PL&XH - Năm Quý Tỵ khép lại, một năm mới đến gần hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp. Song, những chuyện buồn về những vụ án oan sai lại không dễ khiến mọi người thôi day dứt.
Biết rằng trong cuộc đời, điều thiện, chính nghĩa luôn chiến thắng và cuối cùng nạn nhân sẽ đòi được lẽ công bằng, thế nhưng đằng sau những án oan ấy là vô vàn đắng cay…
Cô sinh viên cầu cứu văn phòng luật sư...
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết, vụ thứ nhất xảy ra từ năm 2010, chị Bùi Thị Hường (tên đã được thay đổi) là giáo viên của một trường phổ thông tại tỉnh Sơn La. Chồng chị Hường không may mất sớm, gánh nặng gia đình đổ lên vai khi chị một tay nuôi hai cô con gái đang tuổi đến trường. Thời điểm xảy ra sự việc, cô con gái lớn đang là sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội, còn cô con gái út mới 13 tuổi, đang học tại chính ngôi trường mà chị Hường làm giáo viên.
Khoảng 18g ngày 28 – 8 – 2010, cô con gái út của chị Hường đến chơi nhà một người bạn học. Tại đây, cô bé đã bị đối tượng Nguyễn Văn Hưởng, sinh năm 1990 là nhân viên làm công, lừa vào một căn phòng nhỏ rồi thực hiện hành vi đồi bại, bất chấp sự phản kháng của cô bé 13 tuổi vừa ốm dậy sau mổ ruột thừa.
Chị Bùi Thị Hường nghe con kể về sự việc, đã lập tức gọi điện thông báo với bà chủ của Nguyễn Văn Hưởng, đồng thời trình báo cho cơ quan chức năng tại địa phương. Phần vì muốn tránh điều tiếng không hay cho cô con gái nhỏ, phần vì sự rộng lượng, theo đề nghị chị Hường đã chấp nhận “dàn xếp tình cảm” giữa hai gia đình.
Trước sự chứng kiến của các bên, trong đó có cả đại diện CA phường sở tại, hai bên đồng thuận viết giấy cam kết. Theo đó, gia đình kẻ gây ra tội lỗi tự nguyện bồi thường khoản tiền 130 triệu đồng. Đổi lại chị Bùi Thị Hường sẽ không kiện Hưởng ra pháp luật. Gia đình Nguyễn Văn Hưởng đưa trước 50 triệu đồng, số tiền còn lại xin hứa vài ngày sau sẽ đưa nốt. Chị Bùi Thị Hường cũng đồng ý cho mẹ con Hưởng tá túc tại nhà để tiện đi lại xoay sở, giải quyết hậu quả.
Vẻn vẹn chỉ 4 ngày sau thời điểm con gái út của chị Hường bị làm nhục, khoảng 2g sáng ngày 1 – 9 – 2010, rất nhiều CA TP Sơn La ập đến gia đình chị Hường để kiểm tra hành chính, tạm trú tạm vắng. Lúc này cả hai mẹ con Nguyễn Văn Hưởng đang ở nhờ nhà chị Hường mà không khai báo tạm trú, nên CA đưa cả hai người và chủ nhà là chị Hường về đồn giải quyết. Trong khi đó, cô con gái út của chị Hường vẫn còn chưa hoàn hoàn hồn sau cú sốc bị “hãm hại”. Do mẹ bị đưa vào đồn CA, chị gái vẫn đang học dưới Hà Nội, không có người chăm sóc nên cô con gái út của chị Hường lo lắng hoảng loạn, thần kinh suy sụp. Cô bé co giật, sốt cao tới hơn 40 độ, huyết áp tụt. Người nhà của cháu sau khi hay tin đã chạy vạy suốt đêm, gõ cửa cầu cứu một số bác sĩ nhưng không ai dám đến chữa trị. Trong giờ phút nguy cấp, một người đã dùng nước gừng tươi cho cô bé uống. Rất may bài thuốc dân gian có hiệu nghiệm. Nhưng, tai họa chưa dừng lại ở đây khi cơ quan CA căn cứ vào lời “tố cáo ngược” của gia đình Nguyễn Văn Hưởng, ra quyết định bắt tạm giam chị Bùi Thị Hường về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Trước nỗi oan trái mà gia đình phải gánh chịu, cô con gái đầu của chị Bùi Thị Hường, lúc này đang học ở Hà Nội, đã tìm đến văn phòng luật sư Đức Thịnh cầu cứu. Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đã nhận lời vào cuộc.
“Khi nghe hết câu chuyện mà cô gái kể, bằng linh cảm nghề nghiệp, tôi nghĩ rằng sự việc có nhiều uẩn khúc cần phải làm rõ. Ngay lập tức, tôi hướng dẫn con gái chị Bùi Thị Hường viết đơn gửi cơ quan chức năng, kêu oan cho mẹ. Tôi khăn gói lên Sơn La để xác minh, thu thập chứng cứ làm sáng tỏ vụ án. Sau đó VKSND TC có văn bản gửi Viện trưởng VKSND TP Sơn La, đề nghị kiểm tra lại toàn bộ sự việc và báo cáo kết quả để VKSND TC được biết.
Với sự tích cực của các cơ quan chức năng, sự thật dần sáng tỏ. VKSND TP Sơn La đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can Bùi Thị Hường và đình chỉ điều tra vụ án” - Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến hồi tưởng.
Ngày 23–9–2010, chị Bùi Thị Hường bật khóc như mưa khi được trả tự do, sau hai mươi ba ngày bị tạm giam oan ức. Đó cũng là những ngày tháng đầy tủi cực, âu lo trước tai họa cũng như số phận hẩm hiu của cô con gái ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Sau đó, VKSND TP Sơn La đã phải xin lỗi công khai chị Bùi Thị Hường và bồi thường 30 triệu đồng bao gồm các khoản: Tổn thất tinh thần, tổn hại sức khỏe, mất thu nhập thực tế, chi phí cấp dưỡng cho con, chi phí cho người bị oan và cho người đi kêu oan. Cuối cùng, đối tượng Nguyễn Văn Hưởng, cũng phải trả giá cho hành vi đồi bại của mình bằng mức án 15 tháng tù giam.
Một nạn nhân của vụ khởi tố và bắt tạm giam oan sai, sau đó VKSND tỉnh đã công khai xin lỗi (ảnh do luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cung cấp)
Những bài học…
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, ở vụ án oan trên, cán bộ điều tra đã không khách quan thận trọng. Họ đã điều tra theo hướng áp đặt ý chí chủ quan.
Về vấn đề bồi thường cho nạn nhân trong các vụ án oan sai, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến khẳng định, nạn nhân bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Cơ quan nhà nước để xảy ra oan sai phải bồi thường theo các quy định của pháp luật, nhưng rất khó xác định thiệt hại của nạn nhân trong thực tế. Vì thế yêu cầu bồi thường của nạn nhân đưa ra và xác định mức bồi thường của cơ quan chức năng là luôn vênh nhau. Trường hợp cô giáo Bùi Thị Hường xác định thu nhập không khó. Nhưng trường hợp của người kinh doanh thì xác định mức thu nhập thực tế rất khó khăn. Xác định vấn đề tổn thất tinh thần, tổn hại sức khỏe thì lại càng phức tạp. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải khách quan, công tâm, tôn trọng pháp luật khi tiếp cận sự việc. Đồng thời phải thật thận trọng khi đưa ra quyết định của mình.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: “Các nạn nhân oan sai đã phải nhận nhiều sự thiệt thòi …
“Theo luật định, ngay khi bị can bị tạm giữ thì phải cho luật sư tham gia cùng các cơ quan chức năng tiến hành hoạt động điều tra làm sáng tỏ sự việc. Nhưng nhiều trường hợp, CQĐT và VKSND, ép bị can từ chối gặp luật sư. Tình hình này nếu không được cải thiện, e rằng sẽ có thêm nhiều vụ oan sai tương tự tái diễn” – luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nói thêm.
Ở nhiều vụ án oan sai, dẫu cuối cùng nạn nhân vẫn đòi được lẽ công bằng, thế nhưng đằng sau những vụ án oan ấy là biết bao chua xót, đắng cay. Cái giá mà nạn nhân đã phải trả vô cùng lớn, không thể nào bù đắp… Nhiều trường hợp đến khi được pháp luật minh oan xin lỗi thì dường như đã quá muộn… Vậy nên, tiễn năm cũ cũng là thời khắc chúng ta cầu mong mọi điều tốt đẹp, hướng tới một xã hội công bằng, sung túc an vui và… không còn những vụ oan sai như vậy nữa.
Sỹ Hào/Pháp luật và Xã hội
Chúng ta cần phải hạn chế đến mức tối đa những vụ oan sai như vậy, bởi lẽ chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì những việc oan sai như vậy chúng ta cũng cần hết sức tránh, để nhân dân có sự tin tưởng hơn vào hệ thống pháp luật của nước nhà, sự làm việc công tâm của các cơ quan nhà nước trong đó có lực lượng công an nhân dân.
Trả lờiXóaLuật pháp của ta còn chưa hoàn thiện. Vì thế, cộng thêm cách làm việc vô trách nhiệm, tiêu cực của cán bộ nữa thành ra số lượng án oan sai.
Trả lờiXóaNhững người bị oan sai khổ sở bao nhiêu, có khi gần nửa cuộc đời. Liệu cán bộ làm sai có day dứt lương tâm không?
Trả lờiXóaLàm cán bộ mà không có tâm, không hiểu biết kỹ về lĩnh vực mình phụ trách thì chuyện oan sai là đương nhiên
Trả lờiXóaCó những trường hợp cán bộ làm sai do hạn chế về nhận thức chứ tâm tính thì rất tốt.
Trả lờiXóaCán bộ làm sai phải xử lý nghiêm, thậm chí cho thôi việc. Có như thế người ta mới tập trung cao độ vào công việc.
Trả lờiXóa