Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông và địa chỉ trên internet làm rùm beng việc một vài cá nhân xin ra khỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam. "Tại sao họ lại làm rùm beng như thế?", đó là câu hỏi mà tác giả Hồ Ngọc Thắng phân tích trong bài viết gửi tới Báo Nhân Dân. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo...
Sống ở nước ngoài nhưng hằng ngày tôi vẫn luôn luôn quan tâm tới tình hình trong nước, hầu như tôi không bỏ qua những thông tin nào liên quan đến con người và Tổ quốc Việt Nam, vì ở đó tôi còn anh em, họ hàng và những người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ. Cái khó đối với một người sống xa Tổ quốc là luôn phải biết phân biệt thông tin đúng sự thật với thông tin không đúng sự thật, thông tin bị thổi phồng phục vụ ý đồ xấu. Mà trên internet lúc nào cũng tràn ngập thông tin, tin lành mạnh cũng nhiều, và tin không lành mạnh cũng lắm. Gần đây, tôi chú ý tới thông tin được mấy hãng truyền thông ở nước ngoài và một số trang mạng, blog đua nhau nhắc đi nhắc lại rồi bình luận, phỏng vấn với nội dung tiêu cực. Ðó là tin vài cá nhân tuyên bố ra khỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam, cả đơn từ của họ cũng được đưa trên in-tơ-nét. Tôi ngạc nhiên vì biết đó là điều hết sức bình thường với mọi đảng chính trị, không có gì là mới mẻ, đặc biệt. Vậy tại sao họ lại làm rùm beng như thế? Tin tức, bình luận của họ và mấy người hùa theo rất giật gân.
Tuy không phải là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng trong thời kỳ trước khi di cư hợp pháp sang châu Âu vì lý do gia đình, tôi tham gia Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam - nay là Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Qua bạn bè được kết nạp Ðảng, tôi biết thường là tổ chức Ðoàn, Công đoàn cơ sở hoặc đoàn thể giới thiệu thành viên gương mẫu về mọi mặt với Ðảng. Nếu được đồng ý, người đó sẽ dự khóa bồi dưỡng đối tượng Ðảng về lý luận, nghiên cứu Ðiều lệ Ðảng, rồi làm đơn, được đảng viên chính thức giới thiệu. Tại lễ kết nạp, đảng viên mới tuyên thệ suốt đời trung thành với Ðảng và sự nghiệp của Ðảng... Ðó là quy trình nghiêm ngặt, đâu phải làm đơn khoe khoang tôi giỏi lắm là sẽ được kết nạp! Hồi còn học cấp 3, trường tôi có một số học sinh được kết nạp vào Ðảng. Họ là học sinh gương mẫu, có thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng đạo đức, tích cực tham gia công việc của trường, xã hội. Ở chiến trường Quảng Trị, một số chiến sĩ trong trung đội của tôi được kết nạp ngay tại mặt trận. Họ là những người dũng cảm, gương mẫu, lập thành tích cao. Cần nhấn mạnh là mọi người đều tình nguyện, không bị ép buộc. Với người Việt Nam, được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam là một vinh dự. Trở thành đảng viên, họ xác định sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Một người tin tưởng vào lý tưởng của Ðảng, và vào Ðảng không vì mục đích vụ lợi, sẽ không bao giờ rời hàng ngũ của Ðảng, ngay cả trong giây phút nguy hiểm nhất. Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, đã chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, đạt được các thành tựu trong thời kỳ đổi mới là do có hàng triệu đảng viên mang phẩm chất như vậy. Một người nào đó bị khai trừ khỏi Ðảng sẽ thấy xấu hổ với gia đình, bạn bè, người quen, không "vạch áo cho người xem lưng" và thường phải giấu giếm. Nên điều tôi chú ý là tại sao một số người xin ra khỏi Ðảng lại khoe việc này trên internet như một "thành tích"?
Nhân nói đến việc gia nhập hoặc ra khỏi một đảng chính trị nào đó, xin dẫn lại một số số liệu. Ở phương Tây, một trong những điều lo ngại của các đảng chính trị là quá trình "lão hóa" đảng viên, đó là khi số đảng viên lớn tuổi ngày càng nhiều thêm, rồi số đảng viên bị khai trừ hay rời bỏ hàng ngũ tăng lên, mà đảng viên mới gia nhập không đủ để bù đắp về số lượng. Ở CHLB Ðức, một thí dụ về sự thăng trầm số lượng đảng viên là đảng Cơ đốc giáo Ðức (CDU) hiện nay do bà Thủ tướng A.Merkel làm Chủ tịch. Trong đợt bầu cử Quốc hội CHLB Ðức hôm 22-9-2013, đảng này thu thắng lợi rất lớn. So với các đảng khác, CDU có được số phiếu cử tri nhiều nhất để thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ xã hội Ðức (SPD), đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Nhưng trong 12 tháng vừa qua CDU lại mất 8.000 đảng viên. Thời hoàng kim về số lượng đảng viên của CDU là hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước. Lúc đó CDU có tới 750.000 đảng viên, cuối năm 2008 còn 530.755, tháng 5-2011 còn 499.646 đảng viên; hiện nay CDU có 468.329 đảng viên. Dù mấy năm qua CDU sút kém về số lượng đảng viên (281.671 người) nhưng không ai nói đảng này đang tan rã. Vừa qua, vì tranh luận liên quan tới việc chọn đảng viên của CDU làm ứng cử viên bầu vào Quốc hội CHLB Ðức, một đảng viên quan trọng của CDU đã bỏ đảng, đó là ông Siegfried Kauder. Từ tháng 11-2009 tới tháng 10-2013, ông là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Quốc hội CHLB Ðức. Ai quan tâm đến chính trị, đều biết ông là em trai một chính trị gia nổi tiếng của CDU - ông Volker Kauder. Ông Volker Kauder là đại biểu Quốc hội CHLB Ðức từ năm 1990, từ năm 2005 đến nay ông là Chủ tịch khối CDU/CSU trong Quốc hội CHLB Ðức. Tuy là anh em ruột, song trong quá trình hoạt động chính trị, họ lại không tìm được một con đường chung để phấn đấu vì sự nghiệp của cùng một đảng.
Ðảng lớn nhất ở CHLB Ðức là đảng Dân chủ xã hội Ðức (SPD) cũng không tránh khỏi tình trạng suy giảm số lượng đảng viên. Năm 1977, đảng này có tới một triệu đảng viên, nhưng sang những năm 80 của thế kỷ trước còn 900.000 đảng viên. Trong những năm sau đó, SPD mất tới 400.000 đảng viên. Tháng 11-2013, SPD chỉ còn 474.820 đảng viên. Vừa qua, vì bất đồng quan điểm mà một nhân vật chủ chốt của đảng này đã rời khỏi đảng, đó là ông Wolfgang Clement. Từ năm 1998 đến năm 2002, ông là Thủ hiến tiểu bang Nodrhein-Westfalen có số dân đông nhất với 17,6 triệu người, rồi làm Bộ trưởng Liên bang phụ trách kinh tế và việc làm (nhiệm kỳ từ năm 2002 đến năm 2005). Một trong các điểm ông tranh cãi gay gắt với đảng của mình là SPD muốn đưa ra quy định pháp lý về mức lương tối thiểu cho người lao động. Tuy thuộc vào nhóm thiểu số, nhưng ông không chấp nhận ý kiến của đa số đảng viên. Có một điều thú vị là quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động không những đã được thông qua trong nghị quyết của SPD, mà còn được ghi vào thỏa thuận mới đây giữa SPD và CDU, CSU để thành lập Chính phủ liên minh.
Ở quốc gia khác của châu Âu, thí dụ Vương quốc Anh, đảng cầm quyền hiện nay là Ðảng Bảo thủ, thành lập năm 1834, cũng có sự sụt giảm về số lượng đảng viên. Năm 1980, đảng này có 400.000 đảng viên, nhưng đến năm 2012 còn 130.000 đảng viên. Tuy giảm tới hai phần ba đảng viên, nhưng không có ai, kể cả phe đối lập ở Anh, cho rằng là Ðảng Bảo thủ đang tan rã. Một sự kiện mới đây ở Hoa Kỳ đã làm Tổng thống Obama và Ðảng Dân chủ phải đau đầu là việc do bất đồng với chính sách của Nhà Trắng, Hạ nghị sĩ thuộc Ðảng Dân chủ Parker Griffith đã rời bỏ hàng ngũ và gia nhập Ðảng Cộng hòa. Griffith ở nhóm bảy người của Ðảng Dân chủ tại Hạ nghị viện Hoa Kỳ không chỉ phản đối chính sách y tế, mà còn bỏ phiếu chống biện pháp kích thích kinh tế của Tổng thống Obama, chống dự luật thay đổi khí hậu mà Chủ tịch Hạ viện thuộc Ðảng Dân chủ Nancy Pelosi nhiệt tình xúc tiến. Nhưng với người dân Hoa Kỳ thì sự kiện này cũng rất bình thường.
Ở các nước kể trên, dư luận chỉ biết số đảng viên ra hoặc vào một đảng nào đó sau khi lãnh đạo đảng công bố, còn thông thường chỉ người đó và cơ sở người đó sinh hoạt mới biết, không ai làm đơn ra đảng hoặc vào đảng rồi đưa lên in-tơ-nét để quảng cáo. Riêng đảng viên giữ trọng trách của một đảng hay đảng viên là dân biểu của một đảng thì khi ra khỏi đảng sẽ công bố cho dân chúng, cử tri, để họ nắm bắt được xu hướng chính trị mới của người này, như các ông Wolfgang Clement, Parker Griffith đã nhắc tới ở trên. Chỉ với các đảng viên vào hàng "đặc biệt" như họ, báo chí, truyền hình mới đưa tin, phỏng vấn, chủ yếu giúp công chúng sáng tỏ vấn đề, không phải để tôn vinh người xin ra đảng, cũng không phải từ đó tung tin đảng này, đảng khác tan rã đến nơi! Với đảng viên bình thường thì báo chí, truyền hình hầu như không quan tâm. Do đó, việc các cơ quan truyền thông như BBC, VOA, RFI,... quan tâm tới vài ba người xin ra khỏi Ðảng Cộng sản Việt Nam là rất không bình thường, chắc chắn họ có mục đích riêng thiếu thiện chí.
THỜI gian trước, tôi có đọc một số bài, nghe mấy người gần đây xin ra Ðảng trả lời phỏng vấn của BBC, RFA, VOA,... Lúc đó tôi cứ ngỡ họ không phải đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, bởi nếu là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không ai viết như thế, nói như thế. Hóa ra không phải. Nên tôi nghĩ chẳng cần làm đơn, họ cũng đã không còn là đảng viên rồi. Việc họ và một số người làm ầm ĩ chỉ để "ghi điểm" với ai đó, hoặc họ cố tình làm rùm beng để làm ảnh hưởng tới uy tín của Ðảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Với bất cứ đảng chính trị nào cũng vậy, chất lượng đảng viên, số lượng đảng viên luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng theo tôi, chất lượng đảng viên vẫn là yếu tố quan trọng hơn, vì đường lối và vai trò tổ chức, lãnh đạo của đảng, tác động và ảnh hưởng của đảng với xã hội trước hết phụ thuộc vào sự tín nhiệm của nhân dân đối với từng đảng viên. Vì thế, có thể nói mấy người làm rùm beng chuyện xin ra khỏi Ðảng đã tự đào thải mình, tự loại mình khỏi đội ngũ những người cộng sản chân chính.
HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ÐỨC)
Bây giờ thì những người đang mạo danh dân chủ còn nói gì được nữa không? Hết đường lý luận nhé!
Trả lờiXóaThì những người khua chiêng gõ mõ về chuyện này đều với mục đích đánh bóng tên cá nhân và thực hiện theo yêu cầu của người khác. Họ có phải thực sự vì nghĩ cho đất nước hay điều gì to tát đâu.
Trả lờiXóaCó người kích động để cho nhóm zân chủ oẳng lên như vậy.
Trả lờiXóaKhông ai lạ gì cả nhưng không nói ra. Kẻ xấu thì lộ mặt ngay thôi.