Tống Văn Công
Trong tác phẩm Giấc mơ Trung Quốc được dư luận đánh giá cao, đại tá, giáo sư Đại học quốc phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc viết “Có 3 mâu thuẫn lớn có thể làm cho Trung Quốc “trỗi mà không thể dậy nổi”: (1) Mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên, (2) mâu thuẫn giữa người với người, (3) mâu thuẫn giữa Trung Quốc với thế giới. Thuyết “Trung Quốc đe dọa” là bài toán khó theo giáo sư Lưu, đòi phải có lời giải “sáng tạo mới về chính trị”. Vậy mà nhà cầm quyền Bắc Kinh không chịu nghe lời khuyên sáng suốt đó, chỉ làm ngược lại!
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động gây hấn trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc công bố, nước này sẽ xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo trên Biển Đông, trong đó có nhiều đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhằm hợp thức hóa sự xâm chiếm bất hợp pháp bằng thủ tục hành chính. Mới đây, họ chính thức công bố nội dung có hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”; tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa; phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012 – 2022, trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam- Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó”.
Các nước trong vùng đều có những động thái phản ứng mạnh mẽ. Nhật Bản liên tục có những phản ứng càng ngày càng quyết liệt hơn. Ngày 13-1 Lực lượng phòng vệ Nhật “tập trận tái chiếm đảo” với 2000 quân. Ngày 14-1 tổ chức diễn tập nhảy dù bảo vệ đảo và điều thêm tàu tuần tra tới gần khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Philippines yêu cầu Trung Quốc lý giải việc điều tàu hải giám đến các đảo tại Biển Đông và tấm bản đồ xâm phạm chủ quyền nhiều nước, gây căng thẳng mới trong khu vực. Philippines đã nâng quan hệ liên minh quân sự với Mỹ lên những bước cao hơn và mới đây được Tokyo thỏa thuận cấp 10 tàu hải giám bằng vốn vay ưu đãi, nhằm tăng cường lực lượng phòng vệ bờ biển, “kiên quyết sẽ bắn trả và làm chìm tàu kẻ nào gây hấn”. Ngoại trưởng Úc khẳng định việc hợp tác an ninh giữa ba nước Mỹ, Nhật, Úc là vô cùng quan trọng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe quyết định chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia (hồi năm 2006 khi đắc cử Thủ tướng, ông đã chọn Trung Quốc cho chuyến thăm đầu tiên). Mới đây, ông cho thông báo, sẽ cử Chủ tịch UBĐN Hạ viện chuyển thông điệp của Tokyo đến NATO đề nghị cùng tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn, nhằm kiềm chế hành động hung hăng của Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu vội vàng bình luận rằng, Tokyo nhất định thất bại “vì NATO còn phải lo việc ổn định của Châu Âu”. Nhưng có lẽ họ quên rằng từ tháng 5-2012, cuộc họp NATO tại Mỹ, đã đưa ra mô hình “Đối tác toàn cầu” gồm tám nước Iraq, Pakistan, Afghanistan, Mông Cổ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Nhật. Hiện nay, NATO đang mở rộng hoạt động toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thể hiện qua chiến lược của Mỹ. Ấn Độ cũng tuyên bố sẵn sàng đưa tàu chiến ra Biển Đông để bảo vệ quyền lợi của mình…
Nhiều học giả trung thực của Trung Quốc lên tiếng cho rằng, cách hành xử như trên chỉ gây ra rối ren, “hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc” (Học giả Lý Lệnh Hoa, Trung tâm tin tức Hải Dương). Thời Tây Hán (179 trước CN) Tư Mã Tương Như có lời răn: “Kẻ khôn ngoan biết tránh được tai họa khi nó chưa đến”. Mong rằng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ kịp học khôn sớm từ bỏ lối hành xử vượt xa các ông trùm phát xít để tránh kết cục như dự báo của đại tá giáo sư Lưu Minh Phúc: “Trỗi mà không thể nào dậy nỗi!”
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 16-1-13
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét