Chia sẻ

Tre Làng

CÁO GỬI CHÂN


Lâu nay, câu chuyện Trung Quốc mưu toan độc chiếm Biển Đông đã trở thành một đề tài thường nhật của giới truyền thông trong khu vực từ Đông Nam Á sang đến Đông Bắc Á hay tới tận Nam Á. Vì là thường nhật nên công dân của các quốc gia trong các khu vực nói trên cũng trở nên quen thuộc với mảng đề tài này. Quen tới mức, những gì liên quan đến những vấn đề kể trên đều được người ta để tâm; thậm chí còn đề cao cảnh giác trước những diễn biến khó lường đến từ phía thiếu thiện chí.

Mới nhất, trong dịp Tết Quý Tỵ, người dân ở nhiều địa phương của Việt Nam đã kiên quyết tiêu hủy những đèn lồng Trung Quốc có chữ "Tam Sa” bằng tiếng Trung và những chậu cảnh giả cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc có hình bản đồ Việt Nam nhưng không có các quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Món hàng mà những người dân đã tiêu hủy ấy có cái chỉ đáng giá vài chục nghìn đồng; có cái đáng giá cả triệu đồng nhưng rõ ràng một điều là giá trị tiền bạc đã trở nên quá nhỏ bé trước tinh thần cảnh giác đáng quý của những người dân yêu nước. Đây quả đúng là những hành động đáng trân trọng và cần được khích lệ, được nhân lên. Bởi dù gì, Tổ quốc cũng là của tất cả những người Việt Nam và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, nói thế nào cũng phải là việc của mỗi người; dù ở những vị trí và vai trò khác nhau. Trong khi trân quý những người dân ở Hải Phòng, Hải Dương hay xa hơn nữa là tại những vùng đất phương Nam thì người ta đồng thời phải đặt ngay một câu hỏi: Vì sao và bằng cách nào những sản phẩm ấy lại có thể tiến sâu vào trong nội địa nước ta và tung hoành từ Bắc tới Nam một cách dễ dàng đến thế?

Công bằng mà nói, nhiều hàng hóa của Trung Quốc mẫu mã khá đẹp giá thành lại rẻ; mặc dù của rẻ lắm khi đúng thật là của ôi!... nhưng nhờ lợi thế tuy ôi mà rẻ ấy nó đã đánh trúng vào tâm lý hám rẻ mà thu lời cao của nhiều người làm ăn. Và rồi, bằng cách này hay cách khác, những thứ hàng hóa như điện thoại di động nhái các hãng lớn; quần áo được nhập về đội mác Việt Nam cho đến những thứ nhỏ bé hơn như mấy bánh pháo, cái đèn lồng hay thậm chí mấy phong bao lì xì cũng xuất xứ từ Trung Quốc… thôi thì đủ loại vẫn tràn vào nội địa. Mà nào có phải người Việt mình kém cỏi đến mức không làm nổi mấy cái phong bao lì xì hay những cái đèn lồng đâu!? Trong khi đã không cổ súy để người Việt dùng hàng Việt đã đành; lại có nhiều người còn gián tiếp tiếp tay cho những hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia. Hành động này đáng giận chứ không phải chỉ đáng trách. Điều ngạc nhiên như đã nói trên là, không biết bằng cách nào những thứ hàng ấy lại được tuồn vào Việt Nam một cách vô tư, vượt qua trùng trùng các chốt chặn đủ loại với những công chức tinh thông nghiệp vụ là thế; từ biên giới cho đến những tỉnh thành nằm sâu trong nội địa.

Thực tế lâu nay, người ta đã chứng kiến nhiều cách "gửi chân” kiểu ấy của Trung Quốc. Dù không được công nhận về mặt pháp lý nhưng chiêu độc của những bản đồ, hộ chiếu Trung Quốc in hình lưỡi bò và giờ là những bản đồ Việt Nam mà không có các quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa núp dưới dạng thức của một chậu cảnh bằng nhựa đã đủ minh chứng cho nhận định này. Đây cũng chỉ là một cách để họ chực chờ ai đó mất cảnh giác và từ bỏ một cách vô thức chủ quyền thiêng liêng của quốc gia; rồi vô thức tiếp tay cho hành vi phi pháp của mình. Ờ thì nhà báo Danh Đức đã lên tiếng cảnh báo khi bảo: "Sẽ còn nữa những cám dỗ tương tự, nhất là khi đang quen với những tiện nghi của một nền kinh tế biên mậu đầy ưu đãi, của một sự giao thương mở cửa mọi bề, từ hàng hóa tiêu dùng đến văn hóa phẩm”. Nhưng liệu đây đã phải là những sản phẩm cuối cùng núp bóng một thứ hàng hóa tưởng như vô thưởng vô phạt mà lại tuyên truyền trá hình cho cái gọi là chủ quyền phi pháp của ông bạn láng giềng hay chưa? Có lẽ, chẳng mấy ai dám khẳng định đây là lần cuối cùng nhìn thấy những sản phẩm kiểu ấy len lỏi trong đất liền Việt Nam. Mặc dù, nghe nói, sau khi sự việc xảy ra, ông Đào Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Cục đang xem xét, chỉ đạo để xác định xem mặt hàng đèn lồng như đã nói ở trên tập trung chủ yếu tại địa bàn nào, mức độ ra sao để tiến hành kiểm tra xử lý. Xử lý bây giờ là việc vẫn phải làm nhưng chỉ là việc làm chữa cháy cho những chuyện đã qua. Còn về lâu dài sẽ thế nào? Thật khó nói khi người ta chỉ vì chút lợi nhỏ mà quên đi cả tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc. Bởi lẽ, một khi cái tâm lý con buôn nhất là con buôn vặt còn lẩn quất đâu đó thì sẽ khó mà hy vọng những sản phẩm phi pháp, phi đạo đức (đạo đức ở đây nên và cần hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là tinh thần dân tộc) như thế không có chỗ đứng trong các chợ hay các cửa hàng của Việt Nam; trừ phi chúng ta có chế tài thật mạnh, thật nặng… đến mức, số lời thu được từ những sản phẩm ấy không thể bù đắp nổi. Mà, đối với người đem các sản phẩm làm tổn hại đến lợi ích quốc gia vào trong nước nếu chế tài cao gấp 10 lần thông thường thì những người kiểm soát để lọt người- lọt hàng phải gấp nhiều lần hơn thế.

Đôi khi con người ta, bằng sự ích kỷ hay ấu trĩ của mình cứ hay lầm tưởng ấm thân đã là đủ; nhưng dường như mọi chuyện đâu chỉ dừng lại ở đó. Thân ấm nhưng chưa chắc đã êm nếu một khi lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc bị nhòm ngó, bị đe dọa. Điều này thì tiền nhân chúng ta đã hiểu rõ, biết sâu; cũng vì thế mà chúng ta mới có một Việt Nam hôm nay. Lẽ nào chỉ vì một chút lợi riêng mà một bộ phận nào đó mất cảnh giác đến mức quên đi những bài học xương máu ấy!?
Hoàng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog