Chia sẻ

Tre Làng

LÒNG YÊU NƯỚC KHÔNG DỰA TRÊN TRUYỀN THUYẾT LỊCH SỬ


Các thế hệ trẻ cần những cách tiếp cận nhân văn, khoa học, hơn là nhồi nhét vào họ những tượng đài... hư cấu.

Mới đây, GS Vũ Đức Vượng có bài viết trên Tuần Việt Nam với tiêu đề: "Từ cụ Rùa Hồ Gươm đến ý thức yêu nước". Trong đó, ông đưa ra quan điểm "Cụ Rùa trong Hồ Hoàn Kiếm có thể là một biểu tượng dân tộc với khả năng giúp chúng ta giành lại phần nào lòng yêu văn Việt, yêu sử Việt, và từ đó yêu đất nước Việt".

Cũng trong bài viết, tác giả cho rằng việc phát huy những biểu tượng truyền thuyết lịch sử này để nhằm GD lòng yêu nước của học sinh, sinh viên. Phản biện lại quan điểm của ông, tác giả Toàn Nguyễn có bài viết: "Rùa Hồ Gươm là "bảo vật Quốc gia", nên không?" , với góc nhìn về lịch sử và vai trò của con rùa trong văn hóa Việt.

Bên cạnh những góc độ về lịch sử, văn hóa, đứng về góc độ giáo dục, quan điểm của ông Vũ Đức Vượng có nhiều điểm cũng cần xem xét lại. Bài viết này sẽ đề cập đến những điểm chưa hợp lý về xác định giá trị lòng yêu nước nhìn từ khía cạnh GD.

Truyền thuyết hay sự thật?

Một truyền thuyết lịch sử gắn liền với sự tích Hồ Gươm, trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược, là vua Lê Lợi nhận được gươm thần. Nhờ đó, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến thành công, giành lại độc lập dân tộc và giữ gìn bờ cõi của cha ông. Trong một lần du thuyền trên hồ Lục Thủy, có một con rùa nổi lên trước mũi thuyền rồng và đòi lại gươm thần. Từ đó, hồ Lục Thủy được lấy tên là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

Phó GS Hà Đình Đức (Khoa Sinh học, Đại học KHTN- ĐHQGHN) là người có thâm niên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm. Cũng chính ông là người đề xuất đưa rùa Hồ Gươm lên thành "bảo vật Quốc gia". Nhưng những gì nghiên cứu và đề xuất của ông Đức về rùa Hồ Gươm, ngoài giá trị về truyền thuyết lịch sử, nguồn gen và tính đa dạng sinh học thì đều không đúng với thực tế. Báo chí đã không tốn ít giấy mực để làm rõ vấn đề này.

Hơn 1.000 năm bị Bắc thuộc và trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã cho thấy, phần lớn lịch sử của nước ta không được ghi chép lại đầy đủ, chủ yếu được lưu giữ bằng truyền miệng qua các thế hệ.

Sự tam sao thất bản trong truyền miệng đã làm thiếu thông tin khoa học về lịch sử. Các truyền thuyết lịch sử ra đời để giải thích một cách hợp lý các dấu ấn lịch sử. Các truyền thuyết vẫn gắn liền với lịch sử dân tộc như truyền thuyết "trăm trứng trăm con", "Thánh Gióng" hay "sự tích Hồ Gươm",...

Rõ ràng, những truyền thuyết lịch sử này có yếu tố hoang đường, sử dụng các thế lực siêu nhiên để giải thích tính hợp lý của một dấu ấn lịch sử đã bị mai một theo thời gian. Chúng ta đều nhận thức được điều đó và chấp nhận sự hợp lý của truyền thuyết.

Ngay cả ông Hà Đình Đức, sau những khẳng định về rùa Hồ Gươm chính là con rùa nhận gươm thần của vua Lê Lợi cũng đã phải cải chính rằng: "Bàn chuyện vua Lê có trả gươm cho thần Kim Quy hay không, trả khi nào, là chuyện vô bổ".

Rõ ràng, những truyền thuyết lịch sử như thế này chưa thể là sự thật, khi chưa có những luận cứ khoa học minh chứng. Tác giả Toàn Nguyễn trong bài viết nêu trên cũng đã nêu: thực chất chỉ là sự "hợp lý hóa" truyền thuyết. Và sự "hợp lý hóa" này đã và đang được chấp nhận trong lịch sử và văn hóa dân tộc.


Hồ Gươm, nơi gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần
Có thể là biểu tượng của lòng yêu nước?

Lòng yêu nước của người Việt được xây dựng trên lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lòng yêu nước cũng được xây dựng trên các nền văn hóa của 54 dân tộc anh em trải dài khắp ba miền tổ quốc.

Lòng yêu nước được hình thành và hun đúc đối với từng con người xứ Việt ngay từ khi lọt lòng, gắn với những câu chuyện kể của mẹ, lời ru của bà về tình yêu quê hương đất nước, về lòng tự hào lịch sử dân tộc.

Lòng yêu nước được xây dựng trên cơ sở nhận thức của con người, và GD là công cụ giúp con người hội tụ các tri thức về lịch sử, văn hóa, xã hội. Khi con người có tri thức và áp dụng các kiến thức đã được GD vào trong cuộc sống, họ sẽ có đầy đủ nhận thức để phân biệt được cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Từ đó, sẽ xác định đúng chân giá trị của lòng yêu nước.

Tất nhiên, chúng ta không xem nhẹ một giai đoạn hay một sự kiện lịch sử, cũng như không thể bỏ đi các truyền thuyết lịch sử. Tất cả các kiến thức lịch sử phải được truyền tải một cách trung thực với sự chính xác về thời gian, một góc nhìn đa chiều và nhân văn, điều đó mới là sự GD về lòng yêu nước.

Lòng yêu nước luôn tồn tại trong sâu thẳm nhận thức của người Việt, điều đó là chân lý. Vì thế, không có lý do gì để nói rằng lòng yêu nước của chúng ta đang bị mai một, và cần thiết phải "tượng đài hóa" một truyền thuyết lịch sử nào trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc để "vớt vát" lại lòng yêu nước. Đây là một suy nghĩ sai lệch về lòng yêu nước.

Một giai đoạn lịch sử, một sự kiện lịch sử chưa thể là biểu tượng của lòng yêu nước. Một tượng đài truyền thuyết lịch sử càng chưa phải là biểu tượng của lòng yêu nước. Lòng yêu nước phải được hình thành trên chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với tinh thần và ý chí bất khuất của người Việt.

Một góc nhìn phiến diện

Như đã trình bày ở trên, lòng yêu nước là tổng thể nhận thức của một con người về lịch sử, văn hóa, xã hội. Thông qua quá trình GD, con người sẽ được hoàn thiện về trí, thể, mỹ và hình thành lòng yêu nước.

Thực trạng về GD Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy, chúng ta đang có những lỗ hổng trong tư duy. Thay vì đào tạo học sinh phát triển toàn diện, chúng ta đang hình thành một thế hệ chỉ học những kiến thức cần thiết cho một mục tiêu là "thi đậu đại học".

Vì thế, ngay từ cấp tiểu học, trẻ em đã bị người lớn định hướng học lệch theo các ban. Điều này dẫn đến tình trạng, học sinh ban tự nhiên thiếu hụt các kiến thức về xã hội và ngược lại. Sinh viên tốt nghiệp ĐH viết sai chính tả là chuyện rất bình thường, chưa nói đến văn phong, câu cú, ngữ nghĩa.

Gần đây, báo chí nêu lên sự việc học sinh một trường trung học phổ thông xé đề cương môn Sử khi nhận được thông tin không thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, ngoài những học sinh thi khối C bắt buộc phải học môn Sử, còn lại số đông các em không hứng thú với môn học này. Cho dù đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia GD biện minh về tình trạng này, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, sự định hướng học lệch và chưa hoàn thành mục tiêu đào tạo toàn diện về kiến thức phổ thông là nguyên nhân chủ yếu.

Mặt khác, chúng ta thường áp đặt suy nghĩ của thế hệ trẻ, chưa nhìn nhận và tôn trọng các ý kiến của các em. Rõ ràng học sinh đã có đủ nhận thức để phân biệt cái đúng, cái sai trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

Những phản ứng của học sinh về tính nhân văn trong các câu truyện dân gian như "Tấm Cám", "Sọ Dừa",... hay tính hoang đường trong các truyền thuyết lịch sử nêu trên trong các bài giảng của thầy cô giáo không còn là ngoại lệ. Đã đến lúc, người lớn nói chung và những người làm GD nói riêng cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Do đó, việc xây dựng một tượng đài lịch sử dựa trên một truyền thuyết để GD lòng yêu nước là một góc nhìn phiến diện. Không những phản tác dụng trong việc khuyến khích học sinh yêu thích môn Sử, mà còn tạo ra một sự ngờ vực về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta, làm suy giảm lòng yêu nước của các thế hệ trẻ.

Chúng ta không quay lưng lại với những truyền thuyết lịch sử, nhưng chúng ta cũng không nên thần thánh hóa và cố tình xây dựng những tượng đài truyền thuyết lịch sử.

Truyền thuyết thường hư cấu, còn lịch sử phải tôn trọng sự thật. Hãy đưa các truyền thuyết lịch sử đi vào các tác phẩm văn học, nghệ thuật... , và gìn giữ nét đẹp đó theo thời gian, để tất cả các thế hệ đều được tiếp cận và trân trọng nó.

Tượng đài, có thể bị đạp đổ. Còn các giá trị lịch sử truyền thống dân tộc, luôn sống mãi cùng các thế hệ người Việt. Các thế hệ trẻ cần những cách tiếp cận nhân văn hơn là nhồi nhét vào họ những tượng đài... hư cấu.

Chiếc áo khoác không thể làm nên thầy tu. Giáo dục lòng yêu nước không nên chỉ được xây dựng trên những tượng đài truyền thuyết lịch sử.

Trịnh Xuân Báu

15 nhận xét:

  1. Đúng là lòng yêu nước được xây dựng trên cơ sở nhận thức của con người, và giáo dục chính là công cụ giúp con người hội tụ các tri thức về lịch sử, văn hóa, xã hội. Khi con người có tri thức và áp dụng các kiến thức đã được giáo dục vào trong cuộc sống, họ sẽ có đầy đủ nhận thức để phân biệt được cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Từ đó, sẽ xác định đúng chân giá trị của lòng yêu nước.

    Trả lờiXóa
  2. Truyền thuyết là một bộ phận của Văn học dân gian.Truyền thuyết có sự khác biệt tương đối về nội dung so với truyện cổ tích đó là truyền thuyết thường được gắn với con người, địa danh cụ thể có thật mặc dù cũng giống truyện cổ tích đó là truyền thuyết cũng mang những yếu tố hoang đường. Tìm hiểu về truyền thuyết cũng có nghĩa là gián tiếp tìm hiểu về lịch sử dân tộc qua cuộc đấu tranh sinh tồn hơn 4000 năm của cha ông. Mặt khác truyền thuyết cũng cung cấp cho chúng ta một vốn kiến thức kha khá về các địa danh lịch sử ở Việt Nam.
    Truyền thuyết thể hiện tinh thần dân tộc từ ngàn xưa trong đó, tại sao chúng ta lại không tin truyền thuyết cơ chứ?

    Trả lờiXóa
  3. Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được chứng tỏ bao đời nay, nó ko bao giờ phai màu đi khi có giặc tới xâm lược và đô hộ đất nước ta. Thế nhưng những lịch sử vẻ vang đó hiện nay đã ko còn ấn tượng nhiều với giới trẻ ngày nay, họ ko quan tâm nhiều nữa vì nhiều lý do khác nhau...Chính vì ko hiểu về lịch sử hào hùng và oanh liệt đó mà tình yêu nước của giới trẻ ngày mai một đi dẫn tới những ảo vọng xuất hiện trong thế hệ trẻ ngày nay. Cần phải có những phương pháp, sự điều chỉnh hợp lý để giới trẻ gần với lịch sử dân tộc hơn.

    Trả lờiXóa
  4. đúng vậy, các truyền thuyết lịch sử có thể góp phần trau dồi thêm lòng yêu nước, tuy nhiên lòng yêu nước không thể dựa trên truyền thuyết được, nó phải dựa trên những chân lý, những sụ thật lịch sử và những điều rõ ràng, các truyền thuyết thì không thể đảm bảo được những yếu tố đó

    Trả lờiXóa
  5. những truyền thuyết có giá trị nhất định của nó, chúng ta không được phủ nhận giá trị của những truyền thuyết, tuy nhiên chúng ta không được thần thánh hóa truyền thuyết, dựa vào truyền thuyết để quyết định các vấn đề của xã hội và các chính sách của đất nước, chúng ta cần phải rõ ràng giữa lịch sử và truyền thuyết!

    Trả lờiXóa
  6. hiên nay, vì truyền thuyết rùa hồ gươm mà nhiều người thần thánh hóa cụ rùa ở hồ gươm, điều đó là không tốt, chúng ta nên dừng vấn đề ở mức đó là một địa danh, một dấu ấn của hà nội và của đất nước chứ không nên để nó ảnh hưởng quá nhiều đến các chính sách phát triển của cả đất nước

    Trả lờiXóa
  7. dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, đó là một truyền thống quý báu, tuy nhiên chúng ta cần khách quan và nhìn nhận một cách khoa học, không thể xây dựng lòng yêu nước dựa trên truyền thuyết, giá trị của truyền thuyết chỉ nên dừng lại ở những giá trị văn hóa và tâm linh mà thôi

    Trả lờiXóa
  8. hiện nay những vấn đề xung quanh cụ rùa ở hồ gươm được đẩy tầm cao hơn so với những giá trị nguyên gốc của nó, truyền thuyết hồ gươm rất đẹp và ý nghĩa, tuy nhiên ta không thể dựa vào truyền thuyết đó mà coi đó là một sự thật lịch sử, vì nó không dựa trên những ghi chép chính xác, mà lịch sử thì đòi hỏi chính xác và phải có căn cứ rõ ràng

    Trả lờiXóa
  9. lòng yêu nước được xây dựng dựa trên truyền thống lịch sử và truyền thống văn hóa, các truyền thuyết có gia trị nhân văn cao đẹp cũng góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước mà thôi, không thể xây dựng lòng yêu nước trên cơ sở các truyền thuyết được, cần phải khẳng định điều đó

    Trả lờiXóa
  10. Xã hội bây giờ nó thế mà, người ta chỉ nghĩ đến kinh tế, nghĩ đến việc kiếm tiền thôi, chứ ít ai quan tâm đến xã hội đâu. Mình nói thế không phải là mình không thích môn Lịch sử, thực ra mình cũng quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử thời phong kiến. Tuy nhiên, phải công nhận việc học sinh bây giờ không thích học môn Lịch sử cũng do nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân hồi xưa làm mình "sợ" môn Lịch sử đó là đọc thuộc nhiều, một số thầy cô dạy máy móc, cứng nhắc, chỉ theo sách nên làm học sinh không có hứng thú.

    Trả lờiXóa
  11. Xã hội bây giờ nó thế mà, người ta chỉ nghĩ đến kinh tế, nghĩ đến việc kiếm tiền thôi, chứ ít ai quan tâm đến xã hội đâu. Mình nói thế không phải là mình không thích môn Lịch sử, thực ra mình cũng quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử thời phong kiến. Tuy nhiên, phải công nhận việc học sinh bây giờ không thích học môn Lịch sử cũng do nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân hồi xưa làm mình "sợ" môn Lịch sử đó là đọc thuộc nhiều, một số thầy cô dạy máy móc, cứng nhắc, chỉ theo sách nên làm học sinh không có hứng thú.

    Trả lờiXóa
  12. Truyền thuyết lấy nội dung chính dựa trên cốt truyện có thật, nhưng những chi tiết trong truyền thuyết phần lớn là hư cấu. Việc đưa những thứ không có thật làm biểu tượng của lòng yêu nước là không nên. Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình dựng và giữ nước. Và lòng yêu nước phải được thể hiện bằng cách nắm rõ lịch sử của dân tộc mình, biết được những thế hệ trước đã phải hi sinh nhiều như thế nào mới mang lại cuộc sống ngày hôm nay cho chúng ta.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đồng ý với ý kiến của "kiến càng". Chúng ta cần giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc. Còn truyền thuyết mang tính hư cấu chỉ là những câu chuyện của bà của mẹ kể cho các em bé để các cháu dễ hiểu dễ nhớ. Đã là lịch sử chúng ta phải ghi chép lại chính xác các sự kiện, các mốc thời gian.

    Trả lờiXóa
  14. Nặc danh16:18 16/4/13

    Những câu chuyện lịch sử thường phản ánh khá sát với lịc sử song lại mang nhiều tình tiết hư cấu truyền miệng, tam sao thất bản ...Tất nhiên chúng ta không thể không đọc những câu chuyện lịch sử song cũng cần đọc những tư liệu để có thể nhìn nhận lịch sử một cách chân thực, khách quan hơn. Đó mới chính là phương pháp học, dạy về lịch sử hào hùng cha ông một cách chính xác nhất cũng như giáo dục thế hệ trẻ sâu sắc về lòng yêu nước .

    Trả lờiXóa
  15. vai trò của lịch sử là không thể chối cãi. Chính nhờ những mẩu truyện, những truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc đã khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam. Chúng ta tự hào vì đã 3 lần thắng quân Nguyên Mông, giành lại độc lập tự do từ tay Tàu, Mỹ, Nhật, Anh, Pháp... lớp trẻ cần biết những điều đó để sống sao cho xứng đáng.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog