Có thể khẳng định rằng không khó để nhận diện nhóm lợi ích ở Việt Nam. Vấn đề là ứng xử với nhóm lợi ích này thế nào...
Lúc này, nếu chỉ để “nhận diện” như tinh thần của cuộc Hội thảo đó của Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì rõ ràng là lạc hậu so với thời cuộc - Minh họa: Khều.
Lần đầu tiên, Hội thảo có tên “Nhận diện lợi ích nhóm” được Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/1, một cuộc Hội thảo khá là chậm trễ, nếu so với diễn biến thời cuộc.
Theo lý giải của các nhà tổ chức thì mục tiêu của cuộc Hội thảo “Nhận diện lợi ích nhóm” để có biện pháp phòng ngừa cũng như để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Bởi vì trên thực tế, chưa có nhiều bàn luận khoa học về vấn đề này. Cách hiểu và cách nhận biết về “lợi ích nhóm” chưa thống nhất, không chỉ gây khó khăn cho những người làm công tác tuyên truyền, những người làm công tác triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, mà còn gây nghi ngờ, bức xúc trong người dân.
Hơn một năm trước, vấn đề lợi ích nhóm đã bắt đầu trở nên rất nóng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu kết thúc hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhận định về “lợi ích nhóm” rằng: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối...”.
Lợi ích nhóm là sản phẩm tất yếu của kinh tế thị trường. Có lợi ích nhóm đa số, lợi ích nhóm thiểu số, lợi ích nhóm tiêu cực, lợi ích nhóm tích cực. Lợi ích nhóm xuất hiện với tần suất dày đặc trong suốt thời gian qua trong đời sống kinh tế và chính trị của Việt Nam, luôn gắn với nghĩa tiêu cực là chủ yếu.
Các nhà khoa học khi tham dự tại cuộc Hội thảo “Nhận diện lợi ích nhóm” này cũng tập trung sự quan tâm của mình vào hướng tiêu cực của nhóm lợi ích nhiều hơn, khi phân tích quanh 4 nhóm vấn đề về các dạng thức biểu hiện của lợi ích nhóm và tác hại của chúng trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam; xu hướng phát triển của các dạng lợi ích nhóm ở Việt Nam; nguyên nhân tồn tại các loại lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay; lợi ích nhóm và vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.
Thực tế, qua các phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong suốt hơn một năm qua, lợi ích nhóm cũng như cách đối phó với chúng đã cũng được nhận diện khá rõ ràng.
Chẳng hạn, với phong thái rất giản dị và dân dã, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thứ 4 nói đại ý rằng lợi ích nhóm là một thứ liên kết móc ngoặc với nhau thành đường dây vì “miếng ăn”, mà miếng ăn vốn “là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng, lộn gan lên đầu”, vì thế, việc đối phó không dễ dàng, thậm chí là vô cùng khó khăn.
Hay trong một bài viết cho Ngày thành lập quân đội nhân dân 22/12/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhắc đến: “Gần đây, báo chí và dư luận hàng ngày đề cập đến những “nhóm lợi ích”, đâu đó có hành vi thâu tóm quyền lực kinh tế làm cho lòng dân không yên”.
Chủ tịch nước khẳng định: “Thực tế đang đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác quản lý nhà nước, chống lại tệ quan liêu, trì trệ, tham nhũng, “lợi ích nhóm” hay lợi ích cục bộ của ngành này, ngành khác; phải có những tiêu chí mới để đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả thực chất, vì lợi ích chung, chứ không phải những quy định mà người ta có thể lợi dụng theo ý muốn của mình”.
Tại diễn đàn Quốc hội, chung tâm trạng lo lắng cho sự phát triển của đất nước, đại biểu Quốc hội gần như cùng đồng loạt lên tiếng về lợi ích nhóm. Như tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012) Phó Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng kêu gọi Quốc hội cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích, không chỉ trong các tháng còn lại của năm 2012, mà cả trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế - công việc hệ trọng của đất nước hiện nay, dự kiến sẽ còn phải kéo dài trong nhiều năm tới.
Ủy viên Thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội, bà Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi liệu việc “phát hiện tham nhũng nhiều, xử lý nhẹ có tiêu cực không? Có lợi ích nhóm không? Có độc lập trong điều tra, khởi tố, xét xử hay không?” Bởi theo bà, các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng đã tính kỹ đường đi, nước bước để đạt được mục đích và cùng liên kết với nhau để cùng che giấu tội, tìm cách chạy tội. Lợi ích nhóm ở đó, chứ còn tìm ở đâu...
Ở một lĩnh vực đang bị xem là có sự tồn tại mãnh liệt nhất của lợi ích nhóm là lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trước truy vấn quyết liệt của các đại biểu Quốc hội nên khi trả lời trước Quốc hội ngày 13/11/2012, cũng thừa nhận: “Tôi khẳng định có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Cả một ngân hàng chỉ phụ thuộc vào quyết định của một vài ông, kiểm soát hết hoạt động thì các khách hàng thân quen được hưởng lợi ích”.
Đặc biệt, hồi tháng 9 năm ngoái, trong báo cáo “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã lần đầu tiên đưa ra một loạt những nhận định mang tính chất “bom tấn” về lợi ích nhóm.
Theo đó, Ủy ban này có cho biết những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc và vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân. Có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, rừng biển...
Như vậy, có thể khẳng định rằng không khó để nhận diện nhóm lợi ích ở Việt Nam. Vấn đề là ứng xử với nhóm lợi ích này thế nào. Lúc này, nếu chỉ để “nhận diện” như tinh thần của cuộc Hội thảo đó của Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì rõ ràng là lạc hậu so với thời cuộc. Tuy nhiên, hy vọng, sau cuộc hội thảo này, các cuộc hội thảo khác sẽ được tính tới để bàn cách “tương kế tựu kế” đối phó được với nhóm lợi ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét