(PetroTimes) - Ngày 11/12, Straits Times tờ báo hàng đầu Singapore đã bầu Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là “Nhân vật châu Á của năm”.
Năng lượng Mới số 282
Cũng trong ngày 11/12, Tokyo đã công bố bản dự thảo chiến lược An ninh quốc gia mới - hoạch định lại chiến lược quốc phòng của Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc vừa công bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Dự thảo chiến lược An ninh quốc gia mới sẽ được thông qua vào thứ Ba tuần tới. Theo đó, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng 2014 lên gần 50 tỉ USD. Tokyo sẽ thành lập lực lượng đổ bộ, mua máy bay cảnh báo sớm và triển khai máy bay không người lái ở khu vực Tây Nam để bảo vệ các đảo xa trước sự dòm ngó của Bắc Kinh. Cùng ngày 11/12, Hàn Quốc đã kêu gọi Nhật Bản gỡ khỏi Internet một video clip dài 87 giây với tuyên bố: Tokyo có quyền sở hữu quần đảo Takeshima/Dokdo từ thế kỷ XVII.
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nhật Bản
Trước đó, tờ Sankei Shimbun đưa tin, Tokyo vừa tổ chức cuộc họp (với các tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản) qua truyền hình nhằm thảo luận các khả năng đối phó với Trung Quốc trên 3 tuyến: Đài Loan, eo biển Miyako và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong vòng 10/15 năm tới. Đây được coi là động thái nhằm đối phó với ADIZ do Trung Quốc đơn phương áp đặt từ ngày 23/11. Theo đó, máy bay chiến đấu F-15J của không quân Nhật Bản diễn tập để thăm dò khả năng của hệ thống radar Trung Quốc và được biết, hệ thống này chỉ có khả năng phát hiện những hoạt động hàng không ở tầm cao. Cuộc họp kể trên cho rằng, căng thẳng và nguy cơ xung đột quân sự giữa chiến đấu cơ của Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ngày càng gia tăng trong tương lai.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tại Bắc Kinh hôm 6/12 |
Ngày 10/12, Đài NHK cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera sẽ đối thoại với Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng quốc phòng song phương liên quan đến ADIZ của Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, tranh chấp về ADIZ tại biển Hoa Đông do Trung Quốc áp đặt phải được giải quyết thông qua đàm phán, thảo luận bởi cộng đồng quốc tế. Ông Itsunori Onodera cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau giải quyết vấn đề nghiêm trọng này bởi bất cứ hành động đơn phương mang tính đe dọa nào cũng phải được ngăn chặn. Trước đó (9/12), tờ Inquirer đưa tin, Bộ trưởng Itsunori Onodera đã thảo luận về mối quan ngại của Tokyo trước các hành động của Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Ngoại trưởng Australia Julia Bishop. Ông Itsunori Onodera cũng cho biết, Tokyo sẽ bày tỏ quan ngại nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Cũng trong ngày 9/12, Đài NHK đưa tin, Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản và Philippines đã phối hợp phản ứng với ADIZ của Bắc Kinh áp đặt ở biển Hoa Đông khi ông Itsunori Onodera và ông Voltaire Gazmin nhất trí làm việc cùng nhau để đối phó với ADIZ của Trung Quốc.
Trước đó ngày 8/12, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 3 tàu hải giám Trung Quốc lại đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Khẩu chiến giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh ADIZ tại biển Hoa Đông do Trung Quốc áp đặt đã và đang tạo bầu không khí căng thẳng giữa 2 nước khi Hạ viện Nhật Bản thông qua nghị quyết yêu cầu Trung Quốc từ bỏ ADIZ, còn Bắc Kinh đáp lại bằng tuyên bố Tokyo không có quyền đòi hỏi điều đó. Giới truyền thông cho rằng, chuyến công du châu Á của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (từ 2 đến 7/12) đã thất bại khi không thuyết phục được Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm được tiếng nói chung đối với ADIZ trên biển Hoa Đông.
Phản ứng của Mỹ, Indonesia và Ấn Độ
Ngày 10/12, Hãng tin Bloomberg dẫn lời giới học giả Mỹ nhận định, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật cờ vây để tiêu hao sức mạnh của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ tạm hoãn áp đặt ADIZ ở Biển Đông vì đang bận lắp đặt (bất hợp pháp) radar và các thiết bị đánh chặn ở Biển Đông. Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Carnegie cho Hòa bình quốc tế tại Washington Douglas Paal nhận xét, mặc dù ADIZ tại biển Hoa Đông không dẫn đến đối đầu trực tiếp nhưng nó đã thay đổi tương quan lực lượng truyền thống trên mặt đất. Theo cố vấn cấp cao về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế từ Washington Bonnie Glaser cho biết, nguy cơ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ lớn hơn. Còn theo nhận định của nhà phân tích các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương tại Oxford Analytica ở Anh Benjamin Charlton, áp đặt ADIZ sẽ giúp Bắc Kinh tạo lợi thế chiến lược, buộc Washington và Tokyo phải đối mặt với thực tế, chấp nhận đàm phán với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Trước đó (6/12), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã kêu gọi Trung Quốc thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm tránh những rắc rối nảy sinh tại ADIZ trên biển Hoa Đông. Washington không công nhận sự tồn tại của ADIZ chiếm tới 2/3 biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 5/12, lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã hối thúc Trung Quốc không thực thi ADIZ trên biển Hoa Đông. Cũng trong ngày 5/12, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã chỉ trích Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định việc Mỹ không chấp nhận ADIZ. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cũng khẳng định, các hoạt động của Mỹ tại khu vực này sẽ không thay đổi. Cùng ngày 5/12, Đài NHK đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, mối quan tâm lớn nhất của Washington đối với ADIZ của Trung Quốc là tuyên bố bất ngờ và không qua bất kỳ hoạt động tham vấn quốc tế nào, trong khi ADIZ ở biển Hoa Đông không có gì độc đáo.
Về phần mình, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi các nước Đông Á (6/12) kiềm chế để tránh tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước có lợi ích trong khu vực Đông Á tìm kiếm một giải pháp hòa bình, tránh đẩy tình hình khu vực trở nên tồi tệ hơn; đồng thời bày tỏ lo ngại rằng, nếu không được kiềm chế, tình hình căng thẳng gia tăng ở Đông Á cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng các nước khác, có thể làm bùng nổ xung đột quân sự, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Trước đó (chiều 5/12), Ấn Độ đã kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho tranh cãi về ADIZ của Trung Quốc vì vùng này có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ (Air India) tới Nhật Bản. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Martin Nesirky cho biết, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã hối thúc Nhật - Trung tiến hành đàm phán để chấm dứt tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng leo thang.
Nhận định của chuyên gia về ADIZ
Ngày 10/12, giới truyền thông Đài Loan đăng bài phân tích của 2 học giả Đài Loan là Giáo sư Trần Nhất Tân đến từ Đại học Đạm Giang và Giáo sư Phạm Thế Bình đến từ Viện Khoa học chính trị đại học Đài Loan cho biết 2 người này đều chung nhận xét, việc áp đặt ADIZ tại biển Hoa Đông là kế hoạch được chuẩn bị từ trước của quân đội Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh khó có thể áp đặt ADIZ ở Biển Đông trong thời gian tới cho dù Trung Quốc không từ bỏ tham vọng này. Một số học giả Trung Quốc nhận định, việc Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông là mang tính chiến lược lẫn chiến thuật, nhưng sẽ đánh mất láng giềng. Theo ông Chu Phương Ngân, Giám đốc Viện Chiến lược Ngoại vi và Toàn cầu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, ý tưởng về ADIZ được đưa ra tại hội nghị ngoại giao ở Bắc Kinh (24 và 25/10). Tại hội nghị này, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đưa ra chiến lược dài hạn về đối ngoại, theo đó Trung Quốc muốn các quốc gia láng giềng phải nhìn nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh bởi “vận mệnh của họ gắn với Trung Quốc chứ không phải với Mỹ, đơn giản là vì sự gần gũi về địa lý”.
Giáo sư Đại học Nhân Dân Thời Ân Hoằng, cố vấn chính sách đối ngoại của Chính phủ Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã rất kiên nhẫn, khôn khéo và sáng tạo khi lập ADIZ tại biển Hoa Đông. Trong khi đó ông Kim Lạn Vinh, Giáo sư cũng tại Đại học Nhân Dân cho rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra, bao gồm cả xung đột với chiến đấu cơ của Nhật Bản. Theo ông Kim Lạn Vinh, trừ phi Mỹ quyết định trực tiếp tham gia, tất cả mọi thứ cho đến nay vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Ngày 8/12, tờ Defense News dẫn phân tích của các chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, ADIZ của Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt ở biển Hoa Đông đã vượt ra ngoài phạm vi thách thức quân sự đối với Washington và các đồng minh trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh muốn áp luật chơi kiểu Trung Quốc trên các vùng biển. Nếu Mỹ chấp nhận luật chơi do Trung Quốc tạo ra, Bắc Kinh sẽ gửi thông điệp tới châu Á: Washington thừa nhận yếu hơn về quân sự tại khu vực này.
Ngày 8/12, Hàn Quốc chính thức công bố mở rộng ADIZ của nước này (có hiệu lực từ 15/12) nhằm đối chọi với quyết định thành lập ADIZ đơn phương của Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Theo Yonhap, khu vực ADIZ mở rộng này của Seoul sẽ khớp với vùng thông tin không lưu (FIR) rộng hơn của nước này, trong đó có bãi cạn Leodo, các đảo Marado và Hongdo. Một số chuyên gia cảnh báo khả năng xảy ra đụng độ quân sự sau khi Hàn Quốc mở rộng ADIZ. Trước đó (5/12), Asia Times Online đăng bài phân tích của học giả Stefan Soesanto cho rằng, việc đơn phương áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về tham vọng thực sự của Trung Quốc trong tương lai.
Phản ứng của Trung Quốc
Ngày 9/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tỏ ý lấy làm tiếc trước việc Seoul thông báo sẽ mở rộng ADIZ của Hàn Quốc thêm 66.480km2 (bằng khoảng 2/3 diện tích của Hàn Quốc). Cũng trong ngày 9/12, Nhật Bản đã chấp thuận một cách thận trọng quyết định của Hàn Quốc khi Seoul mở rộng ADIZ. Bởi ADIZ của Hàn Quốc khác với ADIZ của Trung Quốc vì nó không bao phủ không phận, lãnh hải và lãnh thổ của Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Seoul đã thông báo trước với Tokyo về kế hoạch này. Cùng ngày 9/12, Trung Quốc đã bày tỏ sự bất mãn trước những bình luận của Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, khi ông Hidehisa Horinouchi nói rằng: Trung Quốc mới là quốc gia theo chủ nghĩa quân phiệt, nếu Bắc Kinh lên án việc Nhật Bản thông qua đạo luật bảo vệ bí mật quốc gia sẽ dẫn tới chủ nghĩa quân phiệt.
Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân Dân, cố vấn chính sách đối ngoại của Chính phủ Trung Quốc |
Trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ở Bắc Kinh ngày 6/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, những tuyên bố gần đây xoay quanh ADIZ của Australia đã làm xói mòn lòng tin lẫn nhau và phủ bóng đen lên mối quan hê song phương. Mặc dù Bắc Kinh không hài lòng, nhưng Australia vẫn kiên quyết không rút lại chính kiến của mình đưa ra trước đó về ADIZ. Thiếu tướng La Viện cho rằng, Trung Quốc thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông là "bị ép" và "bất đắc dĩ".
Theo nhật báo Phương Đông (Hongkong), quân đội Trung Quốc đang tập trận quy mô lớn (tới 13/12) với sự tham gia của 20.000 binh sĩ của hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa tại tỉnh Sơn Đông. Khu vực tập trận tương đối gần Nhật Bản và Hàn Quốc. Cuộc diễn tập này được triển khai nhằm hậu thuẫn cho việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Cùng thời điểm này, trên mạng Trung Quốc đang lan truyền hình ảnh tàu đổ bộ đệm khí Zubr-Type 12322, biệt danh "Bò rừng châu Âu” (nhập từ Ukraine) được thử nghiệm trên Biển Đông. Đây là loại tàu đổ bộ tấn công đệm khí lớn nhất thế giới hiện nay.
Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, quân đội nước này sẽ tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông (tại 3 vùng với tọa độ từ 18 độ vĩ Bắc đến 111 độ kinh Đông, từ 18h00 ngày 3/12/2013 đến 18h00 ngày 3/1/2014, theo giờ địa phương) và trong thời gian kể trên yêu cầu tất cả các phương tiện không được qua lại khu vực này. Việc này diễn ra ngay sau khi có tin, Trung Quốc đang có kế hoạch cho tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm hạt nhân và máy bay chiến đấu J-15 tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Mục đích diễn tập nhằm đảm bảo các máy bay này có đủ năng lực tấn công các tiền đồn xa và duy trì khả năng chiến đấu trong 24 giờ. Ngày 8/12, báo mạng Want China Times tại Đài Loan cho biết, Trung Quốc có kế hoạch cho tàu sân bay Liêu Ninh cùng với máy bay chiến đấu J-15 tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông trong năm 2014.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, trong số 14.400 người thuộc 14 quốc gia tham gia khảo sát, có 30,3% nhận xét Trung Quốc là “tự tin” trong các vấn đề quốc tế, nhưng 25% cho là “cứng rắn”, “kiêu ngạo”, “ngông nghênh”, 29,4% cho là “hiếu chiến” và 28,1% cho là “phức tạp”, chỉ có 13% coi Trung Quốc là “hòa bình”. Ngày 8/12, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Trung Quốc đang tỏ ra rất tự tin rằng sẽ không có xung đột quân sự trên Biển Đông, bởi không ai trong số các nước hữu quan muốn mạo hiểm bất ổn trong khu vực này.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Không chỉ bị chỉ trích chơi không đẹp với các nước láng giềng, Trung Quốc còn bị phương Tây đánh giá là quốc gia thiếu dân chủ, làm hạn chế tín nhiệm của Trung Quốc trên trường quốc tế. Để khắc phục, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những hành động che mờ con mắt thiên hạ nhằm nhận được thái độ thiện chí với cộng đồng thế giới, tuy nhiên, giấc mộng “bá quyền hòa bình” vẫn chưa nguôi, nhất là trong thời gian gần đây trở nên hiếu chiến hơn với láng giềng trong việc tranh chấp biển đảo đã làm cho an ninh khu vực trở nên rối ren, phức tạp. Tập trận quy mô hơn, vũ khí tối tân hơn, và manh động hơn, phải chăng sẽ có cuộc đua ngầm quân sự mà Trung Quốc là kẻ chủ mưu ?
Trả lờiXóa