Chia sẻ

Tre Làng

CUỘC CÁCH MẠNG TRÊN BÀN THỜ GIA TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT


Đang có một cuộc thay đổi lớn diễn ra trên... những bàn thờ gia tiên của người Việt. Cuộc thay đổi đó phản chiếu một cách tinh tế những cuộc bể dâu đang diễn ra trong đời sống xã hội và đời sống tinh thần của con người.

Thử tìm về ý nghĩa của cái bàn thờ và quan niệm về những đồ thờ trong tâm linh tín ngưỡng Việt Nam ngõ hầu tìm thấy ngọn nguồn câu chuyện.

Bàn thờ và đồ thờ

Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới(1) hai tác giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant định nghĩa: bàn thờ (autel): "Một vũ trụ vi mô và một tác nhân của cái thiêng. Tất cả mọi động tác khấn vái, tụng kinh, tất cả mọi đường nét kiến trúc đều quy tụ về đây. Bàn thờ tái tạo trong quy mô thu nhỏ quần thể của thánh đường và của vũ trụ. Đây là chỗ mà cái thiêng tích tụ với mật độ cao nhất. Trên bàn thờ hay bên bàn thờ, người ta làm lễ dâng, lễ cúng, chính cái đó làm nó trở thành thiêng liêng. Cũng vì lẽ ấy nó được cất cao (altum: cao, cao thượng, kỳ vĩ có gốc Latinh là autel – bàn thờ) so với tất cả mọi vật xung quanh. Nó cũng tập hợp trong mình hệ biểu tượng của trung tâm thế giới: nó là tiêu điểm của đường xoắn ốc biểu trưng sự tinh thần hoá từng bước của vũ trụ. Bàn thờ tượng trưng cho địa điểm và khoảnh khắc, nơi một sinh thể trở thành linh thiêng, nơi thực hiện một thao tác thiêng liêng" (trang 58).

Ý nghĩa của cái bàn thờ trong đạo thờ gia tiên của người Việt, cũng mang những đặc điểm biểu tượng cơ bản của một "autel" được thể hiện trong định nghĩa trên. Đối tượng được phụng thờ là ông bà tổ tiên, người đã khuất trong gia đình. Những nghi thức lễ dâng, lễ cúng thể hiện lòng thành đối với những tiền nhân, người thân thuộc đang ở cõi âm.

Nhà văn Toan Ánh giải thích về Quan niệm thờ phụng tổ tiên(2) rằng: "Qua việc thờ phụng tổ tiên, tại Việt Nam, người khuất và người còn sống luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh.

Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới với gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt (...) Tục cũng cho rằng, vong hồn những người đã khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gụi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết".

Ở phần Cầu cúng lễ bái, Toan Ánh nói về quan niệm đồ cúng được đặt trên bàn thờ, ngoài nhang đèn (thật), người ta thể hiện quan niệm về sự thành kính qua việc chọn đồ thờ cúng là hoa quả tươi, mới: "Mỗi khi có mùa hoa quả mới, trước khi mua ăn, con cháu bao giờ cũng nghĩ đến việc mua thắp hương cúng vái các cụ, cũng như một năm hai vụ cơm mới, con cháu cũng đều có sửa lễ cúng vái tổ tiên.

Nếu trong vườn nhà có một cây ăn quả, những quả chín đầu tiên phải được hái thắp hương các cụ" (trang 24, 25, sách đã dẫn).

Điều này cũng trùng khớp với cách diễn giải của tác giả An Nam phong tục sách, cụ Mai Viên Đoàn Triển: "Đồ thờ thì có đèn nến, bình hương, bình hoa, mâm bồng, mâm vuông, mâm tròn, hộp trầu, đài rượu làm bằng đồng hay bằng gỗ sơn". Và: "Ngày tết phải cúng cáo, ngày giỗ phải cúng cáo, có hoa quả đầu mùa, gạo mới hay việc hiếu, hỷ đều phải cúng cáo. Nhà giàu có thì dùng lễ tam sinh (lợn, trâu, dê) hoặc nhất sinh (một con lợn); lễ nhỏ, làm cỗ bàn, oản quả. Thông thường nhà dùng lễ lớn thì lo cỗ nhất sinh, lễ nhỏ thì sắm một thủ lợn hoặc một con gà, một miếng thịt, nhà nghèo sửa mâm cơm, canh, rau đậu, một con cá, một quả trứng.

Lễ không cứ lớn, nhỏ, chỉ cần rất mực thành tâm"(3).

Trong cuốn Việt Nam phong tục, thì ngoài liệt kê về việc bày biện trên bàn thờ, cụ Phan Kế Bính còn nhấn mạnh tầm quan trọng của những vật dụng để thờ cúng. Trong quan niệm dân gian người Việt, đó là những thứ được "thiêng hoá", "thánh hoá" dù khó khăn đến mấy cũng không được đem cầm, bán. Cụ Phan viết: "Đồ thờ phụng, càng nhà giàu thì càng trang hoàng nhiều đồ quý, nhà nghèo đến đâu cũng có được một vài cây đèn nến sơn son và một cái bình hương. Ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm bán bao giờ. Nếu nhà nào dám cầm bán thì ai cũng chê cười"(4)

Chất liệu của biểu tượng thay đổi

Như vậy, qua những dữ liệu trên, cho thấy, trong tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt, chất liệu, nguồn gốc của đồ thờ cũng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong việc đạt đến tính cứu cánh của biểu tượng, sự thành công, hoàn hảo của thực hành nghi thức, mà còn là trung tâm để đánh giá sự thành tâm. Và dường như hương hoa quả, khói nhang, trầm, ánh lửa của ngọn đèn dầu, bấc đã góp phần rất quan trọng làm nên sự hiệu quả của không gian thờ cúng, tạo hiệu ứng về mặt cảm xúc, cảm giác, trực quan cho người thực hành nghi lễ thờ, cúng.

Lửa làm ấm cúng không gian, thanh tẩy, tái sinh là biểu tượng của trời, thần linh. Ngọn lửa đèn, bấc cháy có ngọn bốc lên phía trên, tượng trưng cho sự hướng thượng, nên đó vẫn được xem là nguồn năng lượng thần linh. Khói hương của những nén nhang quyện trong không gian tạo ra hiệu ứng huyền ảo, làm thanh thoát tâm hồn người sống; cũng như thể hiện quan niệm về một "kênh" kết nối trời đất, âm dương, chuyển tiếp tâm tình, lời khấn nguyện của người trần đến với người thiêng, thần thánh được phụng thờ. Hương hoa, tinh dầu của quả xanh là thành quả của bàn tay làm ra, dâng lên tổ tiên tượng trưng lòng thành con cháu, hậu duệ. Vì vậy, qua chất liệu, nguồn gốc những biểu tượng thờ cúng, khảo sát từ phía người thực hành thờ cúng, đã có sự trù định chức năng cộng hưởng tâm lý. Suy cho cùng, thông qua những đồ thờ, là nhang (hương), hoa quả tươi, người dương làm một cuộc chuyển hoá năng lượng để làm một cuộc gặp gỡ xuyên không gian và thời gian, để đối thoại, tâm tình với người âm.

Vậy, bạn có giật mình hay không nếu một hôm, đang lúc lau dọn bàn thờ chuẩn bị đón tết, chợt phát hiện ra, bấy lâu tổ tiên từ lâu sống chung với những đồ thờ đã bị biến đổi về chất liệu: từ thiên nhiên, tự nhiên sang nhựa, điện, từ đồ thật sang... "đồ giả"?

"Chỉ cần rất mực thành tâm". Nhiều người lấy cái vế sau một câu nói của cụ Mai Viên Đoàn Triển để thoát khỏi những bận tâm. Người khác lại giải thích cho sự "biến đổi chất liệu" trên bằng việc viện dẫn những cái khó cần thích ứng trong đời sống. Có ít nhất ba nguyên do sau:

Một giai đoạn, do chịu hậu quả của sự áp đặt ý thức hệ trong quản lý văn hoá, khiến nhiều người xem thờ cúng, kể cả thờ cúng tổ tiên là gần với tệ dị đoan, duy tâm, hữu thần.

Không gian nhà cửa, nhất là nhà cửa trong bối cảnh đô thị hoá chật chội hơn, sự chuyển đổi từ kiến trúc hài hoà cởi mở với thiên nhiên sang kiến trúc nhà ống diễn ra phổ biến, điều này bất lợi cho việc chăm chút về nhang đèn hoa trái trên những bàn thờ, mọi thứ được quy về tiện dụng. Đồ nhựa, điện đáp ứng được điều đó. Khói nhang bị coi là ngột ngạt, ô nhiễm, lửa đèn bị coi là tiềm tàng khả năng cháy nổ hoả hoạn, hoa quả bị coi lãng phí...

Đời sống công nghiệp, đô thị hoá, nhịp điệu nhanh, vội, nhiều áp lực dẫn đến việc chọn lựa những phương thức thờ cúng mang tính tượng trưng, thiên về trang trí hơn đi sâu vào tín niệm, ý nghĩa truyền thống của biểu tượng, tiết kiệm được thời gian.

Một đĩa quả nhựa được sơn phết màu như thật, lư hương nhựa xi giả đồng, với ba cây nhang điện luôn ở trạng thái "cháy" đỏ, hai cây đèn (hay điện mô phỏng cây nến trái ớt), một đĩa bấc có bộ phận quạt gió cài đặt bên trong làm cho ánh điện đạt đến hiệu ứng "cháy bốc" như đồ thờ thật. Việc còn lại là bật và tắt công tắc khi cần. Những đồ thờ này có thể sử dụng quanh năm, mọi lúc, thích ứng quá tốt với không gian kiến trúc, môi trường sống mới và tinh thần sống mới chú trọng tính công năng, tiện ích.

Mấy ông bà già ở làng quê Việt Nam hôm nay có con cháu đi làm ăn xa, thành đạt, gửi tiền về xây nhà cửa, từ đường... sẽ mở mày mở mặt với xóm giềng hơn nếu lũ nhỏ mỗi lần về thăm quê, biết ý, mua thêm vài "phụ kiện hiện đại" để trưng bày thêm trên bàn thờ. Đồ thờ cúng bằng nhựa, bằng điện không chỉ chiếm lĩnh không gian nơi những bàn thờ gia tiên ở thành phố mà còn đang làm một cuộc đổ bộ mạnh mẽ trên những bàn thờ gia tiên nơi làng quê Việt Nam, nơi đang chịu tác động mạnh mẽ đến mức không kịp phản vệ từ làn sóng đô thị diễn ra nhanh chóng.

Khi tự vấn về lòng thành

Lòng thành chắc không vì vậy mà mất đi đâu cả. Đạo hiếu nơi người Việt, tin rằng vẫn sâu đậm trong tâm thức, được giáo dục cho các đời sau. Nhưng có một thực tế là người ta đang chọn lựa cách thể hiện lòng thành theo khuynh hướng tiện ích. Nhìn từ hệ quy chiếu truyền thống thì việc đó ít nhiều làm mất đi không khí tính "thiêng" mà việc thờ cúng tạo ra. Nhưng biết sao được, cần có cái nhìn cởi mở, thức thời để phù hợp với bối cảnh sống. Chắc tổ tiên chúng ta thì không bao giờ bày tỏ thái độ hay trách cứ cháu con về những chuyện lặt vặt như thế. Song, đôi khi chúng ta không tránh khỏi những cái giật mình thảng thốt khi nghĩ rằng một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ đến thời kỳ bật điện ngồi ngó đồ nhựa. Còn bây giờ thì vẫn phải sống theo thời, rồi biết cách tự trấn an rằng: ý nghĩa cuối cùng của đời sống tâm linh, không còn nằm ở vật chất, mà ở những phút quán tưởng và... tự vấn.

"Chức năng cộng hưởng của biểu tượng càng mạnh khi biểu tượng càng kết hợp tốt hơn với khí hậu tinh thần của một người, một xã hội, một thời đại, một hoàn cảnh" – Jean Chevalier(5) viết.

------------------------------------

Chú thích:

(1) Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vỹ dịch, NXB Đà Nẵng và Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002).

(2) Bộ sách Nếp cũ, cuốn Tín ngưỡng Việt Nam (quyển thượng), NXB Trẻ, 2005.

(3) Thờ gia tiên, An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển, NXB Hà Nội, 2008.

(4) Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, NXB Văn hoá thông tin, 2005.

(5) Sách đã dẫn.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (SÀI GÒN TIẾP THỊ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog