Theo "Pháp luật", theo "Luật"?
Quy định thế nào để người dân thực hiện được quyền hiến định của mình trong thực tế, Nhà nước không thể tùy tiện cắt xén, giảm bớt, thậm chí xóa bỏ các quyền ấy?
Với dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đặt trở lại đúng vị trí và tầm quan trọng của nó.
"Mọi người có quyền", "Công dân có quyền"
Cùng với đó, việc tách bạch quyền con người với quyền công dân và sắp xếp các quyền cơ bản ấy một cách khoa học theo từng thế hệ quyền con người đã khắc phục được tình trạng lộn xộn, lẫn lộn không đáng có ở HP hiện hành. Trong thứ tự ấy, sau các điều khoản về nguyên tắc, các quyền được sắp xếp theo thứ tự: các quyền dân sự, chính trị (thế hệ quyền thứ nhất); các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (thế hệ quyền thứ hai); các quyền tập thể, như quyền được sống trong môi trường trong lành (thế hệ quyền thứ ba).
Ngoài ra, so với HP hiện hành, bản dự thảo sửa đổi HP đã bổ sung quy định về quyền sống và nghiêm cấm cưỡng bức lao động, bổ sung một số quyền quan trọng khác như quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp…
Ngôn ngữ trong dự thảo cũng khắc phục cách thể hiện theo kiểu “ban ơn” ở Chương V - HP 1992. Ở đó, một số quy định được bắt đầu bằng cụm từ “Nhà nước đảm bảo”, “Nhà nước bảo hộ”, “Nhà nước tạo điều kiện” gây cảm giác Nhà nước ban cho công dân chứ không phải công dân mặc nhiên được hưởng các quyền này. Cách quy định ấy tiềm ẩn nguy cơ về sự tùy tiện của các cơ quan nhà nước, cắt xén, giảm bớt hay xóa bỏ các quyền này bất cứ khi nào Nhà nước muốn.
Quyền được giáo dục là một trong những quyền mà Nhà nước phải phấn đấu đáp ứng cho người dân. Ảnh: HTD |
Dự thảo sửa đổi HP đã khắc phục điều này bằng cách bắt đầu các điều về quyền con người, quyền công dân bằng cụm từ: “Mọi người có quyền”, “Công dân có quyền”. Đồng thời, dự thảo cũng tuân thủ kỹ thuật lập hiến bằng lời văn ngắn gọn, súc tích, cô đọng thay cho những câu thừa, dài dòng, quá chi tiết ở HP hiện hành.
Với những sửa đổi ấy, Chương II dự thảo mở ra hy vọng rằng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tới đây sẽ coi trọng quyền con người hơn, lấy đó làm cơ sở, làm mục tiêu phấn đấu của Nhà nước.
Bốn nhóm quyền con người
Tuy nhiên, như trong bài phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Như Phát, thành viên Ban Biên tập dự thảo HP sửa đổi (Pháp Luật TP.HCM ngày 29-1) đã nêu rõ, dự thảo vẫn chưa khắc phục được những hạn chế của HP hiện hành trong cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Hạn chế ấy thể hiện ở cụm từ “theo quy định của pháp luật”.
Xử lý vấn đề này thế nào, thiết nghĩ cần quay trở lại lý thuyết cơ bản về quyền con người trong việc phân chia các quyền và các nhóm quyền. Ngoài việc phân chia các quyền theo các thế hệ quyền thì quyền con người còn được phân chia theo bốn nhóm.
Thứ nhất, nhóm quyền bất khả xâm phạm dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, gồm quyền sống; quyền không bị tra tấn, bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục; quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền bình đẳng trước pháp luật. Đây là những quyền tuyệt đối vì liên quan đến sự sống còn và phẩm giá của con người.
Với tính chất đặc biệt ấy, trong tinh thần HP mới, quy định về các quyền này phải được khẳng định là có hiệu lực trực tiếp. Nghĩa vụ của Nhà nước là phải đảm bảo cho người dân được thụ hưởng các quyền này trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh và người dân có quyền viện dẫn trực tiếp các quy định đó của HP để bảo vệ quyền của mình. Như thế, không cần gắn đuôi “theo quy định của pháp luật” hay “theo quy định của luật”.
Nhóm quyền thứ hai liên quan đến các tự do căn bản của con người, gồm tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, biểu tình, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do kết hôn, quyền sở hữu, quyền tiếp cận thông tin, quyền bầu cử, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền tự do kinh doanh, việc làm…
Nhóm thứ ba là các quyền được bảo vệ về mặt tư pháp, chống lại mọi sự đối xử tùy tiện, lạm quyền của cơ quan tư pháp, đó là các quyền: khiếu nại, tố cáo; tiếp cận tư pháp…
Các quyền ở hai nhóm này là rất quan trọng với con người nhưng để thực hiện được cần phải có những quy định cụ thể hướng dẫn. Nhưng vì đây là các quyền rất quan trọng nên để hạn chế tối đa sự tùy tiện, lạm quyền, dẫn tới thu hẹp, làm mất ý nghĩa của quyền tự do căn bản nên cần quy định rõ trong HP là các quyền ấy là “theo quy định của luật” - tức văn bản quy phạm do QH chứ không phải bất kỳ cơ quan nhà nước nào khác ban hành.
Đồng thời, tinh thần của bản HP mới cũng phải khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trước nhóm quyền này là “hành động”. Việc không ban hành các đạo luật để cụ thể hóa, làm cơ sở cho người dân thực hiện quyền trên thực tế cần được coi là vi phạm quyền con người và vi phạm nghĩa vụ của quốc gia thành viên các công ước quốc tế về quyền con người.
Nhóm thứ tư, các quyền cần được Nhà nước thực hiện từng bước, như quyền được giáo dục, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền có nhà ở… thuộc những nội dung mà Nhà nước phải phấn đấu đáp ứng cho người dân. Tính chất từng bước và tùy khả năng đáp ứng từng thời điểm cụ thể ấy cho phép điều khoản quy định các quyền này có thể đi kèm với cụm từ “theo quy định của pháp luật”.
Cần thiết lập cơ quan nhân quyền quốc gia
Từ sự phân loại trong dự thảo sửa đổi HP 1992, có thể thấy một số quyền phải dành cho “mọi người” chứ không chỉ “công dân”. Chẳng hạn, quyền tự do đi lại, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền được bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, so với các tuyên ngôn, tuyên bố, công ước quốc tế về quyền con người, bản dự thảo HP sửa đổi còn thiếu một số quyền quan trọng, như quyền tự do tư tưởng - cần được bổ sung vào Điều 26, gắn với các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền tham gia vào quyết định các vấn đề về môi trường liên quan đến cuộc sống của mình; quyền của một số đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật...
Ngoài ra, khi đã khẳng định HP hướng về con người, phục vụ con người, thì cần thiết lập cơ quan nhân quyền quốc gia - thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
ThS NGUYỄN LINH GIANG (Viện Nhà nước & Pháp luật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét