Chỉ một tuần nữa là bọn trẻ nghỉ hè, và sau khi bàn luận về chuyện bọn trẻ sẽ đi đâu, giá cả một cuộc đi trại hè nước ngoài là bao nhiêu ngàn đô, thì trong quán nước của N. trưa nay, tin mới nhất nghe được là một tin kinh hoàng, đúng nghĩa kinh hoàng chứ không phải mấy chữ kinh hoàng câu viu của báo mạng.
Nghe nói, có đến 20 em học sinh lớp 6 ở Buôn Đôn, Đắc Lắc, gần nhà máy Thủy điện Serepok, có thể đã bị chết đuối trong sáng nay, một tin đau đớn lặng người, bất cứ ai nghe đều chỉ mong đó không phải là sự thật, tin vỉa hè, chưa phải tin chính thống. Chưa bao giờ N. thấy mọi người mong tin từ các báo chính thống thế. Mới chỉ là tin trên mấy blog thôi, đừng tin... Mọi người bảo nhau, phải tỉnh táo. Hãy đợi xem những tin tức từ các trang online của các báo có uy tín.
Sông Serepok nơi các học sinh tử nạn
Thế là, đáng lẽ về, mọi người cùng nhau ngồi chờ tin. Đến 2 giờ chiều, nắng chang chang, nhiệt kế báo Hà Nội 36 độ, thì tin chính thống đã có. Nhẹ người hơn khi biết không phải 20 mà chỉ 4 hoặc 5 em đuối nước trong số 36 em đi bơi sáng nay, số còn lại đã về được nhà. Nhẹ, nhưng không phải đã bớt kinh hoàng, bởi 4,5 em hay dầu chỉ 1, đấy vẫn là tin thật đau lòng.
Tôi nghĩ thương bọn trẻ bây giờ, một người bảo, thời mình, không có chuyện đi trại hè dăm ba ngàn USD, nhưng cũng không có chuyện ngay giữa Thủ đô, tiêm văcxin 600 ngàn một mũi mà cũng bị rút bớt. Những đứa trẻ tiêm một mũi phòng trừ 5 bệnh, là bố mẹ nó mong mỏi loại trừ bệnh tật cho con mình về sau này.
Bà Bộ Y tế cũng cho biết, theo quy định phải tiêm 0,5ml văcxin 5 trong 1 thì mới có tác dụng gây miễn dịch. Liều 1 tiêm không đủ thì tác dụng hiệu quả gây miễn dịch kém, không đạt yêu cầu về tiêm chủng. Quy chế tiêm chủng đã quy định rõ, liều bao nhiêu phải tiêm hết, tiêm không đủ là không được. “Về việc hai lọ văcxin không pha gì mà lấy lọ nước tiêm, tôi không dám khẳng định văcxin đó có phải văcxin gốc hay loại cũ để lại cũng như có chuyện ăn bớt văcxin ở đây không. Văcxin 5 trong 1 là loại pha sẵn, rút toàn bộ ra tiêm hết, nếu để lại một nửa hay 1/3 rồi lưu từ lọ này sang lọ khác mới tiêm cho trẻ thì không có tác dụng”, một giáo sư đã nói như thế trong trường hợp này.
Ai cũng biết là không chỉ hai đứa trẻ đến điểm này tiêm, không ít bố mẹ hiểu rằng có lẽ con mình, như bao nhiêu trẻ con khác, đã bị rút bớt vắcxin. Cứ hình dung ngày con cái còn bé, đưa chúng đi tiêm chủng, nhìn da thịt non nớt của chúng bị mũi kiêm tiêm nhọn sắc ấn vào, mà rùng mình. N. nhớ những lần nghe tiếng con khóc thất thanh mà mình đau như cứa vào lòng, chỉ có mỗi niềm an ủi rằng tiêm thế là cần, tránh cho con bệnh tật về sau. Giờ khi niềm an ủi ấy mất đi, và nỗi hoang mang tột độ ùa về, thì có cha mẹ nào mà không muốn gầm lên cho hả.
Có điều, ngành y tế coi chuyện ấy là nhẹ, nhân viên làm chuyện ấy cùng lắm bị thôi việc. Tôi mà có quyền, tôi truy tận nơi, cấm tất cả những người liên quan làm việc trong ngành y té suốt đời. cả những người làm giả phim chiếu chụp ăn tiền trong bệnh viện cũng thế, cấm vĩnh viễn luôn...
Tôi thì chỉ muốn cấm trẻ em đến chỗ có nước. Một người khách nói vậy, chuyện những đứa trẻ đuối nước sáng nay ở Đắc Lắc vẫn làm ông bàng hoàng...
Mọi người rộ lên chuyện ai có quyền thì cấm những gì. Quên rằng đây chỉ là quán nước, quán nước vỉa hè, người có quyền có chứa đã không ngồi, và bởi thế, đâu đó, bọn trẻ bị rút bớt vắcxin hay đuối nước vẫn chỉ là chuyện nói cho... đau, không làm gì cho bớt được.
Hà Phạm
Mọi sự mất mát đều đáng tiếc. Bất kỳ cái chết nào cũng mang lại những nỗi đau, nhất là những cái chết thương tâm của con trẻ. Các em ra đi khi chưa hiểu nổi cuộc đời là gì? Mọi ước mơ của các em và kỳ vọng của người lớn đều khép lại để nhường chỗ cho nỗi đau. Bài viết liên hệ giữa 2 việc hoàn toàn khác nhau nhưng lại có chung một điểm đó là hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Hãy cứu lấy thế hệ trẻ khi chưa quá muộn.
Trả lờiXóaĐúng thực là chỉ nói cho... đau. Nhiều việc đau lòng biết mà không làm gì được. Xã hội lúc nào cũng có những mâu thuẫn, chuyện này chuyện kia song không phải việc gì cũng giải quyết ngay được. Phải có thời gian! Và hơn thế nữa là cái cách làm của chúng ta, có đổi mới tư duy và thực sự toàn diện trong đổi mới thì ngày mà chúng ta "bớt buồn" mới tới.
Trả lờiXóa