Nhắc đến sủi cảo Sài thành, người ta nghĩ ngay đến đường Hà Tôn Quyền, cụ thể là khoảng từ số nhà 150 đến số nhà hơn 200. Trong nội khu này, hai bên đường dày đặc quán sủi cảo.
Ngoài cái ngon của nước dùng, tươi ngọt của nhân sủi cảo, thực khách còn "bồ kết" những miếng mực dày, màu sắc lạ mắt với vị giòn, mềm khó cưỡng.
Đến đây vào buổi tối, bạn sẽ chứng kiến số lượng khách "khủng" ra sao với hàng trăm chiếc xe máy phủ đầy các quán, các con hẻm gần đấy, tiếng người í ới, mời mọc, tiếng muỗng, nĩa leng keng…
Các quán ở đây đều kinh doanh 3 món chính là sủi cảo chạp, sủi cảo thập cẩm và sủi cảo chiên. Sủi cảo chạp còn gọi là sủi cảo không. Món ngon này có tên gọi như thế vì tô dọn cho khách chỉ có màu vàng óng mịn của sủi cảo, màu xanh của rau cải, của những bột tiêu đen mịn.
Sủi cảo thập cẩm ngon mắt, ngon miệng hơn với sự hiện diện của những nguyên liệu quen mà lạ. Đó là những viên chả cá tươi dong, dai mềm; miếng da heo ngồ ngộ mà không được người đi cùng tư vấn, có “vắt cạn óc”, bạn cũng không tài nào đoán ra tên nguyên liệu. Thú vị nhất là những miếng mực khá dày có màu vừa giống tàu xì, vừa giống màu mực khô, có vị giòn mềm. Cảm nhận về nó lạ lẫm đến nỗi không ít người thưởng thức đến lần thứ 2, thứ 3 mới nhận ra, để rồi tò mò không biết đầu bếp ngâm tẩm mực với gia vị, dược liệu gì mà có thể tạo ra sự khác biệt đó.
Khi tính tiền, tôi ngỏ lời hỏi chị phục vụ. Trái với dự đoán ban đầu về loại nguyên liệu mà tôi đinh ninh là tươi sống, chị cho biết: “Mực và da heo trong món ăn là nguyên liệu khô được ngâm với một số nguyên vật liệu bí mật. Hầu như tất cả các quán ở đây đều lấy mực, da heo khô cùng một nguồn. Quán nào ngon hơn hay vượt trội hơn chủ yếu nhờ việc gia giảm gia vị của sủi cảo và nước dùng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét