Nếu ở Việt Nam xuất hiện những chiếc Coóc xê cảm hứng từ học thuyết kinh tế và có hình những mũi tên, thật khó tưởng tượng nó chỉ lên trên ngực hay chỉ xuống dưới rốn.
Chiếc Coóc xê “Branomics” vừa được giới thiệu tại Nhật lấy cảm hứng từ học thuyết kinh tế của Thủ tướng đất nước mặt trời mọc Shinzo Abe.
Đại khái, đây là học thuyết nhằm chấn hưng nền kinh tế “ba mũi tên” đi kèm với một chỉ số “Giữ lạm phát 2%”.
Coóc xê Branomics được trang trí bằng hình 3 mũi tên và có một miếng đệm với thể tích tăng 2% được thêm vào trong áo. “Chúng tôi hy vọng rằng, khi nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, chúng tôi cũng có thể giúp kích cỡ ngực trở nên lớn hơn”, phát ngôn viên hãng đồ lót phát biểu trên Reuters.
Rất nghịch. Rất sáng tạo. Nhưng là để nói về một câu chuyện có thật trong đời sống. Mở ngoặc nói thêm, năm 2012, sau khi nhậm chức, Thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 3%. So với chỉ tiêu 5,5% ở Việt Nam mình rõ là..vớ vẩn. Nhưng chẳng hạn tăng trưởng 3% mà lạm phát chỉ 2% thì dân chúng, và đặc biệt là chị em mới được xem là hưởng lợi từ việc tăng trưởng kinh tế.
Ở ta, dứt khoát không thể có chuyện nhố nhăng như thế được. Coóc xê không phải là chỉ báo nền kinh tế, không phải là một chiếc đồng hồ Global debt clock, càng không phải là thước đo sức khỏe và niềm hạnh phúc của người dân. Coóc xê ở Việt Nam đơn giản chỉ là một cái áo của phụ nữ. Và có là thước đo gì đó thì chỉ đo sự túng thiếu của chị em cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế…Trung Quốc.
Nhớ tháng 11 năm ngoái, khi từ Nam chí Bắc ồn ào câu chuyện Coóc xê Trung Quốc chứa “hạt lạ”, “chất nhầy lạ”, với một cái “giá lạ”- có khi chỉ 20 ngàn, người dân đã thấy tình trạng mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH vừa nói tới: Dân không còn tiền để chi tiêu.
SGTT bấy giờ cho biết 75% phụ nữ, chiếm tỷ lệ 50% của khoảng 90 triệu dân, chỉ có thể mua áo ngực với giá dưới 100 ngàn đồng/chiếc. Trong khi đó, một nữ doanh nhân chuyên áo ngực tính toán: Để may một chiếc áo ngực, tiền công thợ đã là 30 ngàn. 25 loại nguyên phụ liệu phải đặt mua. Giá thành sản xuất là 58.000 đồng/chiếc. Tính thêm thuế, phí, tiền mặt bằng, chiết khấu bán lẻ, và lãi thì một chiếc áo ngực có giá…. “không thể nào rẻ như hàng đang có ngoài chợ được”. Áo ngực made in VietNam vì thế, chỉ có trong các siêu thị.
Chính những nhà sản xuất Việt Nam đã thừa nhận trong 2 chữ “bó tay”. Và 75% phụ nữ chỉ có thể mua áo ngực Trung Quốc nếu như không muốn… bắt chước Đoan Trang “thả rông”.
Có ngoa không khi nói Coóc xê Trung Quốc đang thống lĩnh đa số những bộ ngực Việt?
Nếu ở Việt Nam xuất hiện những chiếc Coóc xê cảm hứng từ học thuyết kinh tế và có hình những mũi tên, thật khó tưởng tượng nó chỉ lên trên ngực hay chỉ xuống dưới rốn.
Đây là “vài mũi tên” của nền kinh tế tính đến cuối tháng 4.2013: Chỉ số giá tiêu dùng tăng chỉ 0,02%, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng tới 6,61%. Các quan chức Quốc hội và chuyên gia kinh tế giải thích CPI không tăng là do “sức mua cạn kiệt” và “người dân không còn tiền để mua nữa”. Chưa kể, mức nợ công đang chiếm 49,2% GDP với 808,1 USD nợ công trên lưng còm mỗi người dân.
Nếu coi thể tích của chiếc Coóc xê tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế trừ (-) lạm phát thì ở Việt Nam “Quốc ti” họ Lý hẳn nhiên sẽ phẳng như lưng?!
Nguồn: Đào Tuấn
Giờ đi đâu cũng thấy bàn chính trị thế này. Ngay từ cái đồ lót phụ nữ cũng bị lôi ra làm chủ đề bàn luận về chính trị thế này thì đúng là hết nói. Quá là bá đạo, không ngờ tác giả có thể dùng hình ảnh chiếc áo ngực phụ nữa mà châm biếm, bàn luận về chính trị.
Trả lờiXóa