“Tất cả (các loại thực phẩm) sẽ phải dán tem mác đầy đủ để người dân khi ăn vào phải đảm bảo sức khỏe, không gây bệnh tật”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố chấn động trong chương trình Dân hỏi, Nhà nước trả lời hôm 13.1.
Cần phải nói ngay, những thường dân đang hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ nhiễm K cao nhất thế giới hôm nay chắc chắn sẽ ủng hộ ý tưởng này. Đơn giản, miếng ăn vào mồm đang là một trong những nguồn gây K, hay “Lại”, một trong tứ chứng nan y.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ được thực thi thế nào lại là chuyện không dễ. Tuần trước, khi câu chuyện “kẹp chì cho lồng gà Bắc Giang” được đặt ra, đại biểu QH Dương Trung Quốc thẳng thắn bình luận đó là “tình thế”, là một biểu hiện của việc “thiếu tầm nhìn vĩ mô… chỉ quen ứng phó”. “Chính phủ đã không bảo vệ nổi lợi ích người nuôi gà trong nước để gà ngoại, gà “lạ”, gà già, gà hết trứng nhập khẩu tràn lan, thì liệu Chính phủ có bảo hộ nổi cho gà Bắc Giang được không, mặc dù sự bảo hộ này cũng chỉ có thể là giải pháp tình huống, trước mắt và suy cho cùng là vi phạm luật chống độc quyền”- Ông Dương Trung Quốc nói trên báo điện tử Phụ nữ. Ông cũng nói ngay đến tình trạng sẽ xuất hiện “gà Bắc Giang dởm”, bởi “Cái bằng tiến sĩ mà người ta còn làm giả được thì cái nhãn “made in Bacgiang” đáng là cái gì”.
Và, chuyện cái kẹp chì, cho con gà Bắc Giang đang chỉ cho thấy “Chính sách của chúng ta thì như gà mắc tóc”.
Trở lại với Bộ trưởng Tiến, trong buổi “Dân hỏi, Nhà nước trả lời”, có một bạn đọc đã đặt câu hỏi “Tại sao Bộ trưởng không đến những bữa ăn tập thể, khu chợ cóc, vùng thôn quê…để kiểm tra, mà lại đến các cửa hàng đã có uy tín, kinh nghiệm lâu năm ở Hà Nội?
Bộ trưởng Tiến khẳng định ý kiến phản ánh đó đúng. Bởi chuyến đi đó chỉ mở màn cho cuộc kiểm tra của liên ngành từ trung ương đến địa phương. Sau đó, bà nói bản thân cũng thường xuyên “vi hành” qua những lần đi chợ phục vụ bữa ăn hàng ngày: “Là phụ nữ và cũng là công dân bình thường nên tôi thường xuyên đi chợ. Từ các cơ sở sản xuất đến những khu chợ dân sinh tôi đều đã ghi nhận. Đó là những cuộc vi hành tự phát mà không ai biết trước được”.
Và sau đó, người dân được hứa hẹn về một tương lai, nơi họ sẽ được ăn những “bữa ăn an toàn”, với “Rau có chứng nhận an toàn”, “Trái cây chứng nhận an toàn”…
Nhưng đó là điều tốt đẹp ở thì tương lai.
Còn hiện tại, với các cuộc vi hành tự phát, như lời bà Bộ trưởng “Chúng ta ra chợ không biết thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào an toàn”.
Bởi một chuyến “vi hành” với báo chí tiền hô hậu ủng và sau đó “mọi thứ đều tốt”, không phải là thứ mà người dân muốn thấy.
Bởi “Một xô nước rửa hàng trăm cái bát” cũng không, cũng chưa bao giờ là hình ảnh tiêu biểu của mối hiểm họa mang tên thực phẩm bẩn.
Và bởi một cuộc kiểm tra, cho dù trên toàn quốc, cho dù cao điểm, năm thì mười họa mới được tổ chức, cũng không phải là những giải pháp căn cơ.
Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét