Chia sẻ

Tre Làng

NÚP VÀ KHOÁN CHỈ TIÊU

LâmTrực@

Ít có lực lượng nào lại chịu nhiều đến thế sự giám sát của nguời dân như lực lượng cảnh sát giao thông. Các anh rất vất vả, và đã có nhiều hình ảnh rất đẹp, có đóng góp lớn cho việc giữ gìn trật tự giao thông. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều trường hợp, xin nói luôn là chưa đẹp. Các anh vẫn núp, không núp sau gốc cây mà núp sau lực lượng Trật tự đo thị (UBND phường). Bất kể là núp như thế nào, đều không đẹp.


Núp

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Khoa học - Xã hội - Nhân văn, do nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2012, "Núp" là một động từ, cũng có nghĩa là "Nấp", tức ẩn mình, trốn nơi khuất. "Núp" cũng có nghĩa là "Núp bóng", nghĩa là nương theo bóng tối. Một nghĩa khác là "núp lén", nghĩa là lén lút, âm thầm, không ra mặt. Từ núp, gợi cho người ta suy nghĩ về hành động không đẹp, thiếu đàng hoàng.

Từ "Núp" ngày nay thường được gắn với hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông. Điều này thật đáng buồn.

Không phải là bây giờ, mà từ rất lâu rồi, người dân vẫn gọi những anh cảnh sát giao thông bằng một cái tên hài hước là "anh hùng Núp". Cái tên nghe có vẻ hay ho và hài hước nhưng lại giàu hình tượng. Cứ nghĩ đến "anh hùng Núp" là người dân hiểu ngay đó là hình ảnh anh cảnh sát giao thông trốn đâu đó ở góc khuất hay bóng cây, bất chợt xuất hiện và bắt giữ những ai vi phạm luật lệ giao thông.

Tất nhiên rồi, vi phạm luật lệ giao thông thì bị bắt và xử phạt là đúng rồi. Nhưng hành vi trốn (để không ai nhìn thấy) rồi bất ngờ xuất hiện vẫn gợi trong tôi điều gì đó không hay, không đẹp và thiếu đàng hoàng.

Mới đây, nhiều người đã phàn nàn rằng, tình hình vẫn căng do CSGT vẫn núp. Cái núp ở đây là CSGT phối hợp với dân phòng, tự quản phường tham gia giữ trật tự giao thông. Nhưng CSGT chỉ đứng đằng sau (Núp) còn lực lượng kia mới là những người đối mặt với người vi phạm.

Một người dân bức xúc: “Xe tôi đang lưu thông, bỗng dưng hai nhân viên tự quản lao ra chặn xe. Họ một mực đòi giật chìa khóa, túm đầu xe kéo xềnh xệch… Họ còn chỉ thẳng vào mặt tôi quát “Mày muốn gì, biết lỗi gì chưa?”. Hóa ra tôi không cài quai mũ bảo hiểm. Họ tiếp tục hống hách “Đã sai còn đòi tinh tướng, thích tinh tướng không?”... Một lúc sau, công an phường núp ở đâu đó thình lình xuất hiện giải quyết”. Chẳng là cá biệt, những hình ảnh phản cảm như thế xuất hiện nhan nhản trên khắp các tuyến phố của Hà Nội.

Đã có một thời gian dài, người dân thủ đô bị ám ảnh bởi việc “núp” trong lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường – núp sau gốc cây, cột điện hoặc chỗ khuất nào đó, bất chợt lao ra chặn bắt xe vi phạm trật tự giao thông. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực để mô tả sự hãi hùng của người dân về những hành động ấy. Và bây giờ có vẻ khác.

Cảnh sát giao thông, công an phường - họ vẫn núp - chẳng ra mặt làm gì để dễ bị tổn thương trong những tình huống nhạy cảm. Đã có người khác chiềng mặt rồi – là những người thuộc các lực lượng “trật tự phường”, “dân phòng”, “tự quản”… màu sắc quần áo lôm côm, tác phong… chẳng giống ai.

Vậy họ là ai? Nhìn quần áo, mũ mão của họ là biết họ được tuyển chọn từ nhiều “nguồn” khác nhau. Xem thái độ hách dịch, lộng quyền của họ là hiểu ngay họ đã qua đào tạo hay chưa. Thế mà có tờ báo dẫn lời thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra tai nạn, Cục CSGT đường bộ, đường sắt- Bộ Công an - cho rằng, việc huy động lực lượng khác như tự quản, bảo vệ dân phố… đóng trên địa bàn tham gia công tác giữ gìn TTATGT là cần thiết.

Xin chưa bàn đến sự cần thiết ấy đến nhường nào; nhưng, chắc chắn chính các lực lượng phối hợp này, đang làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông.

Đừng để người dân nói rằng Cảnh sát giao thông đang núp sau dân phòng hay trật tự phường.

Khoán chỉ tiêu

Đọc bài "Trật tự đô thị múa gậy chặn xe vì ..chỉ tiêu 50 triệu" trên báo Tiền phong Online thấy buồn buồn bởi sự vô lí đến kinh ngạc. 

Sao lại là lực lượng Trật tự đô thị đi kiểm soát giao thông? và sao lại có thể khoán chỉ tiêu phạt?

Lực lượng trật tự đô thị được hưởng lương từ UBND phường, và được công an phường sử dụng để hỗ trợ khi thực thi nhiệm vụ. Nhưng theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Chương III, phần Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, mục 1 có phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó không có quy định nào cho phép lực lượng Trật tự đô thị được phép xử phạt. Vì lẽ đó, lực lượng này tham gia múa gậy cản người tham gia giao thông có lẽ nên xem lại. Nếu có tham gia phối hợp thì dứt khoát phải có lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ. Nếu không, đây sẽ làm thảm họa trong điều tiết giao thông và cũng là thảm họa trọng việc xử phạt hành chính vi phạm trật tự giao thông đường bộ.

Dưới góc độ khoa học, hiện tượng Khoán chỉ tiêu phạt là hoàn toàn sai, vì không căn cứ vào bất cứ một cơ sở khoa học (lí luận hay thực tiễn) nào.

Không có ai dám khẳng định trên địa bàn một phường, một xã nào sẽ có bao nhiêu vụ vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đè vạch, lấn vạch hay không đội mũ bảo hiểm.v.v.. Vậy tại sao lại khoán? 

Nếu tiếp tục tình trạng này, có nguy cơ dẫn đến người dân bị phạt oan, hoặc cũng có thể người ta chỉ xử phạt cho đủ chỉ tiêu, sau đó bỏ mặc tình trạng vi phạm xảy ra, vì lí do hết sức đơn giản là: Đã hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao.

Một câu hỏi đặt ra, mà người dân cần được biết là "cấp trên" mà ông trưởng công can phường Nguyễn Duy Hưng nói đến là "cấp trên" nào? thuộc lực lượng công an hay thuộc Ủy ban phường? Rất cần câu trả lời trong trường hợp này, vì lực lượng công an phường là lực lượng công an cơ sở và cùng một lúc phải "song trùng trực thuộc". Nghĩa là một mặt chịu sự chỉ dạo nghiệp vụ của cơ quan công an cấp trên, và mặt khác phải chịu sự lãnh đạo và thực thi nhiệm vụ mà UBND phường giao phó, không làm không được. Đây chính là điểm gút khiến cho bộ mặt, hình ảnh của lực lượng công an cơ sở không mấy đẹp đẽ trong mắt người dân, LâmTrực@ cũng xin được đề cập ở một entry khác.

27 nhận xét:

  1. giữ gìn an ninh trật tự giao thông là việc nên làm, nhưng bài viết này nói đúng. ở thành phố hà nội còn đỡ, khi gọi lại còn được chào trước khi bị chất vấn, ở quê, các tỉnh lẻ chả có chào hỏi gì, lẫy gậy vãy vaoaf là đòi hỏi giấy tờ đủ thứ trên đời...

    Trả lờiXóa
  2. Mục đích chính của cảnh sát giao thông là giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn. Còn việc xử phạt chỉ mang tính răn đe, phòng ngừa thôi. Vì vậy, đừng quá lạm dụng việc xử phạt để mưu cầu lợi ích cá nhân. Còn việc khoán chỉ tiêu là vô lý, đáng bị lên án, nhất là đối với lực lượng không thuộc thẩm quyền. Điều quan trọng là nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông...

    Trả lờiXóa
  3. CSGT cũng là những chiến sĩ công an, những người bảo vệ bình yên cho xã hội. Vậy mà một bộ phận lại có những hành động thiếu trong sáng như vậy thì thử hỏi có ai còn tin tưởng các anh bảo vệ cuộc sống được nữa chứ!

    Trả lờiXóa
  4. Thật đáng buồn là CSGT bị nhiều người dân phản ảnh xấu và có không có thiện cảm ! đúng là CSGT bây giờ nhiều người vì tiền ăn hối lộ ! cần thanh lọc hết mấy ông này đi ! chỉ vì vài người mà làm xấu bộ mặt của cảnh sát giao thông @@

    Trả lờiXóa
  5. một bộ phận cảnh sát giao thông đã làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân việt nam, cần có sự xử phạt nghiêm khắc với những bộ phận cảnh sát giao thông này, để tạo lòng tin cho nhân dân

    Trả lờiXóa
  6. đây là những tiêu cực tồn tại mà chúng ta nên xóa bỏ nó, tránh tạo ra hình ảnh xấu về người công an trong lòng người dân

    Trả lờiXóa
  7. Tại sao các anh cứ phải núp làm gì vây? Làm công việc đàng hoàng, chính đáng thì tại sao lại phải núp để làm gì chứ

    Trả lờiXóa
  8. Cũng không hẳn mọi lỗi đều do lực lượng CSGT mà cũng một phần do những người mắc lỗi muốn giải quyết nhanh mà đấm đút tiền cho CSGT đấy chứ

    Trả lờiXóa
  9. căn bản là có công an thi nhân dân còn tử tế đi giao thông tý,chứ không có bóng công an giao thông là y như rừng như chợ vỡ.núp cũng chẳng phải gọi là người dân ở đâu đó không thấy công an thôi.

    Trả lờiXóa
  10. thật là mất hình tượng người chiến sĩ an ninh trong lòng người dân quá, miêu tả như thế chẳng khác nào đây là nỗi kinh hoàng của người dân vậy, cứ thế này sẽ dẫn đến mất lòng tin trong nhân dân, giá trị đạo đức sẽ không còn được giữ vững nữa

    Trả lờiXóa
  11. việc này một phần cũng là do hệ quả của nền kinh tế thị trường, vấn đề lợi nhuận, tiền nong đang thâm nhập vào mọi ngành, mọi nghề đang làm biến chất đi rất nhiều hình ảnh đáng quý, họ bị nền kinh tế thị trường xô đẩy, khi lập trường không vững vàng thì họ sẽ bị cuốn theo thôi

    Trả lờiXóa
  12. cái này chắc chắn là do cấp trên chỉ thị xuống, chứ không làm gì có việc khoán tiền như vậy, các ông to ngồi 1 chỗ chỉ đạo, mấy ông lính làm theo bây giơ người dân lại chỉ trích họ, sao không chỉ trích mấy ông đằng sau ấy, đúng là mất mặt người chiến sĩ công an nhân dân

    Trả lờiXóa
  13. tình hình giao thông đã phức tạp hằng ngày rồi, tắc đường, tai nạn, lộn xộn, ô nhiễm, bây giờ lại còn lo lắng, sợ sệt khi ra đường sẽ bị công an bắt thì đúng là người dân quá khổ, tại sao nhà nước lại không giải quyết dứt khoát yêu cầu bức thiết của người dân này đi

    Trả lờiXóa
  14. CSGT cũng gặp nhiều khóc khăn khi thực hiện nhiệm vụ mà. Hằng ngày họ phải ra đường bất kể trời nắng hay mưa đứng dưới đường phố đông xe đi lại mà thực hiện nhiệm vụ.

    Trả lờiXóa
  15. Cái gì cũng có 2 mặt của nó, cũng chỉ là con sâu bỏ giầu nồi canh thôi, cũng phải nghĩ đến những gì mà cảnh CSGT đã đóng góp cho xã hội, họ cũng phải vất vả nhiều mà.

    Trả lờiXóa
  16. người cũng có người tốt kẻ xấu! mà công an cũng là người, chỉ hi vong rằng sẽ có nhiều biện pháp hơn để thanh lọc ngành lưc lượng công an! giúp giữ gìn trong sạch màu áo công an nhân dân!

    Trả lờiXóa
  17. nói đi thì phải nói lại. cũng là do đặc thù nghề nghiệp của các anh là phải giải quyết những trường hợp vi phạm luật giao thông nên dễ bị người ta nảy sinh thái độ không ưa. haiz

    Trả lờiXóa
  18. hành động Núp bao giờ cũng không được coi là đẹp cả. Điều đó làm cho bộ mặt cũng như danh tiếng của các cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông bị xấu đi.

    Trả lờiXóa
  19. cứ ngày nghề này ai cũng bị cho là vơ đũa cả nắm,dù người đó có tốt thế nào đi nữa họ cũng không thể thoát khỏi cái lưới của dư luận nó quá lớn

    Trả lờiXóa
  20. một phần do ý thức người tham gia giao thông còn kém quá! Họ phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ,...Đi đường mà gặp những yêng hùng như thế thì sợ rằng có nhiều người bị chết oan mất.

    Trả lờiXóa
  21. Hi vọng những hình ảnh phản cảm như thế về cảnh sát giao thông sẽ sớm được xóa bỏ. Với tôi, họ luôn là những anh hùng xa lộ, không quản ngại nắng mưa vì dân phục vụ.

    Trả lờiXóa
  22. Bây giờ hầu như cứ nhắc đến CSGT là mọi người sẽ nghĩ ngay đến tiêu cực, là ăn hối lộ nhưng đấy chỉ là cá biệt vài kẻ như vậy thôi. Còn đa phần vẫn là những người cảnh sát tốt, luôn làm việc hết mình đảm bảo an toàn cho bà con đi lại trên đường

    Trả lờiXóa
  23. sự vất vả của các chiến sĩ cảnh sát giao thông không phải ai cũng có thể hiểu và cảm thông được. Mỗi người dân hãy tuân thủ đúng luật giao thông và bảo vệ chính tính mạng của mình nữa, đừng trông chờ vào cảnh sát

    Trả lờiXóa
  24. không phải ai cũng hiểu và cảm thông được áp lực, sự vất vả của ngành nghề Công an nói chung hay cảnh sát giao thông nói riêng.

    Trả lờiXóa
  25. con người làm csgt chứ đâu phải cái máy mà có thể hoàn thiện đc,đến cái máy còn bị lỗi nữa là.đừng vơ đũa cả nắm họ đang vất vả cho công việc đấy

    Trả lờiXóa
  26. Nếu các bạn muốn không bị cảnh sát giao thông tuýt còi xử phạt thì hãy biết tuân thủ đúng luật giao thông đi. như vậy thì ai bắt, ai phạt được các bạn chứ, phải không?

    Trả lờiXóa
  27. Cứ đúng luật mà đi thì làm gì có truyện bị phạt oan. Cứ nói họ tham nhũng đi thì có sao không? ai bảo mọi người tạo điều kiện. Mà đó chỉ là số ít cán bộ làm ô uế lực lượng thôi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog