Đào Tuấn
Giờ đây, khi “ra Hà Nội”, ông Thanh, trên “sân Mỹ Đình” đang đứng trước trận cầu lớn nhất của đời mình. Và trận đấu ở “Mỹ Đình” tuyệt đối không phải là một trận cầu giao hữu, từ thiện.
Hồi đầu năm 2007, sân Chi Lăng diễn ra một trận cầu đặc biệt: Trận cầu từ thiện giữa hai đội Đà Nẵng, do ngôi sao khoác áo số 9 Nguyễn Bá Thanh, đương kim Bí thư Thành ủy làm đội trưởng và đội Thừa Thiên- Huế, do cầu thủ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện làm đội trưởng.
Không rõ là “ngôi sao số 9” có ghi bàn trên sân cỏ trong tỷ số của một ván tenis (4-3) mà phần thắng đương nhiên thuộc về chủ nhà? Nhưng ông đã ghi những bàn thắng lớn nhất: 10 ngàn người, 10 ngàn fan hâm mộ đã đến sân, trong thời tiết “lất phất mưa và se lạnh”. 17.000 vé với giá 100.000 đồng được 10.000 CĐV mua hết veo. 6 tỷ đồng, hay bao nhiêu bao nhiêu đó tiền tài trợ đã được dành để ủng hộ đồng bào 3 tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam vừa bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 6.
Không ngẫu nhiên sau đó, CĐV của SHB Đà Nẵng mang ảnh ông Thanh, với kích cỡ bằng 4 chiếc chiếu- tới sân, mỗi khi cổ vũ cho đội nhà.
Một cách lý tính, sự lựa chọn cảm tỉnh của giới fan túc cầu chưa bao giờ sai khi dành tình yêu cho trái bóng, cho một “số 9” nào đó.
Đà Nẵng là một bàn thắng “để đời” của ông Thanh. Bởi Đà Nẵng là Nguyễn Bá Thanh, và ngược lại. Bởi, dù có nhiều ý kiến này khác, sự ngưỡng mộ của người Đà Nẵng với ông là một thứ tình cảm mang tính phổ biến. Không ngẫu nhiên, Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, vị trí số một về môi trường kinh doanh của cả nước.
“Hội chứng Nguyễn Bá Thanh” thậm chí còn tạo ra sự chờ đợi trong háo hức đối với người dân, cũng như giới truyền thông, mỗi khi ông đăng đàn. Bởi ở đó, thứ “bóng đá” ông chơi không bao giờ là những bài phát biểu soạn sẵn, chán ngắt, dài lê thê. Bởi ở đó là ngắn gọn, thẳng thắn, quyết liệt, và “đánh thẳng vào trung lộ”.
4 tháng trước, trong buổi nói chuyện với những người dân làng phong Hòa Vân, ông Thanh khẳng định cá tính của mình: “Tôi nói là làm, không có chuyện chạy làng”. Trước đầy đủ comple cà vạt ban bệ của Thành phố, ông cũng là người đầu tiên nói tới “văn hóa xấu hổ” trước tình trạng cán bộ “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”.
Sự kỳ vọng ở những “trận cầu ông Thanh” là bởi, những trận cầu đó bao giờ cũng có những bàn thắng, những quyết sách, những việc làm đi kèm. Và thắng lợi, rất phổ biến là dành cho người dân.
Giờ đây, khi “ra Hà Nội”, ông Thanh, trên “sân Mỹ Đình” chứ không phải “sân Chi Lăng”, đang đứng trước trận cầu lớn nhất của đời mình. Nơi mà đối thủ của ông sẽ là những vụ án tham nhũng trọng điểm, liên quan đến những “bộ phận không nhỏ”, những “nhóm lợi ích”. Nơi mà ông chỉ có thể đá hoặc thổi còi.
Trận đấu ở “Mỹ Đình” tuyệt đối không phải là một trận cầu giao hữu, từ thiện.
Nhưng những cổ động viên “sân Chi Lăng”, những cổ động viên “sân Mỹ Đình” đang chờ bàn thắng lớn nhất của ngôi sao số 9, niềm hy vọng của họ.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả Đào Tuấn
rat mong nhu vay , nhung ong khong the da mot minh duoc , dan cau thu cung ong la ai?
Trả lờiXóaĐúng là một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Nhưng dù sao cũng có hy vọng sức lan tỏa của ông Thanh đối với những cầu thủ khác. Ta chỉ có thể chờ mà thôi.
Xóa