Chia sẻ

Tre Làng

QUYỀN LỰC VÀ THAM NHŨNG

GD&TĐ - Sau khi các bị cáo trong vụ “bộ sậu” tham nhũng tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam) bị lĩnh các mức án thích đáng (cao nhất tới 30 năm tù, tại phiên xét xử ngày 27/11, dư luận xã hội lại tiếp tục hướng sự quan tâm của mình tới vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái gây thiệt hại cho nhà nước hơn 300 tỷ đồng của Dương Chí Dũng- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), sẽ đưa ra xét xử vào ngày 12/12 tới đây.

Nhìn nhận lại tất cả các vụ án liên quan tới tham nhũng, có thể thấy hầu hết đều rơi vào những người đứng đầu cũng như những nhân vật có chức, có quyền.

Điều này không khó để lý giải, vì chỉ những người có nắm được quyền hạn ở trong tay mới có cơ hội thực hiện hành vi tham nhũng của mình.

Chẳng hạn như vụ các bị can bị khởi tố vì liên quan đến các sai phạm trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines.

Theo đề nghị của Vinalines, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép triển khai lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam bằng nguồn vốn tự huy động theo đúng các quy định hiện hành.

Thủ tướng giao Bộ GTVT cập nhật dự án này vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung xây dựng nhà máy này vào quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy, chủ tịch HĐQT Vinalines vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương lập nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines tiếp tục điều chỉnh dự án lên đến hơn 6.488 tỉ đồng và giao Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines làm chủ đầu tư…

Như vậy, “cha đẻ” của tham nhũng chính là quyền lực. Biểu hiện của tham nhũng ở người đứng đầu không chỉ ở sự tham ô, chiếm đoạt về tài sản, vật chất mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, kể cả sự “lộng hành” để thỏa mãn cái tôi cá nhân, hòng nâng cao vị thế của bản thân mình chứ không phải vì tập thể.

Sự lợi dụng vị thế, quyền hành trong quá trình chỉ đạo, điều hành công việc để tạo lợi thế cho lợi ích cá nhân, lợi ịch cục bộ, địa phương hiện đang khá phổ biến và ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, thạm chí len lỏi vào cả quá trình xây dựng chính sách, văn bản.

Làm gì để có thể phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện muôn mặt của lạm dụng quyền lực nêu trên? Trong một cuộc họp về phòng chống tham nhũng mới đây, Thanh tra Chính phủ đã tìm được nguyên nhân của tham nhũng khá sát với thực tế.

Đó là do nhiều quy định của Luật PCTN và các văn bản dưới luật khi triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ hạn chế như: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn vướng mắc, chưa nghiêm; chuyển đổi vị trí công tác thiếu tính khả thi; trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng; công khai, minh bạch còn hình thức, đối phó...

Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hiệu quả chưa cao; việc xử lý tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN chưa đúng mức, chưa phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội, nhân dân trong PCTN; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương “người tốt, việc tốt” chưa được đề cao, bảo vệ, thậm chí còn xuất hiện tình trạng trù dập; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh...

Một khi đã tìm được đúng bệnh như vậy thì việc chữa trị sẽ không mấy khó khăn, điều quan trọng là cơ quan chức năng liên quan tới phòng chống tham nhũng có nỗ lực thực tâm để phòng chống hay không?

Hồng Thúy

2 nhận xét:

  1. Tiền bạc và quyền lực nó mê hoặc con người khiếp lắm, nếu không làm chủ bản thân mình thì rất dễ bị chúng thôi miên và làm bất cứ việc gì để có chúng mà thôi. Đối vớ quan chức nhà nước thì để có tiền có không ít người chọn con đường tham nhũng, điều đó cho thấy ngay trong xã hội hiện nay, có thể nói tham nhũng đang là quốc nạn hiện nay, nếu không giải quyết được triệt đệ vấn đề này thì mọi chỉ tiêu đặt ra khi xây dựng đất nước khó mà hoàn thành được.

    Trả lờiXóa
  2. Kiên quyết không để tham nhũng hoành hành gây thiệt hại bao nhiêu cho nhà nước ta, gây hậu quả tai hại cho sự quản lý nhà nước sau này, gây mất lòng tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý còn nhiều bất cập vì tham nhũng và quyền lực có mối quan hệ với nhau.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog