Nhà nước không can thiệp thu hồi đất cho dự án thương mại
Đại biểu QH đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) không nên quy định cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của Nhà nước vào những dự án thu hồi đất mang tính thương mại.
Chiều 22.11, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng có tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, tác động đến sự phát triển kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến toàn xã hội. Vì vậy cho tới kỳ họp này, QH đã dành tới 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến.
UBTVQH cũng đã dành 5 phiên họp để đánh giá tác động của dự luật. Đó là chưa kể cơ quan soạn thảo trước đó đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các ngành, các cấp, các địa phương và những đối tượng chịu sự tác động của luật và đã nhận được 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của người dân, nhà nghiên cứu. Chính vì lẽ đó, có thể nói về cơ bản, dự luật đã hoàn thiện.
Tuy nhiên tại phiên thảo luận, một số ĐB vẫn đề nghị dự luật cần quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ nên lập ở 3 cấp là cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, như vậy sẽ tạo được sự ổn định trong việc quy hoạch, phát triển đô thị và sử dụng đất.
Vấn đề thu hồi đất cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm nhiều nhất, bởi đây chính là nguyên nhân gây bức xúc trong xã hội và gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, hầu hết các ĐB đều cho rằng chỉ thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn việc thu hồi đất vì lợi ích của DN thì DN phải thỏa thuận với người sử dụng đất. Cũng có ĐB từ khối DN lại cho rằng, với những dự án mà doanh nghiệp đầu tư đã thỏa thuận được từ 70-80% số người sử dụng đất trong dự án, mà số còn lại không đồng ý thì Nhà nước cần có cơ chế xử lý, cưỡng chế.
Tuy nhiên, ý kiến này không được nhiều ĐB đồng tình vì cho rằng, dự luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế. Nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển KT-XH có nhu cầu sử dụng đất sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc được Nhà nước bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng.
Còn việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư cho các dự án thương mại, không trong diện trên là thỏa thuận mang tính dân sự thì phải theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất. Vì vậy, không nên quy định cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của Nhà nước vào những dự án này. Dự kiến, dự luật được thông qua vào sáng 29.11.2013.
Trước đó - sáng 22.11, QH đã thông qua Luật Phòng cháy-Chữa cháy và thảo luận việc triển khai, thi hành các luật, nghị quyết của QH.
Nguồn: Lao Động
Tôi chả hiểu thế nào về luật đất đai hay luật về đầu tư gì cả nhưng tôi thấy nhiều dự án đắp chăn thế này mà xót lòng. Đây là tiền của doanh nghiệp hay của nhà nước đều rất tiếc. Quản lý kiểu này thì có mà phát điên chứ nói gì đến phát triển.
Trả lờiXóaBạn Huyền nói đúng. Thấy xót lắm, dân thì không có nhà mà ở, khu đô thi và biệt thự liền kề nhan nhản ở Dương Nội và nhiều nơi khác, những bãi chông sắt rỉ sét màu vàng úa ở khắp nơi. Nếu như biết quản lý tốt, những đồng tiền này mang đi xây trường, xay cầu cho các em vùng cao thì tốt biết mấy.
Trả lờiXóaĐể đảm bảo tính minh bạch về định giá đất, phải thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai. Có như vậy mới tránh được tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi dẫn đến tình trạng lạm dụng làm thiệt hại đến quyền lợi và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất.
Trả lờiXóaViệc người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập. Các cơ quan này sẽ tham gia đấu thầu định giá để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin cho.
Trả lờiXóaChúng ta không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, mà thay vào đó chúng ta nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chỉ có thế chúng ta mới giải quyết được bài toán khó khăn hiện nay khi sử dụng đất.
Trả lờiXóaChúng ta cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội theo hướng phân loại chính xác các loại dự án cho các mục đích và lợi ích cụ thể. Đồng thời, phải tách bạch được các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất để quyền lợi của người dân trong trường hợp bị thu hồi đất được đảm bảo về bồi thường, hỗ trợ tái định cư kế sinh nhai. Từ đó giảm được tối đa những khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đến các cấp chính quyền.
Trả lờiXóa