Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC - MỘT SEN ĐẦM THẾ GIỚI MỚI?

(Petrotimes) - Việc Trung Quốc đứng ra tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Palestine và Israel trong tuần này đang đặc biệt thu hút dư luận quốc tế. Phải chăng thừa lúc Mỹ thất bại trong việc điều đình hòa bình tại Trung Đông, Trung Quốc đang muốn trở thành một “sen đầm” quốc tế mới?

Tất cả vì tư lợi

Ngày 6/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có mặt tại Bắc Kinh, hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và bắt đầu chuyến viếng thăm Trung tâm Tài chính ở phía Đông của Thượng Hải, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chào đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Trong một tình huống hi hữu, hai nhà lãnh đạo đối lập ở Trung Đông đã cùng thực hiện chuyến thăm Trung Quốc tại một thời điểm và đó có thể là một cơ hội để Bắc Kinh có được một vai trò lớn hơn ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng giúp thiết lập một cuộc gặp giữa ông Abbas và ông Netanyahu nếu hai nhà lãnh đạo này có ý định gặp gỡ. Trong suốt 4 năm qua, cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine tiếp tục nằm trong tình trạng bế tắc và cho đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy một cuộc họp song phương có thể sẽ diễn ra.

Trung Quốc có truyền thống duy trì một vai trò khiêm tốn trong ngoại giao ở Trung Đông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Bắc Kinh đã nỗ lực can dự nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực này với mong muốn có được các thị trường, nguồn tài nguyên và ảnh hưởng ngoại giao. Bắc Kinh đã tìm cách duy trì mối quan hệ ổn định với cả hai bên trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Nhưng cùng với Nga, Trung Quốc phải hứng chịu những chỉ trích gay gắt bởi đã phản đối mạnh mẽ sự can thiệp quốc tế ở Syria.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, việc Bắc Kinh sẵn sàng tổ chức cuộc gặp cho hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine là "một phần trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm giúp đỡ tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông". Bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh Trung Quốc nghĩ rằng việc tổ chức cuộc gặp này rất có ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Những nỗ lực tích cực của Bắc Kinh có thể giúp nối lại các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel.


Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 6/5/2013

Trung Quốc đã công nhận nhà nước Palestine vào năm 1988, 4 năm trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Trong cuộc hội đàm với ông Abbas tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng vấn đề Palestine cần được giải quyết trên 4 cơ sở: kiên trì mục tiêu xây dựng một nhà nước Palestine độc lập, cùng chung sống hòa bình với Israel; coi đàm phán là con đường duy nhất để hiện thực hóa hòa bình giữa Palestine và Israel; kiên trì nguyên tắc “đổi đất lấy hòa bình”; và yêu cầu cộng đồng quốc tế đưa ra sự bảo đảm quan trọng cho việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Về phần mình, Tổng thống Abbas nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Palestine và Trung Quốc đã "không ngừng được cải thiện và phát triển" trong những năm qua và chuyến thăm lần này của ông đến Trung Quốc càng thể hiện mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai nước. Theo ông, hai nước có chung quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Ông Abbas cũng khẳng định rằng ông mong muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông và chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông và Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ là một "cơ hội tốt để Trung Quốc có thể lắng nghe từ cả hai phía".

Ông Netanyahu là nhà lãnh đạo đầu tiên của Israel đến Trung Quốc kể từ sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert vào năm 2007. Trong chuyến thăm lần này, ông Netanyahu dự kiến sẽ cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo luận, ký kết nhiều thỏa thuận thương mại. Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của Israel trong các lĩnh vực, từ công nghệ cao đến nông nghiệp, kỹ thuật và phần cứng quân sự, cũng như các loại hình dịch vụ, bao gồm cả việc đào tạo lực lượng an ninh Trung Quốc và mua máy bay không người lái. Phát biểu trong chuyến thăm một khu công nghiệp công nghệ cao ở Thượng Hải, ông Netanyahu đã nói rằng mục tiêu của Israel là đẩy mạnh việc hợp tác kinh tế song phương, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Doanh cho biết Trung Quốc muốn thấy một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine mà có thể đảm bảo an ninh Israel và một nhà nước Palestine độc lập dựa trên việc bàn giao lãnh thổ bị chiếm đóng cho chính quyền Palestine.

Coi chừng đắc tội!

Trung Đông là khu vực tập trung nhiều lợi ích của các nước nhất, nhưng do cuộc xung đột giữa Israel và Palestine từ lâu không được giải quyết, cho nên luôn trong tình trạng bất ổn. Để tìm kiếm và bảo vệ lợi ích, các nước lớn đều muốn can dự vào các sự vụ ở khu vực Trung Đông. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Nước này bắt đầu can dự vào vấn đề Trung Đông từ thời nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân cầm quyền nhằm tạo dựng ảnh hưởng đối với tiến trình hòa đàm Israel-Palestine. Vì lợi ích của mình, Trung Quốc còn thiết lập cả chức “Đặc sứ Trung Đông”.

Vấn đề là lâu nay việc Trung Quốc can dự vào vấn đề Trung Đông phần nhiều chỉ dừng ở mặt hình thức, chưa đạt được thành quả thực chất. Trung Quốc cũng chưa từng can dự thực sự vào xung đột giữa Israel và Palestine. Cái gọi là “Đặc sứ Trung Đông” cũng chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân một mặt là do vấn đề hình thái ý thức và vấn đề lịch sử. Israel và Palestine chưa từng coi Trung Quốc là bên hòa giải có thể tin cậy. Đặc biệt, do Chính phủ Trung Quốc luôn ủng hộ về mặt đạo nghĩa việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập, cho nên, Israel không muốn Trung Quốc can dự vào xung đột giữa họ và Palestine. Mặt khác, tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine luôn do Mỹ chủ đạo. Mỹ không muốn nước khác nhúng tay vào việc này. Liên minh châu Âu (EU) và Nga từng thử can dự vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, nhưng đều không thành công. Đối với Trung Quốc, Mỹ càng cảnh giác và không muốn để Bắc Kinh tìm kiếm lợi ích trong vấn đề Trung Đông.

Tuy nhiên, mấy năm qua, tình hình đã có thay đổi. Quyền phát ngôn của Trung Quốc trong cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine bắt đầu tăng lên. Trước tiên do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng “đá phiến dầu”, Mỹ sẽ dần dần hiện thực hóa được việc tự cung tự cấp dầu mỏ. Do vậy, khu vực Trung Đông sẽ không còn quan trọng như trước đây đối với Mỹ nữa. Bên cạnh đó, việc Mỹ thiên vị Israel đã đắc tội cả thế giới Arập, khiến nước này trở thành đối tượng tấn công khủng bố, bị khủng bố làm cho mệt mỏi. Cho nên, mấy năm lại đây, Mỹ có dấu hiệu rút dần khỏi Trung Đông, không còn nhiệt tình đối với tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine như trước nữa. Sự thay đổi thái độ của Mỹ đã mang cơ hội đến cho Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, việc nước này có thể can dự thực chất vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine có nhiều ý nghĩa như thông qua đó cho thế giới thấy hình tượng nước lớn trách nhiệm của mình. Nhưng, chủ yếu nhất vẫn là thông qua việc can dự vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine để mở rộng quyền phát ngôn tại khu vực Trung Đông. Không giống như Mỹ, mức độ lệ thuộc về dầu mỏ của Trung Quốc tại khu vực Trung Đông ngày một lớn. Khu vực Trung Đông chỉ cần xáo động nhẹ cũng ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Trung Quốc. Nếu có thể tăng cường sức ảnh hưởng của mình tại Trung Đông thông qua việc can dự vào tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, Trung Quốc có thể có được sự bảo đảm hữu hiệu đối với an ninh năng lượng của bản thân. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc Trung Quốc muốn thúc đẩy tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine không phải là vấn đề dễ dàng. Nguyên nhân chủ yếu là nút thắt xung đột giữa Israel và Palestine liên quan tới sự tồn vong của hai bên, do vậy, cả Israel lẫn Palestine đều không thể đưa ra nhượng bộ thực chất. Vì thế, Trung Quốc cần phải phòng ngừa khả năng xuất hiện cục diện: hòa giải không thành công, ngược lại còn đắc tội đối với cả Israel lẫn Palestine.

S.Phương (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog