Chia sẻ

Tre Làng

EM CÓ PHẢI LÀ CON NGƯỜI KHÔNG?


“Cháu có phải là con người không?”. Câu hỏi của một người đồng tính nam trong một hội thảo về hôn nhân của người đồng giới mới đây được tổ chức tại Hà Nội cứ xoáy vào tâm can những người có mặt.

Con người khác biệt

Vâng, em đúng là một con người. Một con người vì em được sinh ra từ bụng mẹ, được chào đời với thân hình đầy đủ của một con người, em biết suy nghĩ, em biết đớn đau trước những ánh mắt kỳ thị, em biết tủi hờn trước những lời chì chiết, em được xã hội thừa nhận là một thực thể sống, em là một công dân có khai sinh, được pháp luật bảo vệ quyền của một con người với đầy đủ thể xác và tâm hồn. Nhưng…em không được đối xử công bằng như những con người khác, bởi đơn giản em là một con người thuộc nhóm số ít, em là một con người khác biệt với số đông…em là một người đồng tính. Một người vẫn thường bị miệt thị với những cái tên chẳng lấy gì làm sang trọng khi người ta cất tiếng gọi. “Bác Hồ nói con người có quyền mưu cầu hạnh phúc, bố mẹ cháu dạy, hạnh phúc chính là hôn nhân, nhưng luật pháp không cho chúng cháu quyền được kết hôn…vậy có phải là tước đoạt quyền hôn nhân, cũng là hạnh phúc của bọn cháu không?.



Một người đồng tính Nam, góc trái đặt câu hỏi tại hội thảo

Câu trả lời quả thật không dễ dàng, nhưng dù khó vẫn được nói ra. Người ta giải thích rằng, con người sống trong một xã hội trật tự văn minh, thì con người phải chấp hành luật pháp với tư cách một con người văn minh, những gì luật pháp không công nhận thì đương nhiên con người phải chấp hành nó với tư cách của một công dân. Một vị PGS.TS khả kính nọ còn nói: Con người có tính loài, tính loài tức là phải sinh sản, thêm nữa gia đình là tế bào của xã hội vì thế người đồng tính kết hôn với nhau không có thể sản sinh ra thế hệ kế cận, không duy trì được nòi giống…và nếu kéo dài có thể đẩy dân tộc đến chỗ tuyệt chủng giống nòi. Phản hồi ý kiến này, một sinh viên nọ đã nói, nếu chỉ coi gia đình với nhiệm vụ sinh tồn nòi giống thì người phụ nữ chỉ như một cái máy đẻ và rằng phải cấm cả những người vô sinh, những người già không có khả năng sinh đẻ kết hôn với nhau nữa, vì họ cũng làm gì tạo ra được con người kế cận.

Đoạn tranh luận này được một tờ báo điện tử “giật tít” nữ sinh viên bật lại PGS.TS về đồng tính, đặt ra một thế đối lập đầy thu hút để rất nhiều người lướt qua phải dừng lại và click. Đối với khá đông độc giả, bài viết có điểm nhấn duy nhất của họ là một cô sinh viên chưa có bằng cử nhân đã dám cãi lại một vị PGS.TS mà sau buổi hội thảo, ông lại trở về với bục giảng và dạy lại rất nhiều thế hệ sinh viên như cô học trò nọ, còn những lời thở than, những nỗi niềm đau xót và thực tế đau buồn của người đồng tính cứ trôi tuột đi giữa dòng lũ thông tin cuồn cuộn.



Tôi từng thuộc nhóm số đông, không hiểu biết về người đồng tính và mặc định trong suy nghĩ của mình, đồng tính là những người đàn ông ẽo ọt, thõng thượt, nói năng nhờn nhờn….tất cả những kiến thức lẻ tẻ đó được tôi tiếp thu nhiều qua báo chí, qua phim ảnh…và thế là với tôi, đồng tính là một cái gì đó ghê tởm, ghê như bệnh phong, bệnh hủi ngày xưa vậy. Chỉ đến khi tôi được giao thực hiện một bài viết về người đồng tính, sau khi liên hệ, tôi được bố trí gặp hai bạn đồng tính nữ. Ngồi trước mặt tôi, một trong hai cô cứ ngượng ngùng đưa mắt xét đoán, mãi sau khi đã lời ra lời vào có chút thân tình cô này mới thành thật: “Cách đây mấy năm, người đồng tính như chúng em với báo chí là kẻ thù không đội trời chưng”.

Nỗi đau dai dẵng

H- một người tôi tiếp xúc vốn quê Hải Dương, thừa nhận rằng nếu không được giới thiệu từ đâu, gặp H ở đâu đó ngoài đường, giữa dòng người sôi động tôi không ngỡ H là một người đồng tính nữ. H không xinh, nhưng có duyên, một kiểu duyên đủ cho người khác giới như tôi nếu không biết em là người đồng tính cũng có chút xao động. Mà H cũng thừa nhận, thủa con sinh viên H cũng từng được nhiều người săn đón, H cũng “xoẹt” qua vài ba mối tình với người khác giới. Tuy nhiên, đó không phải là tình yêu trai gái thông thường, mà đơn giản H muốn kiểm chứng thật một điều: Mình có phải là người đồng tính không. “Lúc vào đại học em vẫn không biết mình là đồng tính. Dần rồi em thấy cảm cô bạn ở cùng phòng, khi cô ấy đi chơi với bạn trai thì em cảm thấy cái gì như là ghen tị…rồi em đọc báo, em xem phim, em lên mạng mới hồ nghi mình giống người đồng tính lắm. Thế là em đi yêu thử vài anh khác giới xem thế nào, để kiểm chứng lại. Sau vài mối tình, em thấy mình là người đồng tính thật” – H chia sẻ.



H không dám công khai giới tình của mình với bố mẹ và để tránh những lời giục giã lấy chồng của đấng sinh thành, H đã chọn việc lánh xa gia đình trong nhiều năm. H tâm sự, cô có một em gái đang học Đại học, phải rất lâu sau cô mới dám công khai tình trạng giới tính của mình cho em gái biết. Tưởng rằng sẽ nhận được sự phản đối, em gái H có vẻ chia sẻ sự khác biệt của chị mình, nhưng đó cũng là tin nhắn cuối cùng mà H nhận được từ em gái.

Sự kỳ thị đối với người đồng tính quả thật lớn lao, nó được “tăng đô” với sự hiệp trợ của thiếu hiểu biết. Có bạn đồng tính bị mẹ đổ cả một chậu nước ngâm tỏi, vì bà nghe ai đó nói rằng đồng tính cũng giống như bệnh dịch và để ngăn ngừa dịch người ta thường dùng tỏi để trấn áp, có người mẹ nhốt con vào cũi với lời thách thức “Chừng nào mày không nói mày là con gái nữa, chừng ấy tao cho ra”.

Cũng trong một hội thảo, tôi nghe một bạn đồng tính nữ chua chát: “Nhiều người hỏi em, sao cứ phải đi hát đám ma, đi làm đĩ cho người ta khinh. Nhưng em đi xin việc, người ta nghe em nói, nhìn hình dáng em rồi người ta bảo, đây không tuyển gay nhé. Không có việc gì làm, em biết làm gì đây, không làm gái thì em lấy tiền đâu mà sống, lấy tiền đâu mà tiêm hóc môn. Có lần, em đi hát rong, người ta bảo em quỳ xuống thì cho 20 ngàn. Em cần tiền, nhưng em không quỳ, làm người đồng tính cũng có nhân cách chứ”.

Bài của Viettinhbc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog