Chia sẻ

Tre Làng

CHUYỆN DỌC ĐƯỜNG VỚI ĐẠI SỨ MỸ

TP - Ngày giáp Tết Quý Tỵ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear đi thăm tỉnh Thái Nguyên, tôi được mời đi cùng. Các nhân viên Đại sứ quán Mỹ bố trí để tôi ngồi cạnh Đại sứ Shear trên băng ghế sau, nhờ đó vị Đại sứ và tôi có nhiều thời gian trò chuyện.
Đại sứ Mỹ David Shear hiến máu nhân đạo tại Trung tâm Huyết học truyền máu ở Hà Nội.
“Chịu thua” Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tôi gợi lại chuyện cách đây một năm rưỡi, trong lễ trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội, Đại sứ David Shear đã dám nhận lời với Chủ tịch nước rằng sẽ học tiếng Việt để trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông có thể dùng tiếng Việt trong cuộc gặp với Chủ tịch nước.

Tôi hỏi Đại sứ về việc học tiếng Việt của ông từ đó đến nay tiến bộ đến mức nào. Đại sứ cười trừ và thừa nhận rằng lời “thách thức” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với ông là khá hóc búa. “Đó là lời thách thức rất khó của Chủ tịch Trương Tấn Sang. Tôi vẫn đang học nhưng tôi đã già lắm rồi. Người già học ngoại ngữ khó khăn hơn người trẻ” - Đại sứ nói.

Ông Shear cho biết vẫn đang cố gắng học tiếng Việt, nhưng “rất khó”. Đại sứ trả lời bằng tiếng Anh nhưng từ “rất khó” được ông phát âm tiếng Việt khá sõi.

Nhà ngoại giao Mỹ cười lớn và nói thêm rằng nhiệm kỳ công tác của ông tại Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2014, có lẽ ông phải xin kéo dài nhiệm kỳ thêm vài năm nữa.

Ý Đại sứ là có thể phải kéo dài nhiệm kỳ để học tiếng Việt mới có thể vượt qua được “thách thức” của Chủ tịch nước. Đại sứ Shear cho rằng ông rơi vào thế bất lợi vì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói tiếng Anh rất tốt.

Năm nay ký Hiệp ước TPP?

Tại cuộc họp báo đầu tiên ở Hà Nội ngay sau khi nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Shear nói trong nhiệm kỳ công tác của mình ông đặt ưu tiên cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Tôi nhắc lại điều này và hỏi Đại sứ từ đó đến nay tình hình quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển đến đâu. Đại sứ Shear cho rằng đã có sự cải thiện lớn trong quan hệ kinh tế thương mại song phương.

Năm 2011 kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 19 tỷ USD, năm 2012 con số này là 22 tỷ USD mà phần nhiều trong giá trị thương mại này là xuất khẩu của Việt Nam.

Ông cho biết người Mỹ đã thích các sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Đại sứ chờ đợi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng trưởng cao hơn nữa. Ông nói: “Tất nhiên chúng ta cũng sẽ chứng kiến dòng đầu tư trực tiếp (FDI) của các công ty Mỹ tiếp tục đổ vào Việt Nam”.

Đại sứ Mỹ David Shear (giữa) và các thầy cô giáo trường Đại học Thái Nguyên.
Đại sứ Shear cho rằng dòng FDI này chưa tăng mạnh như có lần ông hy vọng do điều kiện kinh tế khó khăn của hai nước. Kinh tế Mỹ căng thẳng suốt từ năm 2008 và 2009 do vậy đầu tư của các công ty Mỹ ra nước ngoài giảm sút và nay kinh tế Mỹ đang thoát ra khỏi tình trạng khó khăn đó.

Khi nền kinh tế Mỹ lấy lại được sức mạnh, trong tương lai gần chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng FDI của Mỹ tại Việt Nam và đây chính là một phần trong công việc của ông tại Việt Nam, đó là tạo điều kiện để thúc đẩy sự đầu tư này.

Đại sứ Shear cho biết Mỹ và Việt Nam hiện đang đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp định thương mại tự do đa phương. Phía Mỹ hy vọng sẽ ký được Hiệp định vào cuối năm nay và việc này được coi là ưu tiên cao nhất của Tổng thống Barack Obama.

Vào dịp tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Phnom Penh tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo các nước TPP.

Ngoài ra Tổng thống Obama đã có cuộc gặp ngắn gọn nhưng nhiều kết quả với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc hai nước cùng quan tâm đến TPP. Đại sứ nói rằng hai bên đang rất tích cực đàm phán về hiệp định này, hy vọng Hiệp định TPP sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Hiệp định TPP từng được hy vọng ký kết vào cuối năm 2012 tuy nhiên, theo Đại sứ Shear, đây là cuộc đàm phán rất gai góc giữa 10 đối tác nên rất phức tạp và mất nhiều thời gian vì quan tâm của mỗi nước khác nhau.

Ông Shear cho rằng các nhà đàm phán Việt Nam luôn luôn không dễ nhượng bộ, các nhà đàm phán Mỹ cũng như vậy khiến Hiệp định TPP không thể được ký kết năm ngoái. Đại sứ bày tỏ hoàn toàn lạc quan và hy vọng rằng Hiệp định này sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Đại sứ Mỹ David Shear (giữa) thăm gian trưng bày sách của Đại học Thái Nguyên.
Về câu hỏi có kế hoạch nào cho Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam trong thời gian tới hay không, Đại sứ Shear cho biết bản thân ông rất muốn được thấy Tổng thống Obama thăm Việt Nam trong năm nay hoặc sang năm hay bất cứ lúc nào trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống.

Kế hoạch làm việc cho Tổng thống hiện đang được vạch ra nên Đại sứ không thể nói chắc chắn rằng Tổng thống sẽ đến thăm, tuy nhiên Đại sứ sẽ cố gắng hết sức để các nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ và Việt Nam sang thăm lẫn nhau trong năm nay. Ông Shear cho rằng 2013 là năm tốt để tăng cường quan hệ Việt-Mỹ.

Theo Đại sứ, ông đang tiếp tục công việc của người tiền nhiệm là thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ. Đến nay có khoảng 15.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ trên rất nhiều ngành và lĩnh vực.

Mỹ đang giúp đỡ để Việt Nam xây dựng được hạ tầng giáo dục của mình, chuyến thăm Đại học Thái Nguyên của Đại sứ Shear cũng vì mục đích này.

Thích ăn nem chua, bún, phở

Đại sứ David Shear là một chuyên gia về châu Á, từng công tác tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, và nay là Việt Nam.

Tôi nêu câu hỏi về những ấn tượng và những quan sát thú vị của ông đối với văn hóa Việt Nam, Đại sứ nói: “Lần đầu tiên đến Việt Nam ai cũng bị ấn tượng bởi nhiệt tình, sự chăm chỉ của người Việt. Vừa ra khỏi sân bay khi đến Việt Nam nếu nhìn ra đường phố đã thấy người Việt tham vọng như thế nào”.

Theo ông Shear, Việt Nam có những người nông dân chăm chỉ, đường phố đông đúc, dân số trẻ và đầy lạc quan, đó là những điều các nhà đầu tư nước ngoài rất ấn tượng. Điều đó khiến họ tin rằng triển vọng trung hạn và dài hạn của Việt Nam là rất khả quan.

Đại sứ Shear chia sẻ ông rất thích ăn nhiều món ăn Việt như phở bò, bún chả, bún bò Huế, bánh xèo, phở xào và cả nem chua. Ông thường xuyên dùng các món Việt Nam và thích ăn thức ăn đường phố hơn vì nó rất ngon. Ông thích đi đến các vùng khác nhau của Việt Nam để thưởng thức đa dạng ẩm thực.

Đại sứ kể có lần sau khi làm việc ở thành phố Vinh, thay vì trở về Hà Nội bằng máy bay, ông đã chọn đi xe hơi trên đường Hồ Chí Minh. Đó cũng là lần đầu tiên ông được thưởng thức món nem chua dọc đường mặc dù biết đây là món được chế biến từ thịt lợn sống.

Chuyện trong gia đình

Đại sứ Shear rất cởi mở chia sẻ với tôi những câu chuyện về gia đình của ông. Nhà ngoại giao David Shear lần đầu gặp bà Barbara - phu nhân hiện nay của ông - năm 1980. Bà là người Đài Loan sang du học tại Mỹ rồi ở lại làm việc cho Ngân hàng Thế giới ở Washington D.C.

Sau khi ông bà kết hôn vào cuối năm 1980, ông Shear nhận nhiệm vụ sang công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. David Shear rất giỏi tiếng Trung Quốc nhưng do bà Barbara nói tiếng Anh tốt hơn là ông nói tiếng Trung nên ngôn ngữ trong gia đình ông dùng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh nhưng tiếng Anh nhiều hơn.

Ông bà có một người con gái mới tốt nghiệp ngành nghệ thuật sắp đặt và hội họa hiện đang làm việc ở New York. Mỗi tuần cô liên hệ với cha mẹ ở Việt Nam vài lần bằng Skype trên mạng Internet.

Năm 2007 lần đầu tiên ông Shear cùng vợ con sang thăm Việt Nam với tư cách khách du lịch. Vừa qua cô sang Việt Nam thăm bố mẹ theo tua du lịch qua đường Thái Lan, Luang Prabang rồi đến Hà Nội bằng xe khách, cô cho biết chuyến đi rất thú vị.

Bà Barbara Shear thường làm món ăn Trung Quốc cho ông ăn, đôi khi ông cũng làm món ăn Mỹ cho bà. Gia đình Shear ưa dùng các loại ẩm thực Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Mỹ. Món ăn Trung Hoa ông thích nhất là thịt xay bọc trong bột mỳ trứng đem hấp cách thủy.

Trong gia đình Shear có điều khác thường là quần áo, đồ dùng của ai người nấy tự mua sắm. Tuy vậy, do ông bà có sở thích và gu thẩm mỹ tương đồng nên chưa bao giờ ông hoặc bà phàn nàn về kiểu dáng, màu sắc trang phục của nhau.

Bà Barbara Shear yêu thể thao nên sáng nào cũng dậy rất sớm đi bộ nhiều vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Vào những ngày cuối tuần, ông bà có thú vui cùng nhau đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội, thưởng thức các món ăn đường phố.

Những món quà mà Đại sứ Shear tặng cho phu nhân của mình vào những dịp sinh nhật, tết, lễ thường là sách và đĩa nhạc vì ông bà có cùng sở thích đọc sách và nghe nhạc.

Đại sứ Shear thích nghe nhạc Jazz, rock-n-roll trong khi bà chỉ thích nghe opera. Ông Shear khoe rằng cô con gái chơi piano rất giỏi, trong khi ông và vợ thì chẳng ai chơi giỏi loại nhạc cụ nào. Riêng về hát thì bà hát hay hơn ông nhưng hai người chỉ thích nghe nhạc và đọc sách chứ không thích nghe nhau hát.

Nguyễn Đại Phượng

6 nhận xét:

  1. Cảm ơn tình cảm mà ông Shear đã dành cho Việt Nam đất nước chúng tôi.

    Trả lờiXóa
  2. ông ấy có một tấm lòng thật nhân hậu, cách gần gũi thân thiện cởi mở thật đáng quý.

    Trả lờiXóa
  3. Những chia sẻ của ông làm tôi cảm thấy qua đó một tình cảm tha thiết đối với con người và đất nước Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. hiếm có một vị đại sứ nào mà ân cần, gần gũi như ông Shear đây.

    Trả lờiXóa
  5. hihi, ngôn ngữ nào cũng có cái khó của nó. Tiếng việt quả là thách thức lớn với người nước ngoài như ông ấy.

    Trả lờiXóa
  6. Lan Princess21:46 20/2/13

    Ông ấy là một vị đại sứ thân thiện và có tình cảm với đất nước Việt Nam.Dù cho có khoảng cách về ngôn ngữ nhưng người dân đất nước luôn chào đón ông!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog