Bài gốc ở đây: "Ma trận" trạm thu phí bủa vây
PetroTimes – Đi hướng nào, đường nào cũng gặp trạm thu phí là thực trạng không chỉ ở TP HCM mà cả Bình Dương và Đồng Nai đã trở thành nỗi ám ảnh của các tài xế thường xuyên lưu thông qua khu vực này.
Bao quanh TP HCM là... trạm thu phí
Qua thống kê, TP HCM hiện có 8 trạm thu phí giao thông đường bộ, bao gồm: trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, trạm Bình Triệu 1, Bình Triệu 2, trạm An Sương – An Lạc, trạm cầu Phú Mỹ, trạm Nguyễn Văn Linh, trạm Kinh Dương Vương. Và trạm trên đường Mai Chí Thọ đã hoàn tất công tác thử nghiệm chỉ chờ UBND TP HCM đồng ý là... thu ngay.
Trạm thu phí dày đặc ở TP HCM |
Không chỉ dừng lại ở đó, trên Quốc lộ 1, ngoài trạm thu phí An Sương – An Lạc ra còn có 3 điểm thu phí phụ tại ngã ba Bà Quẹo, giao lộ đường M1, giao lộ đường số 7, nâng số điểm thu phí lên thành 11 vị trí. Với mạng lưới trạm thu phí dày đặc như vậy, các phương tiện khó thoát khỏi “ma trận" trạm thu phí nếu muốn vào hoặc ra khỏi TP HCM.
Theo phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM Thái Văn Chung, đối với các đoạn đường bộ bắt đầu thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm ở trên cùng một tuyến đường có độ dài tối thiểu là 70km. Tuy nhiên, thực tế khoảng cách giữa các trạm ở TP HCM cách nhau chỉ chừng 30km - 40km, thậm chí có trạm cách nhau chỉ vài km. Điển hình, từ quận 7 đi quận 9 với quãng đường khoảng 15km đã có 3 trạm thu phí đóng chốt: Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và xa lộ Hà Nội. Nếu tính từ tâm là quận 1, trong bán kính 10km, các trạm thu phí nêu trên đều nằm trong vòng này.
Bức xúc hơn là nhiều con đường chưa hoàn thiện hoặc xuống cấp nghiêm trọng nhưng trạm thu phí vẫn cứ mọc lên. Chẳng hạn như đường nối cầu Phú Mỹ với Liên tỉnh lộ 25B đến nay vẫn nằm đó “chờ lún”, còn trạm thu phí thì hoạt động ngày đêm suốt hơn 3 năm nay, mặc dù lượng xe lưu thông qua đây không nhiều.
Trạm thu phí trên đường Mai Chí Thọ chực chờ ngày hoạt động chính thức |
Lý giải về trạm thu phí dày đặc, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng, việc đặt trạm thu phí trên các trục đường như Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ… là phù hợp với yêu cầu hoàn vốn của các dự án thực hiện theo hình thức BOT, chuyển nhượng quyền thu phí theo hợp đồng đã ký và đã được thông qua HĐND TP HCM.
Còn về việc hệ thống trạm thu phí An Sương - An Lạc lập nhiều trạm con, Sở cho biết, chủ đầu tư làm đúng quy định. Theo Sở, quyết định của Bộ Giao thông Vận tải cho phép chủ đầu tư dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc được lập 1 trạm thu phí chính và 5 trạm thu phí phụ để thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án. Như vậy, việc chủ đầu tư chỉ lập 1 trạm chính và 3 trạm phụ là... ít.
Bình Dương, Đồng Nai "ngạt thở" vì trạm thu phí
Bao quanh thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là hàng loạt trạm thu phí nằm trên các tuyến đường chính như Quốc lộ 1, 1K, 51, 20 và các tuyến tỉnh lộ, nội thành.
Không chỉ trải đều, trải rộng, các trạm thu phí còn nằm cạnh nhau, khoảng cách chỉ 2-3km. Điển hình như tại vòng xoay Cầu Mới (xã Hóa An, Biên Hòa), nếu đi thẳng theo Quốc lộ 1K đến TP HCM thì có trạm thu phí thuộc phường Bửu Hòa, còn rẽ trái thì gặp hai trạm thu phí thuộc xã Hóa An và xã Tân Vạn.
Trạm thu phí được bố trí liền kề nhau tại các tuyến đường ở tỉnh Bình Dương và một phần Đồng Nai |
Ngoài ra, trạm thu phí còn rải đều trên các tỉnh lộ ĐT 760, ĐT 743; hai trạm trên Quốc lộ 51, hai trạm trên Quốc lộ 20... tổng cộng trên địa bàn TP Biên Hòa có tất cả 11 trạm thu phí nằm chốt trên các tuyến đường quanh thành phố.
Tỉnh Bình Dương cũng không kém, trong bán kính chưa tới 7km, địa phương này đã có đến 3 trạm thu phí: trạm Bình Thung, trạm trên Quốc lộ 1K thuộc thị xã Dĩ An, trạm Bình Thăng.
Nổi bật hơn, khu vực nối giữa ĐT 743 (Bình Dương) và Tỉnh lộ 16 (Đồng Nai) chỉ trên 6km nhưng có đến 4 trạm thu phí, 1 trạm nằm trên ĐT 743 và 3 trạm trên Tỉnh lộ 16. Trong đó, có 2 trạm nằm đối diện nhau, giữa là vòng xoay Hóa An.
Từ TP Thủ Dầu Một đi TP HCM, đoạn đường dài 30km nhưng có đến 3 trạm thu phí, 1 trạm thuộc TP HCM và 2 trạm thuộc Bình Dương là trạm Lái Thiêu và Suối Giữa.
Khu vực tam giác TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai đã hình thành một ma trận trạm thu phí, chốt chặn các ngả đường để tận thu. “Tiền đóng phí tại các trạm mỗi tháng cũng vài triệu đồng, thà thu một lần bao nhiêu tiền đó không phiền bằng việc thường xuyên dừng lại các trạm để đóng phí”, bức xúc của tài xế Nguyễn Thành Vinh, chuyên chở hàng từ Bình Dương đi bỏ mối tại TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Võ Hiển
Đường sá ở Việt Nam, nhất là ở thủ đô rất chi là lằng nhằng, thế nên việc lập nhiều trạm thu phí là chuyện đương nhiên rồi, chứu nếu không như thế thì sẽ xảy ra tình trạng tránh đường có trạm để đi đường khacsm thế có chết không.
Trả lờiXóaNếu có thu phí thì thu phí những tuyến đường nào, hoặc cây cầu nào mới đưa vào sử dụng thôi chứ, ai lại đi thu phí cả những tuyến đường xuống cấp như vậy? Phải đi đường xấu mà còn phải mất phí à? Đã thế lại còn xây dựng "ma trận trạm thu phí" nữa chứ, hay là làm thế này sẽ giảm thiểu được lượng người tham gia giao thông? Sáng kiến hay đấy nhỉ!!!
Trả lờiXóaNói thật nếu tôi tham gia giao thông ở đây thì không bị ức chế mới là lạ! Các bạn thử hình dung xem, nếu như chạy xe đường dài mà cứ hai, ba cây số dừng lại một lần, mỗi lần dừng mất nửa phút thì có ức chế không? Tốn tiền thì đã đành, nhưng cũng chẳng đáng so với vấn đề tốn thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng kết quả công việc, đó là điều không ai muốn.
Trả lờiXóaNói thật lòng rằng anh Thăng anh ấy nghĩ dến chuyện mang tiền về cho nhà nước nhiều hơn là chuyện giải quyết giao thông. Ngay như dự kiến thu thuế oto, cấm đánh gold,... và bây giờ là ma trận thu phí. Anh này học ở Tây về mà lại không Tây chút nào cả cử như quê lên tỉnh, muốn làm gì thì làm mà quên mất mình vẫn cưa quen cách sống thành thị.
Trả lờiXóa