Chia sẻ

Tre Làng

TẬP ĐOÀN BÁO LỖ HÀNG NGHÌN TỈ VỚI THỦ TƯỚNG

Báo cáo công bố tại buổi làm việc của Thủ tướng sáng nay cho thấy tình hình thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2012 đã cải thiện đáng kể so với 2011.

Cuộc làm việc thường niên giữa Thủ tướng và đại diện các "quả đấm thép" trong nền kinh tế diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước chỉ đạt 14,84%, giảm 4,16% so với năm 2011. Trong tổng số 73 đơn vị, khoảng 46,5% các doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 10%. Nhóm các tập đoàn lãi cao (trên 20%) chỉ chiếm 23%.
Chính phủ cho rằng nhiều tập đoàn, tổng công ty còn trông chờ hỗ trợ. Ảnh: Nhật Minh
Số ít doanh nghiệp có lợi nhuận cao như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Dầu thực vật VN, Tân cảng Sài Gòn, Tập đoàn Viettel… tỷ suất lợi nhuận 36 – 63%. Nhiều đơn vị có lợi nhuận rất thấp như Tổng công ty Đường Sắt (0,85%), Tập đoàn Điện lực (1,4%), Tổng công ty Xi măng (4,22%), Lương thực Miền Nam (4,49%), Vietnam Airlines (4,55%), Tổng công ty Giấy (5,84%), Cà phê (6,57%), Than – Khoáng sản (6,98%)…

Với những kết quả nêu trên, không ít tập đoàn, tổng công ty đã không đạt được mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nộp ngân sách đề ra, trong đó có những trường hợp như Tổng công ty Cà phê hay Lương thực Miền Nam chỉ đạt khoảng một nửa so với kế hoạch đề ra. Có 2 đơn vị để xảy ra thua lỗ (không kể Vinashin) là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu và Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới – phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty là 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2011. Tổng số tiền nộp vào ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái.

Báo cáo của ban cũng nêu rõ, lỗ phát sinh trong năm 2012 của các đơn vị là 2.253 tỷ đồng. 10 đơn vị có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính. Tổng lỗ lũy kế của các ông lớn này đến cuối 2012 là 17.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với báo cáo năm 2011, tình hình lỗ của các tập đoàn đã được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.988 tỷ đồng, trong đó EVN đóng góp phần 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng.

Trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hiện lên tới gần 1,335 triệu tỷ đồng, tương đương 1,82 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này được đánh giá vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng xét riêng rẽ tại một số số đơn vị, tỷ lệ này đã vượt giới hạn cho phép, “cá biệt có nơi rất cao”.

Trong tổng nợ phải trả, hiện công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty đang nợ nước ngoài khoảng 158.900 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với năm 2011. Một số đơn vị có số nợ nước ngoài lớn là Tập đoàn Điện lực, Vietnam Airlines, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc…

Đánh giá về những kết quả nêu trên, bên cạnh những mặt được, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới – phát triển doanh nghiệp – Phạm Viết Muôn cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó, còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động thực hiện tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, năng lực quản trị doanh nghiệp trong nhiều tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế so với yêu cầu, công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp còn là khâu yếu, tình trạng lãng phí ở nhiều nơi chưa được khắc phục… dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Nhật Minh (VNE)

1 nhận xét:

  1. Thủy Tiên10:12 17/1/13

    Làm sao mà phát triển mạnh được khi còn những con sâu luôn nhăm nhe ăn chặn tiền nhà nước để kiếm lợi cho bản thân.Khi nào diệt được hết lũ sâu bọ ấy thì nước ta mới mong phát triển được.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog