Chia sẻ

Tre Làng

ĐIỂM YẾU CHÍ TỬ CỦA ĐẠI HÁN

Tác giả: TRÂM ANH THEO NATIONAL INTEREST

Người châu Á vẫn hay tếu nhau câu hỏi “ai là nhà ngoại giao hiệu quả nhất của Mỹ tại khu vực”. Một câu trả lời nhận được nghe có vẻ đầy hài hước: “Ngài Bắc Kinh. Vâng, chính ngài Bob Bắc Kinh là cánh tay đắc lực nhất của Mỹ”.

Ẩn ý sâu xa của câu nói đùa đó nằm ở cái quy luật hậu quả ngoài mong đợi. Những động thái ngày càng khiêu khích của Bắc Kinh có thể kể đến bao gồm việc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn, cản trở hoạt động thằm dò dầu khí của Việt nam, tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và đưa ra một loạt những thách thức dù cho đến nay vẫn chưa thể hiện công khai nhưng tương đối nhạy cảm đối với Malaysia. Tất cả dường như đã cùng nhau tạo ra điều mà chính Trung Quốc vẫn nói là không muốn thấy: một liên minh chống Trung Quốc thực sự bao gồm các quốc gia trải dài từ Ấn Độ cho tới Biển Nhật Bản dưới sự hậu thuẫn kín đáo của Mỹ.

Như thể để bày tỏ nỗi bức xúc của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Philippine mới đây đã thẳng thắn phát biểu nếu Nhật Bản tái vũ trang và từ bỏ hiến pháp hòa bình của mình, thì Manila "sẽ hết sức hoan nghênh".

Vậy chuyện gì đang diễn ra? Liệu thái độ ngoan cố và quyết đoán của Trung Quốc có phát triển trở thành thứ làm hạn chế hay thập chí cô lập nước này? Nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Và có thể kể ra một số kết luận như sau:

Trước hết, căng thẳng lãnh thổ gia tăng do hành vi tính toán của Trung Quốc. Trong năm 2011, tại các cuộc họp kín, Tập Cận Bình đã tìm cách lấy lòng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự, để họ cảm nhận rõ ràng rằng ông sẽ cố gắng làm dịu đi các tranh chấp lãnh thổ. Vị Chủ tịch Trung Quốc vừa được "tấn phong" này cũng nói điều tương tự trong các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam hồi tháng 12/2011.


Nhưng trên thực tế, toàn những điều trái ngược đã xảy ra.

Thứ hai, Trung Quốc đã trở nên quyết liệt hơn đối với Biển Đông và Hoa Đông. Giữa tháng 8/2012, hai vụ cản trở tàu địa chấn hoạt động hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia đã để lại hậu quả, như cách diễn tả của một quan chức cấp cao Malaysia, là "trực tiếp phá hoại 3 thập niên ngoại giao thận trọng". Không giống các nước ASEAN khác, Malaysia luôn tránh thách thức trực tiếp "đường 9 đoạn" ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. (Bắc Kinh từ chối đưa ra vị trí tọa độ kinh độ và vĩ độ cụ thể của các đường này). Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập "thành phố" mới ngay trên đảo Phú Lâm của Việt Nam để "quản lý" các yêu sách của mình trên Biển Đông, và đến tháng 11 lại phát hành hộ chiếu mới ghi tấm bản đồ bao gồm toàn bộ Biển Đông đó. Điều này đã khiến Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan phải lên tiếng cảnh báo, Biển Đông có thể trở thành "Palestine nữa của châu Á".

Thứ ba, Trung Quốc đặc biệt muốn lấy Nhật Bản "làm gương" cho các nước khác. Những sự quyết điến gần đây đối với Nhật bản tại các đảo tranh chấp giữa 2 bên Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông rất tiêu biểu cho trường phái ngoại giao "gây nhụt chí kẻ khác" của Trung Quốc: Bắc Kinh thừa hiểu các quốc gia tuyên bố chủ quyền biển khác sẽ để ý và lo lắng trước sự hiếu chiến của Trung Quốc với một cường quốc châu Á khác lớn và mạnh hơn nhiều họ.

Cuối cùng, nhiệt độ trên đất liền cũng đã tăng lên. Tuần trước, sau khi sau khi đem so sánh chính sách dân tộc thiểu số của Bắc Kinh với các vụ tự thiêu của những người Tây Tạng, một quan chức Mỹ đã nhận phải sự phản ứng đầy bức xúc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã miêu tả bình luận này là "vô cùng đáng ghê tởm". (Qua đó Trung Quốc cũng muốn nhắn nhủ với các đối tượng khác là Australia, EU, Ấn Độ và Nhật Bản).

Trong số 4 kết luận được nêu ra ở trên, 2 điều đầu - về giải quyết vấn đề lãnh thổ - đã thực sự gây ngạc nhiên. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Các cơ quan quốc phòng và an ninh ở các nước khác đã nhìn thấy sự ăn ở hai lòng từ Trung Quốc.

Ngày càng ít đi các quốc gia láng giềng còn đặt niềm tin vào việc giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tôn trọng cách nhìn của nước khác, hay muốn tìm kiếm cơ sở không đối đầu với Trung Quốc.

Liệu có cách nào thoát khỏi chu kỳ tự gây chấn thương này? Các quan chức Nhà Trắng cũng chưa giúp được gì khi họ lựa chọn sai động từ - "xoay trục" - để nói về chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama mùa hè năm ngoái. Thuật ngữ thay thế của họ, "tái cân bằng lực lượng", cũng không làm thay đổi câu chuyện, và bất kỳ tìm kiếm Google nào cũng có thể chỉ ra điều đó.

Nhưng "xoay trục" đơn giản chỉ là cách họ nói. Giống như các vị tiền nhiệm, chính quyền Obama tiếp tục thực hiện triển khai tiền tiêu tại châu Á đồng thời vun đắp các mối quan hệ liên minh và đối tác. Trong từng trường hợp, lợi ích quốc gia đan xen cung cấp một thứ chất kết dích, củng cố tính liên tục của lợi ích quốc gia tương đồng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thời gian giữa những năm 2000, các quốc gia lớn nhỏ cạnh Trung Quốc đã ngầm phát đi tín hiệu họ cần một sự đối trọng rõ ràng hơn của Mỹ. Trung Quốc vờ như không biết - và sau đó cáo buộc Washington đang có ý đồ "kiềm chế" Trung Quốc. Thực tế, chính quan điểm hiện nay của Trung Quốc đã thúc đẩy phản ứng tạo đối trọng trong khắp khu vực, từ Ấn Độ cho tới Philippine và Nhật Bản. Ngược lại, "chính sách nở nụ cười" của Bắc Kinh trước đây từng mang lại thành công lớn cho Trung Quốc, chuẩn bị nền tảng cho sự vươn lên mãnh mẽ hơn bao giờ hết của nước này trong khu vực.

Sự thay đổi bắt đầu diễn từ năm 2008 cũng tác động tới nhiều người trong chính Trung Quốc. Chúng ta đã biết từ lâu rằng nhiều nhân vật có ảnh hưởng và từng lên tiếng về vai trò quá lớn của các tư lệnh PLA. Họ gần như không nhận được sự xem xét bầu vào Quân ủy Trung ương, một cơ quan mà Tập Cận Bình đang có rất nhiều sự ủng hộ.

Chúng ta cũng biết đến các giám đốc trong các công ty dầu lửa quốc gia Trung Quốc (NOC), những người thuộc hàng cấp cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều trong số đó đang cảm thấy, trong điều kiện kinh doanh vốn đã khó khăn, căng thẳng đã đẩy cao mức chi phí bảo hiểm vận tải và cản trở hoạt động thăm dò dầu, khí và các khoáng sản khác dọc phía tây Thái Bình Dương. Điều này khiến họ không hài lòng. Giống như nhiều đồng nghiệp ở các công ty dầu khí quốc gia khác tại châu Á, họ cũng nhận thấy triển vọng thăm dò và sản xuất ở ngoài khơi.

Vậy tại sao Trung Quốc lại có một thái độ ngang ngược như vậy? Các chính sách quyết đoán của Trung Quốc đặt ra một số câu hỏi về dụng ý sau cùng của nước này. Ví dụ như, liệu cách làm của Trung Quốc có dẫn tới một học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc ở Đông Á? Và liệu điều đó có nghĩa là gì với Bắc Kinh không khi cách tiếp cận chủ quyền biển đảo của nước này đang đi ngược lại với Công ước Luạt Biển LHQ mà chính nước này đã thông qua?

Có lẽ Bắc Kinh là một cường quốc chủ trương "đòi lại" lãnh thổ hơn là một cường quốc xét lại, chủ yếu muốn "đòi lại những món nợ" cho những sự mất mặt và sỉ nhục trước đây. Nhưng thực tế, không có quốc gia nào được hưởng lợi từ hệ thống toàn cầu trong 3 thập niên qua hơn Trung Quốc.

Mỹ, vẫn là người quản lý chính hệ thống toàn cầu hiện nay, cũng đã nhiều lần triển khai đặc quyền nước lớn, bao gồm học thuyết Monroe và những yêu cầu đòi thay đổi chế độ. Tuy nhiên, theo tác giả, bỏ qua những điều này, Mỹ vẫn là kiến trúc sư và nhà quản lý hàng đầu hệ thống quốc tế hậu chiến tranh, điều vẫn đang làm giàu cho Trung Quốc - cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN.

Dù ra vẻ dũng mãnh, nhưng đường 9 đoạn và các động thái mập mờ có chủ định khác nhằm tìm kiếm lợi ích sau mấy thập niên bết bát, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận để cho các nước láng giềng chờ đợi Mỹ tiếp tục duy trì vị thế cường quốc Thái Bình Dương trong một thời gian vôn hạn định sắp tới. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, chính các cường quốc châu Á khác cũng muốn Mỹ đến đây - không phải là một nước bá quyền, mà là một nước đối trọng (với Trung Quốc). Sau khi đánh mất dần "độc quyền" ở Myanmar, Trung Quốc hiện chỉ có 2 bạn bè thân thiết trong cả châu Á: một Pakistan bất ổn và một Bắc Triều Tiên khó lường.

Nếu những hành động đe dọa theo kiểu dân tộc chủ nghĩa sơ đẳng gần đây nhằm che đậy cho những yếu kém ở trong nước, tức là Bắc Kinh đang tự mua lấy rắc rối vào mình. Một lựa chọn tốt hơn vẫn còn đó: Trung Quốc có thể tăng cường hiểu biết chung với Mỹ về ảnh hưởng của nhau ở châu Á và sau đó cùng Mỹ quản lý hệ thống hàng hải dựa trên luật pháp. Nhưng những động thái gần đây của Trung Quốc thay vào đó đã tự tạo cho mình một chính sách ngớ ngẩn và tự loại mình ra khỏi khu vực, làm sâu sắc thêm mói nghi kỵ lẫn nhau với Mỹ và khiến cho khả năng đạt được giải pháp đôi bên cùng có lợi càng khó khăn thêm.
James Clad là Phụ Tá Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ phụ trách Các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2007 - 2009. Robert A. Manning là chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog