Cải cách để hình thành văn hóa từ chức
Cần cải cách làm sao để xây dựng cơ chế xác định trách nhiệm của các vị trí quan chức một cách rõ ràng (khi không làm được việc hoặc làm sai) với những quy tắc chuẩn trong thực thi trách nhiệm…
Bộ Nội vụ đang dự thảo quy chế quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Anh Tuấn cho biết theo dự thảo này, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý sẽ phải hoặc có thể từ chức trong ba trường hợp: Không đủ sức khỏe, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc có vấn đề liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo, quản lý dù không do bản thân họ gây ra. Pháp Luật TP.HCMtrao đổi với TS Đặng Minh Tuấn, khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, xung quanh văn hóa từ chức, điều vốn chưa hiện diện ở nước ta.
Không còn uy tín thì nên từ chức
. Phóng viên: Cần phải hiểu về văn hóa từ chức như thế nào, thưa TS?
+ TS Đặng Minh Tuấn: Cái mà chúng ta hay gọi là văn hóa từ chức ở đây cần được hiểu là sức ép chính trị, gồm nhiều vấn đề tác động dẫn đến việc một quan chức phải xin từ chức như là một hành động cần thiết chứ không đơn thuần là chuyện anh làm sai, anh thấy anh có lỗi và xin từ chức. Đây là cơ chế đã vận hành từ lâu mà khi anh hành xử không phù hợp với vị trí của mình, anh phải từ chức trước sức ép của dư luận, cơ quan kiểm soát... Và nếu anh không từ chức thì sẽ có những cơ chế buộc anh phải từ chức, cho nên khi anh rơi vào bối cảnh đó thì anh cần phải từ chức dù luật không bắt anh từ chức. Nghĩa là ở đây không nói văn hóa từ chức trong luật nhưng cơ chế hình thành trách nhiệm đối với người nắm quyền (vốn đã hình thành lâu đời) đặt anh vào thế khi mà anh làm không được thì anh phải từ chức.
Các đại biểu bỏ phiếu trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP Hà Nội bầu. Ảnh: TTXVN
. Vậy có thể hiểu ở các nước dù không chế định vấn đề từ chức vào luật nhưng các cơ chế trách nhiệm đặt vị quan chức vào tình thế: Nếu anh thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả và làm uy tín của anh không tương xứng với trách nhiệm anh gánh vác thì anh phải từ chức?
+ Cũng có những trường hợp người lên nắm quyền là vì họ đam mê quản lý, đam mê chính trị và muốn sử dụng quyền lực đó để phục vụ lợi ích công chứ không phải tìm kiếm lợi ích cho cá nhân. Khi họ làm sai thì họ từ chức chứ ít khi luật định về việc này.
Nhưng vấn đề ở đây, như tôi đã nói, sức ép chính trị mới quan trọng, tức nếu anh không từ chức thì anh bị xử lý theo cơ chế pháp lý (bị bãi nhiệm hoặc bị xử lý kỷ luật chẳng hạn). Và khi đó nếu anh đã vi phạm đến mức không đủ uy tín đứng trước đồng nghiệp và công chúng mà vẫn tiếp tục làm việc thì sức ép công luận buộc anh không thể làm việc được, họ nhìn vào đó và trừng phạt anh.
Xác định trách nhiệm và chuẩn ứng xử của quan chức
. Ở nước ta hiện nay gần như không thấy hiện tượng từ chức, dù về mặt trách nhiệm quản lý có những lãnh đạo ngành đã để xảy ra không ít sự cố mà dư luận lên tiếng là “cần phải từ chức”. Vậy phải chăng, quy chế mà Bộ Nội vụ soạn thảo lần này đưa vấn đề từ chức vào như là một động thái mang tính ràng buộc để buộc từ chức trong những trường hợp cần thiết?
+ Nếu đã gọi là văn hóa thì thường nó có từ lâu đời, nó là kết quả tích tụ, hình thành từ văn hóa ứng xử, quy chế pháp lý với những quy tắc hành xử trong nắm giữ và thực hiện quyền lực được hình thành theo đó từ lâu. Vấn đề cần phải xem xét là hiện nay sự cầm quyền, nắm quyền, thực thi quyền lực... được hành xử trên quy tắc chuẩn hay chưa. Và chỉ khi đã hình thành những chuẩn mực ấy thì văn hóa từ chức theo đó sẽ được hình thành.
Còn tình hình hiện nay ở một số nước (trong đó có khu vực châu Á), truyền thống đang kéo trì họ lại, khi nắm quyền thì không có cơ chế bắt anh xuống thông qua việc từ chức.
. Theo TS, để hình thành những quy tắc chuẩn mà ông nói trên đây thì điều trước tiên và quan trọng cần phải làm là gì?
+ Văn hóa là cái vốn rất khó thay đổi và không hình thành nhanh chóng được. Cái quan trọng nhất nên làm lúc này là cần cải cách về mặt thể chế, luật pháp để tiến tới việc hình thành những quy tắc chuẩn trong sự cầm quyền, nắm quyền, thực thi quyền lực… Từ cách hành xử theo những quy tắc này sẽ dẫn đến việc tạo nên văn hóa từ chức. Cụ thể là cần cải cách làm sao để xây dựng cơ chế xác định trách nhiệm các vị trí quan chức một cách rõ ràng (khi anh không làm được việc hoặc làm sai), với những quy tắc chuẩn trong thực thi trách nhiệm… Hiện nay, HP sửa đổi đã sắp có hiệu lực, tiến tới chúng ta nên sửa đổi các hành lang pháp lý liên quan đến việc sử dụng cán bộ công chức, vấn đề phòng, chống tham nhũng, thanh tra công vụ cũng như việc bảo vệ các quyền con người và công dân - tất nhiên là sửa đổi theo chiều hướng tích cực - và áp dụng thật triệt để. Một năm, hai năm,… đến năm năm, 10 năm thì bối cảnh sẽ dần thay đổi và có thể sẽ hình thành được văn hóa từ chức.
Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào sự thay đổi mang tính tổng thể nữa, từ giáo dục, nhận thức, hành vi ứng xử của mọi người trong xã hội... Cái này hiện nay cũng còn rối bời. Còn đứng ở góc độ chính trị, việc cải cách để tìm cơ chế pháp lý hiệu quả nhằm xác định trách nhiệm các vị trí nắm quyền hiện nay là hết sức quan trọng… để tiến tới xác lập và hình thành các chuẩn mực nói trên, từ đây mới có “văn hóa từ chức” được.
Xin cảm ơn TS.
Thấy xấu hổ thì nên từ chức, còn không thì bị bãi nhiệm
Tôi nghĩ không nên đưa vấn đề từ chức vào một quy chế nào đó. Vì từ chức là vấn đề tự nguyện, khi một quan chức nào đó nếu họ thấy không đủ sức khỏe làm việc, không đủ năng lực làm việc hoặc hoàn thành nhiệm vụ thì họ từ chức. Hoặc khi để xảy ra các sai phạm trong lĩnh vực anh quản lý mà anh thấy đến mức phải xấu hổ thì anh nên từ chức. Còn nếu họ không từ chức thì các công cụ kiểm tra, giám sát phải ra tay, nếu thấy vị quan chức đã không có năng lực, gây ra sai phạm và không biết xấu hổ để từ chức thì dùng cơ chế bãi miễn để chấm dứt chức vụ của anh. Hiện nay luật pháp đã cho các cơ quan quyền lực này và cần phải áp dụng nó một cách đúng đắn, mạnh mẽ và triệt để hơn.
TS VŨ ĐỨC KHIỂN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của nghị quyết này.
(Điều 10, Nghị quyết Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn)
MINH CƯỜNG thực hiện
Vấn đề nhạy cảm này chúng ta đưa ra để bàn, để nói, để lập kế hoạch thôi, còn việc triển khai và thực hiện nó thì rất khó khăn. Bởi rất giản rằng chúng ta đang làm chính trị để làm kinh tế mà chưa làm kinh tế để làm chính trị nên hiệu quả công việc trong các lĩnh vực phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn.
Trả lờiXóaNhìn vào Thái Lan thôi thì chúng ta có thể khẳng định rằng ý thức hệ của nhân dân ta rất khác với họ. Nếu như ở Việt Nam thì câu chuyện Anh trai làm Thủ tướng bị cách chức như Thạc xỉn thì những người anh em chỉ có xuống bùn chứ làm gì có chuyện e gái được tín nhiệm bầu vào Thú tưởng như hiện nay. Đấy là vấn đề lớn nhất lúc này, không phải một sớm, một chiều mà thay đổi được.
Trả lờiXóa