Sau chỉ thị là quán triệt. Sau quán triệt là cam kết. Sau cam kết là việc nhậu nhẹt vẫn hoàn nhậu nhẹt.
Tháng 3 năm ngoái, trong cuộc họp với UBND các tỉnh, thành phố, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp ban hành quy định “không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.
Nhưng chỉ ít ngày sau đó, ngày 12-4-2012, hình ảnh 15 cán bộ Thanh tra giao thông hồn nhiên đỗ xe công vụ biển xanh trên vỉa hè phố cấm, diện nguyên đồng phục, ăn nhậu trong một quán bia trên phố Trần Duy Hưng được một tờ báo điện tử tung lên mạng. Những tấm ảnh chụp cận cảnh cho thấy khuôn mặt của “nhà chức trách” “đỏ tưng bừng”. Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh sau đó nhìn nhận: “Việc thanh tra giao thông vào quán bia, quán nhậu là điều “nhạy cảm”.
Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hoàng Văn Mạnh thì giải thích: “Thanh tra giao thông đang làm nhiệm vụ vẫn phải ăn trưa nên có thể mặc đồng phục, đeo biển hiệu vào quán. Còn nếu uống rượu, cảnh sát đo nồng độ cồn vượt mức sẽ bị xử lý”.
Thế nào là “nhạy cảm”?
“Vì dễ bị hiểu lầm”- lời ông Linh.
Và chính vì cách giải thích đó, trước những khuôn mặt “đỏ tưng bừng”, cho nên sau đó chẳng có gì “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, bởi như ông Phó Chánh đã nói: “Chưa bao giờ CSGT kiểm tra nồng độ cồn của thanh tra giao thông.
Sự nhạy cảm đối với thanh danh “nhà chức trách”, trong khi nhà chức trách lại chẳng bao giờ kiểm tra nhau khiến cho một quy phạm cấm trở nên hình thức chẳng khác gì việc cấm thuốc lá, cấm vứt rác ra đường, hay… cấm chó.
Trong một năm sau yêu cầu của Phó thủ tướng, la liệt các chỉ thị được ban hành. Bộ Tư pháp nghiêm cấm “Cán bộ, công chức, viên chức ngành uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách”.
Rồi Thanh Hóa cũng cấm. Rồi Hà Tĩnh, rồi Long An…Chỉ thị nhiều đến nỗi có người gọi đó là “phong trào chỉ thị”.
Sau chỉ thị là quán triệt.
Sau quán triệt là cam kết.
Sau cam kết là việc nhậu nhẹt vẫn hoàn nhậu nhẹt.
Và sau nhậu nhẹt, có lẽ vì nhạy cảm, chưa thấy có bất cứ cán bộ nào bị xử lý, dù “đuổi muỗi bằng một cái kỷ luật kiểu “nhắc nhở”.
Bởi thế, có thể hiểu người dân đã mắt tròn mắt dẹt đến thế nào khi đọc cái tin một Phó Chủ tịch huyện (Kỳ Sơn, Nghệ An) bị kiểm điểm với lý do “Nhiều lần uống rượu say”. “Kịch tính” còn ở chỗ đây là một nữ phó chủ tịch. Và cái say của bà, được Bí thư huyện ủy Vi Hải Thành mô tả trên Tuổi trẻ là “quá đà và bê tha”.
Có câu “Hình bất thượng đại phu”, tức hình luật chẳng bao giờ phạm được tới quan quyền. Câu chuyện xử lý cán bộ nhậu nhẹt của hiếm nỗi ngay sau vụ kiểm điểm, có lẽ là đầu tiên, đã không khỏi có những câu hỏi nghi hoặc được đặt ra.
Nhưng dù là với động cơ gì, vi phạm là vi phạm, và vi phạm phải được xử lý dù rất khó để kỳ vọng “vụ Kỳ Sơn” sẽ là một sự kiện mang tính chất tiền lệ, làm gương cho những vị thanh tra nhân dân, cho nhà chức trách để “quân pháp bất vị thân” chứ không phải “Hình bất thượng đại phu”.
Nguồn: Đào Tuấn
Tên bài do Trelang tự đặt - chân thành xin lỗi tác giả
Phải làm mạnh tay với tất cả những sai phạm trong sử dụng rượu bia đối với tất cả mọi người, không kể cán bộ hay dân thường. Có công bằng thì người dân mới thấy quy định có ý nghĩa. Nếu chỉ xử dân mà không xử cán bộ thì dân không phục, tình trạng rượu bia lại tiếp tục xảy ra.
Trả lờiXóaTheo đạo Hồi hết cho chắc ăn
Trả lờiXóafai nói cấm bia rượu trong giờ hành chính là đúng vì trong giờ làm việc nếu như uống bia rượu thì làm sao mà giải quyết được các vấn đề của cơ quan và công việc chung được chứ. nhưng khi đưa ra các quyết định thì đã là quyết định thì tất cả mọi người phải cùng nhau chấp hành nghiêm chỉnh từ trên xuống dưới không thể có trường hợp nào ngoại lệ cả trừ các trường hợp đó là hợp tác, ngoại giao hay kí kết hợp đồng
Trả lờiXóaTrên bảo dưới không nghe, nó đã ngấm vào máu của những con người cầm quyền rồi, khi những người cầm quyền không làm đúng theo những gì mình nói thì làm sao cấp dưới nghe, rồi khi cấp dưới không nghe thì làm sao dân người ta nghe, có tiền lệ rồi, tốt, nhưng liệu sẽ có tiền lệ thứ 2 hay để rồi mèo lại hoàn mèo.
Trả lờiXóa