Chia sẻ

Tre Làng

NGƯỜI HÀ NỘI KHÔNG CÒN THANH LỊCH

Bên cạnh tinh hoa người Hà Nội thu nhận được, xuất hiện những mặt trái của văn hóa đi kèm như một hệ quả của quá trình giao lưu. Một Hà Nội kinh kỳ, xứ Tràng An hiện đang tồn tại rất nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa.



Những điều trông thấy, hiện hữu trước mắt cứ khiến tôi the thắt, buồn và không khỏi đau lòng.

Lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mất dần. Thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa, kiểu ăn nói lệch chuẩn, nhất là ở giới trẻ.

Nhiều fan cuồng ồn ào, la hét, quỳ mọp trước thần tượng, nhưng lại kiệm lời, không biết nói lời cảm ơn, xin lỗi…Một bộ phận nhà hàng mặc sức xả “bún mắng, cháo chửi” phục vụ “thượng đế”.

Những chủ hàng sẵn sàng chửi bới thậm tệ, đốt vía nếu như khách vô tình mở hàng không mua. Trên phương tiện công cộng, một số nhà xe thiếu tôn trọng khách, thoải mái văng, ném những phụ từ tục tĩu với âm lượng rất lớn đập vào tai hành khách.

Ngoài đường phố, dù chỉ một va chạm nhỏ, người ta cũng dễ dàng nổi khùng, chửi bới thậm chí dùng mũ bảo hiểm làm vũ khí để quật nhau không thương tiếc.

Tranh giành nhau ở bến xe, bến tàu, người ta không tiếc lời rủa xả nhau, kể cả người đáng tuổi con cũng túm ngực, quát người đáng tuổi cha chú “Thằng già! Biến nhanh cho nước trong…”.

Ở cơ quan, người ta “ăn cắp”, “câu giờ” của Nhà nước, kiếm chuyện làm quà, chén chú, chén anh.

Nơi dịch vụ công cộng của Nhà nước, người ta hách dịch, hất hàm, nói trống không với khách lớn tuổi và thỏa sức kể chuyện gia đình, sinh hoạt không mấy hay ho buộc khách phải chịu trận mà đập vào tai nghe.

Văn hóa bán hàng hay văn hóa phục vụ khách hàng, văn hóa ẩm thực đã bị phai nhạt, biến đổi, không còn giữ được những nét đẹp vốn có của Hà Nội ngày xưa. Ngoài bún mắng, cháo chửi, là vấn nạn chặt chém khách, đong lừa, cân điêu, bán thiếu, bán hàng kém phẩm chất…

Văn hóa ẩm thực không được chú trọng. Người ta có thể ăn uống ở bất cứ nơi nào: vỉa hè, cống rãnh, ngõ hẹp, trước nhà vệ sinh công cộng… Điều đáng nói nữa là ăn uống cũng rất xô bồ, ầm ĩ, thậm chí còn gây sự với nhau khi quá chén.

Nếp sống văn minh đô thị không được chú trọng. Người ta xả rác bừa bãi ở bất cứ nơi nào (trừ nhà mình), bất cứ thời điểm nào. Cho trẻ con tè, ị ngay trên vỉa hè, dắt chó ghếch chân tè, phóng uế ở bất cứ đâu thấy tiện.

Mở loa, đài công suất lớn ở khu dân cư, rồ xe, rú ga ban đêm, đốt than tổ ong trong khu dân cư…Nơi công cộng được biến thành những tiện ích khác.

Biến cầu thang máy là nơi dỗ trẻ ăn, chiếm dụng vỉa hè bán buôn, công viên cây xanh trở thành nơi bán hàng, bàn ghế ngổn ngang cản trở đường lối đi lại, ghế đá công viên thành “giường trời” cho không ít cặp tình nhân cháy túi.

Ngoài ra, người ta còn thản nhiên hút thuốc lá, gạt tàn nơi công cộng, khạc nhổ bất cứ chỗ nào, quảng cáo khoan cắt bê tông ở khắp nơi, bờ tường, cây xanh nhem nhuốc vẽ bậy, bẩn, đàn ông thường mắc bệnh “đái đường”…

Chưa bao giờ cư dân Hà Thành lại thiếu văn hóa giao thông đến thế. Họ vi phạm pháp luật, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, thờ ơ với người bị tai nạn giao thông, chống người thi hành công vụ, ẩu đả khi va quệt trên đường.

Phương tiện công cộng thản nhiên chèn, ép người đi đường bất biết hậu quả người đi đường ngã, hay tai nạn nặng, nhẹ ra sao.

Nếu như Thăng Long xưa là nơi cư trú của những cư dân từ bốn phương tụ hội, Hà Nội nay cũng là đô thị sầm uất bậc nhất với hàng triệu người ngoại tỉnh nhập cư.

Thế nhưng, thay vì tiếp nối truyền thống bán anh em xa mua láng giềng gần, kẻ đến trước giúp đỡ người đến sau dù không cùng quê quán, những người hàng phố, hàng phường của thủ đô nay đã sống theo đúng phong cách thị thành, giáp mặt mà không chào hỏi nhau.

Xuất hiện lối sống vô cảm, thiếu tình thương, trách nhiệm vốn đã trở thành nét đẹp trong đời sống của người Hà Nội. Giờ đây, họ sẵn sàng gây gổ đánh nhau, thậm chí chém giết nhau tàn nhẫn.

Không chỉ người dưng nước lã, kể cả người trong gia đình có cùng huyết thống cũng sống với nhau cạn tàu, ráo máng, thậm chí đến mức vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Bạo lực gia đình tăng. Con cái hư hỏng, vi phạm pháp luật. Bố mẹ thiếu tính làm gương.

Cách thức ứng xử với môi trường thiên nhiên, với môi trường xã hội và với bản thân ở một bộ phận người dân thủ đô chưa hòa quyện thành một thể thống nhất mà đây lại là một trong những tiêu chí cơ bản của văn hóa ứng xử.

Từ thực trạng trên, việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử cho một lối ứng xử văn hóa là rất cần thiết, là điều vô cùng quan trọng, là việc cần phải thực hiện ngay, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà văn minh, thanh lịch của người Tràng An đang thực sự “có vấn đề”.

Người Hà Nội hiện đại đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa, đang sống vội vã, gấp gáp.

Bộ Quy tắc ứng xử sẽ là cẩm nang hướng dẫn nền tảng văn hóa cho người Hà Nội hiện nay, nhưng nó không phải là tất cả nếu như không giải quyết tận gốc vấn đề là từ nhận thức, ý thức của người Thủ đô.

Bài viết của TS. Lê Thị Bích Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa –Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo VTC.

5 nhận xét:

  1. Có nhiều người mang tiếng là người thủ đô nhưng chẳng có tí ý thức gì cả. Đi đâu vứt rác đấy, lại còn nhiều tệ nạn nữa chứ!

    Trả lờiXóa
  2. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu cả, cũng không phải chỉ dựa vào một hay hai người mà đánh đồng cả một tập thể.

    Trả lờiXóa
  3. " Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ câu này không còn đúng nữa đâu bác ơi, người Tràng An mà không thanh lịch thì cũng chả ra sao cả.

      Xóa
  4. Cứ tình trạng này thi chả mất hết hình tượng thủ đô trong mắt người dân cả nước, bạn bè quốc tế.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog