Chia sẻ

Tre Làng

MỖI THÁNG THÊM MỘT LẦN BƠM XE

(Thethaovanhoa.vn) - Không hề gây ồn ào, cuối tuần qua, Thông tư về phí sử dụng đường bộ đã được Bộ Tài chính ban hành, với mức thu “mềm” hơn rất nhiều so với Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà Bộ Giao thông vận tải hăm hở đề xuất hồi đầu năm. Tính ra phí đường bộ cho một chiếc xe máy chỉ xấp xỉ 5.000 đồng/tháng. Xin nhắc lại chỉ 5.000 đồng thôi, mức này khiến tôi nghĩ đến giá bơm một bánh xe. Hiểu một cách đơn giản thì mỗi tháng người đi xe máy chỉ phải tiết kiệm một lần bơm bánh xe là đóng được phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thu được 5.000 đồng con con này cũng dễ dàng, nếu ta không hiểu được “văn hóa xe máy” của nước mình.

Trong mọi sự tự do trong xã hội hiện đại, tôi nghĩ những người đi xe máy ở ta là tự do gần như tuyệt đối. Trừ việc thỉnh thoảng phải tạt vào cây xăng ra (đương nhiên rồi, chẳng có cỗ máy nào mà chạy được bằng nước lã), người đi xe máy chẳng phải phụ thuộc vào ai, chẳng phải mất thêm gì nữa. Muốn đi đến đâu, đi vào giờ nào, thậm chí đi theo cách nào (đi trên đường hay leo lên vỉa hè, hay vác xe qua dải phân cách)... thì tùy.

Xe máy nhiều đến mức, các chú công an nhìn thấy đã “nản” nhất là vào lúc tắc đường, nên rất nhiều khi phẩy tay cho qua. Còn khi thủng săm, thủng lốp thì xe máy có thể dắt bộ, không phải gọi cứu hộ như ô-tô. Trước đây, đường cao tốc thu phí tất cả các loại xe, giờ thì gặp trạm thu phí, xe máy cứ điềm nhiên chạy thẳng, không mất một đồng phí nào... Ô-tô đến hạn phải đăng kiểm, trong khi đó xe máy thì cứ đi đến khi nào... gục giữa đường thì thôi.


Chiếc xe máy này có còn phải nộp phí sử dụng đường bộ?


Nhìn con số thống kê “nửa vời” của cơ quan chức năng rằng Việt Nam có khoảng 35 triệu xe máy, tôi mới thấy rằng, thứ phương tiện này đã bị thả nổi đến mức, người ta không còn biết chính xác, chúng đã “sinh sôi” như thế nào. Tất cả đều còn sống hay đã chết, hay một phần đã bị hoán cải? Có bao nhiêu chiếc xe Tàu đã gục xuống thành đống sắt vụn (mà ta rất hay bắt gặp trên đường, người ta chở trên xe nguyên vẹn cả một chiếc xe đồng nát). Và bây giờ là một cơ hội vàng tổng điều tra, kiểm kê “dân số” xe máy: Thu phí sử dụng đường bộ!

Như đã nói, mức thu phí sử dụng đường bộ với xe máy là rất thấp. Mức 50.000 đồng một năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. Theo mức thấp nhất (50.000 đồng/năm) chia cho 12 tháng thì mỗi tháng người đi xe máy chỉ phải đóng chưa tới 5.000 đồng. Nhưng làm thế nào thu được phí xe máy, khi mà, đến tổng dân số xe máy trên toàn quốc còn chưa “đếm” được?

Theo thông tư, chủ xe máy nộp phí tại UBND xã phường, có thể hiểu nôm na là chính quyền xã, thay vì phải cử cán bộ đi thu tiền vệ sinh, tiền đèn đường, tiền quyên góp, ủng hộ từ thiện..., thì sẽ có thêm nhiệm vụ đi “đếm” xe máy của từng hộ gia đình (thường trú hoặc tạm trú) và đến thu trực tiếp tại nhà hoặc mời ra UBND xã đóng phí, sau đó xuất biên lai thu phí hoặc cấp giấy chứng nhận. Cán bộ xã, thôn là những người nắm rất rõ địa bàn (đi từng nhà, rà từng ngõ) thì chẳng những nhà người ta có mấy xe máy, mà đến nuôi mấy con chó, con mèo cũng có thể biết rất rõ, chẳng ai có thể trốn được. Cách đó là khả thi.

Chỉ có điều, như đã nói, chiếc xe máy ở Việt Nam vốn đã mất gia phả từ lâu (40% phương tiện giao thông hiện nay, chủ yếu xe máy, là không chính chủ, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia). Điều đó có nghĩa là cán bộ xã, phường, thôn có thể biết rõ những người đang sử dụng xe máy, nhưng lại không thể khẳng định ai là chủ xe (trên giấy tờ). Trong khi đó, cơ quan quản lý cấp trung ương lại không thể biết chính xác sự “phân bổ” lượng xe máy thực tế trong xã hội (chỉ quản lý được ở trên giấy tờ đăng ký). Điều đó có nghĩa là thu phí được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của cán bộ xã, phường.

Có lẽ lường trước được tình trạng thất thu phí này, cho nên mặc dù tính toán cả nước có 35 triệu xe máy, nhưng Bộ Giao thông vận tải tính toán số tiền thu được từ 50% số mô-tô, xe máy đã đăng ký, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Tại sao là 50% mà không phải 75% hay chỉ đạt 25%? Tôi cho rằng đây sẽ là một phép thử tuyệt vời để đo đếm khả năng quản lý xe máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thật ra, với mức phí 5.000 đồng/tháng thì cũng ít thành phần có thái độ chây ì. Nhưng vì đã thu phí là thu cả nửa năm hoặc một năm, tức là số tiền cũng lên tới trên dưới trăm ngàn một lần, cũng không phải là dễ dàng để người ta móc túi đóng ngay, nhất là khi chúng ta thường bắt gặp những câu chuyện ở các vùng nông thôn hay ven đô: Đóng phí vệ sinh, phí thắp sáng đèn đường có 3.000 đồng - 5.000 đồng/tháng mà cũng cãi nhau ỏm tỏi. Ban đầu, thấy nhà ai cãi nhau với người thu phí chỉ vì mấy ngàn đồng lẻ, tôi rất “khinh”, nhưng khi tìm hiểu mới thấy rằng, người nông dân vốn không sẵn tiền mặt (để có 1.000 đồng tức là họ phải bán 1 củ su hào, mà bạn biết họ chăm bao lâu mới được một củ không?), thứ hai là trong một tháng, họ không chỉ đóng có một khoản phí đó. Còn hàng chục, hàng trăm thứ chi phí đổ vào mảnh ruộng, mảnh vườn của họ (góp gió thành bão), nên của đau con xót, rất dễ nảy sinh ra tâm lý so bì, tị nạnh tranh cãi (kiểu như thằng cháu nhà tôi chưa biết đi, nó có ra đường bao giờ mà bắt nó đóng phí thắp sáng đèn đường,...).

Cho nên tôi đồ rằng, thu được phí sử dụng đường bộ đối với người đi xe máy ở nông thôn không dễ.

Cái khó nữa là chế tài. Thực ra cán bộ xã phường sẽ không có cơ sở để phạt người đi xe máy không chịu đóng phí (họ cứ khất lần “đến vụ em trả” thì cũng thua họ). Còn lực lượng CSGT, cũng khó có cơ sở để dừng lại một chiếc xe máy đi đứng đúng luật chỉ để hỏi xem đã đóng phí hay chưa?

Một kinh nghiệm đã cho thấy rất rõ: Thực ra, theo quy định đầy đủ của pháp luật nước ta, những chiếc xe máy không phải đã mất hết gia phả. Định kỳ hàng năm, người sử dụng xe máy phải “trình diện” tại các điểm bán bảo hiểm xe máy để mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Nhưng tôi tin rằng, số người đi xe máy cũng rất ít biết đến loại bảo hiểm này. Chỉ trong lần mua xe mới, bắt buộc phải mua thứ bảo hiểm này mới đủ điều kiện để được đăng ký xe và cấp biển số thì họ mới mua thôi. Thỉnh thoảng bị công an bắt, bị lập biên bản và không xin xỏ được, thì họ thà đi nộp phạt lỗi không mua bảo hiểm còn hơn là phải mất số tiền để mua thứ bảo hiểm đó.

Nếu tổ chức không khéo thì phí sử dụng đường bộ cũng rơi vào tình trạng như Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới, ở chỗ, người đi xe máy thà bị phạt chứ không chịu đóng góp.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog