Chia sẻ

Tre Làng

HÃY TỈNH TÁO NHẬN RA CÁI TẤT YẾU, TRÁNH BỊ ĐÀO THẢI


QĐND – Từ ngày 17-12-2013, trên một số tờ báo mạng xuất hiện bài viết Kìa! Cái tất yếu đang lừng lững đi tới (*) của tác giả Tống Văn Công. Bài viết dài 6.121 chữ với nội dung chỉ trích bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua và đòi hỏi một sự “đổi mới chính trị”…

Tâm huyết với vận mệnh dân tộc là tấm lòng của người dân yêu nước. Tôi hy vọng tác giả bài viết trên là một người như vậy. Nhưng có lẽ vì tâm huyết quá chăng mà ông Tống Văn Công có sự thiếu tỉnh táo dẫn đến ngộ nhận, sai lầm. Tôi xin phép được trao đổi lại.

1. Mở đầu bài viết, tác giả đưa ra v%Ei�e��n đề Quốc hội đã bỏ phiếu gần như tuyệt đối thông qua Hiến pháp năm 2013 và đặt câu hỏi: “Vì sao Quốc hội không thể nhận thức được “cái tất yếu”? Trên thực tế, ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, là nơi tập trung cao nhất trí tuệ của đất nước, ông nói thế có coi thường cả một tập thể tinh hoa được toàn dân thừa nhận.

Ông dẫn chứng dư luận ủng hộ Hiến pháp. Và cả dẫn chứng những “phản ứng ngược lại”, đó là nhà văn V.T.H, là ông L.H.Đ, là Ph.Ch.D, là N.Đ.D… Rồi ông trích “Đại văn hào Stephan Zweig cho rằng “Luôn có những con chim báo bão, sứ giả của trí tuệ, đi trước những tai họa lớn bằng sự bay của mình”. Tiếc thay tiếng chim báo bão ở nước ta không có người lắng nghe!”. Câu cuối cùng vô tình đã bộc lộ sự thật: Một là “không có” ai ủng hộ những người đi ngược lại quyền lợi của dân tộc như các ông bà được dẫn ra ở trên (mà ông đã có ý ví họ như là những “tiếng chim báo bão”). Hai là bộc lộ về con người ông: Cay cú và nhầm lẫn. Cay cú ở chỗ ông phải kêu lên lời cảm thán (Tiếc thay). Nhầm lẫn ở chỗ: Sao lại “không có người lắng nghe!”, vì chí ít những người ông nêu ra ở trên họ đã “lắng nghe nhau” mà cùng chung một mục đích chẳng mấy tốt đẹp.

2. Ông nhận xét: “Hiến pháp 1946 và Hiến pháp mới khác nhau về ý thức hệ, cho nên không có chuyện kế thừa!”. Ở đây, ông lại vướng vào một khái niệm khó là “ý thức hệ” mà cho đến nay vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất trong giới khoa học xã hội nhân văn thế giới. Có người cho rằng, ý thức hệ giống như cái hộp đen, mỗi người hiểu một cách (Giovani Sartori). Có người khái quát thành 10 định nghĩa (Colin Sumner). Có người đưa ra 5 định nghĩa (John Storey). T.Eagleton cho rằng có 16 định nghĩa. Vì thế mà có hàng loạt thuật ngữ tương ứng thay thế như “thế giới quan”, “tư tưởng”, “hệ tư tưởng”, “quan niệm”… Ý thức hệ, xét về lịch sử khái niệm, người đề xuất đầu tiên năm 1896 là Destutt de Tracy, học giả người Pháp và dùng nó như một khái niệm triết học để chỉ trình độ, năng lực thuộc về tinh thần con người (ideologie). Feerbach xem ý thức hệ như một hình thức tha hóa của ý thức. Đến Marx và Engels hiểu ý thức hệ như một hệ tư tưởng (tên một cuốn sách nổi tiếng Hệ tư tưởng Đức). Lenin quan niệm không có ý thức hệ siêu giai cấp, có ý thức hệ tư sản và ý thức hệ vô sản, ý thức hệ vô sản mang sứ mệnh ý thức lãnh đạo. Dù có nhiều cách hiểu nhưng hạt nhân của khái niệm này chỉ hệ tư tưởng, còn được gọi là hình thái ý thức xã hội. Tư tưởng bao trùm, xuyên suốt và nhất quán của cách mạng nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo cô gọn trong sáu chữ vàng “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”: Độc lập dân tộc, tự do cho đồng bào, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Do vậy, nhận định “Hiến pháp 1946 và Hiến pháp mới khác nhau về ý thức hệ” là không chính xác. Về bản chất, Hiến pháp 2013 là sự phát triển tư tưởng từ Hiến pháp 1946 nhưng được đổi mới để phù hợp với thời đại mới.

3. Ông Tống Văn Công trong vai nhà triết học lý giải “nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa xã hội không thể vượt qua được chiếc cầu “quá độ” bởi hai lý do: “Một là chế độ độc tài toàn trị từng bước làm thoái hóa Đảng cộng sản cách mạng…”. Ông dùng khái niệm “chế độ độc tài toàn trị” là dùng lại cách gọi cực đoan, phản động, định kiến và áp đặt của Hội đồng châu Âu. Ngày 25-1-2006, Hội đồng châu Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe), bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết 1481 với các điều khoản lạ lùng là lên án chủ nghĩa cộng sản, vì “tội ác chống lại loài người”. Đây là sự hổ thẹn của nhân loại vì sự mù quáng và vô ơn của một bộ phận con người. Điều này sẽ bàn vào một dịp khác, chỉ đơn cử sự kiện khi cả thế giới đang nín thở bởi nạn diệt chủng của phát xít Đức ở thế chiến 2, đúng khi ấy Liên Xô xã hội chủ nghĩa đã dũng cảm đương đầu chống lại để cứu cả nhân loại. Thế thì Liên Xô cứu loài người hay “chống lại loài người”? Điều 2 ở nghị quyết này có ghi: “…Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản gồm khối Liên Xô, Đông Âu trong thế kỷ 20 và một số chế độ cộng sản hiện vẫn còn cầm quyền ở 4 nước trên thế giới, đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền…”. Lại nói về nhân quyền thì ngay vừa rồi (tháng 10-2013) nước ta được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chính là sự phủ nhận triệt để sự vô lối ác ý của nghị quyết này. Như vậy khái niệm “chế độ độc tài toàn trị” cũng không có cơ sở khoa học và thực tiễn, nhất là đối với nước ta là chế độ nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý thì càng hoàn toàn xa lạ. Theo đuôi người khác là không hay. Theo đuôi người xấu thì thế nào, thưa ông?

Ông nói tiếp: “Hai là chế độ xã hội chủ nghĩa triệt tiêu quyền sở hữu tài sản cá nhân tức là quyền tự do về kinh tế, khiến cho con người mất động lực lao động sản xuất và sáng tạo”. Đối chiếu với thực tế nước ta điều này là hoàn toàn xuyên tạc, Nhà nước ta trên cả lý thuyết và thực tế đang tạo điều kiện cho bất kỳ ai cũng có thể làm giàu chính đáng, khuyến khích tất cả mọi người phát huy năng lực và sáng tạo của mình.

4. Tính khoa học tối thiểu của bất cứ bài báo, bài nghiên cứu nào là sự rõ ràng về trích nguồn, của ai, ở đâu, năm tháng… Nhưng trong bài viết này tác giả cố tình mắc phải để nhằm mục đích “tung hỏa mù” gây sự hiểu nhầm, chia rẽ, kích động. Ví dụ ông nói “một nhà lãnh đạo Đảng đã chẩn đoán” là “Tình trạng suy thoái trong Đảng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư đã di căn”. Đáng buồn là biện pháp chủ yếu để trị “ung thư đã di căn” được Hội nghị Trung ương 4 đề ra chỉ là “tự phê bình và phê bình chân thành xây dựng”… “Nhà văn Vũ Tú Nam xót xa bình luận “Đảng như con cá ngúc ngoắc trong ao cạn!”. “Nhà lãnh đạo” này là ai, nói ở đâu… Câu nói của nhà văn Vũ Tú Nam trong hoàn cảnh, văn cảnh nào, văn bản nào, thời điểm nào… hoàn toàn không có. Ông cho rằng Hội nghị Trung ương 4 đề ra biện pháp “chỉ là “tự phê bình và phê bình chân thành xây dựng” thì hoặc là một sự “ăn ốc nói mò” hoặc là một sự cố tình cắt xén, xuyên tạc thực tế…

5. Ông núp bóng một “Bản kiến nghị” nào đó để nhận định: “Khủng hoảng ở nước ta hiện nay tập trung nhất ở khủng hoảng chính trị. Đảng duy trì địa vị độc tôn quá lâu…”. Cứ theo ý các ông thì để tránh “khủng hoảng chính trị” là phải có sự thay đổi lãnh đạo, một lực lượng chính trị khác sẽ thay Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước. Thử hỏi trong quá khứ có đảng phái nào, lực lượng chính trị nào đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang như Đảng Cộng sản? Hiện nay có lực lượng nào đủ uy tín, tài năng, bản lĩnh để gánh vác sứ mệnh đổi mới đang đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, đưa nước ta đi lên như Đảng Cộng sản? Ông “hiến kế” đổi mới chính trị bằng cách “Phải tách Đảng ra khỏi các chức năng nhà nước, tách nhà nước ra khỏi chức năng quản lý, điều hành kinh tế, mới có thể vận hành có hiệu quả guồng máy kinh tế-xã hội”. Câu này cho thấy ông chưa hiểu khái niệm “Nhà nước”: “tách nhà nước ra khỏi chức năng quản lý, điều hành kinh tế…”, thế thì làm sao mà “có thể vận hành có hiệu quả guồng máy kinh tế-xã hội”? Đây là tư tưởng vô chính phủ đã lỗi thời.

Theo ông, “chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước trên nền tảng văn minh chung của loài người đã được khảo nghiệm là: Xã hội dân sự”. Đây lại là một sự liều. “Xã hội dân sự” chưa hề “được khảo nghiệm” trên thế giới, khái niệm vẫn còn là mới mẻ, đang tranh luận và có nhiều cách hiểu. Bài viết: “Cần hiểu đúng về xã hội dân sự” (Báo Quân đội nhân dân, ngày 25-11-2013) đã nói tương đối kỹ về vấn đề này. Ông đưa ra vấn đề kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ, nổi lên là: “Khiếu kiện là một hình thức tỏ bày ý kiến rất cao so với những kiến nghị ở các cuộc họp, hoặc góp ý của cử tri”… Rõ ràng ông đã ngầm vận động cho một sự mất ổn định chính trị đất nước, giống như ”cách mạng màu”, “cách mạng cam” đã từng diễn ra gần đây trên thế giới, và chính nhiều nước trong số ấy đã khủng hoảng toàn diện, đầu rơi máu chảy, nhân dân cơ hàn. Như vậy, tấm lòng của ông với đất nước có sáng không? 

Tôi tâm đắc câu này trong bài viết của ông: “…tự do, dân chủ, nhân quyền là xu thế tất yếu của thời đại mà mọi quốc gia nhanh hay chậm đều phải đi đến. Vậy nếu đi ngược lại cái tất yếu thì điều gì sẽ xảy ra?”. Vâng. Đúng vậy! Sự thắng lợi của nhân dân ta, đảng ta là tất yếu. Hãy tỉnh táo nhận ra cái tất yếu, tránh bị đào thải!

NGUYÊN THANH

2 nhận xét:

  1. không có lời nói nào, lý lẽ nào có thể sát đáng hơn sự đồng tình nhất trí của 90 triệu người dân Việt Nam khi đóng góp, xây dựng cho bản hiến pháp mới của dân tộc ta

    Trả lờiXóa
  2. Dù thế nào đi chăng nữa, chỉ trích hiến pháp của Quốc hội là không được rồi, vớ vẩn thế nhỉ. Hiến pháp là một văn bản luật có tính pháp lý cực cao, có tính kế thừa và phát huy cái cũ đấy chứ, hay nói cách khác có những vấn đề mà bao nhiêu năm trôi qua cái tính chính xác của nó vẫn còn hiện hữu đầy đủ giá trị, ví dụ như vai trò của Đảng cộng sản là cái mà bây giờ giá trị thực tiễn vẫn còn cao.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog