Chia sẻ

Tre Làng

ĐÃ ĐẾN LÚC SỬA HIẾN PHÁP


TTCT - “Đã đến lúc phải thay đổi hiến pháp để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo để thực hiện theo đúng qui định của hiến pháp”.

Ông NGUYỄN ĐÌNH LỘC - nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, người từng tham gia xây dựng hiến pháp 1980, 1992 - nói như vậy với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Muốn cải cách phải sửa hiến pháp

* Thưa ông, có thật sự là đã đến lúc chúng ta phải sửa đổi hiến pháp?

- Đặt vấn đề sửa đổi hiến pháp trong tình hình hiện nay không phải không có lý. Hiến pháp VN có đặc điểm khác với một số nước. Chẳng hạn hiến pháp Hoa Kỳ thực chất chỉ qui định bộ máy nhà nước, mối quan hệ giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, quan hệ giữa cấp liên bang và các qui định ở dạng rất chung... nên hiến pháp Hoa Kỳ vẫn giữ được khung trong hơn 200 năm qua, chỉ phải bổ sung 27 tu chính án về quyền con người và một số vấn đề khác. Hiến pháp VN theo mô hình xã hội chủ nghĩa, có qui định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế...

Vì vậy không phải ngẫu nhiên trong 60 năm qua chúng ta đã có tới bốn hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992). Bình quân cứ 15 năm chúng ta có một hiến pháp mới. Hiến pháp VN như cái mốc của một giai đoạn phát triển. Qua mỗi giai đoạn phát triển thì phải có một hiến pháp mới. Nếu xem lại Hiến pháp 1992 thì thấy nhiều điều qui định trong hiến pháp này chắc chắn đã đến lúc phải sửa. Những qui định về chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 cơ bản vẫn giữ được nhưng cũng phải bổ sung và chương về bộ máy nhà nước thì đã có vấn đề.

* “Có vấn đề” ở đây là gì, thưa ông?

- Bộ máy nhà nước hiện tổ chức theo Hiến pháp 1992 nhưng qui định về bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1992 cơ bản giữ như Hiến pháp 1980, chỉ có khác là Hiến pháp 1980 có chế định Hội đồng Nhà nước, không còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước, còn Hiến pháp 1992 phục hồi chế định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước giống Hiến pháp 1959.

Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt vấn đề viện công tố, tòa thượng thẩm, tòa khu vực. Khi tôi đọc tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ cũng thấy đặt ra ý tưởng phải sửa hiến pháp.

Chúng ta sửa Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp 1992 để thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới trước hết phải đổi mới cơ chế kinh tế, việc sửa đổi vì vậy chủ yếu tập trung vào những chương về chế độ kinh tế và chương về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các qui định về bộ máy nhà nước có sửa nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên khung như Hiến pháp 1980.

* Theo ông, tới đây chúng ta sửa hiến pháp theo hướng nào?

- Sửa hiến pháp có hai cách: ban hành nghị quyết để sửa một số điều hoặc làm một hiến pháp mới thay hiến pháp cũ.

Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải xây dựng hiến pháp mới thay thế Hiến pháp 1992 để thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng. Những chiến lược của Đảng đã đề ra thì phải được thể chế hóa về mặt Nhà nước, tức là phải được ghi nhận ở mức cao nhất là hiến pháp. Thực tế, năm 1992 mới chỉ là buổi đầu của đường lối đổi mới nên nhận thức của chúng ta lúc đó có những vấn đề chưa rõ. Bây giờ chúng ta nói con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ thì một loạt vấn đề sáng tỏ đó cần phải thể chế hóa thành hiến pháp.

* Vấn đề quyền công dân trong hiến pháp thì sao, thưa ông?

- Đây cũng là một vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung trong hiến pháp mới. Chẳng hạn các hiến pháp trước đây qui định một số quyền cơ bản của công dân như quyền tự do đi lại, ngôn luận, quyền tự do cư trú nhưng chưa cụ thể hóa thành những quyền cụ thể. Hay như hiến pháp qui định công dân có quyền biểu tình nhưng lại chưa có luật về biểu tình. Tất cả những chuyện đó phải có luật mới thực hiện được. Ngoài ra, phải bổ sung một số quyền mới cho công dân như quyền được thông tin...

Đảng phải làm theo hiến pháp

* Có ý kiến cho rằng để xây dựng một nhà nước thật sự pháp quyền phải sửa đổi qui định Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội trong điều 4 của Hiến pháp 1992. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Không phải VN là quốc gia đầu tiên nói đến Đảng trong hiến pháp. Điều 6 hiến pháp năm 1977 của Liên Xô đã nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi chúng ta làm Hiến pháp 1980 cũng tham khảo qui định của Liên Xô và vận dụng vào hiến pháp của mình. Nói đến điều 4 Hiến pháp 1992 chúng ta phải thấy có hai vế: Đảng lãnh đạo nhưng Đảng hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật.

Nếu Hiến pháp 1980 qui định “các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp” thì Hiến pháp 1992 sửa đổi rất quan trọng khi qui định “mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”. Qui định như vậy có nghĩa rằng mọi chủ thể của Đảng đều phải tuân theo hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, theo tôi, không phải bỏ điều 4 như có ý kiến đang đề nghị.

Trong một nhà nước pháp quyền, nếu tư cách cầm quyền của Đảng không được thể chế hóa về mặt pháp luật, bằng hiến pháp, vô hình trung chúng ta muốn đưa vị trí lãnh đạo, cầm quyền đó đứng ngoài pháp luật?!

Vì là Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng trực tiếp quan hệ đến mọi mặt đời sống của xã hội, đến bản chất dân chủ của chế độ, của Nhà nước ta. Trong một đề tài quốc gia của Học viện Hồ Chí Minh, có ý kiến đề nghị sự lãnh đạo của Đảng không nên dừng lại ở điều 4 Hiến pháp 1992 mà đề nghị Quốc hội xây dựng một dự án luật về sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cụ thể hóa cách thức Đảng lãnh đạo Nhà nước, xã hội.

* Ông đánh giá thế nào về việc tuân thủ hiến pháp trong thời gian qua?

- Để bảo đảm cho hiến pháp được tôn trọng, các nước thường lập tòa án hiến pháp. Tòa này có quyền phán quyết một luật của quốc hội trái hiến pháp và đương nhiên luật đó không có hiệu lực. Bây giờ chúng ta cũng đã có những đề nghị lập tòa án hiến pháp, nhưng muốn có tòa án hiến pháp thì cũng phải sửa hiến pháp.

Hiến pháp phải trở thành rường cột của Nhà nước. Những qui định trong hiến pháp phải chắc chắn. Tiếp đó, phải làm sao tạo được tâm lý thật sự tôn trọng hiến pháp, xem hiến pháp là thiêng liêng. Hiến pháp đã qui định thì phải làm cho đúng.

Chúng ta phát triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có tính chất khác nhau nhưng hiến pháp thường bị “quên”. Khi thông qua luật không đúng với tinh thần hiến pháp thì không ai “nhớ” đến hiến pháp. Như thế mới thấy tinh thần bảo hiến, tôn trọng hiến pháp của VN chưa có truyền thống.
Không thể không sửa hiến pháp
“Không thể không tính đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về những nội dung liên quan, cụ thể là: xây dựng cơ chế bảo vệ hiến pháp; luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ; định hướng cải cách tư pháp lấy tòa án làm trọng tâm, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu chuyển viện kiểm sát thành viện công tố; vấn đề giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền điều động, bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp trên điều động, bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; việc thí điểm nhân dân bầu chủ tịch UBND xã; bỏ HĐND ở quận, huyện, phường...”.
(Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII)
KHIẾT HƯNG thực hiện

3 nhận xét:

  1. với tình hình đất nước đang từng ngày thay đổi, đổi mới việc sửa đôỉ Hiến pháp là hoàn toàn đúng dắn. tuy nhiên sửa sao cho đúng,hợp tình, hợp lý lại là thách thức đối với Đảng và Nhà nước ta.

    Trả lờiXóa
  2. Trong quá trình hội nhập,đất nước ngày càng phát triển...để theo kịp thời đại việc sửa đổi hiến pháp là điều tất yếu.
    Tuy nhiên,để việc sửa đổi HP là một vấn đề quan trọng nên cần phải thận trọng,tham khảo ý kiến của nhân dân,của các ban ngành...

    Trả lờiXóa
  3. tồn tại xã hội đã thay đổi thì tất yếu ý thức xã hội phải thay đổi. sửa đổi Hiến pháp là hợp lý nhưng tuyệt đối phải nghiên cứu kĩ lưỡng, xem xét mọi mặt để có hướng đi đúng

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog