Ở Hà nội đi một lúc lại có đám chửi nhau hoặc đám xem chửi nhau. Các cụ ngày xưa nói:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Nhân đọc bài này trên một diễn đàn, lại thấy cái chuyện chửi nhau trên diễn đàn ...là chuyện cơm bữa. Tôi chép về đây hầu các bạn đọc chơi.
Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc…. Chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng vậy. Bị chửi, nghe chửi rồi đôi khi cũng chửi người khác… nói chung đủ cả. Đôi lúc ngồi một mình nghĩ lại thấy bật cười, rồi lẩn thẩn tự hỏi không hiểu đã có ai bàn về chửi chưa nhỉ!!?
Có nhiều cách để mọi người giao tiếp với nhau, nhưng tôi tin rằng giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ là quan trọng nhất, phổ thông nhất và có lẽ cũng thú vị nhất. 24h trong một ngày thì trừ những lúc ngủ ra có lẽ con người ta cũng phải dành đến 2/3 thời gian còn lại với các mối giao tiếp khác trong xã hội. Nói chuyện với người thân, với bạn bè, với các đối tác làm ăn, với cả những người xa lạ gặp nhau trên đường... Nhưng đấy là nói chuyện. Ý tứ trong lời nói có thể đã được suy nghĩ cân nhắc trước khi nói ra, bởi vậy khó có thể đánh giá được ai đó qua một vài lần tiếp xúc.
Chửi thì lại khác. Người ta có thể “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói chứ chưa thấy ai có thể “uốn lưỡi bảy lần” trước khi chửi được cả. Chửi bật ra như phản xạ tự nhiên. Cảm xúc trong đầu được thể hiện trực tiếp ra thành lời nói mà không bị sự kiểm duyệt của lý trí (nói đúng ra là không kịp kiểm duyệt). Bởi vậy mà đang phóng xe nhanh trên đường, tự nhiên có kẻ cua ngang ngay trước mặt thế là vội vàng phanh dúi dụi. Buột mồm: “ Mẹ kiếp! Mắt mũi để đâu đấy? Muốn chết à?”. Theo thiển ý của tôi thì chửi chuyển tải cảm xúc chân thật nhất, trực quan nhất mà cũng là bản năng nhất của mỗi người.
Nói đến chửi thì thường nhiều người nghĩ thiên về cái xấu, cái không tốt. Điều đó cũng đúng một phần nhưng chưa đủ. Sự biểu cảm của chửi còn phong phú hơn nhiều. Cáu giận, căm ghét, tức tối…. chửi là đương nhiên. Nhưng chửi cũng còn thể hiện sự ngạc nhiên, sự thân tình, tình yêu thương và vị tha nữa.
Người con xa xứ hồi hương, mẹ già rưng rưng nước mắt: “Cha bố anh! U tưởng mày quên đường về rồi”. Bế bồng đứa cháu còn nhỏ Bà nội mắng: “ Tiên sư chị! Bây giờ chăm bẵm thế này, sau này không biết sau này có nhờ được gì hay không đây”. Những câu chửi đó sao mà thân thương đến thế.
Chửi giờ phổ cập toàn xã hội. Từ bà mù chữ thất học đến ông giáo sư đầu hói kính cặp chỉnh tề, từ thằng ăn cắp ngoài đường đến vị tai to mặt lớn đi đứng đạo mạo rao giảng đạo đức chắc chắn ai cũng đã từng chửi trong đời. Tôi dám chắc là như vậy. Ai cũng chửi, người nào cũng chửi không lúc này thì lúc khác, chỉ có điều chửi như thế nào mà thôi.
Người bán rau bán cá ngoài chợ, người lao động chân tay.v.v. nói chung là những người ít có cơ hội học hành cẩn thận và thường là ở tầng lớp dưới thì chửi… thoải mái hơn, trực tiếp hơn và gần với bản năng hơn. (Ấy là tôi nói chửi thời nay chứ không dám so sánh với chửi của các cụ thời xưa). Còn những người được gọi là có học hành, có một chỗ đứng nào đó trong xã hội thì thường chửi… rón rén hơn (khổ thân). Rón rén ở đây không có nghĩa là họ không có khả năng chửi mà chỉ đơn giản là đã chót mang cái danh là “có học” rồi thì phải ứng xử cho nó có vẻ là… có học (Mà cũng chẳng biết là “có học” thật không hay lại chỉ là “học giả”). Vậy nên khi chửi họ thường cố gắng dùng những từ “văn vẻ” hơn thay thế cho có vẻ bớt dung tục đi. Cái kiểu chửi này cũng hơi giống chửi xưa một tý ở chỗ là cũng có bài binh bố trận lớp trước lớp sau nhưng kém xa về vần và giai điệu. Kéo lại cái bọn “có học” thời nay chửi “hiểm” lắm. Dân dã bực nên chửi lúc là xong, hết tức rồi thì thôi còn bọn “có học” nó chửi thì… đêm về nghĩ lại cứ tức anh ách. Càng nghĩ lại càng cú. Đúng là hậu sinh có… khả ố hơn thật!
Nhiều người giờ… nghiện chửi. Một ngày mà không chửi được mươi câu là thấy ngứa mồm không thể chịu được. Chưa đến mức vật vã như nghiện ma tuý nhưng không chửi được vài câu thì cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó khó chịu lắm. Ở nhà mà chửi thì vợ nó lườm ngay: “ Nhà có trẻ anh phải gương mẫu chứ không con nó bắt chiếc sinh hư”, thế là câu chửi vừa mới ra gần đến đầu lưỡi lại phải vội nuốt ực vào trong cổ. Thế nên mà hôm nào tụ được với bạn bè ở quán bia thì phải biết. Cứ là nói một câu đệm một câu. Chửi như là chửi bù, như là chưa bao giờ được chửi vậy. Chửi cho sướng mồm thì thôi, xong về là hỉ hả lắm, cảm giác giống như là vừa chút được gánh nặng vậy.
Tôi có quen một anh bạn (gọi là anh nhưng đáng tuổi cha chú) lịch lãm, hiểu biết, nói chuyện rất có duyên và cuốn hút nhưng chửi cũng gọi là “thành thần”. Có hôm ngồi nói chuyện anh bảo: “ Chú tưởng chửi mà dễ đấy à? Mà không phải ai cũng biết chửi đâu nhé. Ông nào muốn chửi được nhiều thì vốn văn hoá phải cao. Văn hoá không cao thì chỉ được mấy câu là tịt ngay ấy chứ”
Vậy là tôi biết thêm được một tiêu chí để đánh giá mức độ văn hoá của mỗi người. Còn bạn thì sao???
--------------------
Riêng khoa chửi, VN ta là đầu bảng.
Chửi trong từ điển: Chửi mắng, Chửi bới, Chửi đổng, Chửi nhau, Chửi rủa, Chửi thầm, Chửi thề, Chửi tục! Lại còn Chửi bâng quơ, Chửi vu vơ, Chửi thậm tệ! Chưa hết, có cả Chửi bóng Chửi gió, Chửi chó mắng mèo, Chửi như tát nước, Chửi như vặt thịt, Chửi vuốt mặt .
Chửi được xếp ttheo 3 "đẳng cấp":
- Chửi trực tiếp (thô)
- Chửi gián tiếp (tinh)
- Chửi yêu (nôm). Ví dụ: Cha bố cô, nhớn rồi mà vú vê cứ để như cái chũm cau thế kia !
(Hồi còn bé bà em chửi yêu em thế)
Túm lại: Có văn hóa chửi...
---------------------------------------------
Nguồn: Chôm chỉa trên Lét
Chửi đôi khi lại là liều thuốc giúp cho mọi người xả stress rất hữu ích.
Trả lờiXóaNgười Việt Nam có 1 câu chửi cửa miệng, cứ nói cái gì là lại dùng tới nó, chắc hẳn mọi người ai cũng biết là câu gì rồi nhỉ?
Trả lờiXóaHaha, đang bực dọc đọc xong mà sướng cả cái dạ. Lại mở mồm ra chửi luôn một câu chứ. Thoải mái thật
Trả lờiXóaChửi cũng có nhiều loại chửi.Đúng là có văn hóa chửi thật.
Trả lờiXóa