Chia sẻ

Tre Làng

AI CHO CON TÔI MÁI TRƯỜNG ĐÀNG HOÀNG?

TT - Nước cống lẫn nước mưa hôi thối chảy tràn dưới gầm vạt giường được kê tạm bằng vài cục gạch ống. Mấy đứa trẻ ngồi co ro nhìn khách lạ đến thăm. Mẹ các bé đi làm nhà máy chưa về. Còn cha chạy xe ôm, bán hàng rong đang ngóng khách bên vệ đường tỉnh lộ 10. Thi thoảng, các anh tranh thủ đảo qua ngó chừng con rồi lại vội ra đợi khách...

Hình ảnh đó rất dễ tìm thấy ở các xóm trọ công nhân quanh Nhà máy Pou Yuen và Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM. Hàng ngàn trẻ thơ lay lắt trong phòng trọ ẩm thấp đợi cha mẹ đi làm về đang là chuyện thường ngày. Đói thì lục cơm nguội ăn, khát tự lấy nước uống. Có cha mẹ khóa trái cửa nhốt con trong phòng. Có người để cửa cho bé tha thẩn chơi. Họ cho rằng nhà trọ công nhân chẳng có gì để trộm, con em kẻ nghèo cũng đâu sợ bị bắt cóc.

Tuy nhiên, đó là những trẻ trên 4-5 tuổi. Còn các con công nhân ở lứa tuổi nhỏ hơn cũng phải gửi gắm đâu đó nếu không được ông bà chăm sóc. Một số ít, rất ít bé may mắn được vào trường mầm non công lập. Một số được gửi ở các lớp giá rẻ. Còn phần nhiều vẫn đang phải trải qua tuổi thơ ở các nhóm trẻ tự phát, thậm chí là trong góc nhà tù túng của ai đó rảnh rỗi hoặc thất nghiệp ở nhà trông con em người nghèo để kiếm thêm.

Nhiều năm sống bên khu vực này, người viết phải trĩu lòng chứng kiến biết bao hình ảnh thiệt thòi của trẻ thơ gia đình lao động. Hôm rồi, hình ảnh trẻ bị bạo hành dã man xuất hiện trên báo chí, nhiều người đang gửi gắm con các chỗ tương tự cũng hoảng sợ. Nhưng rồi họ đành thở dài và lại tiếp tục đưa con đi...

Một bà mẹ là công nhân đã rơi nước mắt tâm sự với người viết: “Máu thịt mình, ai mà không đứt ruột thương con! Nếu đồng lương xoay xở nổi, chắc chắn em không bao giờ gửi con đến những chỗ tạm bợ đó”. Sự thật đối với những mảnh đời đang nghèo phải vật vã miếng cơm manh áo, thì 1 triệu hay 1,2 triệu đồng gửi con ở các nhà trẻ tự phát cũng đã là số tiền đẫm mồ hôi khó nhọc rồi!

Chịu khó để dành vài buổi chiều rảo qua các nhà trẻ, trường mầm non ở các quận trung tâm và các nơi giữ trẻ con công nhân ở Bình Tân, Tân Phú... dễ dàng nghẹn lòng trước những hình ảnh đối lập đến đau lòng. Có bao giờ chúng ta nghe chuyện những ngôi trường mà bé được cha mẹ đón bằng ôtô, trường có camera giám sát kết nối từng phụ huynh? Ai chẳng muốn con cái mình vào những nơi đó, nhưng làm sao những người lao động nghèo dám mơ đến, khi học phí trung bình ở các trường này hiện nay cũng không dưới 2 triệu đồng/tháng, bằng khoản lương nghèo thiếu trước hụt sau còn phải trang trải cho góc trọ, miếng ăn hằng ngày?

Nhiều công nhân buồn kể bao năm qua họ đã nghe đủ lời hứa hẹn con em mình sẽ được bảo đảm trường lớp tử tế. Nhưng rồi, lời hứa chỉ là lời hứa. Nhiều nhà máy mọc lên mà được mấy nhà trẻ ra đời? Bao người dân phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mình, chịu thiệt thòi, xáo trộn cuộc sống để đất đai được quy hoạch lại. Nhưng bên cạnh những dự án phân lô bán nền, những kẻ qua đêm thành đại gia nhờ sốt đất, có mấy trường lớp được xây dựng để phục vụ lại cho người dân!

“Ai cho con tôi mái trường đàng hoàng?”. Câu hỏi đứt ruột, đứt gan của người nghèo bao giờ mới có câu trả lời?

QUỐC VIỆT

2 nhận xét:

  1. đọc bài viết của bạn mà tôi thấy đc một cảnh đời với bao nỗi nhọc nhằn đang hiện ra trước mắt. bên cạnh những tòa nhà chọc trời, những chiếc xe hơi tiền tỷ, những món ăn trên trời dưới biển thì ở một góc thành phố Sài Gòn vẫn còn những cô bé, cậu bé thơ ngây ko đc tới trường, ko đc ăn no mặc ấm, ko đc dạo chơi nô đùa trong công viên,... các em đang rất cần những một mái trường để nuôi mầm tri thức.

    Trả lờiXóa
  2. biết nói sao nhỉ, sự phát triển của nền kinh tế đất nước bên cạnh những ưu điểm thì trong nó cũng chất chứa nhũng hạn chế mà cần phải có thời gian và sự hiệp lòng, nhất trí của mọi người thì mới mong giải quyết dứt điểm những hạn chế đó. "mái trường" mà tác giả nhắc tới trong bài viết này cũng cần phải giải quyết như vậy. tôi tin rồi mai đây các em sẽ có đc những ngôi trường khang trang, sạch đẹp

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog