Chia sẻ

Tre Làng

NELSON MANDELA

Đỗ Hùng

Khi Nelson Mandela bước qua cánh cổng nhà tù Victor Verster cũng là lúc đất nước Nam Phi bắt đầu một cuộc đổi thay kỳ vĩ.

Cái nắng nóng 40 độ C ở Kaarl hôm đó - cái ngày 11.2.1990 không thể nào quên - đã không cản bước được những con người yêu tự do kéo đến vây quanh khu trại giam Victor Verster, mà ngày nay đã được đổi tên thành Trung tâm Cải tạo Drakenstein.

Trước đấy không lâu, vị tổng thống da trắng Frederik de Klerk thông báo sẽ trả tự do cho Nelson Mandela, người đã ngồi tù suốt 27 năm vì tội “lên kế hoạch phá hoại nhà nước”. Người dân Nam Phi từ khắp nơi đổ về quanh khu trại giam để chào đón người anh hùng của họ, người đã bước vào nhà tù với một phong thái hiên ngang từ nhiều năm trước.

Trong đám đông đổ về khu Victor Verster, có những người chào đời sau khi Mandela vào tù, có những người đã quên hẳn ngoại hình của Mandela, do việc sử dụng hình ảnh của ông bị cấm dưới thời Apartheid. Nhưng tất cả đều đến đây, đơn giản ông là niềm tự hào, niềm hy vọng, là tương lai của họ, của đất nước Nam Phi bị chia rẽ sâu sắc này.

Cũng trong đám đông ấy, có những người chờ đợi giây phút Mandela được trả tự do với một tâm trạng lo âu, thậm chí hoảng sợ.

“Ai cũng muốn biết người đàn ông này sẽ làm gì một khi được tự do. Có người nói rằng chiến tranh sẽ nổ ra, có người lo sợ dân da trắng sẽ bị đuổi khỏi đất nước Nam Phi…”, Kevan Heesom, hồi đó là một cậu bé trong một gia đình người Anh, bồi hồi kể lại.

Nỗi lo lắng của những người như Heesom là có thể hiểu được. Mandela từng là một nhà đấu tranh bất bạo động. Nhưng rồi, ông và các đồng chí của mình đã sử dụng vũ lực để chống lại chế độ Apartheid vốn áp đặt một chính sách kỳ thị hà khắc lên người da đen. Mandela đã bị người da trắng đại diện cho chế độ Apartheid bỏ tù. Giờ đây, khi được trả tự do, có thể ông sẽ báo thù.

Cái lối tư duy này thậm chí đã đẩy không ít người vào quyết định rời khỏi Nam Phi. “Tôi đã tự nhủ rằng mình phải rời khỏi nơi đây vì đất nước này sắp rơi xuống vũng lầy rồi”, Charles Brown, giờ đã là một công dân Úc, kể.

Và rồi, giây phút mà người ta chờ đợi đã đến. Đó là vào lúc 16 giờ 14 ngày 11.2.1990. Từ sau cánh cổng nhà tù Victor Verster, Nelson Mandela bước ra. Ông giơ nắm tay đầy cương quyết, rồi vẫy chào đám đông với một nụ cười rạng rỡ.

Những người chào đón ông có thể đọc thấy tất cả các thông điệp mà họ chờ đợi trong nụ cười ấy.

Nụ cười không chứa đựng hận thù.
Nụ cười của cuộc đấu tranh vì tự do vẫn tiếp diễn.

Nụ cười của niềm tin mãnh liệt vào một tương lai, nơi mà dân tộc Nam Phi hòa chung một khối, bỏ quá khứ Apartheid đen tối lại phía sau.

Đám đông cuộn chảy hét vang: “Madiba muôn năm!”, “Madiba vĩ đại!”.

Madiba là tên gọi tôn vinh Mandela.

Sau những bước chân tự do đầu tiên, người anh hùng Mandela đã du hành về thành phố Cape Town cách đó chừng 60 km. Ngay trong buổi tối 11.2 đó, cựu tù nhân Mandela đã đứng trước biển người, nói những lời cương quyết:

“Cuộc đấu tranh của chúng ta đã bước vào khoảnh khắc quyết định. Hành trình đến với tự do của chúng ta là không thể đảo ngược. Đây là lúc cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận. Cho phép mình ngơi nghỉ lúc này là một sai lầm mà các thế hệ tương lai sẽ không thể nào tha thứ cho chúng ta”.

Và ông đã cùng nhân dân tiếp tục cuộc đấu tranh, nhưng không phải bằng con đường bạo lực đẫm máu, để đưa đất nước tươi đẹp này thoát khỏi đêm trường Apartheid.

Để có được ngày tự do, Nelson Mandela đã trải qua những tháng ngày dài đằng đẳng trong chốn lao tù. Đó là 27 năm, thời gian đủ để một người chào đời sống cho tới lúc trưởng thành.

Quãng thời gian trong tù thực sự là một đêm trường, nhưng cũng từ đêm đen ấy, một ngày mới tươi sáng đã đến với dân tộc Nam Phi.

Bắt đầu vào thập niên 1940, khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid manh nha tại Nam Phi, chàng trai Nelson Mandela đã chọn cho mình chỗ đứng về phía những người bị áp bức, kỳ thị. Ông và một người đồng chí đã thành lập hãng luật để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo cũng như tham gia các hoạt động đối kháng ôn hòa.


Trong giai đoạn đầu, Mandela chịu ảnh hưởng đường lối đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi.


Nhưng biện pháp bất bạo động này vẫn là một điều cấm kỵ của chính quyền Apartheid. Năm 1956, Mandela và 150 người khác bị bắt với cáo buộc phản quốc. Phiên tòa kéo dài sau đó kết thúc với việc các bị cáo được tuyên trắng án vào năm 1961.

Khi con đường đấu tranh bất bạo động bị ngăn cấm, Mandela đã dùng vũ lực để xóa bỏ chế độ Apartheid. Cuộc đấu tranh vũ trang cùng với việc tham gia đảng Đại hội Dân tộc châu Phi vốn bị chính quyền cấm cản đã khiến Mandela trở thành đối tượng bị truy đuổi của cảnh sát.

Tháng 8.1962, với sự giúp sức của tình báo Mỹ, chính quyền Nam Phi đã bắt giữ Mandela cùng nhiều đồng chí của ông.

Lại thêm một phiên tòa dài nữa.

Lại thêm những bản án “phá hoại chính quyền” và “phản quốc” nữa.

Cuối cùng, vào ngày 12.6.1964, Tòa án Tối cao Pretoria của chính quyền Apartheid đã tuyên án chung thân đối với Mandela về tội “lên kế hoạch phá hoại nhà nước” cùng một số tội danh khác.

Trước tòa, Mandela, lúc này 46 tuổi, đã thừa nhận hành vi của mình bằng một niềm tin không gì lay chuyển:

“Tôi không phủ nhận rằng tôi đã lên kế hoạch phá hoại. Tôi làm điều đó không phải vì sự khinh suất hay vì sở thích bạo lực. Tôi đã lên kế hoạch này theo sau những đánh giá nghiêm túc và bình tĩnh về tình hình chính trị nảy sinh sau nhiều năm nhân dân chúng tôi bị người da trắng bóc lột, áp bức dưới chế độ chuyên quyền”.

Và Mandela cùng những người bị kết án đã bước lên xe cảnh sát với nụ cười trên môi trước sự cổ vũ của đám đông ủng hộ vây quanh trụ sở tòa án.

Phần lớn thời gian ở tù, Mandela bị nhốt trong một xà lim bé nhỏ ở đảo Robben.

Trong hoàn cảnh ngục tù đằng đẳng, ông vẫn luôn giữ được khí tiết của một chiến sĩ dám dấn thân vì đại nghĩa. Mandela từng nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền. Chính vì vậy mà uy tín của ông ngày một lớn trong lòng người dân Nam Phi, bất chấp chính quyền Apartheid đã sử dụng mọi biện pháp để ngăn cấm việc truyền bá hình ảnh, tài liệu về ông.

Rốt cuộc, bản án khắc nghiệt của nhà cầm quyền nhằm triệt tiêu ý chí chiến đấu của ông, cũng là của người dân Nam Phi bị áp bức, đã trở nên vô hiệu.

Sau những cởi mở dè dặt cuối thập niên 1980, vị tổng thống da trắng mới lên cầm quyền Frederik de Klerk đã đi xa hơn trên con đường xóa sổ chế độ Apartheid khi bãi bỏ nhiều đạo luật kỳ thị. Hàng loạt đảng phái chính trị từng bị cấm đoán được phép hoạt động.

Cuối cùng, vào tháng 2 cách đây 20 năm, ông Klerk tuyên bố trả tự do cho Mandela, người sẽ đi vào lịch sử nhân loại như một nhà đấu tranh kiệt xuất cho tự do, hòa giải và tha thứ.

Sau khi rời nhà tù Victor Verster và sau những lời đanh thép ở Cape Town, Mandela tiếp tục cuộc đấu tranh của mình, đó là cuộc đấu tranh bất bạo động để hòa giải những ân oán của quá khứ cũng như phá bỏ mọi thành lũy của chế độ Apartheid.

Rốt cuộc, chế độ Apartheid bị bãi bỏ.

Mandela trở thành tổng thống Nam Phi vào năm 1994 sau một cuộc bầu cử. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên tại đất nước này với đầy đủ ý nghĩa dân chủ thực sự. Nelson Mandela, dù đã cùng đám đông hô vang “Chính quyền thuộc về chúng ta” khi ở Cape Town trong buổi tối tự do đầu tiên sau 27 năm tù đày, đã chọn cách bước lên nắm chính quyền bằng việc tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của một nền chính trị dân chủ lành mạnh.

Ông cũng chỉ làm tổng trong một giai đoạn ngắn - từ 1994 đến 1999 – sau đó rời chính trường và trao quyền chọn người kế nhiệm vào tay cử tri Nam Phi.

Mandela vĩ đại không chỉ bởi quá trình đấu tranh, những năm tháng bất khuất trong chốn lao tù, không chỉ bởi hành trình xóa bỏ chế độ Apartheid hay nỗ lực hòa giải dân tộc.

Ông bất tử bởi đã xây dựng nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi.

Công lao xóa bỏ chế độ Apartheid của ông sẽ trở nên vô nghĩa nếu rốt cuộc ông không xây dựng được một nền dân chủ lành mạnh cho đất nước này, nếu ông thay nền chính trị ác quỷ Apartheid bằng một nền chính trị chuyên quyền của chính ông.

Thế mới hiểu vì sao Mandela thường phê phán Robert Mugabe, người cũng từng có cuộc đấu tranh giải phóng dân da đen vĩ đại không kém Mandela.

Nguồn: Blog PhuocBeo/Mr. Do

20 nhận xét:

  1. Ông Nelson Mandela, nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa apartheid và là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi,Ông Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng ta. Thật đáng buồn khi nhân loại mất đi một người tài giỏi như vậy, ông đã dành cả cuộc đời mình đấu tranh cho phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh09:13 7/12/13

    Nelson Mandela, một con người vĩ đại của những người da màu châu phi với những cống hiên trong việc đảm bảo công bằng cho những người da đen, chống lại khuynh hướng phân biệt chủng tộc, phân biệt giũa những con người với nhau, chính đây là một thành tích rất lớn của ông nhằm đem lại hòa bình cho thế giới, tránh khỏi những đụng độ và căng thảng của các tộc người, các châu lục trên thế giới

    Trả lờiXóa
  3. Ông Nelson Mandela được biết đến là một biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và là biểu tượng của hoà giải ở "Quốc gia Cầu vồng". Nhờ sự lãnh đạo của ông, xã hội và người dân Nam Phi đã được đón nhận những sự đổi thay khiến cả thế giới ca ngợi.

    Ông Nelson Mandela được hàng triệu người dân Nam Phi cũng như trên khắp thế giới kính trọng và yêu mến vì đức tính khiêm tốn, giản dị và sẵn sàng hy sinh cho người nghèo

    Trả lờiXóa
  4. ông là một con người có tài năng và có một cống hiến rất lớn cho người dân Nam phi nói tiêng và thế giới nói chung. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, từ năm 1994 đến 1999, ông Mandela luôn ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc. Nelson Mandela thôi làm Tổng thống vào năm 1999 và tiếp tục công việc của một nhà chính trị lão thành để cống hiến thời gian của mình cho những vấn đề nhân quyền và giải quyết nạn dịch AIDS. Ông tiếp tục làm luật sư và lúc 85 tuổi, ông thông báo rằng do sức khỏe yếu kém nên ông muốn về hưu để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

    Tại Nam Phi, cố Tổng thống Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba - một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng. Trong sự nghiệp chính trị kéo dài hơn bốn thập niên, ông đã nhận hơn 250 giải thưởng, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993, và gần đây nhất ông được nhận giải thưởng Ðại sứ Lương tâm của Tổ chức Ân xá Quốc tế năm 2006.

    Trả lờiXóa
  5. Nelson Mandale, vị tổng thống da đên đầu tiên của Nam Phi kể từ khi mà đất nước này bị thực dân , ông chính là người thay đổi cuộc sống của người dân Nam Phi, đưa người dân, đất nước Nam Phi sang một kỷ nguyên mới củ độc lập và phát triển, ông là một con người vĩ đại của người dân Nam Phi.

    Trả lờiXóa
  6. Những cống hiến của ông đã được rất nhiều nguowf biết đến, trong đó có tổng thư kí liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Ông Nelson Mandela là một luật sư và là người đấu tranh cho tự do. Ông ấy còn là một tù nhân chính trị, một nhà hoà giải và là tổng thống. Là một sứ giả hoà bình, cố vấn cho các thế hệ lãnh đạo và người dân ở khắp nơi trên thế giới, ông Nelson Mandela đã giành 67 năm cuộc đời của mình để cống hiến cho đất nước, mang lại sự đổi thay cho người dân ở Nam Phi. Món quà của thế giới dành cho ông là phải nỗ lực thay đổi để thế giới ngày một tốt hơn”

    Trả lờiXóa
  7. ông Nelson Mandela là một con người vĩ đại, có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn trên toàn thế giới! ông là vị tổng thống da màu đầu tiên ở Nam Phi và ông rất quan tâm tới vấn đề phân biệt chủng tộc , màu da!một người anh hùng vĩ đại của đất nước Nam Phi, ông đã đưa Nam Phi sang một kỉ nguyên mới, bước sang một trang sử mới của lịch sử phát triển của đất nước!tiếc thương cho một tượng đài của thế giới!

    Trả lờiXóa
  8. Nhằm tôn vinh những đóng góp vĩ đại của ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đấu tranh vì nhân quyền và hòa hợp dân tộc, năm 2009, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 18/7 hàng năm là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”. Đông đảo các tổ chức và cá nhân đã hưởng ứng phong trào do Liên Hợp Quốc phát động dành ít nhất 67 phút trong ngày này để giúp đỡ những người khốn khó trong cộng đồng, như một hành động ghi nhận công lao to lớn mà vị lãnh tụ Nelson Mandela đã cống hiến cho đất nước trong suốt 67 năm của cuộc đời.

    Trả lờiXóa
  9. Nelson Mandela là người hùng vĩ đại không chỉ bởi quá trình đấu tranh, mà còn là tinh thần bất khuất của ông trong những tháng ngày tù ngục, khổ sai của chính quyền thực dân xâm lược. Ông cũng chính là vị tổng thống da đen đầu tiên của quốc gia Nam Phi, là người có công lao rất lớn trong xóa bỏ chế độ Apartheid, cứu mạng của hàng vạn người dan nơi đây.

    Trả lờiXóa
  10. Mandela là con người huyền thoại của phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, từng ngồi tù 27 năm trong nhà tù đảo Robben. Được thả năm 1990, ông dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da màu. Ông được bầu làm tổng thống Nam Phi năm 1993, giữ chức từ năm 1994-1999.
    những gì mà ông đã làm được cho đất nước ông không chỉ được người dân Nam Phi ghi nhớ mà ngay cả những người trên thế giới, có lẽ cũng không thể quên được con người vĩ đại này!

    Trả lờiXóa
  11. Vào ngày được phóng thích, Mandela đã có một bài diễn văn gửi đến toàn quốc. Ông tuyên bố cam kết hòa bình và hòa giải với những người da trắng thiểu số trong nước, nhưng nói rõ rằng cuộc đấu tranh vũ trang của ANC vẫn chưa chấm dứt khi ông nói "phương sách đấu tranh vũ trang vào năm 1960 khi chúng tôi hình thành phái quân sự trong ANC (Umkhonto we Sizwe) đơn thuần là hành động tự vệ chống lại sự tàn bạo của chủ nghĩa apartheid. Các yếu tố đưa đến cuộc đấu tranh vũ trang đến nay vẫn hiển diện. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục. Chúng tôi bày tỏ hy vọng một không khí có lợi cho một cuộc thương lượng sẽ sớm được tạo ra, để nhu cầu đấu tranh vũ trang không còn nữa."
    Ông cũng nói rằng tập trung chính của ông là mang lại hòa bình cho những người da đen đa số và cho họ quyền bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử cấp quốc gia lẫn địa phương.

    Trả lờiXóa
  12. Nelson Mandela phản đối mạnh mẽ vụ can thiệp của NATO tại Kosovo năm 1999 và gọi đó là nỗ lực của các cường quốc nhằm kiểm soát thế giới.[131] Năm 2002 và 2003, Mandela chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush trong nhiều bài phát biểu. Phê phán về việc thiếu sự tham gia của Liên Hiệp Quốc trong quyết định bắt đầu Chiến tranh Iraq, ông nói, "Đó là một bi kịch, những gì đang xảy ra, những gì Bush đang làm. Nhưng Bush giờ đây đang làm xói mòn Liên Hiệp Quốc." Mandela cho rằng ông chỉ ủng hộ hành động chống lại Iraq nếu đó là do Liên Hiệp Quốc ra lệnh. Mandela cũng nói bóng gió đến việc Liên Hiệp QUốc có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt chủng tộc vì đã không tuân theo ý kiến của Liên Hiệp Quốc và tổng thư ký Kofi Annan về vấn đề chiến tranh. "Có phải vì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hiện tại là một người da đen hay không? Họ không bao giờ làm vậy khi tổng thư ký là người da trắng".[134]
    Ông kêu gọi nhân dân Mỹ tham gia vào các cuộc biểu tình lớn chống lại Bush và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là những nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phản đối Bush."Điều tôi lên án ở đây là chỉ một cường quốc, với một vị tổng thống không có óc chiến lược, người không thể nghĩ cho đúng đắn, giờ đang muốn đẩy thế giới vào một cuộc tàn sát." Ông tấn công Hoa Kỳ vì các thành tích xấu về nhân quyền và đã thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II. "Nếu có một quốc gia có hành động tàn ác đến mức không thể diễn tả được bằng lời, đó là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Họ bất cần. Nelson Mandela cũng chê trách nặng nề Thủ tướng Anh Tony Blair và gọi ông là "ngoại trưởng của Mỹ." Có thể nói ông là 1 biểu tượng của tự do, dân chủ, nhân quyền

    Trả lờiXóa
  13. Mandela đã nhận được nhiều giải thưởng của Nam Phi, nước ngoài và quốc tế, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993 (cùng với Frederik Willem de Klerk),được Nữ hoàng Elizabeth II trao Huân chương Công lao và Baliff Grand Cross của Huân chương Thánh John, Huân chương Tự do Tổng thống của George W. Bush.[164]Bản mẫu:Failed verification[165] Tháng 7 năm 2004, thành phố Johannesburg trao tặng danh hiệu cao nhất cho Mandela sự tự do của thành phố tại buổi lễ ở Orlando, Soweto
    Ông cũng thường nhận được sự tán dương khi đi ra nước ngoài. Trong chuyến thăm Canada năm 1998, 45.000 học sinh đã chào đón ông khi ông có bài phát biểu tại SkyDome, Toronto. Vào năm 2001, ông là người còn sống đầu tiên trở thành Công dân danh dự của Canada (người nhận danh hiệu duy nhất trước đó là Raoul Wallenberg sau khi đã mất). Khi còn ở Canada, ông cũng nhận Huân chương Canada, là một trong số ít người nước ngoài nhận được huân chương này.

    Trả lờiXóa
  14. Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu, người giành giải Nobel Hòa bình năm 1984 đã từng nhận xét về Mandela: ""Đến nay, ông là nguyên thủ quốc gia đáng ngưỡng mộ và tôn kính nhất trên thế giới, và là một trong những con người vĩ đại nhất trên trái đất này". Bức ảnh khi Mandela giơ cao nắm tay khi được ra tù trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh kiên cường của ông chống phân biệt chủng tộc. Ông từng nói: "Những lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự tự do của dân tộc họ".

    Trả lờiXóa
  15. Một trong những vị tổng thống da màu đầu tiên trên thế giới ! Tiên phong trong phong trào chống lại sự phân biệt chủng tộc của đất nước ! Tổng thống Nelson đúng là một vị anh hùng của những quốc gia trong khu vực châu Phi ! Nhờ có ông mà những người da đen thực sự được giải phóng khỏi ách nô lệ !

    Trả lờiXóa
  16. Người da màu đầu tiên dám đứng lên đòi lại quyền bình đẳng cho mình và đạt được những vị trí cao trong xã hội ! Quat thực là những công lao , sức lực của ông bỏ ra cũng đã thể hiện được khao khát của những người da màu ! Một biểu tượng của việc đòi lại quyền tự do cho con người !

    Trả lờiXóa
  17. Tổng thống Nelson ra đi khi tuổi cao cũng là thuận theo quy luật của con người nhưng những người dân nước họ chắc chắn sẽ thế vô cùng nuối tiếc về con người đã đứng lên đòi lại quyền bình đẳng cho người da màu sau bao nhiêu năm ngồi tù thì ông cũng đã thực hiện được mục tiêu của mình !

    Trả lờiXóa
  18. Đây là con người có ý chí rất lớn. Ông ấy bắt đầu nổi lên từ khi là một trong những người đứng đầu phong trào thanh niên, sinh viên người da đen đấu tranh chống phân biệt chủng tộc thời Apartheid ở Nam Phi.
    Mục đích cuộc đời ông là làm thay đổi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, giành quyền cao hơn cho người da đen và người da màu, giúp họ không còn bị ngược đãi. Khi đó, 20-30% dân số người da trắng nhưng lại sở hữu tới 70-80% tài sản đất, còn 70-80% dân số người da đen và da màu chỉ sở hữu 20-30% tài sản xã hội Nam Phi lúc bấy giờ.
    Người da trắng là những ông chủ của các đồn điền, nhà máy đất nước, người da đen chỉ làm thuê hoặc là nô lệ mà không có tiếng nói về chính trị. Vì muốn giành lại quyền lợi cho nhân dân của mình nên Nelson Mandela đã đứng lên đấu tranh.

    Trả lờiXóa
  19. Nelson Mandela trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi sau một thời gian dài đấu tranh với sự thống trị của người da trắng chiếm thiểu số ở quốc gia này. Sinh ra trong một gia đình của một thủ lĩnh ở Eastern Cape, nhưng ông lại tới Johannesburg lập nghiệp, trở thành luật sư và gia nhập cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid của Đại hội dân tộc Phi (ANC). Khi còn trẻ, ông Mandela là một tay đấm bốc cừ khôi. “Đấm bốc là chủ nghĩa quân bình. Khi ở trên sàn đấu, thứ hạng, tuổi tác, màu da và sự giàu có đều vô nghĩa”, ông đã viết như vậy trong cuốn hồi ký “Long Walk to Freedom”.Ông thực sự là một con người đáng kính nể.

    Trả lờiXóa
  20. Tư tưởng của Nelson Mandela ở chỗ: Trong nước, ông muốn xây dựng Nam Phi thành một xã hội dân chủ, đa đảng, đảm bảo bình đẳng về quyền lợi cho mọi người, người da đen cũng như người da trắng. Chính vì thế, khi đấu tranh đến giai đoạn chế độ Apartheid gần sụp đổ, nhiều người lo ngại nếu chế độ của Nelson Mandela thắng sẽ có sự “phân biệt chủng tộc ngược.” Tức là trước đây, dưới chế độ Apartheid người da đen bị ngược đãi thì bây giờ chế độ của ông Nelson Mandela sẽ quay sang ngược đãi người da trắng.

    Nhưng Nelson Mandela đã tuyên bố, đại ý rằng, tôi đảm bảo một đất nước dân chủ, tự do và hòa hợp dân tộc chứ không phân biệt chủng tộc ngược. Khi chúng tôi giành được chính quyền thì người da trắng vẫn có vị trí của họ, nhưng tất nhiên sẽ phải bớt đi những quyền lợi quá đáng như trước kia.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog