Slogan của ngành du lịch chả hiểu sao “chơi” hai chữ: Tiềm ẩn: Việt Nam, vẻ đẹp tiềm ẩn. Chẳng biết chữ “ẩn” này nó có vận vào thân hay không, chỉ biết là du lịch Việt đã ẩn, đang ẩn, và còn ẩn nữa ẩn mãi.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường có lần cho rằng muốn thu hút khách du lịch quốc tế thì phải có đầu tư. Lấy ví dụ Mỹ dành 1 USD trong ngân sách để đầu tư xúc tiến thu hút cho 1 khách du lịch. Nếu Việt Nam cũng đầu tư như vậy thì với 6,8 triệu khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2012, ngành du lịch có khoản tiền không nhỏ với gần 7 triệu đô la để xúc tiến quảng bá. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được Chính phủ chấp thuận. “Chúng ta đang làm theo kiểu nhà nghèo”- ông nói.
Hình như du lịch triền miên là những lời than vãn thiếu tiền.
Cách đây vài năm, Việt Nam quyết định chi ra hơn 1 tỷ để thuê đoàn làm phim từ Bắc Kinh sang Hà Nội thực hiện clip về du lịch. Lý do “Một đạo diễn lừng danh Việt Nam từng làm clip du lịch 10 phút nhưng chất lượng không thể chấp nhận”. Clip đó của ai, thế nào là “tệ đến mức không thể xem được” đến giờ vẫn được “giữ bí mật”. Nhưng kinh nhất là lời khẳng định của một quan chức ngành du lịch “Quan điểm bảo thủ của người Việt thì phải mất nhiều năm nữa mới có những clip quảng bá du lịch hay được”. Dám chê người Việt “bảo thủ”, hẳn nhiên vị này coi mình là cách tân.
Nhưng sự cách tân đó đã mang lại hình ảnh gì cho du lịch Việt Nam? Những khu bãi biển “9 tháng mài dao 3 tháng chém”? Tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam lần hai chỉ 18%, con số tệ hại minh chứng cho tình trạng “một đi không chở lại”? Hay là tình trạng hỗn loạn khi “không ở đâu nạn ăn cắp thương hiệu lại tung hoành như du lịch Việt Nam”? Chẳng nói đâu xa, ngay điều tối thiểu hướng dẫn viên biết ngoại ngữ, vị “chủ nhà” đầu tiên đối với khách du lịch cũng đang ở vào tình trạng “báo động đỏ” với các tính từ: hiếm, thiếu, yếu.
Cách đây 1 tháng, một clip quảng bá cho du lịch Nha Trang đã “tạo sóng” trên các diễn đàn, vì nó quá hay, quá đẹp, quá hấp dẫn ngay với cả những người đang sống ở Nha Trang. Chỉ có một điều đáng nói: Đây là clip do những người Hàn Quốc thực hiện.
Chính Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Tình cũng nhìn nhận đó là những “hình ảnh đẹp lung linh, cho thấy một Việt Nam hiện đại, sôi động và đang phát triển”.
Trong khi đó, như thừa nhận của ông Tình: Từ xưa đến nay, khi chúng ta đi quảng bá du lịch thì công ty trong nước hay cơ quan quản lý thường đặt hàng hãng phim, xây dựng theo chủ đề nhất định. Cách làm này cũ, không hấp dẫn, đặc biệt với khách nước ngoài vì chỉ mang tính tư liệu, đôi khi khiến người nước ngoài nhàm chán. Cái chúng ta đang thiếu ở đây là các clip quảng bá cho số đông, phù hợp với từng địa bàn, từng quốc gia.
Quay phim Hàn, cũng chỉ có hai con mắt. Đạo diễn Hàn không tự mình tạo ra vẻ đẹp và sự năng động cho những “người con gái Việt”.
Và trên hết cái sự “đẹp lung linh” dường như không tạo ra bởi tiền.
Lại càng khó có thể nói, như vị quan chức nọ của ngành du lịch, rằng “Người Việt Nam (chính xác phải là đạo diễn Việt Nam) làm du lịch không thành công”.
Vậy thì ngành du lịch đã làm gì ngoài việc “thuê nước ngoài” ngay với việc làm một cái clip quảng bá. Họ có gì giỏi ngoài việc giỏi ngồi kêu “con nhà nghèo”, kêu “thiếu tiền”, đòi 1 triệu USD cho một clip quảng bá và “chỉ giỏi hát karaoke”?
Thật tức cười. Hôm qua, báo Đất Việt dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, TS Nguyễn Thanh Sơn thẳng thắn cho rằng: “Tổng cục Du lịch chỉ giỏi hát karaoke và tuyên truyền qua mạng. Tôi nói thế là bởi vì lãnh đạo Tổng cục Du lịch ông nào hát karaoke cũng hay, thế là cứ đi công tác nước ngoài, tiến hành cắm trại chuẩn bị tổ chức ngày văn hóa, hỏi đến lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tổng cục trưởng, tổng cục phó là không thấy đâu cả”.
Dường như các đạo diễn nghe câu này cũng được an ủi ít nhiều.
Nguồn: Đào Tuấn
Ở đâu ra cái thông tin này vậy. Thật nực cười
Trả lờiXóa