Tái cấu trúc là nói với người hay chữ, với dân thường người ta hiểu nền kinh tế đã run lên như ngôi nhà trước bão vì rường cột của nó lung lay.
Vung tiền dân cho doanh nghiệp nhà nước và các dự án đầu tư công, kiểm soát lỏng lẻo giới tài chính và kinh doanh nhà đất trong một thị trường đầy rẫy những tin đồn, khi nền kinh tế đình đốn và đồng tiền mất giá, nỗi bất hạnh đổ ập ngay xuống đầu người dân, trước hết là dân nghèo.
Để giữ lấy sự ổn định có nguy cơ đã trở nên mong manh, Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố sẽ dựng lại rường cột cho ngôi nhà trở nên ngay ngắn, bắt đầu bằng siết chặt kiểm soát các tổ chức tín dụng, ép doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo luật chơi của thị trường và kiểm soát gắt gao hơn các dự án đầu tư công. Đó chính là ba trọng tâm căn bản của tái cấu trúc nền kinh tế.
Chỉ có điều sau nhiều lời nói, để dân tin, chính quyền phải bắt đầu ngay với những việc làm cụ thể. Dường như trong thời gian qua, lời nói chưa hẳn lúc nào cũng đi đôi với việc làm. Nguồn vốn cấp cho doanh nghiệp nhà nước, quy mô và số lượng các dự án đầu tư công chưa giảm, mà ngược lại cứ lầm lũi tăng thêm.
Cũng như thế, không hiếm quan chức nhà nước công khai sốt sắng lo cho các đại gia kinh doanh bất động sản, nhăm nhe dùng của công để che chắn cho doanh nghiệp trước sự trừng phạt khắc nghiệt của thị trường. Vì những lẽ ấy, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN đã thẳng thắn khuyến nghị VN cần hành động để biến những cam kết thành hiện thực. Cũng vì những lẽ ấy, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan mới băn khoăn: sau gần một năm triển khai thực hiện người ta vẫn chưa rõ hình thù của tái cấu trúc nền kinh tế ra sao.
Băn khoăn, thẳng thắn, lại là nói với người hay chữ. Với thường dân, ai cũng hiểu chính quyền đâu chỉ là những thánh thần. Người ta ở đời làm hay không làm một việc gì phàm đều vì lợi ích. Đặt lại rường cột kinh tế quốc gia hóa ra phải bắt đầu bởi việc thiết lập những thể chế quản trị quốc gia nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân được biết nhiều hơn, được bàn nhiều hơn, và khi cần có đủ công cụ để buộc từng quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Tái cấu trúc nền kinh tế hóa ra không chỉ là câu chuyện của những người hay chữ, đó cũng là con đường để mỗi người dân giành lấy quyền công dân chính đáng của mình.
Tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện hệ thống chính trị là những việc làm cấp bách của Nhà nước ta hiện nay để đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng, tham nhũng, thất thoát. Thiết nghĩ cần gắn trách nhiệm cụ thể của việc Tái cấu trúc cho những người đứng đầu nhà nước và khi không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, không chỉ là tự kiểm điểm, nhận lỗi mà còn phải có nhiều hành động cụ thể hơn nữa vì k hoàn thành nhiệm vụ!
Trả lờiXóa