SM- Bộ trưởng Ngoại giao Úc đánh giá những tranh chấp trên Biển Đông đang khiến lòng tin chiến lược của ASEAN dần mất đi, mà nguyên nhân nằm nhiều ở Trung Quốc – nước không hề có ý định tạo dựng niềm tin trong khu vực, khiến nguy cơ của một cuộc xung đột thực sự ngày càng cận kề.
Nói một đằng, làm một nẻo, Trung Quốc đã đánh mất niềm tin trong cộng đồng ASEAN. Ảnh minh họa: Diplomat |
Trong bài phát biểu trước nhiều học giả trong nước và nhiều chuyên gia an ninh đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á tại một diễn đàn được Viện chính sách chiến lược Úc tổ chức trong tuần này, Ngoại trưởng Bob Carr cho rằng căng thẳng trên Biển Đông đang đi vào bế tắc. Điều đáng lo ngại, theo ông Bob, là các nước trong khu vực đang dần tách xa nhau kể từ khi bùng phát các tranh chấp.
Ông Bob cũng nhấn mạnh rằng sẽ khó tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để vượt qua bế tắc hiện nay? Bởi nhiều nước, nhất là Trung Quốc, sẽ không tạo được cơ sở để xây dựng lòng tin chiến lược.
Còn nhớ, trong Đối thoại Shangri-La 2013 (tại Singapore) hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược trong khu vực để đối phó với các vấn đề nhạy cảm và khó khăn nảy sinh trong tình hình mới ngay trong phần phát biểu khai mạc.
Thế nhưng, Bắc Kinh đã nhiều lần bất nhất trong các phát ngôn và cách hành xử khi hiện diện trên Biển Đông. Từ việc tuyên bố lấp lửng về COC cho tới việc khẳng định đang chấp hành đúng DOC nhưng thường xuyên tập trận răn đe trên khu vực, Trung Quốc đang cho thấy sự thiếu nhất quán khi can dự vào Biển Đông.
Trên Washington Times, nhà địa chiến lược Brahma Chellaney cho rằng chiến thuật và chiến lược của chính quyền Bắc Kinh đang đặt ra một mối thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với các quốc gia láng giềng. Theo đó, các nước nhỏ đang bị dồn ép vào thế tiến thoái, lưỡng nan.
Trong khi đó, tạp chí Diplomat từng cảnh báo một cuộc chiến tranh tâm lý đang được Trung Quốc thúc đẩy, nhằm “không tốn sức” mà vẫn giành được lợi thế trong các xung đột. Nhận định về các động thái tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây, bài viết ngày 16/8 trên tờ báo này đánh giá Bắc Kinh đang muốn gửi các thông điệp chính trị, đẩy các nước trong khu vực vào bàn đàm phán một cách ép buộc, thay vì có sự xuất hiện của một bên thứ ba.
Chính sự thúc ép, dọa nạt từ Trung Quốc trên Biển Đông lại đang vô hình thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong khu vực với Mỹ hay Nhật Bản, trang atimes.com bình luận. Đào sâu hơn về quan điểm này, giáo sư chiến lược học James Holmes thuộc Đại học Hải quân Mỹ nhận định trên tờ International của Nga rằng nếu có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển, Bắc Kinh sẽ còn dùng cả tàu cá để xua đuổi tàu chiến Mỹ khi mà lực lượng vũ trang của Trung Quốc chưa đủ sức mạnh để đối trọng với Hải quân Hoa Kỳ, ít nhất là trong thời điểm này.
Chí Đăng
Trung Quốc với vị thế là một nước lớn nhưng đã nhiều lần thất hứa, không thực hiện đúng như những gì mình đã tuyên bố, khiến nhiều nước thất vọng và hiện nay là tình hình cảnh giác mỗi khi có vấn đề gì cần đàm phán với Trung Quốc vì thực tế kể cả là nước tham gia công ước LHQ về biển nhưng Trung Quốc chẳng bao giờ thực hiện nó một cách nghiêm túc cả. Là một nước lớn nhưng hầu như Trung Quốc chẳng có tý trách nhiệm nào trong giải quyết các tranh chấp
Trả lờiXóa