TTCT - Việc thất thủ Hoàng Sa là hậu quả của những đổi chác giữa Mỹ và Trung Quốc, mà chủ súy chính là cố vấn Henry Kissinger.
Đảo Hữu Nhật - Ảnh: Nhóm Trúc Nam Sơn
Chính sách của Mỹ trước trào Nixon, tức trước Kissinger, hoàn toàn khác. Còn từ “trào Kissinger” trở đi là trái nghịch hoàn toàn, thậm chí cả các đồng minh Đài Loan và Nhật Bản cũng “nếm mùi” ông này.
Nếu biết rằng vào ngày 24-4-1965, tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson đã ký chỉ thị hành pháp số 11216 (Executive Order 11216) đặt Việt Nam và toàn thể khu vực Hoàng Sa và Trường Sa “trong vùng chiến sự”, thì có thể thấy việc chín năm sau Kissinger và Richard Nixon “buông” Hoàng Sa là một sự bội phản không chỉ với Việt Nam mà cả với các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.
Hoàng Sa trong "vùng chiến sự"
Tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ (FRUS, 1955-1957 - Volume III, China, Document 186) cho biết hôm chủ nhật 10-6-1956, tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn báo cáo việc Bộ Ngoại giao VNCH báo động với tòa đại sứ Mỹ rằng “Chicom (quân Trung Cộng, cách gọi lúc đó của VNCH và Mỹ cùng đồng minh) đổ bộ lên đảo Robert (đảo Hữu Nhật)”, căn cứ trên báo cáo của trạm khí tượng của VNCH trên đảo Pattle (tức đảo Hoàng Sa) trong quần đảo Paracels (Hoàng Sa).
Trong cuộc họp sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bảo các cộng sự của mình xem xét khả năng viện dẫn hiệp định kết thúc chiến tranh với Nhật Bản, theo đó Hoa Kỳ có quyền hạn và trách nhiệm kế thừa đối với tất cả lãnh thổ Nhật chiếm đóng trước kia. Ông cũng chỉ thị xem xét khả năng đơn phương ra tay hành động chiếu theo tinh thần điều 8 hiệp ước SEATO (Liên phòng Đông Nam Á), theo đó Mỹ có nhiệm vụ phòng thủ khu vực này, một khi máy bay thám thính của hạm đội 7 xác nhận nguồn tin từ phía Sài Gòn, và sau khi đã thăm dò đánh giá tính hiệu quả của biện pháp đề ra.
Ngày hôm sau, thứ hai 11-6-1956, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tiếp bức điện Deptel 4021 cho tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và tại Đài Loan, cho biết “Các lực lượng khả dụng của Mỹ trong khu vực sẽ đơn phương hành động buộc Trung Cộng rút lui sau khi đã cảnh cáo”, đồng thời yêu cầu “cố đạt đến một thỏa thuận hành động hỗn hợp lực lượng giữa Trung Hoa Dân Quốc và Sài Gòn”.
Trong thời gian đó, hạm đội 7 phái hai tuần dương hạm và một số máy bay thám thính đến khu vực Hoàng Sa thực hiện các cuộc thám thính trên biển, trên không và cả trên bộ ở đảo Hữu Nhật trong hai ngày 12 và 13-6. Trong bức điện sau đó gửi CINCPAC (bộ chỉ huy trung tâm), phó đô đốc Ingersoll, tư lệnh hạm đội 7 kiêm tư lệnh bộ chỉ huy lực lượng Mỹ phòng vệ Đài Loan, loan báo các kết quả thám thính:
“Thay đổi duy nhất ở Hoàng Sa trong mấy tháng qua chỉ là việc Trung Cộng tăng người lên đảo Woody (Phú Lâm)... Hoạt động của họ hầu như chỉ là thu gom phân chim. Không thấy binh sĩ hay vũ khí”. Và ông kết luận: “Trong những điều kiện trên, hiện chưa đến lúc Mỹ phải quét sạch bọn Trung Cộng ra khỏi đảo Phú Lâm. Một nỗ lực chung giữa Đài Loan và (Nam) Việt Nam cũng không tiện...”.
Câu chuyện trên cho thấy vào năm 1956 đó, dưới trào Tổng thống Dwight D. Eisenhower, Mỹ khẩn trương đáp ứng bảo vệ Hoàng Sa, thậm chí còn thoáng có ý định tổ chức cho Đài Loan và Sài Gòn cùng phối hợp đuổi Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa!
Tạm lấy mốc chín năm sau, lập trường của Mỹ về Hoàng Sa vẫn không thay đổi, thậm chí mạnh mẽ hơn qua việc Tổng thống Johnson ký chỉ thị hành pháp số 11216 đặt Việt Nam và toàn thể khu vực Hoàng Sa và Trường Sa “trong vùng chiến sự”, khiến Trung Quốc tức điên lên.
Đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan là Wang đã gặp đại sứ Mỹ Cabot tại Ba Lan để phản kháng. Đại sứ Cabot sau đó đã đánh điện báo cáo lại Bộ Ngoại giao: “Wang nói là đã được lệnh phản đối mạnh mẽ chỉ thị hành pháp ngày 24-4 của tổng thống bao gồm đảo Hoàng Sa trong vùng biển chiến sự. Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ đây... Tôi đã bác bỏ những khiếu nại của Wang về đảo Hoàng Sa”.
Không chỉ đại sứ họ Wang này mà một đại sứ cùng họ Wang khác thay thế vào tháng 7 sau đó đã đưa ra vô số khiếu nại và đều nhận được cái lắc đầu của đại sứ Cabot. Đơn giản vì Hoàng Sa là của Việt Nam, đang do VNCH quản lý.
Và Kissinger xuất hiện
Chín năm sau, Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974 và Nhà Trắng ra thông cáo trong bức điện mang mã số 1974STATE012641_b, đề ngày thứ bảy 19-1-1974: “Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình... Chúng tôi không rõ vụ đụng độ này đã nổ ra trong hoàn cảnh nào. Lực lượng quân sự Mỹ không dính dự vào vụ này...”.
Một thái độ hoàn toàn khác với trước kia!
Chẳng qua do “vua đi đêm” Kissinger (cách gọi của báo chí Sài Gòn) đã quân sư cho Tổng thống Nixon, kế vị Tổng thống Johnson từ 20-1-1969, bắt tay với Trung Quốc để đối trọng với Liên Xô lúc đó đang căng thẳng với Trung Quốc, và tìm một lối ra khỏi Việt Nam trong danh dự.
Trong các vụ “đi đêm” đó, Kissinger đã lần lượt “biếu” Trung Quốc những món quà sau để đổi lấy chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2-1972: ngày 10-6-1971, Nhà Trắng loan báo chấm dứt lệnh cấm vận thương mại Trung Quốc kéo dài 21 năm; ngày 28-7-1971, Chính phủ Mỹ loan báo ngưng việc thu thập tin tức tình báo về Trung Quốc; ngày 2-8-1971, Ngoại trưởng Roger loan báo Mỹ sẽ thôi chống lại việc Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc, song sẽ không bỏ phiếu trục xuất Đài Loan...
Về phần mình, nhật báo Hồng Kỳ cũng hôm 2-8 đó giải thích rằng việc Trung Quốc mở ra với Mỹ là do Trung Quốc phải liên minh với “kẻ thù bậc hai” là Mỹ, để cô lập và tấn kích “kẻ thù bậc nhất” là Liên Xô. Trung Quốc lúc đó rất muốn “ẩu đả” với Liên Xô, thậm chí hôm 21-4 trước đó Nhân Dân Nhật Báo đăng bài xã luận kêu gọi lật đổ chính quyền Xô viết, khiến lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev lên án chiến dịch chống Liên Xô này của Trung Quốc.
Song món quà thượng hạng mà Kissinger biếu Bắc Kinh là chuyến bay đến Bắc Kinh hôm 20-10-1971 và lưu lại tại đó. Đến 25-10, ở New York, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết mời Đài Loan ra, Trung Quốc bước vô thay thế. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc lúc đó là George Bush (bố) than rằng việc Kissinger có mặt tại Bắc Kinh trong thời điểm đó đã ngáng trở các nỗ lực của Mỹ nhằm giữ ghế cho Đài Loan.
Những đổi chác qua lại đó đã đưa Nixon sang Trung Quốc “đi tour bảy ngày” Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải từ 21 đến 28-2-1972, mà đỉnh cao là Thông cáo chung Thượng Hải (Sino-U.S. relations, PBS.org).
Nixon từ Trung Quốc về được một tháng thì Bắc Kinh bắt đầu phản kháng về Hoàng Sa, song lần này phản ứng của Mỹ khác trước.
Bức thư của Chính phủ Mỹ gửi Chính phủ CHNDTQ (được lưu trong FRUS volume XVII, số 219) không ghi ngày tháng, phúc đáp việc Trung Quốc phản kháng việc tàu chiến Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa: “Phía Mỹ đã tiến hành điều tra toàn diện các sự cố mà phía Trung Quốc đã lưu ý hôm 24-3-1972... Vì lợi ích của quan hệ Mỹ - Trung, phía Mỹ đã ra chỉ thị (cho tàu bè, tàu bay của mình) từ nay giữ khoảng cách tối thiểu 12 hải lý với các đảo Hoàng Sa...”.
Tuy vẫn bảo rằng quyết định này không can dự gì đến các tranh chấp lãnh thổ ở Hoàng Sa, song khi hứa tránh xa 12 hải lý đã là thừa nhận lãnh hải của Trung Quốc ở Hoàng Sa rồi. Bức thư này chẳng qua là một văn bản phản ánh nội dung cuộc trao đổi giữa Hoàng Hoa - đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc - với Kissinger hôm 12-4-1972 ở New York, qua đó Hoàng Hoa yêu cầu Mỹ giữ khoảng cách 12 hải lý ở Hoàng Sa, và Kissinger đã hứa miệng (FRUS, Document 220. Memorandum of Conversation).
Thái độ này của Mỹ năm 1972 khác hẳn trước kia dưới trào Tổng thống Johnson, Kennedy và Eisenhower. Nguyên nhân? Hoàng Sa chỉ là một trong những “vật đổi chác” của Kissinger, thậm chí rất nhỏ! Tỉ như so với Đài Loan mà nay tờ Want China Times 29-11-2013 đã tiết lộ rằng tháng 1-1974, Tưởng Giới Thạch đã phải lần đầu tiên để cho hạm đội Đông Hải đi qua eo biển Đài Loan kể từ 25 năm qua khi Quốc Dân đảng tháo chạy về Đài Loan.
Hạm đội Đông Hải đi qua eo biển này để đổ xuống Hoàng Sa cho nhanh, thay vì đi vòng sau lưng Đài Loan như trước. Biết sao bây giờ, Tưởng Giới Thạch giữ thân mình còn chưa xong, làm sao cứu bồ đồng minh Nguyễn Văn Thiệu được!
Có gì biếu nấy: Senkaku cũng muốn biếu!
Biếu xén Bắc Kinh đã trở thành một thói quen mới của Kissinger. Ngày 31-1-1974, tức 12 ngày sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Kissinger (lúc này đã thôn tính luôn ghế ngoại trưởng) họp với các thuộc cấp ở Bộ Ngoại giao.
Biên bản phiên họp đó còn ghi rằng sau khi Hummel, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á, báo cáo tình hình ở Hoàng Sa đã xong xuôi, không còn bất cứ hoạt động quân sự nào nữa và các nước trong khu vực từ Nhật Bản đến Philippines và VNCH đều đang âu lo, đặc biệt VNCH đã đổ bộ 200 binh sĩ lên Trường Sa, thì Kissinger chợt hỏi: “Liệu có thể thúc họ hướng đến đảo Senkaku được không?”.
Trợ lý Hummel ngớ cả người: “Xin ngài thứ lỗi, nghe chưa rõ ạ?”. Kissinger lặp lại: “Liệu chúng ta có thể thúc họ đến Senkaku được không?”. Trợ lý Hummel vẫn chưa hiểu ra: “Thúc ai ạ?”. Kissinger tỉnh bơ trả lời: “Thúc CHNDTH”.
Trợ lý Hummel lúc này tỉnh ra, hỏi vặn: “Ngài có chắc là chúng ta muốn làm điều đó không?”. Kissinger quả quyết: “Thì để dạy dỗ người Nhật”. Không nhất trí, Hummel hỏi vặn lại thẳng thừng: “Tôi cũng hiểu rằng chúng ta cần dạy dỗ người Nhật, song với cái giá đó thì có đáng hay không?”. Đến đây, Kissinger “chém vè”: “Không, không” (Minutes of the Secretary of State ‘s Staff Meeting Washington, January 31, 1974).
Chẳng qua Kissinger lúc đó đang hậm hực Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka vì ông này không chịu nhượng bộ thương mại với Mỹ. Nếu nhớ rằng mới năm 1972, Mỹ đã trao trả lại đảo Senkaku cho Nhật, thì việc Kissinger đòi thúc Trung Quốc “quậy” Nhật ở Senkaku năm 1974 quả là...!
Biếu cả thiên hạ chưa đủ, năm 2005, cố vấn cao cấp Công ty dầu hỏa CNOOC Kissinger còn định biếu cả dầu hỏa Mỹ cho Trung Quốc khi chỉ đường cho công ty này mua lại Công ty dầu hỏa Unocal của Mỹ, song cuối cùng bị Quốc hội Mỹ ngăn trở. Bởi thế Trung Quốc mới thỉnh Kissinger sang Bắc Kinh để mừng thượng thọ 90 tuổi.
Danh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét