Chia sẻ

Tre Làng

Đồ Sơn: Ai mua nhan sắc, ai bán phấn hương?

Cặp mắt trắng đục như miếng thịt đông của gã nhìn lên một dãy phòng nghỉ ở phía đối diện. Tại đó, trên những chiếc giường quá hẹp cho sự hoang dại có đống chăn đệm lộn xộn và những nút buộc thắt bằng da thịt.

Người có vẻ như thủ lĩnh của nhóm hất đầu nói với chủ quán: “Có hàng tuyển không?”. Chủ quán liếc cái máy ảnh bên cạnh anh ta (mấy ngày nay báo chí nói về Đồ Sơn hơi bị nhiều) rồi trả lời bằng cái giọng ngọt ngào giả tạo và đầy ngờ vực, như vẻ mặt con mèo già đang gầm gừ ở góc bếp: “Dạ, chỉ có con này thôi ạ!”. Thấy cô tiếp viên hơi thở vẫn còn mùi hành, anh chàng bé nhỏ kêu lên: “Đại ca! Mình vào khu 3. Đồ Sơn có thiếu gì em!”.

Ai đi bán dâm?

Mặt trời vừa lặn, khép mí mắt của đêm tối, hàng chục cô gái với những bộ ngực khiêu khích, cặp mông to tròn, phục sức cám dỗ lộ liễu - bố cục hoàn chỉnh của bức tranh cô gái điếm hạng hai - lại đổ ra con phố dài hơn 200 mét nằm trong khu tập thể Bộ Xây dựng tại phường Vạn Hương của quận Đồ Sơn. Có thể nhận ngay ra họ, bởi những cặp môi tô son đỏ chót như một vết thương đẫm máu nằm ngay giữa mặt và nhờ vào bộ mặt được trát phấn quá dày. Họ mời chào khách qua đường bằng cách thích thú nghiêng nửa thân trên để phô hai miếng mồi nhử cái nhìn hâm mộ đầy sống sượng của đàn ông, hay họ chấp chới hàng mi, mỉm cười ngây thơ như một nữ sinh trung học. 

Nụ cười của họ không phân biệt giữa người cao và người thấp, người béo và người gầy, chúng chỉ khác nhau giữa người giàu với người nghèo. Thế nhưng khi bạn đi khuất, họ cũng sẽ không thương tiếc quất vào nhau những từ ngữ được sinh ra từ các xóm liều. Đôi khi họ cất tiếng hát bằng cái giọng buồn và rè vì thức đêm nhiều. Không biết họ moi đâu ra những bài hát nghe lạ lắm (chắc lời bài hát bị “chế”). Trong các bài hát của họ có sự ham muốn nóng bỏng của người đàn bà và những vết cắn điên rồ của người đàn ông, có lời than thở ai cũng đến lúc phải biến mất khỏi cõi đời, đừng để tội lỗi đáng chết nhất là nỗi buồn làm mình héo hon, mòn mỏi. Nó nhắc nhở rằng trên đại dương, có bãi biển nào hạnh phúc hơn là Đồ Sơn (?!).

Thấy họ hát “Anh đã yêu một nàng thiếu nữ” chứ không phải “Anh đã yêu một làng thiếu nữ”, tôi biết họ không phải người Hải Phòng, vì họ không bị lẫn lộn giữa l và n. Nhờ người quản lý - một gã hình thức đen thui - kể toang toác về các cô, tự hào như chính gã đã ấp cho họ nở ra vậy, tôi biết cô Lan là người Thái Nguyên, cô Tuyết - Bắc Cạn, cô Huệ - Lạng Sơn… Thế nhưng bạn chớ vội tin. Đó là nickname của họ ở Đồ Sơn thôi. Tên thực của họ hiền lành hơn nhiều: 90% là Mơ, Đào, Mận! Họ mang từ trên rừng về cái bẫy đàn ông là bộ ngực lớn và cái eo như vừa nắm được trong hai bàn tay. Họ thường kể những câu chuyện bi thảm về gia đình, cuộc đời họ. 

Thật khó phân biệt đâu là that-giả, vì chúng giống nhau như những hạt lạc trong một củ lạc. Vẫn cái môtíp cổ điển: Bố mẹ ốm nặng, chồng bỏ (hoặc chết), để lại con thơ. Đôi khi các câu chuyện có vị mặn của giọt nước mắt về nỗi cực nhục trong nghề buôn phấn bán hương khi gặp phải những ông chủ nghiệt ngã, tham lam hay thói bạo dâm của các khách hàng, những kẻ khinh bỉ các biện pháp để quan hệ tình dục an toàn. “Họ có tiền mà!” - các cô nói trong nghẹn ngào. Thế nhưng, hỏi rằng đã có cô nào dũng cảm bỏ chốn thanh lâu, trở về quê cũ, mỗi sáng chủ nhật mang gà lên chợ huyện bán, lấy anh hàng xóm cục mịch như bức tường đất làm chồng, và đẻ ra một lũ con hay chưa (?), thì các cô đều lảng tránh. 

Cuộc sống nhàn hạ, ăn trắng mặc trơn, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, kiếm tiền lại nhanh như đi tàu điện, có sức hấp dẫn nhiều cô gái trẻ nông nổi. Họ bỏ việc ở công ty may mặc, công ty da giày, tự nguyện chuyển nghề làm gái. Vĩnh biệt đồng lương một tháng 2 triệu! Để rồi mỗi lần về quê cưỡi xe tay ga, mặt hoa da phấn, cổ đeo dây chuyền 5 chỉ do một người tình mua tặng để chứng tỏ cái trọng lượng tình yêu của gã, thỉnh thoảng dúi cho bố mẹ 5 - 10 triệu đồng, chắc hãnh diện hơn đứa bạn cùng xóm người gầy tong teo như quả đậu đũa vì thiếu ăn và tháng ngày triền miên làm việc thêm giờ ở các công ty da giày, về quê đi xe đạp tàng, đeo một chiếc túi nhẹ tênh đựng mấy gói bánh rẻ tiền làm quà cho lũ em đang đi học. Còn nỗi đau đớn, xấu hổ thân xác thì được phòng the và bóng tối che lấp hộ, bố mẹ họ hàng làm sao biết được!

Thực lòng tôi cũng không hiểu họ có cảm nhận nỗi xấu hổ thân xác hay không, vì thấy họ cứ nói cười thoải mái, vô tư, có cô còn ngây thơ trong vắt nữa, bởi cô nhổ lông mày một bên nhiều quá, nên trông một bên lúc nào cô cũng như đang ngạc nhiên, chứ không phải cô cố đóng giả nai. 

Ở giữa đám đông, họ giống như con cá vàng thả trong bể nước, cứ thản nhiên lạnh lùng bơi, không thèm để ý đến sự tò mò của đống đàn ông đang trố mắt nhìn. Họ rất nhanh chóng thích nghi với lối sống họ tự chọn. Đồ Sơn ngày nay, những cô gái bị cưỡng bức bằng vũ lực để bán dâm chỉ còn có trong tờ báo lá cải. Tú ông bây giờ đã có kiến thức pháp luật để biết kinh doanh những cô này rất nguy hiểm, vào tù như chơi. Họ thích các cô coi bán dâm là một nghề.

Thời đại acòng cũng làm thay đổi rất nhiều hình ảnh cô gái bán dâm. Có thừa thời gian không để làm gì, trong tay lại sẵn có iPhone 4, iPhone 5, họ rất chịu khó nhắn tin, lướt web và xem tivi. Họ thích nhất phim “Người đàn bà đẹp” vì ở đó có cô điếm lấy được anh chồng tỉ phú. Họ vẫn có người yêu họ, nhiều người hai buổi đưa đón các cô đi làm. Tôi nói chuyện với một người, anh ta hạnh phúc như bao kẻ tình nhân khác. Nhờ chịu vào mạng, họ bắt đầu biết những chuyện mà các đàn chị của họ không hề quan tâm: Chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn, kiến thức pháp luật và cả đời sống xã hội. Để cứu “sự nghiệp” đừng bị chấm dứt trước khi có đủ tiền mua nhà, lấy chồng, đẻ con, họ biết rắc ít kiến thức lên cái nhan sắc làm bẫy đàn ông của họ. 

Có cô đã biết học cách trang điểm giống con nhà lành để đôi cánh của nữ tính không bay đi mất. Có cô biết hỏi: “Nợ công là gì anh?”. Chắc cô này là sinh viên đi bán dâm đóng tiền học? Họ cũng vào phây (Facebook) kết bạn. Không biết ở đâu hình ảnh của họ là thật: Trên phây hay là trên giường?

Ai đi mua dâm?

Bác sĩ K xoa xoa tay nói với bệnh nhân: “Tuyến tiền liệt của bác đang bắt đầu phì đại!”. Bệnh nhân là nhà thiên văn, ông hỏi bác sĩ với giọng lo lắng: “Uống thuốc gì, thưa bác sĩ?” - “Chả cần thuốc gì! Anh cứ ''quan hệ'' đều đặn là tự nó teo!”. Trời ơi! Ba mươi năm nay ông chỉ ngước lên bầu trời ngắm các vì sao, không có thời gian nhìn xuống để ngắm các cô gái đẹp. Ba mươi năm ấy, ông sống trong cái giang sơn trong trắng của đời độc thân. Bây giờ ''quan hệ'' với ai, chẳng lẽ với các vì sao? “Chẳng cần đi xa thế đâu! Ra Đồ Sơn là có ngay!” - bác sĩ nửa đùa nửa thật. Rồi một buổi tối mùa đông, Đồ Sơn biển động, gió thổi căng các đám mây sũng nước, những đàn chim biển nháo nhác ầm ỹ, người ta thấy nhà thiên văn lén lút chui tọt vào một căn nhà có những cửa sổ đóng kín nằm ngay mép biển. Ông đi chữa bệnh!

Ông C là công chức của sở T. Vợ ông là người đàn bà thông minh nên bà quá say mê bản thân mình. Thú vui của bà chưa bao giờ xuống đến bếp. Là người của công chúng, bà đi suốt ngày. Ông thường than phiền gặp vợ trên các trang bìa tạp chí nhiều hơn gặp bà ở nhà. Những lúc cô đơn, ông lại ngồi trước tủ lạnh cả đêm và chén tì tì. Ông “mất” vợ, nhưng được thêm 10 cân. Bác sĩ nói thần kinh ông có vấn đề. Nỗi buồn xua chân ông lang thang đến Đồ Sơn. 

Ở ngoài bãi biển, ông gặp một người đàn ông đi du lịch cùng với vợ. Bà này đã già, da thịt nhăn nheo không khác gì tấm bản đồ địa hình mặt trăng, chẳng còn ham muốn mà vẫn nghiệt ngã, chỉ nhìn biển có một mắt, mắt kia phải thường trực theo dõi chồng, mặc dù hằng bao năm nay ông chưa bao giờ nói với gái điếm quá một từ “không!” Ông C đã giúp bạn mình thoát khỏi bà vợ luôn miệng cằn nhằn bằng cách kéo nhau lên chiếc taxi. Giống như taxi nào ở New York cũng biết đường đến quán rượu, taxi nào ở Hải Phòng cũng biết đường tới một động Đồ Sơn. Hai ông đi tìm những người đàn bà sẵn sàng cho họ những mối quan hệ không có ngày mai, không có hậu quả, chỉ để giảm stress mà thôi.

Anh T là một thầy giáo, nhờ dạy thêm mà có nhiều tiền hơn kiến thức. Anh có nhà lầu, ôtô, vợ đẹp. Anh giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn không chỉ nhờ tiền mà còn bằng sự đắng cay chịu, chịu nỗi sỉ nhục mà chẳng biết nói với ai. Mỗi lần vợ anh “vừa đặt chân vào cánh đồng ham muốn thì đã nghe thấy tiếng hát thắng trận của anh ở phía bên kia cánh đồng” (G.García Márquez). Vợ anh không nói không rằng. Nhưng chẳng có sự lạnh lùng nào bằng sự lạnh lùng của người đàn bà đẹp. Từ đó, anh ra Đồ Sơn để tìm kiếm sự an ủi của những cô điếm, mà cái sự cố “chưa đi chợ đã hết tiền” của anh được họ đón nhận như là ưu điểm. Lần đầu được hôn vào môi, anh đã nhăn nhó như hôn phải con rắn chuông. Nhưng rồi thấy không chết người, mà còn làm cho tim mình ấm áp, anh trở thành khách quen của họ.


Không ai dám nhìn đểu A dù cậu mới 17 tuổi, nhưng cao 1m80 và vẫn còn tiếp tục lớn. Từ hai năm nay, A khổ sở vì những cơn mộng mị. Cậu vừa thích vừa xấu hổ. Người rủ rê A đi giải phóng những năng lượng dư thừa là D - hàng xóm của cậu. D thuộc loại người ngẫu hứng, có thể tán tỉnh bất cứ người đẹp nào anh tình cờ bắt gặp trên một bến chờ xe buýt. Anh đào hoa từ lúc mới sinh ra, như người Congo sinh ra đã đen. Một nửa cuộc đời anh lên rừng để tìm mỏ, nửa đời còn lại anh đi xuống biển để tìm đàn bà. Anh nhìn họ như nhìn thấy cái kẹo, sẵn sàng cho vào miệng để nuốt chửng. 

Anh có đám bạn giống anh. Họ thường hát trong khi nhậu: “Con bò có một cái u, đàn ông một vợ còn ngu hơn bò!”. Sau đó, họ kéo nhau ra Đồ Sơn để chứng tỏ rằng họ không ngu hơn con bò. Có điều rất lạ, chị vợ anh D lại thản nhiên coi chuyện đó như khi đi qua vũng bùn thì phải nhấc chân. Chị bô bô nói: “Cho lão đổi món một tí! Lão đi với bồ mới sợ, chứ đi với điếm đến sáng lại về. Cứ vô tư đi!”. Những người giống như anh D có đủ lý do để đi Đồ Sơn: Tăng lương, mất việc, gặp xui, lấy may… Thậm chí chẳng lý do gì, anh đi theo bản năng thúc đẩy. Người chưa có vợ lại không đông bằng người đã có vợ.

Từ ngày kinh tế thị trường, Đồ Sơn còn là nơi chiêu đãi khách. Buổi tối một ngày mùa đông, có hai người đi với nhau vào động. Một người trẻ tuổi mà đầu chỉ còn vài ba cọng tóc bướng bỉnh như cây cỏ dại lon ton chạy trước. Người sau dù đi chơi gái, song vẫn giữ được dáng vẻ bệ vệ như một thống chế của Hoàng đế Pháp Napoleon. Gã quản lý ngồi sau bàn đang ủ rũ như một con ếch béo nhợt nhạt đứng bật ngay dậy. Một cái đảo mắt lén lút để nhận ra tờ 500 ngàn đồng trong tay của người trẻ tuổi. Không được phép bất lịch sự với người đã bo cho mình nhiều tiền đến thế. 

Gã thầm thì nói, sẽ chọn cho sếp một em “chỗ nào đáng to thì to, chỗ nào đáng nhỏ thì nhỏ”. Ngay lập tức, một cô gái có nước da màu ánh trăng, cặp môi mòng mọng như đang hờn giận xuất hiện. Cô gái đưa sếp lên gác, còn người trẻ tuổi và gã quản lý lại ra quầy ngồi cùng với vài vị khách chờ đến lượt, chẳng ai nói chuyện với ai, trông như một đống đồ đạc cố định. Khoảng một giờ sau sếp xuống, mặt mũi phởn phơ, toàn thân vui vẻ. Người trẻ tuổi đã thanh toán mọi thứ, sếp ung dung mở cửa xe, chiếc Camry mang biển kiểm soát Hà Nội lăn bánh chạy vào Hải Phòng. 

Sếp chỉ là một trong rất nhiều người Hà Nội khi xuống Hải Phòng hội họp, làm việc được dân bản địa chiêu đãi ''đặc sản'' Đồ Sơn. Vào ngày có hội chọi trâu, các động mở cửa tưng bừng, chỉ còn thiếu tấm băngrôn “Welcome to Do Son” để đón từng đoàn khách những tỉnh, thành lân cận đổ về Đồ Sơn xem chọi trâu và vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí chiến đấu hừng hực của lũ trâu dại.

Đồ Sơn nổi tiếng bởi mại dâm đã đi vào trong câu thơ gần như trở thành ca dao “Không đi không biết Đồ Sơn”. Thật trơ trẽn thay cho người nào bảo Đồ Sơn không có mại dâm. A.Lincoln - cựu Tổng thống Mỹ - nói: “Dù có gọi đuôi con ngựa là chân thì con ngựa vẫn chỉ có 4 chân”. Mọi sự ngụy biện không thay đổi được bản chất, sự thật. Từ thời thượng cổ, người ta đã tìm cách để sống chung với nó, vì nó giống con quỷ trong thần thoại: Chặt một đầu sẽ mọc ra hai đầu. Rất nhiều quốc gia từ nền văn minh phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp, Đức) đến nền văn minh phương Đông (Nhật Bản, Hàn Quốc) từ lâu coi mại dâm là một nghề. Nếu bảo họ không giữ gìn thuần phong mỹ tục, chà đạp nhân phẩm phụ nữ bằng cách công khai mại dâm, thì đấy là sự thiển cận. Ai lại không biết câu “Đàn bà, trẻ con, chó và đàn ông” được phổ biến ở phương Tây nhỉ?

Sự tràn lan của mại dâm ra khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam chứng tỏ cuộc chiến đấu chống nạn mại dâm theo kiểu cũ đã thất bại. Đa số gái bán dâm ở Đồ Sơn là người tình nguyện. Họ coi mại dâm là nghề. Họ đang thay đổi rất nhiều nhờ vào… công nghệ IT. Vậy thì, đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý họ. Nhà nước chưa cần tiền thuế đánh vào cô gái bán dâm, cũng không sợ họ là môi trường gây bệnh tật, bởi vì ngày nay ai cũng học cách tự bảo vệ mình. 

Quản lý để ngăn chặn sự lây lan của nghề mại dâm mới là mục tiêu căn bản. Ngày xưa, Hà Nội có phố Khâm Thiên, Hải Phòng có quán Bà Mau - những xóm cô đầu được cấp giấy phép hành nghề công khai. Ai dám coi thường dư luận xã hội thì mới bước chân vào đó. Thế nên ngày xưa không có cái chuyện từ già đến trẻ đều đi Đồ Sơn như ngày nay. Nếu cứ mập mờ sẽ có những người đến Đồ Sơn đánh rơi quần, sau đó lại về lên bục rao giảng. Đồ Sơn lại mắc thêm tội nuôi dưỡng thói đạo đức giả!

Đêm xuống Đồ Sơn, sương mù lãng đãng tựa như hơi thở lạnh lẽo của một mảnh trăng bị mây che khuất. Tiếng biển ầm ỳ không át được tiếng huyên náo từ các quán ăn đầy những khuôn mặt đờ đẫn, đỏ ửng màu máu bốc hỏa. Một nhóm đàn ông phê phê ngồi ăn ghẹ luộc. Giữa những nụ cười nhăn nhở vì được nghe kể câu chuyện tiếu lâm tục tĩu và tiếng hát ngợi ca thành phố hoa phượng đỏ từ các cái miệng đã nhão ra vì bia rượu, có giọng ai đó: “Biển động thế này làm sao tắm được!”. Một anh chàng rất bé nhỏ ngồi sau bàn ăn chỉ nhìn thấy mỗi chỏm tóc, bật cười ha hả: “Thằng này điên à? Ai đi Đồ Sơn để mà tắm biển!”.

Nguồn: Lao Động

2 nhận xét:

  1. Thuẩn phong gì, mĩ tục gì, ngày xưa Việt Nam chẳng phải cũng có thanh Lâu đó sao, bây giờ cứ cấm mại dâm chẳng phải là đã đi ngược lại ý chí của ông cha ta, nói rằng các cụ ngày xưa không coi thuần phong mĩ tục ra gì cả à, Thúy Kiều ngày xưa vào chốn thanh lâu, nếu Từ Hải coi không phải 1 người coi thưởng thuần phong mĩ tục thì sao lại vào đó để đưa Kiều ra.

    Trả lờiXóa
  2. Mình thấy chuyện này phải thành nhu cầu của con người rồi đâu phải là chuyện gì nó ghê gớm lắm đâu mọi người có vẻ hơi để ý quá rồi chứ những khu du lịch mà không có những cái này thì có lẽ chẳng buồn ra Đồ Sơn chơi nữa , nước thì bẩn tắm cũng chẳng dám . Vậy thì làm cái gì khi đi Đồ Sơn đây , hay là ra làm một bãi rồi về =.= .

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog