Sau khi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, thành lập 2 quận, sáng 5/12, Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm đã họp bất thường nhằm thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường mới. Có 32/33 đại biểu có mặt đồng ý với Đề án này, chỉ có 1 đại biểu duy nhất, ông Nguyễn Hữu Kiên, không tán thành với lý do không đồng ý về việc tách thành 2 quận.
Ngày 17/12, ông Nguyễn Hữu Kiên đã gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ và nhiều cơ quan nhà nước chỉ ra những điểm bất hợp lý trong đề án này. Tiếp đó, một số cơ quan báo chí cũng có phản ánh tình trạng sai sót, chưa đúng với quy định của Chính phủ về các tiêu chuẩn thành lập quận.
Đến ngày 23/12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Nội vụ cùng UBND H.Từ Liêm và các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này, trả lời đại biểu HĐND H.Từ Liêm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 25.12.
Liên quan đến những sai sót trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm, trao đổi với chúng tôi ngày 25/12 đại biểu Nguyễn Hữu Kiên - người phát hiện ra những sai sót của đề án, cho biết, theo tìm hiểu của ông, sau khi có thông tin phản ánh về số liệu thiếu chính xác thì ngay lập tức trên trang Cổng thông tin điện tử Từ Liêm đã bỏ đi Đề án cũ đã trình HĐND huyện Từ Liêm sáng ngày 5/12/2013 (đề ngày trình là 03/12/2013) bằng một Đề án khác ký ngày 10/12/2013.
Ngày 26/12, đại biểu Nguyễn Hữu Kiên tiếp tục cho biết thêm: "Hiện tại trang Cổng thông tin điện tử Từ Liêm cũng lại đã dỡ Đề án ghi ngày ký là 10/12/2013 (Đề án mới)".
"Tính đến trưa hôm qua (ngày 25/12) do chưa nhận được phản hồi từ Bộ Nội vụ nên tôi đã gửi Văn bản Hỏa Tốc bổ sung cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu những bất cập của Đề án mới so với Đề án trình HĐND", ông Kiên nói.
Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ, ông Kiên nêu rõ, Đề án mới ký ngày 10/12/2013 (trình Thủ tướng và Chính phủ) vẫn đi theo hướng phân tích Từ Liêm từ 1 huyện đủ điều kiện nâng lên thành 1 Quận mà không phân tích theo hướng phần đất dự kiến là Quận Nam Từ Liêm đáp ứng yêu cầu thành lập 1 Quận như thế nào? Phần đất dự kiến là Quận Bắc Từ Liêm đáp ứng yêu cầu thành lập 1 Quận như thế nào?
Bên cạnh đó, Đề án mới đã được bổ sung về phần nhân sự, bộ máy nhưng cũng không hề thấy chi phí để thực hiện đề án. Cách chấm điểm theo Thông tư 34 của Bộ Xây dựng là theo điểm (từ 70-100 là đạt) song trong Đề án vẫn dùng chỉ tiêu Đạt để chấm.Cũng theo ông Kiên, trong số các chỉ tiêu sai sót có những chỉ tiêu sai số tới gần 300% trong Đề án mới. Cụ thể, chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở cho khu vực nội thị, trong Đề án cũ trình Hội đồng Nhân dân huyện ngày 3/12 là 40 -50 m2/người, nhưng trong Đề án trình Chính phủ ngày 10/12 là 17,31 m2/người, hay số lượng trung tâm thể dục thể thao, nhà thi đấu, trong Đề án cũ là 16 nhưng trong Đề án mới đã tăng lên 46…
Tỷ lệ nhà kiên cố, khá kiên cố, bán kiên cố cho khu vực nội thị trong đề án cũ là 90 nhưng trong Đề án mới là 100 (sai số 11%), đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở trong đề án cũ là 2 m2/người nhưng trong Đề án mới là 3,98 m2/người (sai số 99%).
Đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng đô thị có sai số lên đến 158% giữa hai đồ án khi Đồ án cũ là 5m2/người thì Đồ án mới là 12,9 m2/người. Tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng trong khu vực nội thị trong Đề án cũ là 30%, còn Đề án mới là 20,5% (sai số 45%). 61% là sai số của mật độ đường trong khu vực nội thị giữa hai đề án.
Còn hàng loạt những sai số khác giữa hai đề án như: Tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng có sai số 18%, sai số trong diện tích đất giao thông/dân số nội thị là 6%, mật độ đường công thoát nước chính khu vực nội thị có sai số 85%, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý sai số 12%, đất cây xanh đô thị sai số 59%....
Ngoài ra, đại biểu Kiên cũng cho biết, trong đề án trình Chính phủ ngày 10/12 đã bị lược bỏ một số tiêu chí so với đề án trình Hội đồng Nhân dân huyện ngày 3/12 như các chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị, Cơ sở y tế, Cơ sở giáo dục đào tạo, hệ thống thoát nước, cây xanh, thu gom xử lý chất thải.
Đại biểu Kiên nhìn nhận, thực tế này cho thấy, những người chỉ đạo và xây dựng đề án đã xem nhẹ vai trò của Hội đồng Nhân dân huyện.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Kiên, nếu tách làm 2 quận thì các số liệu, dân cư, công trình hạ tầng của từng đơn vị quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm không đáp ứng. Ngoài ra, quyết toán năm 2012 cho chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm là hơn 563 tỷ đồng. Nếu có thêm 1 quận thì hàng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra chí ít là 563 tỷ nữa, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ và các chi phí đổi giấy tờ khác.
Thanh Ngà/Theo Trí Thức Trẻ
theo quan điểm của riêng cá nhân thì có lẽ chúng ta cứ giữ là một quận Từ Liên là được rồi, đâu nhất thiết phải tách ra làm gì! cũng không khó để có thể quản lí! mà muốn tách ra thành 2 quận khác nhau thì cùng với đó là rất nhiều yêu cầu khác nhau, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, liệu 2 nửa ấy đã đầy đủ hết những điều kiện cần thiết chưa? đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân thôi, còn mọi chuyện thế nào có lẽ ta nên chờ tới những kết luận cuối cùng của những cơ quan chức năng có thẩm quyền!
Trả lờiXóa