Trên mỗi nẻo đường tôi lang thang tác nghiệp, bất chợt gặp hình ảnh người con gái đang tảo tần với những công việc hàng ngày, bất chợt tôi lại thấy bâng khuâng…
Và cái “lý lơi” dù vô tình hay hữu ý của người đời giống như một thực tế chua chát, ám ảnh biết bao tâm hồn đa cảm, đa mang. Tháng ba, có chút gì đó nhớ… có chút gì đó thương… có chút gì đó chênh chao của những ngày đổi gió. Tháng ba… hoa gạo đỏ miên man một miền ký ức. Và ở một bến sông quê nào đó, có một người con gái đang ngồi ngẩn ngơ thương nhớ một thời con gái tài sắc đa đoan của mình.”
Tôi chợt mường tượng ra khung cảnh ấy khi nghe ca khúc Chị tôi phát ra từ chiếc radio cũ kỹ. Hình ảnh cô ca sĩ “tóc ngắn” Mỹ Linh trẻ măng với mái tóc giả dài mượt lang thang trên những con phố của Hà Nội khiến cho những người khó tính nhất của đất Hà thành xưa cũng phải ngẩn ngơ, xao động. Có một cái gì đó khắc khoải toát lên từ những ca từ mộc mạc kia:
Thế là chị ơi/ Rụng bông hoa gạo/ Ô hay! Trời không nín gió cho ngày chị sinh
Câu hát như chơi vơi, thảng thốt khi bắt đầu bằng một câu cảm thán. Một tiếng gọi thiết tha, ngậm ngùi vang vọng đến tận đáy sâu của tâm hồn người viết. Hình ảnh người chị xuất hiện đầu tiên với một dự cảm không suôn sẻ: Ngày chị sinh là một ngày trời chẳng chịu lặng gió, ngày những cánh hoa gạo đỏ rực rơi miên man đến cháy lòng.
Điểm nhấn của đoạn bài hát vẫn là một câu cảm thán, một nốt nhạc bỏ lửng giữa chừng. Dường như người viết đã mơ hồ cảm nhận được cái đa đoan trong số mệnh của người con gái. Và ở đoạn sau, điều ấy đã được phúc đáp:
Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở/ Cho làm câu hát để người lý lơi
Những ca từ trầm, buồn, da diết như khắc sâu trong tâm trí người nghe. Hình ảnh người con gái ngoan hiền nhưng không có được sự hồn nhiên, thanh thản trong cuộc đời khiến ta day dứt khôn nguôi. Vận mệnh đa đoan của người con gái, của người chị gái chính là cái đối lập giữa sự tài hoa và lận đận đằng đẵng đường trần.
Có lẽ đó là một quy luật chung của những người phụ nữ bao đời nay? Như trò trêu cợt của tạo hóa, người con gái mang trong mình tất cả sự hoàn mỹ nhưng luôn phải thấp thỏm lo âu cho cuộc sống của mình. Và cái “lý lơi” dù vô tình hay hữu ý của người đời giống như một thực tế chua chát, ám ảnh biết bao tâm hồn đa cảm, đa mang.
Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình duyên bỏ chợ/ Tình người đa đoan
Bài hát thật ngắn gọn nhưng lại chưa đừng một tình cảm lớn đối với một người con gái, một người chị gái. Và cũng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ vẽ lên hình ảnh một người chị với tất cả những nét chấm phá của cuộc đời. Ấy là một người con gái thôn quê Bắc Bộ được trời phú cho sắc đẹp và tài hoa.
Cái nết na, nét dịu dàng, tần tảo của chị khiến người đời ngưỡng mộ, nhưng cũng nó cũng chính là nạn nhân của sự giả dối, toan tính của người đời. Hình như trong cuộc sống của chị luôn hiển hiện sự giằng xé giữa tình duyên và nặng gánh trách nhiệm. Chính sự vương vấn, lỡ dở ấy đã tạo lên sự long đong, lân đận trong cuộc đời của người con gái.
Có thể nói, xung quanh bài hát Chị tôi có rất nhiều giai thoại. Trước hết, đây là ca khúc chính thức trong bộ phim truyền hình Người Hà Nội. Chính bài hát đã tạo nên một phần thành công cho bộ phim và hỗ trợ tuyệt vời cho thông điệp mà những thước phim muốn chuyển tải.
Thế nhưng, bài hát cũng có một đời sống riêng, nhận được một tình cảm đặc biệt trong lòng công chúng.
Nói về bài hát phải kể đến nguyên liệu đầu tiên là bài thơ Cho một ngày sinh của nữ thi sĩ Đoàn Thị Tảo viết tặng chị gái của mình là nhà văn Đoàn Lê. Có lẽ nhà văn Đoàn Lê là một nguyên mẫu chân thực nhất cho nhân vật trong bài thơ.
Và bằng một tình cảm mến mộ đặc biệt, một sự đồng điệu hiếm thấy trong cảm xúc, nhạc sĩ Trọng Đài đã đem tới cho bài thơ một cuộc đời mới, một hơi thở mới, chiêm nghiệm mới. Ca khúc Chị tôi được “khai sinh” một lần nữa từ bài thơ ban đầu như thế.
Tôi cũng có một người chị gái. Thuở nhỏ tôi luôn nghĩ rằng các chị - những người con gái thật may mắn khi được trời phú cho sắc đẹp, cái nết na, ngoan hiền. Và cũng có nhiều người đàn ông yêu chị tha thiết. Tôi luôn nghĩ rằng cuộc đời chị sẽ thật sung sướng, tròn vẹn.
Nhưng khi tôi và những đứa em khác lớn lên, trưởng thành thì chị vẫn còn long đong với những mối tình không có hồi kết. Giờ chị đã lấy chồng, ở một nơi rất xa. Mỗi lần gọi điện về nhà, chị lại khóc thổn thức. Những khi ấy, tôi thấy chạnh lòng quá đỗi… Có lẽ vì thế mà tôi càng yêu, càng thấm thía ca khúc Chị tôi hơn.
Và trên mỗi nẻo đường tôi lang thang tác nghiệp, bất chợt gặp hình ảnh người con gái đang tảo tần với những công việc hàng ngày, bất chợt tôi lại thấy bâng khuâng. Tôi lại nhớ đến hình ảnh chị tôi ở một nơi xa lắc vẫn thổn thức nhớ về quê nhà.
Thời gian trôi qua mau, dòng đời hối hả khiến cho những trải nghiệm trở nên mờ nhạt. Nhưng một chút bâng khuâng, một chút hoài cảm với Chị tôi thôi cũng đủ làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn rồi.
Theo Tuanvietnam
Bài viết này hay quá!!! Cách dùng từ ngữ vừa đúng, vừa trúng lại vừa hay, cảm giác vừa chân thực lại ám ảnh da diết. Thật muốn gặp tác giả một lần, :-D.
Trả lờiXóaNhà văn Đoàn Lê: “Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”
Trả lờiXóaTags: Đoàn Lê, Đoàn Thị Tảo, Việt Nam, bức chân dung, nhà văn, tình riêng, nữ sĩ, tình người, một ngày, đa đoan, nhất, năm, viết, hai, bỏ
Nha van Doan Le Tinh rieng bo cho tinh nguoi da doan
Nhà văn Đoàn Lê (trái) và tác giả thơ Đoàn Thị Tảo.
Trong bài thơ Cho một ngày sinh viết về chị gái Đoàn Lê của mình, nhà thơ Đoàn Thị Tảo đã thốt lên: Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan. Có lẽ đó là những nét chấm phá biểu cảm nhất trong bức chân dung thơ của nữ sĩ Đoàn Lê mà cô em gái gần gũi chị nhất, thương chị nhất mới viết được.
“Thế là chị ơi/ Rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh, trời cho làm thơ…”. Mười năm qua, những câu hát từ ca khúc Chị tôi trong phim Người Hà Nội vẫn còn làm thổn thức hàng triệu trái tim khán giả truyền hình cả nước. Nhiều người bình giá rằng: bài hát trở nên nổi tiếng bởi nó được sinh ra từ một bộ phim dài tập khá hấp dẫn và ngược lại, bộ phim đọng lại được trong lòng người xem cũng chính là nhờ ca khúc Chị tôi có giai điệu và lời ca rất đẹp.
Nhưng, cho đến bây giờ, ít ai biết được rằng ca từ trong ca khúc Chị tôi đã được nhạc sĩ Trọng Đài phổ từ bài thơ Cho một ngày sinh của Đoàn Thị Tảo. Và chỉ với 10 câu thơ ngắn đầy hàm súc, nhưng tác giả đã dựng được một chân dung thơ từ nguyên mẫu một nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh khá thành danh mà người dân trong vùng Hải - tần - phòng - thủ trìu mến gọi tắt bằng hai từ “nữ sĩ”. Vâng, đó là chân dung thơ về nữ sĩ Đoàn Lê.
Vào một ngày xuân heo vắng, trong căn phòng nhỏ nép dưới giàn hoa cát đằng nơi ngõ nhỏ của phố biển Đồ Sơn, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với tác giả Đoàn Thị Tảo và hỏi về sự tích ra đời của bài thơ Cho một ngày sinh. Hóa ra, Đoàn Thị Tảo chính là em ruột của nữ sĩ Đoàn Lê. Hiện trong gia tài thơ của Đoàn Thị Tảo không chỉ có Cho một ngày sinh, mà còn ngót trăm bài thơ được chọn in trong hai tập: Lá rụng (NXB Lao động năm 1996) và Lỡ (NXB Hội Nhà văn năm 2001).
Trả lờiXóaCó tới hai tập thơ, mà toàn là thơ hay, nhưng chị Tảo vẫn nhỏ nhẹ với chúng tôi rằng: Cứ gọi mình là tác giả, chứ dùng hai từ “nhà thơ”, e to tát quá. Vậy nhưng khi nói về chị gái của mình, Đoàn Thị Tảo không ngần ngại mà nhận xét rằng: Nếu nói về tài thơ, Đoàn Lê mới là người mà tôi ngưỡng mộ.
Đúng như lời của người em gái, năm 19 tuổi, khi đang còn là sinh viên cùng khóa với Trà Giang và Lâm Tới của Trường Sân khấu - Điện ảnh, Đoàn Lê đã có bài thơ Bói hoa khá nổi tiếng. Bài thơ vừa được công bố trên báo và trên tập thơ Tình yêu của NXB Thanh niên đã được nhiều bạn trẻ chép vào sổ tay hay học thuộc. “Ngày xưa em thơ ngây/ Ngồi bói bông hồng nở/ Đoán tình yêu sau này/Vẹn tròn hay dang dở”…
Chẳng hiểu những câu thơ trên trong bài Bói hoa có là tiên cảm của một thiếu phụ tài hoa hay đó là trò chơi số mệnh của Đoàn Lê. Chỉ biết rằngnhiều câu thơ tình của Đoàn Lê đã khiến nhiều cô gái mới lớn hào hứng đón nhận và vì vậy cô em Đoàn Thị Tảo phải thốt lên trong bài Cho một ngày sinh tặng chị mình rằng: Ngày chị sinh/ Trời cho làm thơ… Nhưng trời không chỉ cho Đoàn Lê làm thơ, mà còn bắt chị “bốn mùa trăn trở” với quá nhiều ham muốn văn học nghệ thuật khác.
Trả lờiXóaNăm 1961, tốt nghiệp khóa diễn viên điện ảnh, Đoàn Lê không chỉ đóng phim, mà vì có năng khiếu hội họa, chị còn được giao thêm nhiệm vụ: trợ lý thiết kế mỹ thuật cho Hãng phim truyện Việt Nam . Hồi ấy, hầu như các cảnh phim thực hiện trong trường quay đều có nét cọ tài hoa do Đoàn Lê thể hiện theo ý tưởng của các họa sĩ Ngọc Tuân, Vĩnh Bảo và Trần Kiền. Được hỏi: “Nhà văn học vẽ ở đâu và từ bao giờ?”. Chị tủm tỉm cười và kể rằng: “Tự học là chính. Nhưng trong quá trình mày mò lại có may mắn được thụ giáo từ hai người thầy, hai họa sĩ tiền bối danh tiếng là Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên. Thương cô học trò nghèo ham học, hai họa sĩ không chỉ giảng dạy miễn phí mà thỉnh thoảng còn cho không vải toan và màu vẽ”.
Suốt hai chục năm trời, những người ở số nhà 4 phố Thụy Khuê - một trong những cái nôi của nền điện ảnh Việt Nam chỉ biết nữ diễn viên Đoàn Lê khá thành công khi đóng vai cô giáo Hồng Vân trong phim Quyển vở sang trang của đạo diễn Nguyễn Ngọc Chung, hay họa sĩ Đoàn Lê suốt ngày cặm cụi bên tấm vải cao hơn chục mét để tạo dựng phông cảnh cho phim thì đột nhiên Gienaric của phim Bình minh xôn xao xuất hiện 4 chữ: Biên kịch Đoàn Lê.
Trả lờiXóaĐoàn Lê bắt đầu khởi nghiệp biên kịch từ bộ phim đầu tay Bình minh xôn xao cũng bằng con đường tự học như khi chị dấn thân vào nghiệp vẽ. Thành công của Bình minh xôn xao khiến Đoàn Lê vững tin vào khả năng cầm bút của mình và chị tiếp tục bắt tay vào dựng kịch bản Làng Vũ Đại ngày ấy. Dẫu tác phẩm điện ảnh của chị dựa vào hồn cốt của một số truyện ngắn và cuộc đời của cố nhà văn Nam Cao, nhưng xem phim Làng Vũ Đại ngày ấy, khán giả vẫn nhận ra rằng Đoàn Lê đã thổi vào trang viết của nhà văn không khí điện điện ảnh vừa lung linh, vừa chân thực.
Từ khi phim truyền hình lên ngôi, những dòng chữ Biên kịch Đoàn Lê trở nên quen thuộc với khán giả và phim nào của chị cũng có dấu ấn rất riêng. Nhân vật trong mỗi bộ phim của chị thường là có số phận đặc biệt và thông qua họ để chị nói đến cái lẽ ăn ở trong đời và rộng hơn là quan niệm về nhân tình thế thái.
Những bộ phim như Con Vá do Đoàn Lê viết kịch bản và đạo diễn đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim toàn quốc, hay phim Chim bìm bịp cũng do chị đạo diễn giành giải cao trong một kỳ liên hoan phim khác, chính là những thông điệp điện ảnh về chuyện đối nhân xử thế mà chị muốn gửi cho đời nay và cả đời sau.
Trả lờiXóaHơn mười năm trước, khi mà thông tin đại chúng chưa bùng nổ, khi mà các trang viết về chân dung nghệ sĩ chưa được độc giả hào hứng tìm đọc như bây giờ, thú thực chúng tôi chỉ biết đến Đoàn Lê là một người của điện ảnh, chứ chưa biết về một Đoàn Lê văn học. Và đến tận ngày xuân heo vắng hôm nay, đứng bên giá sách trong thư phòng của Đoàn Lê, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm văn chương mà chính chị là tác giả.
Này là hai bộ tiểu thuyết Gia phả để lại và Lão già tâm thần; này là những tập truyện: Thành hoàng làng xổ số, Trinh tiết xóm Chùa, rồi Nghĩa địa xóm Chùa… Cuốn nào cũng dày dặn và cuốn nào cũng được các nhà xuất bản lo việc in ấn, phát hành chứ không phải từ tiền túi của chị bỏ ra. Chúng tôi biết trong số các tác phẩm của chị, tiểu thuyết Gia phả để lại, ấn hành vào năm 1990 đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải A.
Cũng vào năm 1990 ấy, nhà biên kịch Đoàn Lê được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách một nhà văn. Còn truyện Trinh tiết xóm Chùa của chị cũng được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải nhì. Năm ngoái, năm Con Gà, tập truyện Nghĩa địa xóm Chùa được dịch sang tiếng Anh và đã được độc giả thế giới đón nhận. Chỉ ngần ấy thông tin, chúng tôi nghĩ, nghiệp viết văn của chị Đoàn Lê xem như là có duyên nhất và gặt hái được nhiều mùa vui nhất.
Trả lờiXóaLàm thơ, cầm cọ vẽ, viết kịch bản, đạo điễn phim và viết tiểu thuyết, ngần ấy công việc, ngần ấy thành tựu, Đoàn Lê là một trong những nữ sĩ vừa đa tài và cũng thật đa mang. Chị “đa mang” việc của đời, việc của người, vừa là để đáp đền ơn trời đất và cha mẹ đã phú cho chút năng khiếu, vừa là để“bỏ chợ” những “mối tình riêng” chẳng mấy ngọt ngào.
Mười bảy tuổi, cô bé Đoàn Thị Lê vừa bước chân vào trường đại học đã phải lên xe hoa trong nỗi nuối tiếc tức tưởi, để mấy năm sau, vợ chồng mỗi người mỗi ngả. Rồi đến chút tình riêng thứ hai của chị cũng như cơn gió thoảng qua. Giờ đây, mỗi người mỗi phương, thương nhau đấy mà không thể nương tựa vào nhau khi chiều tà bóng xế. Vì thế khi viết đến hai câu kết của bài thơ Cho một ngày sinh, Đoàn Thị Tảo đã phải thốt lên: “Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. Chúng tôi nghĩ rằng đó là những nét chấm phá biểu cảm nhất trong bức chân dung thơ của nữ sĩ Đoàn Lê mà cô em gái gần gũi chị nhất, thương chị nhất mới viết được.
Quê nội ở Nam Trực, Nam Định, suốt thời thơ ấu, sinh sống và học hành ở quê ngoại Hải Phòng, xa nhà từ năm 1959, đến năm 1997 nhận sổ hưu, Đoàn Lê trở lại đất xưa, chọn một vùng non nước hữu tình nhất, một ngõ phố vắng vẻ nhất để dựng nhà nương náu. Nơi ấy, chị tiếp tục thỏa sức tung hoành cây bút trên trang giấy, cây cọ trên giá vẽ.
Trả lờiXóaMấy năm qua, việc vẽ tranh của Đoàn Lê lại là nguồn sống chính. Phòng tranh của chị khi đầy, khi vơi và mỗi lần vơi là mỗi lần cuộc sống của chị Lê và chị Tảo lại thêm phần dư dật. Chị kể, bức tranh Hoa bèo vẽ năm kia đã có người mua tới hơn ngàn đôla Mỹ…
Đã qua tuổi lục tuần, nhưng xem ra nữ sĩ Đoàn Lê còn dồi dào sức sống và sức sáng tạo lắm. Những dự định sáng tác còn đầy ắp trong chị. Vậy mà khi tiễn chúng tôi qua cổng có giàn hoa cát đằng rủ rím, chị vẫn bâng khuâng đọc hai câu thơ mà cô em gái vừa mới viết:
“Phố biển vào xuân heo vắng lắm
Em thơ chị thẩn ngẩn ngơ buồn…”
Không, chúng tôi nghĩ, chị buồn vì con cháu ở nơi xa không về vui Tết cùng chị, chứ cái nghiệp sáng tác, càng heo vắng, càng buồn, có khi lại càng hay..
Theo Nguyễn Hồng Lĩnh
Công bằng mà nói, người ta biết nhiều đến Đoàn Thị Tảo là qua bài thơ “Cho một ngày sinh”. Bài thơ chị viết năm 20 tuổi để tặng chị Đoàn Lê của mình, khi chị gái sinh đứa con đầu lòng, được Trọng Đài phổ nhạc.
Trả lờiXóaKhi trở thành lời bài hát “Chị tôi”, câu thứ hai nhạc sĩ chỉ có đổi một từ là: Rụng bông gạo đỏ thành Rụng bông hoa gạo để cho dễ hát trong phim “Người Hà Nội”, được chiếu quãng 1995.
Tuy nhiên, bài thơ “Cho một ngày chị sinh”, sau hai mươi năm ra đời, mới được hàng triệu người Việt Nam biết đến và thuộc lòng qua giọng hát đầy biểu cảm của ca sĩ Mỹ Linh. Chỉ có điều, không ngờ những câu thơ ấy lại ám ảnh và đeo đuổi Đoàn Thị Tảo trong cuộc sống lẻ bóng của mình suốt cả cuộc đời:
"Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”
Chính cái vận vào mình ấy mà những sự dang dở, lỡ làng đã làm nên một Đoàn Thị Tảo vừa nặng trĩu, vừa đa đoan, vừa tinh tế lại nhạy cảm đến mức một câu nói vu vơ cũng đủ khiến chị buồn. Và, cũng có lẽ vì vậy mà Đoàn Thị Tảo luôn luôn dằn vặt với chính mình:
“Mải vui để lỡ chuyến đò
Ngần ngơ trách bến, oán bờ, giận sông”
Chị tôi
Trả lờiXóaChị tôi vẫn thẫn thờ với cây nến trong tay, chưa đốt một quả pháo thăng thiên nào. Nhìn những quả pháo bằng chiếc đèn pin, khi vút lên trời chúng vỡ tỏa ra tứ phía muôn ngàn ánh sáng xanh đỏ tím vàng, chị sợ nỗi buồn của mình cũng vỡ òa ra như thế. Chị tôi khẽ thở dài.
Phương Trang Linh -
Trước hết thành thật xin lỗi nhạc sĩ Trọng Đài và nhà thơ Đoàn Thị Tảo - cha mẹ đẻ của bài hát Chị tôi nổi tiếng. Tôi cũng viết về chị tôi, người chị mà tôi vô cùng yêu quý.
Chị tôi chưa đến nỗi như người phụ nữ trong bài hát "Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan" - nhưng chị hy sinh cho tôi quá nhiều mặc dù đứa em gái của chị - là tôi - không đáng được hưởng đến thế. Song cái "Tình riêng bỏ chợ tình chị em đa đoan" của chị đáng là bài học lớn không chỉ cho riêng tôi, mà còn cho nhiều người khác nữa. Vì lẽ đó nên tôi mượn cái tên bài hát của nhạc sĩ đặt tên cho truyện ngắn này: Chị Tôi
Chị tôi giờ sống với con gái năm tuổi, nhỏ bé, dễ thương, xinh xắn, có đôi mắt buồn thăm thẳm. Anh rể tôi đã chia tay với chị. Hãy khoan nói đến sự "tan đàn xẻ nghé" của họ mà tôi cũng đóng góp một phần. Anh là người có nhân cách, dĩ nhiên anh không chịu nổi cái "giải pháp tình huống" mà chị em tôi tiến hành, cái bẫy "thân xác" mà chị em tôi giăng ra để bẫy một con mồi nặng ngót một tạ. Con mồi đó chính là chồng tôi bây giờ, bởi lẽ nếu tôi không kịp "lấy chồng" tôi phải rời nước Đức, visa nhập cảnh của tôi đã hết.
Đêm giao thừa, tôi cùng "chồng" đến thăm và đón năm mới tại nhà chị. Xin các bạn đừng vội thắc mắc tại sao tôi lại để chữ chồng trong ngoặc kép. Cuộc sống của cộng đồng Việt Nam ta bên này nhiều nỗi truân chuyên lắm, cùng dòng giống con rồng cháu tiên, cùng tập quán văn hóa, cùng nhớ đến xót xa chùm khế ngọt, cùng thích lòng lợn tiết canh và còn bao nhiêu thứ "cùng" khác... Nhưng xem ra vẫn chưa đủ làm chất kết dính cho cuộc sống vợ chồng, thành ra cuộc sống vợ chồng cứ chênh vênh như trứng để đầu gậy, huống hồ là ông chồng hộ chiếu mắt xanh mũi lõ mà tôi vừa "tậu" được này, sớm nở tối tàn biết thế nào mà lường. Theo tôi cái khái niệm vợ chồng bên này nó xa xỉ lắm, xin các bạn đừng hắt hủi, xem thường, mà hãy luôn nâng niu chăm bón để nó mãi xanh tươi.
Trả lờiXóaTôi cũng là phụ nữ bỏ chồng, có một cháu gái xấp xỉ cháu gái tôi nên tôi cũng ngấm cái nỗi đau của chị tôi. Tuy nhiên cái nỗi đau của tôi còn xa mới sánh kịp nỗi đau của chị, bởi ông chồng cũ người Việt của tôi kém văn hóa và vũ phu lắm, sự chia tay với hắn làm tôi nhẹ cả người. Hắn là thủy thủ đường sông, môi trường sông nước cộng với tính man dại bẩm sinh đã biến hắn thành kẻ thô bạo nhất trên đời. Mỗi tuần vài ba trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay đối với tôi là chuyện cơm bữa, đi thì chớ chứ về đến nhà là bài bạc, hút xách. Đã có lần vì thua bạc hắn nhẫn tâm gán tôi cho một con bạc già khú, khô đét, trong người dễ chứa đến mấy tỷ con virus HIV. May mà tôi chạy thoát được. Chúng tôi ly dị. Lạy giời, tôi thoát nợ. Và với sự giúp đỡ vô bờ bến của chị, tôi vù sang đây.
***
Trời mỗi lúc một lạnh, khung cửa sổ mọi nhà đều trang hoàng đẹp đẽ: đèn nháy, cây thông Noel, hình các con thú hươu, nai... rất vui mắt. Nhà chị trống trơn, không đèn, không hoa, ngay cả một số chi tiết trang trí tối thiểu của một gia đình có trẻ con cũng không. Chưa bao giờ tôi cảm nhận hết ý nghĩa câu Kiều của cụ Nguyễn Du bằng lúc này: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"
Trả lờiXóaCó lẽ vì buồn nên chị tôi chẳng thiết trang hoàng, sắm sửa cho lễ đón năm mới này.
Kém 5 phút thì giao thừa, chúng tôi xuống đường. Chỉ có 4 người, vợ chồng tôi và mẹ con chị. Đường phố đã đông đúc, mọi người ăn mặc ấm và đẹp, trẻ con chạy lăng xăng quanh cha mẹ. Chúng đốt những quả pháo hoa bắn tung tóe nom rất đẹp mắt, miệng không ngớt gọi: "mama, papa nhìn này". Chai lọ rỗng để chuẩn bị cắm pháo thăng thiên đã xếp thành hàng giống như những quả tên lửa đang nằm trên bệ phóng. Quả thực không khí đúng là vui như tết. Chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình như họ. Song với một thái độ hết sức khiên cưỡng, chiếu lệ, chị tôi vẫn không giấu nổi nỗi buồn, con bé con cũng không có được sự linh hoạt như những đứa trẻ con khác, mà lẽ ra lúc này cháu phải có. Tôi đọc được câu hỏi trong mắt cháu: "Papa ở đâu".
Đúng giao thừa, tiếng pháo nổ ròn rã, tiếng xoèn xoẹt của pháo thăng thiên vút lên trời, mọi người bắt tay chúc mừng nhau. Ông chồng vô tâm của tôi bất chấp tất cả, cứ ghì chặt lấy tôi nghiến ngấu, hai cánh tay cứng như hai gọng kìm. Cái khối lượng cả trăm cân ấy cứ dúi mãi vào người tôi khiến tôi nghẹt thở. Nhìn thần sắc của y lúc này, tôi biết y chỉ mong muốn những phút năm mới chết tiệt này chóng qua đi để lôi tuột tôi... về nhà. Chị tôi vẫn thẫn thờ với cây nến trong tay, chưa đốt một quả pháo thăng thiên nào. Nhìn những quả pháo bằng chiếc đèn pin, khi vút lên trời chúng vỡ tỏa ra tứ phía muôn ngàn ánh sáng xanh đỏ tím vàng, chị sợ nỗi buồn của mình cũng vỡ òa ra như thế. Chị tôi khẽ thở dài.
Trả lờiXóa0 giờ 30, thiên hạ lục tục kéo nhau vào nhà. Chồng tôi thở phào, chào chị và kéo tôi ra xe. Tôi kiên quyết chống lại và bắt y phải quay lại nhà chị. Nhìn gương mặt méo mó đến thảm hại của y, chị tôi lại lặng lẽ thở dài. Chúng tôi mở chai sâm banh rót ra ba cốc. Lúc này không biết do buồn hay buồn ngủ, cháu bé đã lên giường. Chúng tôi chúc nhau... hạnh phúc. Chị uống nhỏ nhẹ, nhấm nháp chất cay cay, bềnh bồng của rượu ngon, muốn thả mình vào cái lãng đãng, cái vô biên của hư vô để quên đi cái cay đắng, cái nhọc nhằn của kiếp người, hơn thế nữa kiếp người xa xứ. Nhìn căn phòng của chị, tivi, dàn nghe nhạc, dàn vi tính... chúng cứ lạnh lẽo thế nào ấy. Chưa có người đàn ông lý tưởng nào đến thổi cho chúng một bầu sinh khí. Họ đâu cả rồi? Hàng ngày, họ xoay quanh chị tôi như những vệ tinh địa tĩnh. Giờ này họ cũng yên vị với cái gọi là "tổ ấm" của họ, mặc dù cái sự "chồng vợ" của họ chưa chắc đã hơn gì tôi, chị tôi, bởi rõ ràng hàng ngày họ ve vãn chị tôi, và cả tôi nữa, khi có dịp. Cứ nghĩ đến cái đoạn này là tôi lộn tiết, muốn vả vỡ những cái mặt nhăn nhở của họ. Hàng ngày cái đoạn "hậu gia đình" của chị luôn nhộn nhịp. Chị tôi mới 35 tuổi, trông còn mặn mà lắm. Hơn nữa, ở cái môi trường khan hiếm phụ nữ này, chị tôi trở thành của hiếm. Nhưng giời ạ, bi kịch lại bắt đầu từ đó mà ra.
Thấy chị nom còn khả dĩ, họ bâu lại, họ giấu vợ mà đến với chị. Đủ loại sắc tộc, con cháu rồng tiên có, mắt xanh mũi lõ có. Lại cả những anh chàng lạ hoắc tận xứ sở của "Ali baba và 40 tên cướp". Họ ga lăng lắm, tế nhị lắm, họ mang đầu video đến "thu nhờ em cuốn phim rồi... để quên. Có anh chàng đồng hương, sau khi cửa mở là lao vào nhà, lôi cái điện thoại di động mới cứng trong hộp ra, lắp ráp, đưa cho chị, giọng tỉnh queo, cái giọng coi khinh vật chất nhất trên đời:
Trả lờiXóa- Em thử xem, anh vừa tạt qua Rhin 100 (trung tâm buôn bán của người VN) mua được cái này, rẻ thối, có vài chục.
Rồi cũng như mọi lần, anh ta "bỏ quên". Chị tôi nhìn những thứ đồ "bỏ quên" ấy. Chúng có một thứ "ma lực" kỳ lạ, khiến cái chất dửng dưng của chị tan ra. Chị biết tỏng, chị chán ngắt các câu ong bướm, chị cười mũi vào mấy câu pha trò vô duyên, nhưng chị lại chịu không nổi cái lực "vạn vật hấp dẫn" của các vật mà họ mang đến. Nó có "hồn" hơn những câu bờm xơm rẻ tiền của họ. Những thứ họ mang đến cho chị có kích cỡ, nội dung khác nhau. Nhưng những người mang tới thì giống nhau ở một điểm: họ cần ở chị một thứ, thứ đó tôi cũng có, những người phụ nữ khác cũng có. Tuy nhiên, tuỳ theo giá trị của người mang nó, mà nó có giá trị lớn hay bé, đắt hay rẻ. Tôi thương chị quá, là một phụ nữ bình thường, ngoài mấy thứ vật chất cụ thể kia ra, chị cũng cần một sự bình lặng trong tâm hồn, một sự cân bằng trong thân xác. Nên chị cứ lạc từ "mê hồn trận" này tới "mê hồn trận" khác, cứ mụ mị cả người mà không tìm thấy lối ra. Rốt cuộc chị cũng chỉ là một phụ nữ yếu đuối, một cánh bèo, một đám mây trôi nổi, một con thuyền không bến. Cái bến bờ xa tít tắp, tù mù ơi, mi ở đâu?
Anh rể tôi ơi, giờ anh ở đâu? Có lẽ anh cũng chán ngắt mấy sự nham nhở cùng những ngôn ngữ nhảm nhí mà anh dùng để ve vãn những người phụ nữ như chị. Bằng chính kinh nghiệm của bản thân, chất xót xa đến quặn thắt, và ánh mắt u buồn của cháu bé, tôi muốn thay chị gào lên: "Bến cũ của chị tôi ơi, xin anh hãy trở về".
Trả lờiXóa