Chia sẻ

Tre Làng

QUYỀN SỐNG


Quyền sống (right to life) đầu tiên được đề cập trong Điều 3 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Điều này gắn kết quyền sống với các khía cạnh có liên quan khác thành một quyền gọi là quyền sống, tự do và an ninh cá nhân.

Điều 6 ICCPR cụ thể hóa quy định về quyền sống trong Điều 3 UDHR, theo đó: Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện (Khoản 1). Các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều này quy định các nguyên tắc cơ bản trong việc áp dụng hình phạt tử hình ở những nước còn duy trì hình phạt này, có thể tóm tắt như sau: (i) chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện; (ii) việc áp dụng hình phạt tử hình không được trái với những quy định của ICCPR và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng; (iii) hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết; (iv) Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin và quyền được xét ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt; (v) Không áp dụng hình tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai; (vi) Không được viện dẫn Điều 6 để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình.

Bên cạnh ICCPR, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập đến quyền sống, trong đó bao gồmCông ước về quyền trẻ em[1], Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng[2], Công ước về trấn áp và trừng trị tội ác a-pác-thai[3]...

Ngoài những khía cạnh đã nêu cụ thể ở Điều 6 ICCPR, trong Bình luận chung số 6 thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982, HRC đã giải thích thêm một số khía cạnh liên quan đến ý nghĩa và nội dung của quyền sống, có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất, quyền sống là ‘một quyền cơ bản của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị vi phạm...” (đoạn 1).

Thứ hai, quyền sống không nên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng. Hơn thế, quyền này bao gồm cả những khía cạnh nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người. Theo cách tiếp cận này, việc bảo đảm quyền sống còn đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp để làm giảm tỉ lệ chết ở trẻ em và tăng tuổi thọ bình quân của người dân, cụ thể như các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh...tức là bao gồm cả các biện pháp thụ động và chủ động (đoạn 2).

Thứ ba, một trong các nguy cơ phổ biến đe dọa quyền sống là chiến tranh và các tội phạm nghiêm trọng như diệt chủng hay tội phạm chống nhân loại. Vì vậy, việc chống chiến tranh và các tội phạm này cũng là sự bảo đảm quyền sống. Theo cách tiếp cận đó, việc bảo đảm quyền sống trong Điều 6 có mối liên hệ với nghĩa vụ cấm các hoạt động tuyên truyền chiến tranh và kích động hận thù, bạo lực nêu ở Điều 20 ICCPR (đoạn 3).

Thứ tư, phòng chống những hành động tội phạm gây nguy hại hoặc tước đoạt tính mạng con người cũng là biện pháp hết sức quan trọng để bảo đảm quyền sống. Các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp phòng chống và trừng trị việc tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra, kể cả do các lực lượng an ninh của nhà nước (đoạn 5). Liên quan đến vấn đề này, việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống, do đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đưa ra những biện pháp và kế hoạch hiệu quả để phòng chống và điều tra các vụ việc dạng này (đoạn 4).

Thứ năm, về mối quan hệ giữa hình phạt tử hình và quyền sống, mặc dù ICPPR không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt này, tuy nhiên, các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó, cụ thể là chỉ được áp dụng hình phạt này với “những tội ác nghiêm trọng nhất”, và việc giới hạn áp dụng hình phạt này cũng được coi là một hình thức bảo đảm quyền sống. Ngoài ra, các quốc gia thành viên mà hiện còn áp dụng hình phạt tử hình có nghĩa vụ bảo đảm những thủ tục tố tụng trong những vụ việc bị can, bị cáo bị xét xử với mức án tử hình phải được thực hiện một cách công bằng nhất, trong đó bao gồm những khía cạnh như không áp dụng hồi tố, xét xử công khai, được giả định vô tội, bảo đảm các quyền bào chữa, kháng cáo và xin ân giảm... (đoạn 6).

Cũng liên quan đến quyền sống, ngoài Bình luận chung số 6, HRC còn thông qua Bình luận chung số 14 (phiên họp lần thứ 23 năm 1984) trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của quyền sống, coi đó là cơ sở cho tất cả các quyền con người, đồng thời nhắc lại yêu cầu phải thực hiện Điều 6 của ICCPR trong mọi hoàn cảnh. Bản Khuyến nghị nhấn mạnh rằng chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân, là nguy cơ lớn nhất đe dọa quyền sống và yêu cầu các quốc gia hạn chế và chấm dứt các cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là không thiết kế, thử nghiệm, chế tạo, tàng trữ, triển khai và sử dụng các loại vũ khí hạt nhân. Theo HRC, việc thiết kế, thử nghiệm, chế tạo, tàng trữ, triển khai và sử dụng các loại vũ khí hạt nhân cần phải coi là phạm tội ác chống nhân loại.

----------------------------------------------

[1] Điều 6 Công ước này quy định, các quốc gia thành viên thừa nhận rằng tất cả trẻ em đều có quyền cố hữu là quyền sống.

[2] Điều 2 Công ước này đưa ra định nghĩa về tội diệt chủng, trong đó bao gồm hành động giết các thành viên của một nhóm dân tộc, chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo nhất định.

[3] Điều 2 Công ước này đưa ra định nghĩa về tội ác a-pác-thai, trong đó bao gồm hành động giết các thành viên của một nhóm chủng tộc hoặc giết cả nhóm chủng tộc đó.

(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, trang 196 - 199)

1 nhận xét:

  1. Thủy Tiên22:11 8/2/13

    Quyền sống là quyền quan trọng nhất của con người.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog