Chia sẻ

Tre Làng

Phiếm đàm về "ị"

Năm hết tết đến các bạn nhớ giữ sức khỏe. Đề phòng bị Tào Tháo đuổi. Nhân chuyện cảnh giác với Tào Tháo chúng ta cùng phiếm đàm về "Ị". Bạn nào lãng mạn một tí có thể gọi là "Ị luận" hoặc "Tổng quan về ị".

Nói đến cái “thú” thường thì người đời hay nghĩ đến những cái tao nhã thanh cao kiểu như “cầm, kỳ, thi, họa” hay thực dụng hơn như thú ăn uống được gọi kiểu cách là “ẩm thực”.v.v… Còn khi nhắc đến “ị” thì đa số mọi người đã lắc đầu nhăn mũi rồi chứ đừng nói đến “thú”. Nhưng không hẳn vậy đâu…

1.“Ị”… tản mạn

“Ị” nói dân dã gọi là “ỉa”. Còn tùy theo từng vùng miền mà có những tên gọi địa phương khác nhau như: đi ngoài, đi đồng.v.v.. Nếu muốn cho nó có vẻ văn hoa bác học và lịch sự hơn thì gọi là “đại tiện”. 

“đại tiện” - nghe không ổn! Mặc dù đã cố tình nâng sự quan trọng của nó lên mức “đại” chứ không phải là “tiểu tiện” hay “trung tiện” nhưng... vẫn không ổn. “Ị” là một cái thú hẳn hoi chứ đâu phải là cái gì đó có cũng được mà không có cũng được kiểu như: “Anh ra Bưu điện tiện cho tôi gửi nhờ bức thư” hay “ Tiện xuống quán mua hộ anh bao thuốc”.v.v... Không được! Nhất khoát là không được! Các cụ nhà ta trải qua hàng trăm năm đúc rút kinh nghiệm của các bậc tiền bối đi trước chả đã rút ra chân lý “ăn, ngủ, đụ, ị” là tứ khoái của con người không thể bỏ qua rồi còn gì! (mà có muốn bỏ qua cũng chẳng được bởi đó là bản năng). Vậy nên đi ỉa thì cứ nói là đi ỉa chứ nói là đi “đại tiện” nghe cụt cả hứng, mất cả sướng.

Lại nói chuyện “tứ khoái” tôi xin lan man thêm chút. Như đã nói sơ sơ ở bài “Đ.m.. vài dòng lý giải” thì khi xã hội loài người phát triển cao, các học thuyết, quan niệm.v.v.. ra đời định ra những tiêu chí về đạo đức, cách hành xử.v.v.. giữa con người với nhau. Những cái gì thuộc “tính con” nói chung đều bị đánh giá thấp và cho là xấu xa. Các cụ ta xưa học đạo lý thánh hiền cũng không thoát khỏi quan niệm đó (khổ thế đấy). Nhưng có điều không thể phủ nhận được là chính những cái thuộc về “tính con” ấy lại làm con người ta thăng hoa (Không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều các nghi lễ tôn giáo việc gây ảo giác bằng các chất kích thích hoặc các hành động như thôi miên, làm tình.v.v.. được áp dụng. Chính khoảnh khắc thăng hoa đó là lúc con người giao hòa được với thiên nhiên, với chúa trời). Vậy nên sống ở trên đời có nhiều cái khoái nhưng khoái “ăn, ngủ, đụ, ị” vẫn cứ là nhất. Chỉ có điều thiệt thòi cho “ị” là sự ám ảnh về quan niệm nên các cụ chỉ xếp “ị” thứ tư trong tứ khoái mà thôi. Thực ra những cái thuộc về bản năng thì ngang nhau hết, không có cái nào hơn mà cũng chẳng cái nào kém cả.

Tiếng Việt mình được cái hay là dễ hiểu và giàu tính biểu cảm nên nói cái mọi người đều hiểu ngay chẳng cần giải thích gì nhiều. Bởi vậy nó đặc biệt thích hợp dùng để nói về những “thú” liên quan đến bản năng. Chỉ nói đúng một từ thôi là lột tả hết được bản chất của vấn đề ngay. Chứ còn dùng những từ “bác học-trừu tượng” quá thì một số người chưa chắc đã hiểu (đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa và với những người nhiều tuổi). Thử hình dung trong lúc cấp bách mà hỏi: “Cụ cho cháu hỏi chỗ đại tiện ở chỗ nào ạ?” rồi lại diễn giải thế nào là đại tiện cho cụ hiểu thì có mà… ra bố nó hết quần. Bởi vậy tốt nhất cứ là “cụ cho cháu hỏi đi ỉa ở chỗ nào ạ?” cho nó lành. Thời gian giải thích này nọ để dành mà ngâm nga cái thú trong lúc “ị” cho nó sướng.

“ị” không biết có phải là từ địa phương ở vùng miền nào không, nhưng thấy từ này phổ thông dùng cho trẻ nhỏ là nhiều. Kiểu như: “X.i…i….ì….. ị đi con!” hay “ Con Tý! Mày ra xem cái Tèo nó ị đùn ra quần hay sao rồi kia kìa!”.v.v.. đại khái thế. Các cụ xưa chắc có lẽ thấy dùng từ “ỉa” nó tục và bẩn quá nên chuyển qua gọi “ị” cho nhẹ hơn chăng!? “Kính lão đắc thọ”, còn “kính” các đại lão chắc “đại đắc thọ” vậy nên từ đây về sau trong bài hậu sinh chuyển sang thống nhất gọi là “ị” cho nó phải phép.

2. Bạn đã bao giờ quan sát trẻ con ị chưa? 
Nếu chưa thì lúc nào đó bạn nên dành thời gian quan sát thử xem, chắc chắn bạn sẽ thấy được khối điều thú vị. Đứa trẻ ngồi bô trông dễ thương và buồn cười lắm. Chúng ngồi như chơi, rất thoải mái, vô tư lự chẳng phải lo nghĩ gì. Đó chính là cách tốt nhất để đón nhận và thưởng thức cái thú ị. Mọi việc diễn ra thật tự nhiên, từ lúc bắt đầu rồi… ậm.. è… rồ.i..i..i...i….cao trào.v.v.. Những biến đổi cảm xúc trên gương mặt diễn biến thật sinh động. Khi tự nhiên mặt nghệt ra là lúc trông buồn cười nhất, nhưng đó cũng chính là giây phút thăng hoa nhất của thú ị.

Nói không ngoa cái phút này có thể sánh gần với phút thăng hoa trong việc chăn gối phòng the. Lúc đạt đến điểm cực khoái đầu óc như… rỗng ra, mọi lý trí đều trở thành vô tác dụng, còn lại chỉ là sự thể hiện của bản năng mà thôi. Nghe vậy chắc có người sẽ cười mà bảo “Bốc phét!”. Nhưng quả thực là vậy đấy. Bạn có thể tự mình kiểm chứng xem có đúng hay không. Chỉ có điều phải thả lỏng cơ thể, thư giãn đầu óc trước khi tận hưởng. Càng thả lỏng cơ thể, càng thư giãn đầu óc được bao nhiêu thì càng thưởng thức được tận cùng giây phút thăng hoa của thú ị. 

Hãy gạt bỏ lý trí đi. Lý trí là kẻ thù của cảm xúc. Trẻ con có cái may mắn hơn người lớn ở điểm này. Chúng cảm nhận thế giới không phải qua lý trí, sự hiểu biết và kinh nghiệm được tích lũy mà bằng thẳng trực giác bản năng. Còn lũ người lớn chúng ta, thương thay! Càng lớn, càng học càng tích lũy kinh nghiệm nhiều thì những xúc cảm bản năng lại càng thui chột. Sự giáo dục, sự học hành tích lũy kinh nghiệm.v.v…làm cho khi nói đến ị là tự chúng ta đã nghĩ đó là việc dơ dáy bần cùng bất đắc dĩ phải làm rồi (có khi lại còn nghĩ giá có cách gì mà chẳng bao giờ phải mất thời gian vào chuyện đó thì tốt biết mấy). Tư tưởng đã vậy lại thêm hàng đống mối bận tâm khác nữa tác động vào thế thì bảo làm sao mà tĩnh tâm để tận hưởng những giây phút thăng hoa của thú….ị cho được!

Đã là cái “thú” thì ai cũng muốn thưởng thức được lâu và tận cùng cảm xúc. Kiểu như trước khi thưởng thức một chén rượu ngon thì ngoài việc tinh thần sảng khoái, chỗ ngồi thưởng rượu hữu tình, ly cốc bài trí sắp đặt đúng cách.v.v… thì trước khi nhập cuộc gia chủ còn kể qua cho khách lai lịch của thứ rượu sắp thưởng thức: sự cầu kỳ quý hiếm của các thảo dược ngâm, sự công phu trong quy trình ngâm, kể cả những nhân vật nổi tiếng nào đã từng thưởng thức loại rượu này và các huyền thoại vây quanh chúng nữa.v.v… Đó chính là những giá trị làm gia tăng thêm độ ngon và thi vị của buổi thưởng rượu. 

Ị thì sao? Ị là một “thú”, nhưng trước hết nó lại là bản năng và nhu cầu không thể thiếu của con người. Vậy nên thuận theo tự nhiên là đúng nhất. Chỉ có một điều tối quan trọng cần ghi nhớ đó là phải giữ cho tinh thần thực sự thoải mái trong lúc hành sự mà thôi. Còn nếu cố dùng các phương thức duy lý này nọ.v.v… thì chuẩn bị sẵn tiền đi gặp bác sĩ chữa bệnh trĩ đi là vừa!

Trong các thư tịch cổ không thấy nhắc đến các tư thế thoải mái nhất để thưởng thức thú ị, mà chỉ thấy đầy rẫy những mô tả và hình ảnh minh họa cho thú “Đụ “ mà thôi. Từ Tàu sang Ấn rồi đến Nhật… toàn là sách vở tranh ảnh hướng dẫn mô tả…. hàng chục kiểu làm tình khác nhau, còn ị thì tuyệt tích. Theo quan sát thì thấy ị phổ biến chỉ có hai loại tư thế chính là ngồi xổm và ngồi bệt. Xổm – bệt trong khi ị cũng phần nào thể hiện tính giai cấp trong xã hội.Trong đó xổm là hình thức dân dã nhất, đa số mọi người bình dân đều theo cách này. Còn bệt thì chỉ lớp người giàu có và quyền quý hay sử dụng nhiều. Đấy là hồi xưa, còn nay xã hội đã khác nhiều rồi. Xí bệt giờ trở thành phổ thông ở các thành phố và ngay cả những vùng nông thôn ngoại thành. Đại khái là chỉ cần không quá nghèo là có thể mua được xí bệt về nhà. 

Nói vậy chứ đẳng cấp thì vẫn cứ là đẳng cấp, khoảng cách vẫn cứ là khoảng cách. Xưa nhà giàu ị bô ở trong nhà có xông hương trầm để tẩy mùi. Mùa đông có lò than sưởi, mùa hè có kẻ quạt mát. Còn kẻ giàu thời nay thì sẵn sàng chi hàng chục triệu để sở hữu một cái bệt với đầy đủ tiện nghi từ tự sấy ấm vào mùa đông đến tự động rửa, hứt mùi hôi, phát nhạc du dương.v.v… cho kẻ ngồi trên cứ yên tâm mà tận hưởng những phút thăng hoa của ị. Bệt bình dân thì bì làm sao được. Bởi vậy mùa đông mà ngồi vào thì cứ là… giật nảy mình lên vì lạnh. Thế thì còn ị iếc quái gì nữa!!!

Công sở hiện nay đa số cũng lắp loại xí bệt, nhưng ngồi xí bệt ở đó thì cứ có cảm giác ghê ghê bởi có cả đống người ngồi, nhỡ có bác nào bị bệnh ngoài da ngồi trước mà mình vào ngồi sau lây thì bỏ bố. Nên tốt nhất cứ trèo lên mà… ngồi xổm cho nó lành.

“Trước khi vào thì khó chịu, khi ra thì thoải mái?” Bạn có biết là gì không? Chính là ị đấy! Câu đố vui thời hiện đại giản di và dễ hiểu, nhưng phần nào đã thể hiện được tinh thần của thú ị rồi đấy bạn ơi!

Hồi nhỏ có lần về quê theo bà đi chợ. Tới chợ bám quang bà vòng vèo theo đi mua bán được một lúc thì mót ị. Bà bảo đi ra phía đằng sau chợ có chỗ, thế là long tong đi. Đến nơi nhìn trước ngó sau mãi mới thấy chỗ mình cần. Đúng là chỗ ị chợ quê có khác, đơn giản và tuềnh toàng. Chỉ có bốn cái cọc cắm bốn góc làm khung gá mấy tấm liếp quây xung quanh một cái hố. Miệng hố có ba cây tre bắc ngang qua kiểu như cầu ao vậy. Tre bắc làm cầu chắc cũng đã lâu nên có vẻ ọp ẹp. Trẻ con ngồi còn đỡ chứ người lớn mà ngồi không khéo sập bố nó xuống hố mất. Mà lạ, hố xí nơi chợ búa mà chẳng thấy phân phiếc gì cả. Dưới đáy hố chỉ toàn giẻ với giấy là giấy mà thôi. 

Đang ngồi này nọ… chợt nghe loạt soạt phía đằng sau. Vội vàng quay lại thì giật cả mình…. Ba bốn chú cẩu đang lò mò xuống hố. Thế là hồn vía lên mây. Tính vốn sợ chó sẵn. Một con đã sợ, nay lại đến ba bốn chú to có nhỏ có, vàng đen đốm đủ cả. Kinh vãi cả.v.v.. Thế là tịt luôn cả mót. Vội vàng cho xong rồi…. ù té chuồn. Bác nào có đủ can đảm ngồi lại thì cũng khó mà ị được. Ngồi ị bên trên mà ở dưới mấy chú cẩu mắt sáng long lanh cứ hau háu nhìn lên thèm thuồng thì bố bảo ai dám ị. Ai đủ dũng khí ngồi lại mà ị xuống không nhanh hoặc không đủ phần cho các chú là phiền lắm, có ngày dễ mất… bộ ấm chén như chơi. Thôi đành nén nhịn mà đánh bài chuồn. Tẩu vi thượng sách!

Ị chợ quê xưa là vậy, còn có lần đi thực tập ở Mai Châu – Hòa Bình thì lại dính một quả khác. Ấy là cả buổi sáng lòng vòng ở bản Lác chán chê thì chẳng sao, đến quãng quá chiều tắt cánh đồng sang bản Poong Coọng thì xúi quẩy thế nào nửa đường lại mót ị. Nhìn quanh vẫn thấy người đi làm đồng nên chẳng dám linh tinh. Đi cố thêm đoạn nữa nhìn xa xa lấp ló có nóc lều nhỏ đứng lẻ bên bụi cây. Vội vàng phi tới thì hóa ra… đúng là chỗ đang cần . Mừng hú! Đúng là “buồn ngủ lại vớ chiếu manh” thế là khẩn trương hành sự ngay. Lúc xong việc định thần nhìn xung quanh vách chẳng thấy giấy chùi đâu cả, chỉ thấy vắt trên vách phên bên cạnh một cái ống quần dài vá chằng vá đụp loang lổ chi chít vết chùi của những người đi trước trông ghê cả người. Đúng là dở khóc dở cười, nhưng may cái sinh viên đi thực tập tiền thì thiếu chứ giấy thì… thừa. Thoát nạn!

Nói vậy chứ ông Trời cũng công bằng lắm, chẳng để ai phải chịu thiệt thòi quá đâu. Đận cùng mấy đứa bạn đi chơi chùa Thày là vậy. Anh em đi đến nơi vẫn còn khá sớm, thế là nghỉ ngơi cái đã. Tạt vào quán ăn uống rồi hứng lên làm mấy choách rượu quê (phê phê tí leo núi cho nó máu). Rượu chè no say rồi thì…Nào chúng ta cùng nhau lên núi. 

Đường lên núi khá dốc. Đá xếp chênh vênh dễ đi nhưng leo cũng mệt. Lên được một đoạn người nóng bừng toát mồ hôi hả hết cả rượu rõ phí. Nhưng cũng may! Vào chùa mà nồng nặc hơi men thì e là thất lễ quá. Ngày thường nên người đi chùa cũng vắng. Sau khi vãn cảnh chùa chán chê mê mải rồi thì rủ nhau theo đường mòn đi lên góc đỉnh núi phía trên ngắm toàn cảnh bên dưới. Đi dọc theo đường mòn men vách núi khuất gió nên khá nóng. Ra đến nơi… gió lồng lộng thổi sướng ơi là sướng, thế là cởi béng nó áo ra cho mát. Đứng tán phét một lúc thấy ngâm ngẩm đau bụng. Không hiểu do ăn uống dưới quán hay đứng cởi trần đón gió mà bị. Mà có biết lý do cũng chả để làm gì. Lúc này việc cần hơn là phải đi… làm cái việc mà ai cũng biết. Đỉnh núi vắng vẻ chẳng có ai, mà lần ngược xuống rồi tìm được chỗ cần tìm chắc là cũng mất ối thời gian. Ở đây xa chùa, nên thôi đành thất lễ các cụ xin phép cho giải quyết tại chỗ vậy.

Nhưng cũng không thể ị ở cái chỗ đang đứng ngắm cảnh được. Thứ nhất là không phải, thứ hai là nhỡ chưa xong việc có người đi lên thì hỏng bét. Nhìn lên phía trên thấy một chỏm đá cao có vẻ khuất tầm nhìn mà cũng không thấy có đường mòn tới đó. Chỗ đây rồi, thế là leo lên. Đường lên khá khó khăn. Đá tai mèo dựng ngược, có nhiều điểm bám nhưng cạnh đá lại sắc lẻm, không cẩn thận là đứt tay đứt chân như chơi. Hì hụi một lúc rồi cũng tới được nơi, thở phào nhẹ nhõm. Cứ tưởng mỗi mình mình biết chỗ này, hóa ra cũng đã từng có người lên rồi. Giấy và vỏ kẹo cao su vương một vài chỗ nơi kẽ đá. 

Đứng từ đây mà ngắm phong cảnh thì đúng là đắc địa, tầm nhìn bao quát được toàn bộ cả vùng xung quanh. Xóm làng nhà cửa nhỏ như những chiếc hộp lô xô ẩn hiện dưới các lùm cây. Mấy cây rơm vàng sậm nằm rải rác như những cây nấm nhỏ. Trời trong và thoáng đãng trông thấy rõ cả chú vện đang đuổi đàn gà chạy tán loạn trong sân. Đường sá, đồng lúa.v.v… hiện ra dưới tầm mắt đẹp như tranh. Tuyệt! Thế là chọn lấy một chỗ ngồi đẹp nhất, tầm nhìn bao quát nhất hít một hơi dài đón gió mà…ị. Trời nắng nhưng không gắt, trên cao gió lồng lộng thổi. Một mình ngồi tĩnh tại vừa nhẩn nha… vừa ngắm phong cảnh sướng mê!

Ị ngày là vậy, chứ ị đêm cũng có cái thú của nó. Nhớ lại cách đây khoảng chục năm có dịp lên chơi nhà anh bạn học cùng lớp trên thj xã Hòa Bình. Nhà anh ở ngay một trong những ngõ ngang phường Đồng Tiến nối đường Cù Chính Lan sang đường đôi mới mở bây giờ. Hồi đó thị xã Hòa Bình chưa mở rộng. Đường đôi và phía bên kia vẫn còn là cánh đồng lúa trải rộng xa tới tận các làng bản ven chân núi. Buổi chiều anh bạn dẫn lên đập thủy điện chơi, phải công nhận là hùng vĩ (bây giờ lên nhiều thì bình thường, chứ hồi đó thì thấy ấn tượng ghê lắm). Tối lại sang bên sông chơi mãi mới về. Đến nhà thì mọi người đã đi ngủ cả rồi. Mấy anh em cũng về phòng chuẩn bị nghỉ thì khổ cái lại thấy có nhu cầu đi… ị. Khổ cái để ra nhà vệ sinh thì phải đi qua mấy phòng khác ngại ghê. Thôi đành ra béng nó cánh đồng mà ị vậy.

Cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch xong chỉ còn lại những thửa ruộng đầy chân rạ trên nền đất ẩm. Trời lập thu không khí dịu mát chứ không còn oi bức nữa. Đêm miền núi nhiều sương, sương xuống phủ ướt đẫm những vạt cỏ chạy dọc theo bờ ruộng khấp khểnh. Ngồi ven cánh đồng gần nhà dân thì nhiều muỗi và không thoải mái, thế là cứ theo bờ ruộng đi ra xa mãi cánh đồng. Xung quanh không gian tĩnh lặng, chẳng còn tiếng ồn ào hỗn tạp nơi phố phường, chỉ có tiếng dế và côn trùng rả rích kêu, thỉnh thoảng lại thấy một chú chuột đồng chạy roạt qua trước mặt.v.v.. 

Kiềm một chỗ đất cao ngồi xuống, những ngọn cỏ đọng đầy sương li ti chạm khẽ vào người. Gió mơn man thổi mang đến thoang thoảng mùi thơm của rơm rạ rất thú vị. Ánh trăng sáng lạnh phủ trùm khắp cả cánh đồng mờ sương. Đêm tuyệt đối yên tĩnh và thanh khiết, thoảng lại thấy lóe lên một ánh đom đóm bay đêm. Ngồi giữa cánh đồng cảm thấy thư thái lạ. Những dãy núi xa in bóng đen thẫm trên nền trời, tất cả chìm lẫn trong màn đêm huyền ảo, chỉ thấy vùng sáng hồng phát quang phía nhà máy thủy điện xa xa mà thôi. 

Đại khái là vậy. Kỷ niệm về thú ị thì cũng nhiều. Hay có mà dở cũng có. Nhưng lan man thế là cũng đủ. Nói nữa e dông dài. “phiếm” lại trở thành buôn dưa lê mất vui.

Vậy xin stop tại đây!

Chúc anh em ăn...Tết vui vẻ!

Nguồn: Có lẽ là BIBO


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog