Chia sẻ

Tre Làng

CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA


Liên tiếp gần đây một số nghị định của Chính phủ khi đưa vào thực tế đã vấp phải sự phản ứng của người dân và buộc phải ngừng thời gian thi hành để chỉnh sửa.

Chuyện làm chứng minh thư phải khai họ tên cha mẹ. Chuyện người lưu hành xe máy trên đường phải là chính chủ của phương tiện. Chuyện đám ma chỉ có bảy vòng hoa, quan tài không được để mặt kính phía trên. Dư luận phản ứng vì sự thiếu căn cứ thực tế, vì sự phiền hà rắc rối không đáng có trong việc thực hiện và cả vì sự thiếu tính khả thi của những quy định đó. Điều đáng nói là người dân không thể hiểu nổi vì sao những quy định khó hiểu như vậy lại được ban hành. Vẻ như những người soạn thảo văn bản của các nghị định đó đã xa rời thực tế, đã không tính toán hết các khả năng của việc thực thi những điều đề ra trong hoàn cảnh cuộc sống của nhân dân trong thời điểm các quy định có hiệu lực.

Mọi chủ trương, quy định của Chính phủ nhằm điều hành, quản lý đời sống của đất nước đều trực tiếp liên quan đến cuộc sống của toàn bộ người dân. Điều này bắt buộc các văn bản soạn thảo quy định phải tính hết các khả năng xảy ra ở tầm vĩ mô, phải phù hợp với thực tế của người dân và phải có tính khả thi cao, tính ích dụng cho người thực hiện. Làm chứng minh thư phải khai tên bố mẹ làm gì khi có rất nhiều đối tượng lứa tuổi điều này không thích hợp. Như tôi, bố mẹ mất đã 30 năm, khai tên trong chứng minh thư có ích gì. Trong khi lẽ ra có một yếu tố rất cần thiết, rất ích lợi cần phải có trong chứng minh thư là nhóm máu của từng người thì không đưa vào. Một người khi gặp sự cố gì cần cấp cứu máu thì chỉ cần nhìn vào chứng minh thư của người đó là biết ngay nhóm máu cần có, khỏi phải chờ đến bệnh viện xét nghiệm trong khi tính mạng đang nguy kịch. Và có nhóm máu trong chứng minh thư thì cũng biết được ngay là ai có thể cho máu, hiến máu kịp thời. Đấy chỉ là một thí dụ, cũng có thể là một đề nghị của tôi thay vì đề tên cha mẹ vào chứng minh thư mới thì nên đề nhóm máu.

Xe chính chủ thì rõ là nghị định đã quy định sai chức năng của CSGT. Họ xử lý vi phạm của người tham gia giao thông chứ không xử lý chiếc xe là của ai, ai đứng chủ. Bây giờ lại đến chuyện quy định vòng hoa đám ma, mặt kính quan tài, cũng như quy định số mâm ăn trong đám cưới, lý do là tiết kiệm nhưng lại không tính đến yếu tố tâm linh, tình cảm. Có việc cần sự vận động về mặt xã hội, đạo đức, có việc cần quy định về mặt pháp luật. Những nghị định vừa đưa ra đã phải rút lại cho thấy có sự bất cập trong cách nhìn nhận các vấn đề cuộc sống và tìm hướng giải quyết chúng của cấp điều hành quản lý cao nhất là Chính phủ.

Ở đây lại có thêm một điều khó hiểu: Các cơ quan soạn thảo các văn bản ấy suy nghĩ thế nào mà định ra những điều cứ như đùa và các cơ quan thẩm định văn bản pháp luật làm việc thế nào mà “chuyện như đùa” ấy lại vẫn được thông qua, được áp dụng. Không thể là việc bình thường khi trong một thời gian ngắn, liên tiếp mấy nghị định vừa đến thời gian có hiệu lực đem ra thi hành là lập tức gặp phản ứng gay gắt của nhân dân, của giới chuyên gia, khoa học và phải ngay lập tức dừng lại để chỉnh sửa, xem xét. Điều này nói lên rằng các cơ quan làm luật của Chính phủ đang rất chủ quan, đang mang tính áp đặt những điều muốn làm cho thực tế chứ chưa thật sâu sát, xuất phát từ chính những yêu cầu của cuộc sống. Cố nhiên, không văn bản pháp luật nào bao quát hết mọi điều xảy ra trong thực tế, không có hết mọi giải pháp cho mọi tình thế nhưng một văn bản khi đem ứng dụng mà gần như không điều chỉnh được đối tượng chính được quy định trong đó thì văn bản ấy không tác dụng.

Chuyện tưởng như đùa nhưng đang là sự thực.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog