Làm sao ngăn chặn sự biến tướng của “quà biếu”?
VOV.VN-Chúng ta đã có chỉ thị cấm hành vi biếu quà cấp trên thì cũng cần nên có quy định cấp trên nhận quà của cấp dưới.
Câu chuyện quà biếu, quà tặng bị biến tướng những năm gần đây không còn xa lạ với nhiều người. Phần nào đó nó đã góp phần làm băng hoại thêm đạo đức xã hội, hư hỏng thêm một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, chủ chốt.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế tiêu cực nảy sinh từ những món quà “tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ” này, Ban Bí thư đã có Chỉ thị nêu rõ nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp Tết trái quy định. Dư luận nhân dân rất đồng tình và hưởng ứng. Nhưng để thực hiện đúng và thực chất yêu cầu đó, không phải việc dễ dàng.
Không chỉ năm nay, Ban Bí thư mới đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không biếu quà Tết cho cấp trên mà một số địa phương, Bộ, ngành cũng đã có quy định về nội dung này, nhưng dường như nó không giảm lại còn biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau, với tính chất, mức độ khó kiểm soát.
Tuy chưa có một kết luận chính thức nguyên nhân từ đâu, nhưng thực tế cũng đã chỉ ra rằng, thực chất của việc “biếu quà cấp trên” ấy là sự trao đổi, mua bán, trục lợi của những người, những nhóm người chịu sự ảnh hưởng của nhau. Nó xuất phát từ mối quan hệ vật chất, từ cơ chế xin-cho trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Bản thân quà biếu, quà tặng, bản thân những chiếc phong bì không có tội; thậm chí nó còn có ý nghĩa rất trong sáng, cao đẹp khi thể hiện tình cảm, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia giữa con người với con người. Nhưng có những người lại coi nó là một phương tiện để nhằm mục đích cá nhân, mưu cầu vụ lợi. Có thể nói hiện nay, ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể nảy sinh việc “biếu quà cấp trên”, và các “cấp trên” nhận quà cũng coi đó là “đương nhiên phải thế”! Điều đáng nói nữa là bên cạnh những hành vi dùng tiền, tài sản cá nhân để biếu xén thì nhiều người sẵn sàng dùng tiền công quỹ, ngân sách Nhà nước để trục lợi.
Thực trạng đó đã làm méo mó những mối quan hệ vốn tốt đẹp; làm cho người dân nghi ngờ năng lực, đạo đức, sự trung thực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nghi ngờ sự khách quan, công bằng của pháp luật. Và họ thực sự bất bình khi các cán bộ, đảng viên ấy sử dụng những đồng tiền thu được từ mồ hôi, công sức của họ để phục vụ cho mục đích của một cá nhân, hoặc của một nhóm người.
Rõ ràng là, để không còn những mối hoài nghi ấy, các văn bản, chỉ thị; các yêu cầu, quy định “cấm” đã là cần thiết, nhưng điều cần hơn, hiệu quả hơn là nó phải được xuất phát, được thể hiện bằng chính việc làm cụ thể từ những người giữ vị trí lãnh đạo, chủ chốt. Bởi một trong những nguyên nhân làm biến tướng việc biếu quà chính là sự không gương mẫu của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý. Họ là người truyền đạt yêu cầu của cấp trên, thậm chí là người đưa ra các quy định của đơn vị, ngành mình, lẽ dĩ nhiên họ phải là người đầu tiên thực hành quy định ấy. Khi người lãnh đạo, quản lý nghiêm túc trong lối sống, tuân thủ mọi quy định thì các nhân viên thuộc quyền sẽ lấy đấy làm gương và chắc chắn không dám thực hiện những hành vi đã bị “cấm”. Và việc làm đó phải biến thành phong trào, thành cuộc vận động thực hiện thường xuyên của cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Cùng với sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thì việc tham gia giám sát của các tổ chức, đoàn thể, của nhân dân là rất quan trọng. Mặc dù có thể cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra không biết được hết thủ đoạn, hành động “biếu quà” với mục đích vụ lợi, nhưng người dân lại giám sát được những việc làm đó. Thực tế đã có nhiều vụ việc, nhiều hành vi hối hộ được phanh phui cũng là bởi sự giám sát, tố giác của người dân.
Trong điều kiện vẫn còn khoảng trống về quy định của pháp luật đối với quà biếu, quà tặng, vẫn còn cơ chế xin-cho - mảnh đất màu mỡ của hối lộ dưới bỏ bọc “quà biếu” thì vai trò nêu gương, tiên phong gương mẫu của cấp ủy, đảng viên, đặc biệt là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cùng sự giám sát chặt chẽ của nhân dân sẽ có tính chất quyết định. Mặt khác, đã có chỉ thị cấm hành vi biếu quà cấp trên thì cũng cần nên có quy định cấp trên nhận quà của cấp dưới. Có như vậy mới ngăn chặn được sự biến tướng của “quà biếu”, và quy định “cấm biếu quà Tết cho cấp trên” mới có tính khả thi trong thực tiễn./.
Đàm Hoa/VOV1
Trao, tặng quà cho nhau nhất là trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, cưới xin, tết.. là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhưng hiện nay, dưới sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường quà biếu đã bị biến tướng, nhiều người lợi dụng hình thức này để thăng tiến quan lộ, nhiều người bị ép phải biếu quà vì theo trảo lưu, xu hướng... Mọi chế tài sẽ khó xử lý triệt để vấn đề này. Văn hóa .. muốn đúng nghĩa của nó, thì chỉ có nâng cao ý thức của mọi người là giải pháp bền vững và có hiệu quả.
Trả lờiXóaVậy chọn món quà sức khỏe dùng dành làm Quà biểu tết cho bố mẹ, người thân, quà biếu sếp, sẽ mang giá trị, ý nghĩa lớn với lời chúc sức khỏe sống lâu đến người yêu quý
Trả lờiXóa