chùa. Cũng còn bởi, không chỉ nhân dân, ngay cả những người đứng đầu cuộc chiến chống lại bộ phận không nhỏ đó cũng không biết là bao nhiêu, là ai, ở đâu!
Bộ phận không nhỏ làm suy giảm lòng tin của người dân. Bộ phận không nhò đe dọa sự tồn vong của chết độ. Nhưng nếu như không ai biết bộ phận không nhỏ đó là bao nhiêu, là ai, ở đâu, thì nói như cử tri Trần Viết Hoàn, trong buổi TBT tiếp xúc cử tri: Mọi việc dường như “hòa cả làng”, chẳng biết ai tốt ai xấu, chẳng thấy “bộ phận không nhỏ” suy thoái.
Trong buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước đã nói tới nỗi buồn, tới “sự trạnh lngf” khi “Các đồng chí cũng không tin T.Ư lắm. Nghe cái này hơi xấu hổ; nghe ra có vẻ lòng tin có giảm sút đối với T.Ư”. Nhưng ông cũng thẳng thắn, rằng: “Cái này thì báo chí cứ đăng bình thường, đừng có giấu, để mỗi đồng chí Ban Chấp hành T.Ư phải tự suy nghĩ, phải tự răn mình để sửa. Cái gì mình cũng giấu giếm là không được đâu”. Còn TBT thì ví TƯ 4 giống như “nhóm một cái lò” mà điều quan trọng là lúc đầu “phải nhóm cái lò lên, tạo thành hơi ấm” để cuối cùng “củi khô, củi tươi vào cháy hết”.
“Cái lò nghị quyết” đã nhóm được mấy tháng, có lẽ còn cần phải có thời gian. Nhưng chắc chắn là phải có những “con sâu”, những “tập đoàn tham nhũng” được điểm tên chỉ mặt cụ thể. Có lẽ mọi sự chỉ có thể hanh thông khi câu hỏi lớn liên quan đến niềm tin nhân dân đó không còn là câu hỏi khó mà Chủ tịch nước phải xin phép nhân dân “chưa trả lời cụ thể”, còn TBT thì không phải giải thích về sự “trừu tượng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog