Chia sẻ

Tre Làng

LỘT VỎ PHONG BÌ SẼ THẤY THAM NHŨNG


Câu chuyện nhận, hay không nhận phong bì, thực ra, sẽ chẳng có gì phải ầm ĩ nếu những người thầy thuốc tự trọng bản thân, trước lời thề họ từng tuyên thệ. Cũng chẳng cần phải bàn nhiều nó được cởi bỏ lớp “phong bì” bên ngoài để gọi chính xác là tham nhũng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tại TP HCM, yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.

Bộ trưởng còn giải thích rõ: “Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”. Và Bà Bộ trưởng nói đến: “Văn hóa Việt Nam”, đến “Tấm lòng của người bệnh”.

Rồi cũng bà Bộ trưởng, cũng khẳng định “Tôi đâu có cho phép cán bộ y tế nhận phong bì sau khi điều trị cho bệnh nhân”.

Thế tóm lại là có cho nhận hay không cho nhận?

Câu trả lời của thực tế: Cho hay không cho thì vẫn cứ phải phong bì. Trước điều trị hay sau điều trị cũng vẫn phong bì, bởi phong bì là mũi tiêm không đau, là nụ cười, có khi chỉ nửa miệng của những người vẫn vỗ ngực tự xưng là mẹ hiền.

Nhưng sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi hôm qua, một đại biểu quốc hội cũng lên tiếng, rằng: “Phải để cho người ta bày tỏ lòng biết ơn vì bác sĩ tận tụy cứu chữa cho người ta thì không nên cấm, thậm chí, phải khuyến khích. Điều này tương tự như trong cuộc sống bình thường, thay lời cảm ơn mà người ta bày tỏ bằng việc gửi quà, bằng hình thức bằng tiền đấy thôi. Cấm điều này cực đoan và cũng không đúng”…

Và trước đó, một người thầy, thậm chí đang là giảng viên môn Y Đức và Y xã hội học ĐH Y Hà Nội tuyên bố chắc nịch: “Cho nhận phong bì là lựa chọn cách điều chỉnh hành vi ít xấu nhất, nói cách khác, vấn nạn đang ở bậc thang cao thì phải hạ xuống từ từ. Và nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy Bộ trưởng đang rất hướng thiện”.

Điều dễ nhận thấy nhất trong những ý kiến bênh bà Bộ trưởng là những người phát biểu có “thân phận” để không thể bị sách nhiễu, bị gợi ý, bị tiêm không đau. Tóm lại, họ không phải là dân đen thấp cổ bé họng.

Thưa bà Bộ trưởng, cái mà bà gọi là “Văn hóa Việt Nam” đó được gọi mỉa mai là các“chi phí không chính thức”, còn “tên tục”, trong các văn bản hành chính đích thị là tham nhũng.

Thưa vị ĐBQH, giữa lòng biết ơn để tự nguyện đưa phong bì và bị sách nhiễu để tự nguyện đưa phong bì, thực ra, không có ai làm trọng tài để phân định.

Và thưa thầy giảng viên môn Y đức, cho phép nhận tiền không thể chống được việc vòi tiền.

Huống chi, trong lời thề Hypocrates mà mỗi một sinh viên ngành y sẽ phải tuyên thệ, phải thuộc nằm lòng trước khi khoác áo trắng mẹ hiền chẳng phải đã nói đến việc “Sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.

Câu chuyện nhận, hay không nhận phong bì, thực ra, sẽ chẳng có gì phải ầm ĩ nếu những người thầy thuốc tự trọng bản thân, trước lời thề họ từng tuyên thệ. Cũng chẳng cần phải bàn nhiều nó được cởi bỏ lớp “phong bì” bên ngoài để gọi chính xác là tham nhũng.

Còn bây giờ, thưa dân chúng, giữa 2 luồng ý kiến, có một cái tin nhỏ: Bắt đầu từ 1.8, Hà Nội sẽ tăng viện phí. Mức 75%. Và đến đầu 2015, sẽ tăng kịch trần.

Nguồn: Đào Tuấn Blog

7 nhận xét:

  1. Câu chuyện phòng bì là câu chuyện muôn thuở. Mà nói thực không chỉ có ngành y đâu mà một số lĩnh vực khác cũng vậy thôi. Nhưng vì khi có bệnh thì ai cũng muốn mình được phục vụ sớm nhất và tốt nhất nên mới cứ dúi phong bì vào tay bác sĩ, y tá... mà thôi. Trước hết cũng phải tự trách mình trước, tự mình làm hỏng họ thôi. Còn cái kiểu kêu rằng lương bác sĩ ít thì đừng nên nói vì người bệnh họ có khi còn ít hơn thậm chí có người nông dân họ còn không có lương. Cái quan trọng là lương tâm của chúng ta. Tôi thiết nghĩ cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ sống lành mạnh và cần phải có đạo đức. Biết thương thân và thương đồng loại. Còn việc phong bì cảm ơn thì nói làm gì đó là lễ nghĩa biết trước biết sau mà thôi. Nếu mà được như lời Bộ trưởng nói thì còn gì bằng – Lương y như từ mẫu.

    Trả lờiXóa
  2. Ôi vấn đề nhận phong bì hay không quả là nan giải, dường như nó đã trở thành cái bệnh rồi thì phải. Đúng là sẽ chẳng có gì phải ầm ĩ, to tát nếu những người thầy thuốc tự trọng bản thân. Chẳng hiểu việc tăng viện phí sắp tới có làm cho vấn nạn về phong bì giảm không? Hãi vẫn là chuyện đau đầu trong khi việc đưa phong bì và nhận phong bì dường như đã trở thành chuyện dĩ nhiên.

    Trả lờiXóa
  3. "Cho nhận phong bì" sao có thể là "văn hóa Việt Nam"??? Văn hóa Việt Nam luôn là cái tinh túy của dân tộc. Còn phong bì thì sao? Cái chuyện phong bì ở bệnh viện thì không ai còn lạ gì nữa. Đáng buồn là việc này không phải là thiểu số mà phải nhận là phần lớn các bệnh viện đều xẩy ra, đừng nói là bệnh viện công hay tư. Điều này ảnh hưởng đến danh dự của những người được gọi là "lương y như từ mẫu", thế này thì người dân nào còn dám tin vào điều đó nữa. Cái chuyện người nào có phong bì được khám trước, không có phong bì thì phải chịu đi sau. Vậy còn những người mang thẻ bảo hiểm y tế thì sao, họ nghèo không có tiền thì đến khi nào mới được khám bệnh?

    Trả lờiXóa
  4. Phong bì xẩy ra trong bệnh viện thì không ai còn lạ gì nữa. Ai cũng biết và thấy đó như chuyện hiển nhiên. Chỉ là không hiểu những người làm bác sĩ nghĩ gì khi nhận phong bì đấy. Biết là ai cũng muốn lo miếng cơm manh áo cho mình, thế nhưng hành động này thì đến mình cũng không hiểu được. Những người nhà giàu thì mình không nói gì, họ có điều kiện muốn được chăm sóc tốt thì cũng là lẽ dĩ nhiên. Thế nhưng còn những người không có điều kiện thì sao? Không phải ai làm bác sĩ cũng có cái kiểu nhận phong bì khám bệnh, nhưng thiểu số dần sẽ lây lan thành đa số. Thiết nghĩ để dừng được việc này thì không dễ

    Trả lờiXóa
  5. Nói đi cũng phải nói lại, không có lửa làm sao có khói, thực tế đáng buồn hiện nay là đời sống nhân dân còn khó khăn, cơm áo gạo tiền khiến con người thay đổi quá nhiều. Muốn thay đổi thực trạng này cần phải có những biện pháp tổng hợp và quyết liệt hơn. Phải làm sao nâng cao mức sống của nhân dân hơn nữa thì vấn nạn phong bì mới giảm đi được. Thêm vào đó người lương y cũng phải suy nghĩ lại làm sao cho xứng đáng với chữ "thầy".

    Trả lờiXóa
  6. Vẫn biết rằng cái phong bì kia là tiêu cực là tham nhũng nhưng ở thời buổi này mà không có phong bì liệu có tồn tại được không chứ? Muốn bỏ nó đi cũng không phải là dễ khi mà nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người rồi. Chỉ có luật pháp nghiêm mới có thể giải quyết được triệt để tình hình này

    Trả lờiXóa
  7. Các bác sĩ nhận phong bì cũng là chuyện bình thường khi mà đã cứu chữa tận tình cho người bệnh nhưng nhiều bác sĩ lại bị cái phong bì kia chi phối quá nhiều, không có phong bì không chữa trị cẩn thận làm mất hết đi cái y đức của một bác sĩ và mầm mống để tham nhũng phát triển

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog