Hay thật đấy, sau 23 âm lịch, cúng ông Táo là đến những ngày cận tết, nhà nào cũng chộn rộn, các chị các mẹ thì bắt đầu nghĩ đến truyện bánh trái, rồi mấy anh em thì chuẩn bị quét mạng nhện, sơn cổng, đám con nít thì mơ đến áo mới, quần đẹp, chạy nhảy lung tung.
7h45
Lấy con đôi dày “xọt” đi!
Con để ở đâu rồi!?
Ở trên bà ba đóooo…!
Ah, chạy lên bà ba lấy dày “xọt”, xong!
Bye bye bà Ba, bye by mẹ nha…, chiều mẹ đón con sớm nha…!
Vậy là hai cha con lên đường, đường Sài Gòn, cuối năm, nắng sáng nhè nhẹ, gió hoi se lạnh, vậy là lại gần tết rồi – thích thật “ Ah, bạn cần cẩu kìa ba … Uh ba thấy rồi - bạn gà sao về quê chưa thấy lên dzậy ba? .. Bạn gà hả? thì bạn gà cũng phải đi học chớ, giống con vậy đó, mai mốt rảnh ba chở đi thăm bạn gà chịu hong? - dạ chịu!”. Cũng may trường chỉ cách nhà 5 phút, hai cha con liến thoắng chút đã đến rồi. Mới hồi tối, thấy nhóc tì thử lại áo dài, khăn đóng mẹ cho, rồi quay qua quay lại trước gương, thấy cũng vui lây, sáng nay nhìn nhóc tì tung tăng chạy vào lớp, cùng đám trẻ khoe áo đầm xòe, hồn nhiên, đứa làm bướm, đứa thì làm hoa, tập múa để chuẩn bị cho buổi tất niên của trường, sao bỗng dưng nhớ lại tuổi thơ của mình ngày trước.
Ngày ấy, cứ thấy những con diều trên bầu trời là biết đã gần tết, đi học mà cứ nao nao, mong về sớm để được thả diều, những con diều tự làm bằng dấy tập cũ của năm học trước, nếu bảnh lắm thì có giấy báo Liên xô, keo dán là cơm nhão, vậy mà bay cao lắm, rồi xé giấy, gửi thư lên những con diều, cứ thấy tròng cái vòng giấy vào, một lát sau đã thấy vòng đấy lên gần tới diều rồi - sao thế nhỉ?
Hay thật đấy, sau 23 âm lịch, cúng ông Táo là đến những ngày cận tết, nhà nào cũng chộn rộn, các chị các mẹ thì bắt đầu nghĩ đến truyện bánh trái, rồi mấy anh em thì chuẩn bị quét mạng nhện, sơn cổng, đám con nít thì mơ đến áo mới, quần đẹp, chạy nhảy lung tung. 27/28 là màn gói bánh chưng, bánh tét, cái vụ này mới phức tạp đây, nào là chẻ lạt, ngâm nếp, nêm muối, ướp thịt vv… rồi gói bánh, tối đến tôi lại cũng tham gia canh nấu bánh chưng với mấy anh lớn, nồi bánh xôi ùng ục, nước trào ra ướt mấy thanh củi đang cháy rừng rực phía dưới thùng bánh, mùi lá, mùi bánh, mùi khói, mùi củ hành, củ kiệu từ sáng, tất cả tao ra một mùi, đó là mùi tết. Thoảng trong gió là một mùi mà nếu tất cả chùng ta đã biết qua một lần thì không thể nào quên được – mùi pháo, lẹt đẹt đây đó một trang pháo nổ giòn tan, thỉnh thoảng lại nghe cái đùng của một viên pháo tim giữa, chắc lại là một đứa trong xóm đốt lẻ tẻ. Gần khuya, buồn ngủ quá, chui vô mùng đánh một giấc, sáng ra đã thấy mấy chục cái bánh trưng được xếp ngay ngắn trên bàn, được dằn thêm mấy thùng nước lạnh, nhựa bánh tứa ra thơm phức.
29 Tết, canh me theo mấy người lớn đi chợ hoa, ngày ấy chợ hoa cũng đẹp, nhưng thật sự không hoành tráng như bây giờ, đi tranh thủ mua mấy chậu hoa cúc nhỏ, ai ai cũng hồ hởi, tiếng trả giá râm rang. “Cái này bao nhiêu chị? Dạ hai chục đó chị!, thôi 29-30 rồi ,10 đồng nghen…, dạ 10 đồng lỗ em chết, nói thiệt 18 đó! Thôi 18 cao lắm”, sau một hồi nói thiệt - 14 đồng - cả hai đều vui vẻ hớn hở, người nhận tiền, kẻ nhận bông, lại chạy qua chỗ khác - cây tắc này xinh quá, lai nói thiệt tới lui 60 ngàn.
30 Tết, sáng 30 chợ vẫn còn đông lắm, hàng chạp phô, hàng thịt, hành, rau sống, mì trứng, lạp xưởng đủ cả. Tranh thủ kiểm tra lại bộ đồ mới, xếp gọn gàng trong ngăn tủ để sang sớm mai dậy, ngày mồng một mặc, rồi xong, chạy xuống xóm dưới coi sao, ah bên kia có sòng bài cào nhỏ, chị Huệ làm cái, được đây, chị này ít khi nào “quăng lựu đạn” em đặt 1 đồng, 2 đồng nha! Tụi này 20 đồng – thôi, 20 chục không chơi đâu, uh nhiều tiếng nhao nhao lên, thôi đi – tui bây im coi, coi chừng ông Dần đó (cảnh sát khu vực), cứ yên đi, có nút có tiền.. . xong he he, kiếm được thêm 5 đồng, vậy là có tiền đi Tao Đàn rồi…
Tối 30 Tết, 9h có táo quân đó, dạ, cái TV trắng đen mà tới ba bốn gia đính coi chung, cười muốn bể bụng, rồi ca nhạc hay ghê (hồi đó chưa có cầu truyền hình hay TV màu gì hết trơn).
23h45 – Chà hôm nay nôn nao ghê, không thể ngủ quên được, ngủ quên là thua luôn đó, tụi nó lấy hết pháo. Đùng đùng… Ùng, đùng đùng Ùng Bùm bùm, khói bắt đầu xuất hiện rồi, đua lên nóc nhà coi, cha bên xóm Cứu hỏa nổ trước ha, đùng đùng Ùng, Bùm, Bùm! chà chơi 1 mét pháo kèm 5 trái pháo đai đây mà, chíu chíu, rực sang trên trời là những đường lửa đỏ cùa đạn điểm chỉ của AK, ha, chắc máy anh bên Đào Duy Từ bắn rồi. đẹp ghê.
Giao Thừa, Vinh - cho mày đốt pháo đó, … Đùng đùng đùng, cha ngon rồi, bây giờ đi tranh thủ lượm pháo cái đã, nhà mình còn nguyên đó lo gì, mai lượm cũng được, chạy ù ra xóm, khói pháo mịt mù, mùi pháo khét lẹt, cứ như phim “đường về quê huong” của hãng GocKy MocKABA. Ái chà thằng Bombata, anh em thằng Phú thằng Tâm đã có mặt rồi, ngày thường thấy tụi nó cũng vui mà sao đêm nay thấy ghét quá, vòng qua mấy xóm, lại có thêm Sang em, Sang Anh, Thành Bành tổ, rồi thằng Quân, thằng Cún Thuyền trưởng, thằng Lô, thằng Tèo, Tài út mười, trời đông dữ vậy ta, cứ tưởng tụi nó đi ngủ chớ, vậy là cứ băng đi, he hè cứ đánh lẻ là hay nhất. Úi trời ơi gần 100 viên “Chiến Thắng” còn nguyên, lại thêm 1, 2 viên đùng nữa chứ, cha!!! ngon rồi, coi kỹ coi sao, chà thêm gần chục viên nữa, trong góc sân lẫn với xác pháo nhiều viên nguyên quá, trúng mánh rồi.
Á, xuỵt, viên pháo bị xì còn nóng hổi xuýt phỏng, nhà ong Vầy này đúng là làm bánh phồng tôm mà, chơi tới 3 thước pháo, cuối buổi, gom cũng được hơn 200 viên pháo trung, gần 20 viên pháo Đại. Ngon rồi. Về nhà thôi.
Mồng một, mùng hai, mặc đồ đẹp, nhận tiền lì xì, đi chơi bài cào, xì dách trong xóm, đi qua nhà họ hàng, lại nhận tiền lì xì, ăn uống, đi Tao Đàn chơi máy bay….xem múa lân, lại đốt pháo, vui thiệt.
Sáng mồng ba tết, tư nhiên buồn hiu – tiếng pháo thưa dần, hết tết rồi, phải mấy trăm ngày nữa mới có tết lại, lại phải đi học, mặc đồ cũ, đồ mới rồi sẽ thành cũ, không được ăn ngon như ngày tết, và quan trọng nhất là không có …. tiền lì xì.
Bây giờ gần đến tết vậy mà vẫn cảm thấy như cứ thiếu một điều gì đó, thiếu những cánh diều giữa phố xá náo nhiệt, thiếu mùi pháo, thiếu tiếng pháo. Khi nào lại được nghe tiếng pháo, lại được nghe thoảng mùi pháo nhỉ!? Vậy mà những đứa trẻ vẫn háo hức, vẫn nôn nao khi tết đến, và khi hết tết, có lẽ chúng cũng buồn man mác.
Tuổi thơ của chúng ta, đôi khi ta vẫn cứ thấy lại tuổi thơ của mình, nhưng có bao giờ được sống lại tuổi thơ!
Nguyen Thanh Le Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét